Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học

Với đề văn mẫu lớp 11 kết nối tri thức: Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học baivan.net tổng hợp nhiều bài viết khác nhau giúp học sinh có thêm nhiều tư liệu tham khảo viết bài. Hi vọng đây sẽ là nguồn tài liệu hữu ích để các em hoàn thiện những bài tập làm văn hay. Kéo xuống để tham khảo

[toc:ul]

Bài văn mẫu 1: Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học

Trong dòng văn học ca ngợi truyền thống yêu nước xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam, "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi được đánh giá là áng "thiên cổ hùng văn", là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc, được các thế hệ người Việt luôn yêu thích, tự hào.

"Bình Ngô đại cáo" được Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết vào khoảng đầu năm 1428, khi cuộc kháng chiến chống Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn đã thắng lợi, quân Minh buộc phải ký hòa ước, rút quân về nước, nước ta bảo toàn được nền độc lập tự chủ, hòa bình. Nguyễn Trãi -62 là một anh hùng dân tộc, là người toàn tài hiếm có trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đồng thời cũng là nhà thơ trữ tình sâu sắc, nhà văn chính luận kiệt xuất, là cây đại thụ đầu tiên của văn học trung đại Việt Nam.

Tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" được Nguyễn Trãi viết theo thể cáo, một thể văn có nguồn gốc từ Trung Hoa, viết bằng chữ Hán, thuộc thể văn hùng biện chính luận, có nội dung thông báo một chính sách, một sự kiện trọng đại liên quan đến quốc gia dân tộc, công báo trước toàn dân. Nhan đề tác phẩm có ‎ ý nghĩa là bài cáo trọng đại tuyên bố về việc dẹp yên giặc Ngô-một tên gọi hàm ý khinh bỉ căm thù giặc Minh xâm lược. Bài cáo có bố cục chặt chẽ mạch lạc, viết theo lối biền ngẫu, vận dụng thể tứ lục, sử dụng hệ thống hình tượng sinh động, gợi cảm.

Bài cáo gồm bốn đoạn. Đoạn đầu nêu cao luận đề chính nghĩa của cuộc kháng chiến, đó là tư tưởng nhân nghĩa kết hợp với độc lập dân tộc: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân-Quân điếu phạt trước lo trừ bạo" và "Như nước Đại Việt ta từ trước-Vốn xưng nền văn hiến đã lâu".

Đoạn thứ hai của bài cáo đã vạch trần, tố cáo tội ác dã man của giặc Minh xâm lược. Đoạn văn là bản cáo trạng đanh thép, tố cáo giặc Minh ở các điểm: âm mưu cướp nước, chủ trương cai trị phản nhân đạo, hành động tàn sát tàn bạo. Đồng thời, đoạn văn cũng nêu bật nỗi thống khổ, khốn cùng của nhân dân, dân tộc ta dưới ách thống trị của kẻ thù: "Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn-Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"; "Dối trời, lừa dân, đủ muôn nghìn kế-Gây binh kết oán, trải hai mươi năm". Đoạn văn ngùn ngụt Ý chí căm thù giặc và thống thiết nỗi thương dân lầm than. Đoạn văn thứ ba là đoạn dài nhất của bài cáo, có Ý nghĩa như bản anh hùng ca về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đoạn văn đã tổng kết lại quá trình khởi nghĩa. Ban đầu cuộc khởi nghĩa gặp nhiều khó khăn, lương thảo, quân sĩ, người tài đều thiếu, nghĩa quân ở vào thế yếu "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần-Khi Khôi Huyện quân không một đội", "Tuấn kiệt như sao buổi sớm-Nhân tài như lá mùa thu", "lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều"…Nhưng nghĩa quân có người lãnh tụ Lê Lợi sáng suốt, bền chí, yêu nước "Ngẫm thù lớn há đội trời chung-Căm giặc nước thề không cùng sống", biết đoàn kết lòng dân "Sĩ tốt một lòng phụ tử-Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào", dùng chiến thuật phù hợp nên nghĩa quân Lam Sơn ngày một trưởng thành "Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh"và ngày càng chiến thắng giòn giã, vang dội "Đánh một trận sạch không kình ngạc-Đánh hai trận tan tác chim muông", giặc Minh thì liên tiếp thất bại, thất bại sau lại càng thảm hại hơn thất bại trước, mỗi tên tướng giặc bại trận lại có vết nhục nhã riêng: kẻ treo cổ tự vẫn, kẻ quỳ gối dâng tờ tạ tội, kẻ bị bêu đầu…Đoạn văn thứ ba của bài cáo cũng ca ngợi lòng nhân đạo, chuộng hòa bình của nhân dân, dân tộc ta, tha sống cho quân giặc đã đầu hàng, lại cấp cho chúng phương tiện, lương thảo về nước. Đoạn cuối của bài cáo đã tuyên bố trịnh trọng về việc kết thúc chiến tranh, khẳng định nền độc lập, hòa bình vững bền của đất nước, thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Bài cáo có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa yếu tố chính luận sắc bén với yếu tố văn chương truyền cảm, kết hợp giữa lí luận chặt chẽ và hình tượng nghệ thuật sinh động. Cảm hứng nổi bật xuyên suốt tác phẩm là cảm hứng anh hùng ca hào hùng sôi nổi, mãnh liệt. Giọng điệu của bài cáo rất đa dạng, khi tự hào về truyền thống văn hóa, anh hùng lâu đời của dân tộc, khi thì căm phẫn sục sôi trước tội ác của kẻ thù, khi thống thiết xót thương trước nỗi đau lầm than của nhân dân, khi lo lắng trước những khó khăn của cuộc kháng chiến, khi hào hùng ngợi ca chiến thắng, khi trịnh trọng tuyên bố độc lập của dân tộc, đất nước.

"Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi là bản anh hùng ca ca ngợi chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta thế kỉ XV. Tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn học, không chỉ lưu giữ những sự kiện lịch sử mà còn lưu truyền lòng yêu nước tự hào dân tộc đến các thế hệ người Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam ngày nay đều hào sảng trước những câu văn hùng hồn:

"Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có…"

Bài văn mẫu 2: Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học

Cùng với các thể loại truyện cổ tích, truyền thuyết, thì truyền kỳ cũng là một trong những thể loại phổ biến và được yêu thích trong văn học dân gian Việt Nam . Nội dung các thể loại này chủ yếu xoay quanh cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, ca ngợi vẻ đẹp nhân phẩm, trí tuệ của con người đồng thời khẳng định, cũng như phản ánh niềm tin của nhân dân ta về chân lý vững bền cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của tác giả Nguyễn Dữ cũng là một trong số những truyền kỳ phổ biến mang nội dung như vậy.

Tác giả Nguyễn Dữ, có người gọi là Nguyễn Dư hoặc Nguyễn Tự, chưa rõ năm sinh năm mất, sống vào khoảng đầu thế kỷ XVI, quê ở tỉnh Hải Dương. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, từng đi thi và ra làm quan một thời gian ngắn rồi lui về ở ẩn, lấy cớ là phụng dưỡng mẹ già. Ông được xem là người đã đưa khái niệm "truyền kỳ" tiến vào văn học của nước ta, mở ra một hướng đi cho thể loại này trong nền văn học trung đại Việt Nam. Về sự nghiệp sáng tác, thì đến nay người ta chỉ biết ông để lại duy nhất tác phẩm Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyền kỳ khác nhau.

Khái niệm truyền kỳ là để chỉ các tác phẩm văn xuôi trung đại có các yếu tố hoang đường kì ảo. Ở đó có sự tương giao giữa thế giới con người với cõi âm, cõi tiên với sự xuất hiện của thánh thần, ma quỷ làm tăng sức hấp dẫn của tác phẩm, đồng thời góp phần phản ánh các nội dung cốt lõi trong quan niệm của tác giả.

Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục là một tập truyện gồm có 20 truyện khác nhau được viết bằng chữ Hán chứa nhiều yếu tố hoang đường kì ảo, ra đời vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVI, được tiến sĩ Vũ Khâm Lân đánh giá là "áng thiên cổ kỳ bút" trong văn học dân tộc bởi những giá trị nhân đạo, hiện thực sâu sắc. Tác phẩm được Hà Thiện Hán viết lời tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính, và được Nguyễn Thế Nghi dịch ra bản chữ Nôm. Nội dung chính của các truyện trong Truyền Kỳ Mạn Lục là vạch trần hiện thực xã hội phong kiến đương thời thối nát, cảm thông cho số phận bi thảm của những con người nhỏ bé trong xã hội, đặc biệt là người phụ nữ. Đồng thời đề cao vẻ đẹp phẩm cách, đạo đức, trí tuệ của con người, thể hiện sự ủng hộ quan niệm "lánh đục về trong" của cách danh sĩ đường thời, cũng phản ánh ước mơ, niềm tin của nhân dân về chân lý cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Có nhận xét rất hay rằng "Qua sách Truyền kỳ mạn lục, có thể biết phần nào về tác giả. Bởi trong 20 truyện, truyện nào cũng thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức của Nguyễn Dữ. Đó là những mong muốn của ông về một xã hội mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương nhân ái giữa con người với con người."

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một trong số 20 truyện của tập Truyền kỳ mạn lục. Chuyện kể về việc tên tướng giặc bại trận họ Thôi trên đất Việt ta sau khi chết đi trở thành yêu quái, chiếm đền của Thổ thần, tác oai tác quái khiến nhân dân khổ cực, lầm than. Ngô Tử Văn, nhân vật chính của câu chuyện đã ra tay đốt ngôi đền kia, dẫn đến kết quả là chàng bị hồn ma tên tướng giặc hại chết, và bị dẫn xuống âm phủ hỏi tội. Diêm Vương nghe những lời tố cáo dối trá của tên tướng giặc định xử tội Ngô Tử Văn, nhưng may mắn nhờ có sự giúp đỡ của Thổ thần, và dựa vào bản lĩnh kiên định, bình tĩnh mạnh mẽ đấu tranh, cuối cùng chàng đã chiến thắng, vạch trần tội ác của tên tướng giặc họ Thôi. Ngô Tử Văn sống lại, trở về dương gian ít lâu thì nghe theo lời của Thổ thần, rời bỏ cõi dương đến nhậm chức phán sự đền Tản Viên, hưởng cuộc sống tiên nhân.

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên có hai nội dung chính yếu. Thứ nhất là sự kiên định chính nghĩa của nhân vật Ngô Tử Văn, thể hiện trong thái độ và cách hành động của chàng khi đốt đền của yêu quái, trong việc chàng đối mặt với lời đe dọa của tên ác thần. Thái độ bình tĩnh của chàng khi bị bắt về cõi âm ti, với sự xuất hiện của các loài quỷ nanh ác, không gian rùng rợn ghê sợ. Sự chính trực, ngay thẳng, dũng cảm của chàng còn thể hiện trong việc chàng đấu tranh, minh oan cho bản thân trước mặt Diêm Vương. Cuối cùng nhờ sự cương trực, dũng cảm, hết mình đấu tranh cho chính nghĩa chàng đã giành được chiến thắng. Mang lại sự yên ổn cho nhân dân, giải oan cho bản thân, lấy lại ngôi đền cho Thổ thần và được tiến cử chức phán sự đền Tản Viên, trở thành tiên. Kết quả đó đã khẳng định niềm tin chính nhất định sẽ thắng tà. Mặt khác nhân vật Ngô Tử Văn còn đại diện cho anh tài đất Việt giành chiến thắng trước kẻ thù xâm lược (tên tướng giặc họ Thôi vốn là tướng sĩ của quân Minh bại trận). Từ đó nêu cao tinh thần dân tộc, sự anh dũng, mạnh mẽ của nhân dân ta trong quá trình chống giặc ngoại xâm, chống lại cái ác cái xấu.

Nội dung thứ hai mà tác phẩm muốn thể hiện đó là ngụ ý phê phán sâu sắc cái ác, hồn ma tên tướng giặc lúc sống làm quân xâm lược lúc chết đi lại làm yêu quái quấy nhiễu dân lành. Từ đầu tới cuối lên mang trong mình dã tâm xâm lược, đáng phải nhận sự trừng trị, tiêu diệt. Tiếp nữa, truyện còn phản ánh sự bất công đầy rẫy trong xã hội phong kiến thối nát, thông qua chuyện tên tướng giặc hối lộ thánh thần, còn lực lượng thực thi công lý như Diêm Vương lại bị che mắt.

Về nghệ thuật, Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên có nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, mở đầu bằng tình tiết khác lạ, xây dựng cao trào truyện đầy kịch tính lô-gíc, với các nút thắt, và cách giải quyết hợp lý, làm thỏa mãn người đọc. Bên cạnh đó các yếu tố kì ảo hoang đường được đưa vào một cách khéo léo làm nổi bật chủ đề, nội dung câu chuyện, đồng thời khắc họa rõ ràng tính cách của nhân vật. Truyện còn đem đến cảm giác khách quan với sự chia sẻ quan điểm, tình cảm của người viết thông qua thái độ và hành động của nhân vật.

Bài văn mẫu 3: Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học

Nguyễn Trãi là một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Ông để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị lớn. Nếu như "Bình Ngô đại cáo" của ông mang đầy nhiệt huyết, lòng tự tôn dân tộc thì bài thơ "Cảnh ngày hè" là một bức tranh về vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.

Mở đầu bài thơ "Cảnh ngày hè" là sáu câu thơ miêu tả cảnh ngày hè:

"Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng Ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương"

Tác giả đã đón nhận cảnh ngày hè trong tư thế ung dung thoải mái nhất khi ở ẩn, lúc nhà vua không còn trọng dụng tới nữa. Bức tranh cảnh ngày hè được vẽ lên thật rực rỡ và tươi đẹp với nhiều màu sắc. Đó là màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa lựu, màu hồng của hoa sen, màu vàng lung linh của ánh nắng chiều. Tất cả hòa quyện lại với nhau. Tạo nên cảnh vật đặc trưng của mùa hè. Không chỉ cảm nhận bằng thị giác, Nguyễn Trãi còn cảm nhận cảnh vật bằng thính giác khướu giác và tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông thấy mùi hương của ao sen, thấy âm thanh "lao xao" của làng chài, "dắng dỏi" của tiếng ve. Bức tranh cảnh ngày hè đã trở nên sinh động hơn, đặc sắc hơn với âm thanh và mùi vị. Mặc dù khung cảnh mà tác giả miêu tả là cuối ngày, khi mặt trời lặn nhưng mọi vật vẫn tràn đầy sức sống với những từ ngữ "đùn đùn", "giương", "phun", "tiễn", "lao xao", "dắng dỏi". Những từ ngữ đó cũng góp phần thể hiện những điều trong lòng tác giả - ước mong được cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Nhiệt huyết đó như muốn phun ra, trào ra và lan tỏa đi khắp nơi. Trong sáu câu thơ này, tác giả đã không đi theo tính quy phạm của văn học phong kiến nữa. Ông miêu tả cảnh ngày hè với những sự vật vô cùng thân thuộc gần gũi với cuộc sống hằng ngày.

Hai câu cuối của bài thơ đã được Nguyễn Trãi gửi gắm trọn vẹn tâm tư và suy nghĩ:

"Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương"

Tuy tác giả đón nhận cảnh ngày hè với tư thế ung dung trong một ngày nhàn rỗi nhưng ông vẫn luôn suy nghĩ, lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Cảm nhận cảnh ngày hè nhưng tác giả vẫn quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. Thế nên ông nghe thấy âm thanh tấp nập, lao xao của làng chài. Ông quan tâm tới nhân dân, lo cho dân cho nước. Chính vì vậy, ông ước mong mình có cây đàn của vua Ngu Thuấn. Với cây đàn đó, Nguyễn Trãi có thể mang tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và đất nước.

Bài thơ "Cảnh ngày hè" được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật có chen hai câu thơ lục ngôn. Tuy vậy, nhà thơ lại không tuân theo bố cục: Đề - Thực - Luận - Kết của thể thơ Đường luật. Chính vì thế, bài thơ mang nét đặc sắc riêng của một nhà thơ kiết xuất của dân tộc Việt Nam. Không chỉ thế, bài thơ còn có hình ảnh hoa lựu khiến ta liên tưởng tới hai câu thơ của Nguyễn Du:

"Đầu tường hoa lựu lập lòe đơm bông"

Câu thơ của Nguyễn Du mang đậm chất tạo hình nhưng câu thơ của Nguyễn Trãi lại thể hiện được cá tính về nhiệt huyết của mình. Điều đó cho thấy rõ hơn tài năng của Nguyễn Trãi về thơ văn.

Bài thơ "Cảnh ngày hè" đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Ông là người yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước. Nhưng trên hết, ông là một người vừa có tài, vừa có tâm bởi ông luôn lo lắng cho nhân dân, cho đất nước. Ông muốn cống hiến nhiệt huyết của mình để nhân dân hạnh phúc, ấm no, đất nước giàu mạnh. Tư tưởng của Nguyễn Trãi như một bài học gửi gắm cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ước mong cống hiến cho đất nước.

Bài văn mẫu 4: Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học

Hồi trống Cổ Thành thuộc hồi thứ 28 trích trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. La Quán Trung sinh năm 1330 mất năm 1400, ông sinh ra và lớn lên trong khoảng cuối thời nhà Nguyễn đầu thời nhà Minh. Ông là người có hiểu biết sâu rộng lại chịu tác động của tư tưởng nho giáo, thế nên tính cách của ông có phần rạch ròi, yêu ghét rõ ràng. Các sáng tác của ông thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, với ông, tư tưởng trung quân ái quốc là điều tất yếu được xem trọng. Ông nhìn đời với một con mắt tinh tường và sâu sắc, chính bởi sự nhận thức đúng đắn về xã hội cũng như các vấn đề chính chính trị nhưng lại không thể tự mình thực hiện, vậy nên ông gửi gắm vào tác phẩm. Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ càng hơn về đoạn trích mang tên Hồi trống Cổ Thành.

Trước khi đến với nội dung đoạn trích, chúng ta cùng điểm qua vài nét về tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa. Tác phẩm được viết dựa trên những sự kiện lịch sử có thật diễn ra, mà nổi bật hơn hết là phản ánh sự tương tranh giữa ba tập đoàn phong kiến lớn Ngụy, Thục, Ngô. Tác phẩm này mang giá trị lịch sử và quân sự to lớn, vạch trần tội ác và sự tàn bạo của giai cấp thống trị với với con dân, đẩy họ vào bần cùng, bế tắc, do đó trong họ luôn ẩn chứa một ước mơ, khao khát về những vị vua hiền tướng giỏi, đủ sức đủ tài để có thể lãnh đạo, giải thoát họ ra khỏi cảnh áp bức, khốn cùng.

Hồi trống Cổ Thành là tên gọi do người biên soạn đặt, đoạn trích không phải toàn bộ hồi 28 mà là một phần giữa được trích ra, với hai câu thơ mở đầu:

“ Chém Sái Dương anh em hòa giải
Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên”.

Ở Tam Quốc diễn nghĩa, có rất nhiều nhân vật anh hùng song tiêu biểu phải nhắc đến Quan Công và Trương Phi, hai nhân vật này là hai nhân vật đóng vai trò trung tâm trong đoạn trích Hồi trống Cổ Thành. Đoạn trích thuật lại cuộc hội ngộ, đoàn tụ và giải quyết hiềm khích giữa hai anh em Quan Công và Trương Phi, đồng thời đề cao lòng trung nghĩa và tài năng của cả hai.

Đoạn trích được chia thành ba phần chính tương thích với ba giai đoạn, phần một là cuộc gặp mặt giữa Quan Công và Trương Phi, phần hai là diễn biến cũng là cao trào xung đột, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, tiếp nối phần hai là phần ba mâu thuẫn được giải quyết, anh em đoàn tụ.

Đoạn trích kể về cuộc chạm tráng đầy kịch tính giữa Quan Công và Trương Phi đương lúc cả hai đang xảy ra mâu thuẫn. Quan Công trên đường hộ tống hai người chị dâu đi tìm Lưu Bị cần vượt qua các cửa ải của các tướng giặc Tào, vì Tào Tháo suy tính Quan Công là người hữu dụng muốn giữ lại dùng cho sau này nên không cấp giấy phép cho Quan Công qua ải, nhưng cũng không cho người truy bắt.

Trước tình thế tiến thoái lưỡng nang, Quan Công quyết định mở cho mình một con đường máu, giết sạch các tướng giặc ở năm ải. Đến trước Cổ Thành, ông nghe ngóng được Trương Phi – người em kết nghĩa đang ở đó, ông vui mừng khôn xiết, những tưởng sẽ có cuộc đoàn viên sum họp nhưng Trương Phi vốn bản tính đa nghi, nghĩ rằng Quan Công ăn ở hai lòng đến bắt mình nộp cho Tào Tháo; mặc kệ Quan Công và hai người chị dâu phân trần, Trương Phi quyết không mở cửa thành, buông lời mắng nhiếc, phỉ báng còn dọa đánh Quan Công.

Đúng lúc đó, tướng giặc Tào là Sái Dương mang quân đến, điều này càng làm mối nghi ngờ của Trương Phi tăng thêm, không biết làm cách nào để giải thích cho em, Quan Công hứa chặt đầu Sái Dương để chứng minh mình trong sạch. Thấy Quan Công quả quyết vậy, Trương Phi đưa ra điều kiện sau ba hồi trống, Quan Công phải chặt được đầu Sái Dương thì mới tin. Trương Phi vừa đánh lên hồi trống đầu tiên, Sái Dương đã đầu rơi xuống đất, thấy vậy Trương Phi nguôi giận, cho phép Quan Công cùng hai người chị dâu vào thành; sau khi nghe cả ba phân trần, Trương Phi hiểu rõ đầu đuôi ngọn ngành mọi chuyện, rỏ nước mắt khóc, cúi lạy Quan Công.

Cổ Thành cũng chính là cửa ải thứ sáu mà Quan Công phải vượt qua, đây là cửa ải hiểm hóc nhất thử thách lòng trung nghĩa. Nếu ở năm cửa ải trước, kẻ thù được xác định trước mắt là tướng giặc, Quan Công sẽ dễ dàng đưa ra quyết định diệt trừ, dù có hiểm nguy, chông gai nhưng nó chẳng là gì so với nỗi oan mà Quan Công đang phải chịu, bởi ông là một vị chủ tướng vì thế oan tình của ông cũng có phần đặc biệt. Rõ ràng là người ngay thẳng, cương trực nhưng trước sự nghi oan của người em kết nghĩa, Quan Công phải nhún nhường để thanh minh, ông còn cầu cứu hai người chị dâu nhờ phân trần hộ mình.

Không phải Quan Công không đủ sức phá thành vượt ải, mà nói một cách chính xác hơn, Quan Công coi trọng lòng trung nghĩa, ông không thể coi người em kết nghĩa là kẻ thù cho được. Người đời gọi ông là người tuyệt nghĩa, song mấy ai hay chữ nghĩa cũng có hai mặt bao gồm trung nghĩa và tín nghĩa, trong trung nghĩa ai cũng biết đến là trung quân ái quốc, nhưng còn phần tín nghĩa với anh em, bạn bè cũng không nên xem nhẹ.

Qua đoạn trích trên tác giả muốn người đọc thấy được tài năng cũng như bản lĩnh của Quan Công, một người luôn cẩn trọng với lòng trung nghĩa tuyệt đối. Đối lập với đó là tính cách nóng nảy, hấp tấp của Trương Phi. Tác giả muốn dùng Quan Công để làm nền nhằm để tính cách Trương Phi được bộc lộ một cách rõ ràng nhất có thể. Mặc dù hai tính cách có phần đối lập nhưng xét cho cùng họ đều là những người tài, mong muốn cống hiến sức mình cho đất nước vậy nên tác giả không biểu thị thái độ phê phán hay coi thường bất kì ai mà bằng lời nói và hành động biểu thị rõ nét tính cách của họ.

“Hồi trống” gợi lên không khí chiến trận kịch tính làm nên đỉnh điểm cuộc xung đột giữa hai anh em Quan Công và Trương Phi, nhưng cùng với đó mâu thuẫn giữa Quan Công và Sái Dương cũng đồng thời được phản ánh, tuy chỉ là mâu thuẫn thứ yếu trong cuộc xung đột chính nhưng chúng ta không thể phủ nhận sự góp phần của nó giúp cao trào được đẩy lên đỉnh điểm, nó cũng chính là chiếc chìa khóa mở ra nút thắt mâu thuẫn.

Hồi trống là sự thách thức các bậc trượng phu, nó như một chướng ngại bắt buộc vượt qua để làm nên chiến tích, ở đây hồi trống chính là công cụ mà quan tòa – Trương Phi dùng để phán xét Quan Công trung thành hay phản bội, ba hồi trống là ba cơ hội dành cho Quan Công. Và ba hồi trống cũng là dấu hiệu cho sự hóa giải mọi hiềm khích giữa hai anh em, là ba hồi trống đoàn tụ gia đình.

Với lời kể hấp dẫn, lôi cuốn, đoạn trích khiến người đọc như chính tai nghe mắt thấy tất thảy sự việc diễn ra, chúng trở nên sinh động một cách lạ kỳ. Hồi trống Cổ Thành có kết cấu hoàn chỉnh như một vở kịch chính thống hơn là một câu chuyện. Thay vì tác giả chỉ ra tính cách cũng như áp đặt cho nhân vật một tính cách một hình tượng đặc trưng thì La Quán Trung lại lựa chọn để nhân vật tự bộc lộ tính cách cũng như bản lĩnh thông qua lời nói và hành động, điều này cho thấy tác giả vô cùng thông minh bởi cách này giúp nhân vật trở nên thật và có hồn hơn. Đọc qua đoạn trích tự bản thân người đọc hình dung được hai bức tượng đài sừng sững về lòng trung nghĩa; sự chân thành có ở hai anh em Quan Công và Trương Phi.

Nói về nghệ thuật chúng ta không thể bỏ qua cách tạo dựng tình huống truyện có cao trào và đầy kịch tính của tác giả. Cao trào của truyện được lồng ghép vào đó nhiều tình tiết hấp dẫn, nhất là các mâu thuẫn có mối liên hệ với nhau, chính mâu thuẫn này làm nền để bật lên mâu thuẫn kia và ngược lại, chúng tác động nhau theo nhiều cách nhưng dù ở cách nào đi chăng nữa, nhờ có chúng cao trào mới được đẩy lên một cách đỉnh điểm thỏa mãn nhu cầu người đọc. Việc chọn lựa những chi tiết đưa vào truyện cũng là một trong các yếu tố góp phần làm nên thành công của Hồi trống Cổ Thành.

Tác phẩm Hồi trống Cổ Thành trích trong hồi 28 Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thực sự là bức tranh lịch sử, bức tranh thời đại dựng nên bằng ngôn từ. Dù chủ đề được lựa chọn là chiến tranh là trận mạc, là sự tranh đấu giữa các triều đại song song đó nó vẫn hàm chứa những bài học quý báu về cách làm người. Hơn hết, nó thể hiện tư tưởng Nho giáo của người phương Đông về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, tất cả đều được bộc lộ thông qua các nhân vật. Ngoài giá trị lịch sử to lớn, tác phẩm này của La Quán Trung còn được xem là binh pháp cơ bản, là nghệ thuật đánh trận dụng binh được vận dụng trong cả thời đại ngày nay, bấy nhiêu đó đủ cho chúng ta thấy được sự tồn tại vượt thời gian cũng như sức ảnh hưởng to lớn mà tác phẩm này mang lại.

Tìm kiếm google: Văn mẫu 11 kết nối tri thức đề Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học, bài văn hay lớp 11 về Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học,những bài văn hay Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học văn mẫu 11 kết nối tri thức

Xem thêm các môn học

Văn mẫu 11 kết nối tri thức


Copyright @2024 - Designed by baivan.net