[toc:ul]
Bi kịch Vũ Như Tô khiến cho chúng ta lo lắng cho vận mệnh của những giá trị lớn của xã hội và con người. Trong tác phẩm, Vũ Như Tô từng ao ước xây một công trình kiến trúc vĩ đại độc nhất vô nhị vượt qua được tất cả các kì quan trên thế giới mà người đời thường truyền tụng. Vậy mà cuối cùng Cửu Trùng Đài bị đốt. Số phận, bí quyết trường tồn hay tử vong của các nền văn minh và các dân tộc là một chủ đề tư tưởng sâu kín của vở kịch Nguyễn Huy Tưởng và những suy ngẫm kiên trì lắng đọng từ thuở thiếu thời cho đến tận lúc qua đời của ông về số phận của dân tộc ta so với số phận các dân tộc khác cho thấy ông là một con người Việt Nam thực thụ. Bi kịch cũng nhắc nhở mỗi chúng ta một điều: Mọi ước mơ chính đáng của con người, nhất là những ước mơ càng cao thượng, càng giàu giá trị nhân văn bao nhiêu càng tiềm ẩn nguy cơ tội lỗi bấy nhiêu.
Với các lớp kịch linh hoạt, tự nhiên tác giả đã tái hiện thành công hồi kịch thứ năm. Qua hồi kịch này ông gửi gắm sự cảm thông với bi kịch của Vũ Như Tô, đồng thời đặt ra vấn đề mối quan hệ hài hòa giữa nghệ thuật và con người. Không chỉ vậy xã hội cần trân trọng, nâng niu những tài năng nghệ thuật, để họ có thể phát huy tài năng của bản thân, xây dựng sự giàu đẹp cho đất nước. Không có cái đẹp tách rời cái chân, cái thiện. Tác phẩm nghệ thuật không thể chỉ mang cái đẹp thuần túy, mà phải có mục đích phục vụ nhân dân. Người nghệ sĩ phải có hoài bão lớn, có khát vọng sáng tạo những công trình vĩ đại cho muôn đời, nhưng cũng phải biết xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa khát vọng đó với điều kiện thực tế của cuộc sống, với đòi hỏi của muôn dân.