[toc:ul]
Vào một buổi tối tháng 9/1934, tại hội quán Khai Trí Tiến Đức (nay thuộc phố Hàng Trống, Hà Nội), người dân – cả đàn ông, phụ nữ, cả người già, người trẻ – lũ lượt kéo đến nghe một người phụ nữ diễn thuyết. Nơi ấy, “ngày thường lỏng chỏng mấy bàn tổ tôm điếm, coi rộng thênh thang, hôm nay đà gấp đôi thế cũng chẳng đủ chỗ cho công chúng đứng, ngồi. Trên gác, dưới nhà, không một chỗ hở…” (Phụ nữ Tân văn số 259, 20/9/1934). Người phụ nữ ấy đã cất cao tiếng nói cổ vũ nữ quyền: “Đàn bà tân tiến là đàn bà mới, biết đi theo trào lưu xã hội, theo thời đại văn minh hiện chừ” và bà đã “xin ngang hàng với đàn ông, xin được đồng một phẩm giá làm người trong xã hội”. Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Kiêm (hay còn gọi là Nguyễn Thị Manh Manh), lúc bấy giờ chỉ mới 20 tuổi. Bấy lâu nay, chúng ta vẫn thường lầm tưởng rằng nữ quyền là một phong trào chỉ mới nhen nhóm gần đây, nhất là khi quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu Việt Nam 1920 – 1945, giới và hiện đại: những nhận thức và trải nghiệm mới của TS. Bùi Trân Phượng, thực chất phong trào nữ quyền đã diễn ra sôi nổi ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, mà trong đó bà Nguyễn Thị Kiêm là một cá nhân tiêu biểu. Dù bấy giờ chúng ta một lúc phải đối diện với hai rào cản lớn, đó là ảnh hưởng Nho giáo và chế độ Pháp thuộc áp bức tiếng nói tự do, nhưng vẫn có nhiều điều kiện để phong trào nữ quyền phát triển.
Về nữ quyền, trong buổi nói chuyện ở Hội chợ phụ nữ ngày 26/5/1932 tổ chức tại vườn Tao Đàn, bà nói: “Đối với những người như chúng tôi đây, ngu mà muốn học cho khôn, dốt mà muốn học cho giỏi, không biết mỹ thuật mà biết yêu mến mỹ thuật, không biết văn chương mà muốn cảm mến văn chương thì Nữ lưu học hội thiệt là cần ích cho chúng tôi lắm”. Tại Huế, đêm 3/5/1934, trong bài nói chuyện “Dư luận nam giới với phụ nữ tân tiến”, bà nói: “Chủ nghĩa phụ nữ là làm thế nào để giải phóng phụ nữ khỏi những lễ giáo hủ bại, binh vực quyền lợi cho phụ nữ, kiếm những cách sinh hoạt cho chị em để sự sống của mình được hoàn toàn hơn, và nâng cao trình độ trí thức của mình”. Làm vậy là bởi khi ấy vẫn còn quan niệm: “Đến thế kỷ thứ 20 đàn bà An Nam lại có nảy sanh một số người quái gở! Họ vượt ra khỏi buồng the, chẳng theo lễ giáo cũ: họ cũng đi học đi làm như đàn ông. Họ tự do đi, đứng, nói cười, ra giữa công chúng vợt banh, đá cầu, lập hội hè, đến chỗ đông mà tranh cãi”. Tại hội quán Khai Trí Tiến Đức Hà Nội tối 8/9/1934 bà nói: “Đàn bà tân tiến là đàn bà mới, biết đi theo trào lưu xã hội, theo thời đại văn minh hiện chừ” và người đàn bà ấy chỉ “xin ngang hàng với đàn ông, xin được đồng một phẩm giá làm người trong xã hội”. Buổi nói chuyện tại Hà Nội của bà được báo chí Hà Nội ghi nhận: “Tối hôm thứ bảy vừa rồi, cái lối cô Kiêm lên diễn đàn, công chúng đã ồ ạt kéo đến hội quán phố Hàng Trống như nước chảy, lũ lượt bọn năm bọn ba, ông có, bà có, trai có, gái có, đến nỗi mấy bác nhà quê đi đường ngơ ngác hỏi nhau: họ đi xem hội gì đông thế?” (báo Đông Pháp). Tờ Ngọ Báo viết: “Trong nơi diễn đàn, ngày thường lỏng chỏng mấy bàn tổ tôm điếm, coi rộng thênh thang, hôm nay đà gấp đôi thế cũng chẳng đủ chỗ cho công chúng đứng, ngồi. Trên gác, dưới nhà, không một chỗ hở...”(Phụ Nữ Tân Văn số 259 ngày 20-9-1934). Sự thành công của bà Nguyễn Thị Kiêm đã tạo ra một phong trào phụ nữ mới hết sức sôi nổi, thúc đẩy các bà tham gia nhiều hoạt động xã hội ở Sài Gòn, Hà Nội.