Thể thơ: Bài thơ Thuật hoài (nguyên tác) và Tỏ lòng (bản dịch thơ) đều theo thể Đường luật thất ngôn tứ tuyệt luật trắc, vần bằng.
Nhan đề: Thuật hoài, theo từ điển Từ Hải, thuật là “bày ra, bày tỏ”, hoài, có rất nhiều nghĩa như “nhớ nhung, lo nghĩ, buồn thương, ôm ấp…”. Thuật hoài được dịch là “Tỏ lòng” như trước đây là tạm ổn, cách dịch này phản ánh được tương đối nghĩa gốc của từ, nhưng chúng ta cần thuyết minh thêm ý nghĩa sâu xa, ẩn hàm giúp giáo viên và học sinh có thể tiếp cận thi phẩm tiêu biểu này tốt hơn. Thuật hoài là sự giãi bày những tâm sự, nghĩ suy, hoài bão to lớn của một võ tướng trước thời cuộc.
Bố cục bài thơ:
- Hai câu đầu: Vẻ đẹp của con người với tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao, kì vĩ, khí thế hào hùng.
- Hai câu cuối: Ước vọng, hoài bão của người tráng sĩ đời Trần.
Nội dung chính của bài thơ: miêu tả khí phách và khát vọng chiến công của người anh hùng khi tổ quốc bị xâm lăng, đồng thời cho thấy khí thế hào hùng của cả một thời. Không chỉ bày tỏ nỗi lòng của tác giả mà bài thơ còn là lời nhắc nhở đối với bậc nam nhi sống trong thời đại phải có ý cầu tiến, xả thân vì nghĩa lớn. Bài thơ hàm súc, cô đọng, hình ảnh hoành tráng có tính sử thi, là lời tâm sự của một đấng trượng phu phải có công danh sự nghiệp, phải có trách nhiệm với giang sơn, tổ quốc, phải có tiếng thơm để lại cho đời.