Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?

Với đề văn mẫu lớp 11 kết nối tri thức: Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam? baivan.net tổng hợp nhiều bài viết khác nhau giúp học sinh có thêm nhiều tư liệu tham khảo viết bài. Hi vọng đây sẽ là nguồn tài liệu hữu ích để các em hoàn thiện những bài tập làm văn hay. Kéo xuống để tham khảo

[toc:ul]

Bài văn mẫu 1: Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?

Nạn đói năm 1945 đã từng được ví là “sự hủy diệt khủng khiếp” trong lịch sử vốn đã quá nhiều đau thương, mất mát của dân tộc Việt Nam. 70 năm đã trôi qua, nhưng những nỗi đau để lại từ “sự hủy diệt khủng khiếp” ấy dường như vẫn còn đó, khôn nguôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng so sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của cuộc chiến tranh Pháp- Đức, Người viết “Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ, trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu người. Thế mà, nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ ta đã chết hơn 2 triệu người…” (Trích Hồ Chủ Tịch hô hào chống nạn đói năm 1945).

Bài văn mẫu 2: Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?

Trong ký ức người Việt Nam, "nạn đói năm Ất Dậu" vẫn là một cơn ác mộng, nỗi nhức nhối khó quên. Thảm họa ấy bắt đầu từ tháng 10/1944 kéo dài đến giữa năm 1945.

Năm 1944, Việt Nam bị mất mùa nhưng Pháp và chính quyền phong kiến vẫn phải cung cấp cho Nhật hơn 900.000 tấn gạo để nuôi chiến tranh phát xít và làm nguyên liệu để người Pháp nấu rượu, cùng thóc dùng đốt lò thay cho than đá. Hàng chục nghìn mẫu ngô bị phá, hàng triệu tấn thóc bị thu nộp. Theo thống kê, năm 1940, diện tích trồng đay là 5.000 ha nhưng đến năm 1944 đã tăng lên 45.000 ha.

Tháng 9/1944, lụt vỡ đê La Giang (Hà Tĩnh), đê sông Cả (Nghệ An) làm cho nạn đói diễn ra trầm trọng hơn.Theo những người dân trải qua nạn đói khủng khiếp ở Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) thì vụ mùa năm 1944, lúa trên các cánh đồng rộng hàng trăm mẫu đều bị "rù" (rầy phá hoại), chết trắng, chết vàng. Cả mẫu ruộng không thu nổi vài chục cân thóc mẩy.

Tháng 3/1945, nạn đói lên đến đỉnh điểm. Lũ lượt người ngược, kẻ xuôi chạy đói đến các thành phố lớn, họ bán cơ nghiệp để lấy tiền đi đường. Người dân Hà Nội khi ấy đã phát động Ngày cứu đói, lập trại tế bần phát cháo. Người sắp chết thì được đưa về trại Giáp Bát, còn người chết đói thì xác chất đầy xe bò đem đi "hất xuống hố như hất rác" tại nghĩa trang Hợp Thiện (Hai Bà Trưng).

Nhiều làng xã chết 50-80% dân số, nhiều gia đình, dòng họ chết không còn ai.. Làng Sơn Thọ, xã Thụy Anh (Thái Thụy, Thái Bình) có hơn 1.000 người thì chết đói mất 956 người. Chỉ trong 5 tháng, số người chết đói toàn tỉnh lên đến 280.000 người, chiếm 25% dân số Thái Bình khi đó. Lịch sử đảng bộ Hà Sơn Bình cũ ghi rõ: "Trong nạn đói năm 1945, khoảng 8 vạn người (gần 10% dân số trong tỉnh) chết đói, nhiều nơi xóm làng xơ xác tiêu điều, nhất là ở những nơi nghề thủ công bị đình đốn. Làng La Cả (Hoài Đức) số người chết đói hơn 2.000/4.800 dân, có 147 gia đình chết không còn một ai. Làng La Khê (Hoài Đức) có 2.100 người thì 1.200 người chết đói, bằng 57% số dân".

Bài văn mẫu 3: Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?

Năm 1945, một tai họa khủng khiếp đã xảy ra với dân tộc chúng ta: hơn 2 triệu đồng bào miền Bắc chết đói, chiếm khoảng 1/10 dân số cả nước khi ấy. Nếu chỉ tính riêng ở miền Bắc (vì miền Nam không bị đói) thì số người chết chiếm khoảng 1/6 dân số. Nỗi đau này chưa thể nguôi ngoai và hàng triệu người đang sống hôm nay cũng có thân nhân hoặc là nhân chứng trong thảm trạng đau đớn này của dân tộc.

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp không những không bảo hộ được nhân dân Việt Nam như họ vẫn thường rêu rao mà đã từng bước đầu hàng và dần dần cấu kết với phát xít Nhật để đàn áp nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”, vừa bị thực dân Pháp đàn áp, vừa bị phát xít Nhật hành hạ. Từ khi đặt chân đến Đông Dương, phát xít Nhật thi hành hàng loạt chính sách đánh vào nền kinh tế: buộc thực dân Pháp phải ký kết nhiều hiệp ước yêu cầu cung cấp lương thực, giao nộp lúa, gạo cho Nhật hàng năm; cấm vận chuyển lương thực từ Nam ra Bắc, đặc biệt là chính sách bắt dân nhổ lúa trồng đay lấy nguyên liệu phục vụ cho chiến tranh đã đẩy nhân dân Việt Nam đến nạn đói thảm khốc năm 1945.

Để chống lại cái đói, cái chết cận kề, người dân ăn từ rau dại, đến củ chuối, vỏ cây, giết cả trâu bò, chó mèo; dân chài thì ăn củ nâu, cá chết. Khi không còn gì ăn thì họ ngồi chờ chết, để người nhà mang đi chôn hoặc chết ở bờ bụi khi đi kiếm ăn. Cái chết đến từ từ, thảm khốc, dày vò cả thể xác lẫn tinh thần. Cái đói khiến cha bỏ con, chồng bỏ vợ, tình người đứt đoạn, đi xin ăn không được thì cướp giật. Ở các vùng quê, hàng nghìn hộ gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chỉ một vài người sống sót.

Bài văn mẫu 4: Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?

Nạn đói năm 1945 còn hơn cả một thảm họa kép giáng xuống một nửa đất nước Việt Nam khi đấy. Người Nhật áp đặt chính sách thu gom hầu hết thóc lúa dự trữ của nông dân miền Bắc để phục vụ cho nhu cầu quân sự của họ tại Đông Nam Á. Khoảng xấp xỉ 1 triệu tấn một năm - tương đương 1/3 sản lượng lương thực của toàn miền Bắc lúc đấy. 

Thóc lúa có đầy trong các kho đụn của quân đội Nhật, trong khi không nhà dân nào ở miền Bắc được phép dự trữ quá 1 tấn gạo, và tư nhân không được chuyên chở qua tỉnh khác quá 50kg.

Vụ mùa 1944-1945, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng mất mùa, lũ lụt, vỡ đê ở Nghệ - Tĩnh. Diện tích trồng lúa bị thu hẹp vì chính sách cưỡng bức trồng đay và cây công nghiệp của người Nhật. Dịch rầy hoành hành ở các tỉnh Nam Định, Thái Bình, thêm nạn dịch tả lây lan ở Bắc Giang, Bắc Ninh… cùng sự chậm chạp và bất lực của chính quyền đương thời trong việc điều chuyển lương thực cứu đói từ Nam ra Bắc, hệ thống giao thông tê liệt vì hỏa lực của phe Đồng Minh - ngăn quân Nhật vận chuyển quân nhu. 

Nạn đói bùng phát, cuối năm 1944, trên quy mô 32 tỉnh miền Bắc (từ Quảng Trị trở ra). Riêng ở Thái Bình, Nam Định, số người chết đói đã xấp xỉ 500.000 người, tức khoảng 25% dân số, trong đó riêng điểm Tây Lương (tỉnh Thái Bình) tỉ lệ chết đói trên tổng số dân số là 66,66% (tức 2/3). 

Chết vì không còn lúa gạo để ăn, chết trên đường đi xin, chết vì bục dạ dày do ăn cám trộn mùn cưa, chết khi vừa cầm được nắm cơm cứu tế, chết hàng loạt, và chết cả vì bội thực vì được ăn no sau quá nhiều ngày lay lắt vì đói. Hàng triệu người chết trong cảnh da bọc xương, không có cả manh chiếu lẫn một hố đất để chôn riêng. Không có một cơ hội nào để giữ gìn phẩm giá.

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, không có thời khắc nào có thể so sánh với 6 tháng kinh hoàng từ cuối năm 1944 đến giữa năm 1945. Gần 2 triệu người chết. Con số thống kê đối chiếu để thấy sự khủng khiếp của nạn đói năm 1945: số hi sinh, thương vong của miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam từ 1955-1975 cũng khoảng 2 triệu. Tức là số người thiệt mạng vì thiếu cái ăn - trong vòng 6 tháng đó tương đương số người ngã xuống do đạn bom - chinh chiến suốt 20 năm. 

Nó để lại cho cả miền Bắc một di chứng nặng nề. Nhiều gia đình, dòng họ bị suy kiệt, một thế hệ trẻ em không thể trưởng thành, những giá trị văn hóa vô hình và hữu hình bị tàn phá, và cả những ảnh hưởng lâu dài khó thể thay đổi về tâm lý phải có được một thửa ruộng riêng - điều mà giáo sư Futura Motoo đúc kết sau khi xử lý kết quả điều tra về nạn đói: "Có thể nói một cách chính xác rằng, có hơn một mẫu tư điền là đã như có một hệ thống an toàn trong suốt thời gian xảy ra nạn đói""!

Tìm kiếm google: Văn mẫu 11 kết nối tri thức đề Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?, bài văn hay lớp 11 về Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?,những bài văn hay Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam? văn mẫu 11 kết nối tri thức

Xem thêm các môn học

Văn mẫu 11 kết nối tri thức


Copyright @2024 - Designed by baivan.net