Soạn SBT Ngữ văn 11 Cánh diều Bài 2 Thơ văn Nguyễn Du: Đọc tiểu thanh kí

Hướng dẫn giải Bài 2 Thơ văn Nguyễn Du: Đọc tiểu thanh kí, sách bài tập Ngữ văn 11 Cánh diều tập 1. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Cánh diều" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

ĐỌC TIỂU THANH KÍ

(Độc Tiểu Thanh kí) 

(NGUYỄN DU)

Câu 1. Bài Đọc Tiểu Thanh kí viết về kiểu nhân vật nào dưới đây:

A. Người phụ nữ nghèo khổ 

B. Người phụ nữ bị áp bức, bóc lột 

C. Người phụ nữ nổi tiếng 

D. Người phụ nữ có sắc tài mà bi kịch 

Hướng dẫn trả lời:

Đáp án D. Người phụ nữ có sắc tài mà bi kịch. 

Câu 2. (Câu hỏi 1, SGK) Ngoài kết cấu đề, thực, luận, kết của thơ Đường luật, bài Đọc Tiểu Thanh kí có thể phân chia theo kết cấu hai phần (bốn câu thơ trên và bốn câu thơ dưới) được không? Vì sao?

Hướng dẫn trả lời:

Theo em, bài thơ không nên chia thành kết cấu hai phần (bốn câu thơ trên và bốn câu thơ dưới) vì sáu câu thơ đầu là sự bày tỏ của Nguyễn Du với nỗi niềm thương xót với nàng Tiểu Thanh và hai câu thơ cuối là tác giả thương xót cho số phận mình. Nếu tách rời bố cục bài thơ ra như vậy sẽ không mạch lạc và lôgic.

Câu 3. Số phận Tiểu Thanh và cảm xúc của tác giả trước số phận Tiểu Thanh được thể hiện như thế nào ở khổ thơ đầu?

Hướng dẫn trả lời:

Nguyễn Du đứng trước bài thơ của nàng Tiểu Thanh mà nức nở:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”

(Dịch: Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang,
Ta chỉ viếng nàng qua bài ký đọc trước cửa sổ mà thôi”

Hai câu thơ mở đầu nghe buồn não ruột bởi Nguyễn Du thấy sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Tây Hồ khi còn nàng Tiểu Thanh xinh đẹp, trẻ trung là một vườn hoa rực rỡ nhưng đến hiện tại chỉ còn là bãi hoang điêu tàn. Từ “tẫn” được tác giả sử dụng thể hiện mọi thứ đã bị thay đổi hoàn toàn, không còn một dấu vết nào của năm xưa. Sự thay đổi của thời gian quả thực khắc nghiệt: vườn hoa biến thành gò hoang là chứng tích của thời gian, còn cuộc đời hẩm hiu, đau khổ của nàng Tiểu Thanh cũng chỉ còn lại qua chứng tích là những trang giấy thơ văn mà thôi. Nguyễn Du đứng trước quang cảnh của thực tại, khó tránh những tiếng thở dài não ruột và liên tưởng đến thân phận của những người có tài văn chương. Sự lẻ loi, đơn độc lên đến tột cùng khi chỉ trong 1 câu thơ có tới 2 từ gồm từ “độc” và từ “nhất” xuất hiện.

Tiếp đến hai câu thực, câu chuyện về nàng Tiểu Thanh vẫn là tiền đề khơi gợi cảm xúc, lòng trắc ẩn của đại thi hào:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”

(Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương)

Bất cứ ai nghe câu chuyện về Tiểu Thanh cũng khó tránh khỏi sự tiếc thương cho cuộc đời đầy bi ai. Trước khi cảm nhận cái chết đang gần kề, Tiểu Thanh có thêu họa sĩ vẽ chân dung của mình nhưng nàng chỉ chọn được 1 bức duy nhất theo đúng ý để treo lên. Tiểu Thanh cứ nhìn bức tranh mình xinh đẹp, kiều diễm với thần thái tự tại mà khóc đến chết. Cuối cùng, chính bức tranh đó cũng bị người vợ cả đốt cùng thơ văn của nàng. Bằng cách sử dụng hình ảnh gắn liền với hồng nhan “chi phấn”, tác giả đã khéo léo nói về cuộc đời tài hoa bạc mệnh của người con gái ấy. Không chỉ vậy, Nguyễn Du còn khơi gợi ra những bất công, ngang trái trong cuộc sống đời thực, chẳng phải riêng của nàng Tiểu Thanh. Người tài hoa bị cái ác dập vùi trong đau khổ đến mức nếu son phấn có thần chắc chắn có chết cũng vẫn hận, còn văn chương dù không có số mệnh nhưng bị đốt bỏ cũng mãi vương vấn. Cái tàn nhẫn của người đời đủ khiến những vật vô tri vô giác cũng phải oán thán trời xanh.

Câu 4. Giữa hai câu thực và hai câu luận có mối tương quan như thế nào trong mạch cảm xúc của nhà thơ?

Hướng dẫn trả lời:

Hai câu thực thể hiện cảm xúc của tác giả về số phận Tiểu Thanh: “Son phấn có thần chôn vẫn hận / Văn chương không mệnh đốt còn vương”. Số phận Tiểu Thanh không chỉ là nỗi đau riêng của một người phụ nữ mà còn tiêu biểu cho những người tài hoa nhưng bi kịch trong xã hội xưa. Vì vậy, ở hai câu luận, nhà thơ bàn rộng ra nỗi hờn, nỗi oan của tài hoa, trí tuệ trong trường kì lịch sử: “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi”. Từ nỗi đau chung của những người tài hoa, Nguyễn Du cảm thấy có mình trong đó: “Cái án phong lưu khách tự mang”. Câu thơ dịch chữ “ngã” (tôi, ta) trở thành chữ “khách” đã không làm nổi bật yếu tố chủ thể (nhà thơ) nhập thân vào khách thể (số phận Tiểu Thanh). Từ cảm xúc về Tiểu Thanh ở hai câu thực, Nguyễn Du tự cảm nhận về chính mình. 

Hai câu thực và hai câu luận tạo thành cái bản lề chuyển cảm xúc của nhà thơ từ thương người, khóc người sang thương mình, khóc cho chính mình. 

Câu 5. Phân tích tâm sự của tác giả qua hai câu thơ kết. 

Hướng dẫn trả lời:

Bất tri tam bách dư niên hậu.
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(Không biết hơn ba trăm năm sau
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?)

Người xưa cho rằng, những người cùng cảnh ngộ sẽ có sự thấu hiểu và cảm thương cho nhau sâu sắc hơn bất kỳ ai. Giống như Nguyễn Du cảm thương số phận nàng Tiểu Thanh, Thúy Kiều cũng đã từng khóc than và tỏ lòng thành với nàng Đạm Tiên. Những con người đồng khí sẽ thường gặp nhau dù có cách nhau nhiều thế kỉ, họ cũng sẽ gặp nhau trong tâm tưởng, trong sự hoài niệm. Nguyễn Du dù cách Tiểu Thanh tới 300 năm, nhưng trước cuộc đời, trước số phận của nàng Nguyễn Du không tránh khỏi sự đồng cảm, lời khóc than. Và rồi, chính Nguyễn Du nghĩ đến cuộc đời của mình và tự hỏi rằng: liệu hậu thế về sau, liệu 300 năm có lẻ nữa, người đời có ai cảm thương cho số phận của ông như chính ông đã cảm thương cho số phận của nàng Tiểu Thanh hay không. Cũng từ đây, ta thấy được một nỗi cô đơn, nỗi cô độc giữa chính cuộc đời, chính thời đại chẳng thể tìm được người tri âm, tri kỷ. Với mong muốn ấy, Tố Như khát khao hậu thế về sau có thể có người trở thành tri âm của ông qua những tác phẩm ông để lại cho cuộc đời.

Câu 6. (Câu hỏi 4, SGK) Phân tích tác dụng của nghệ thuật đối trong bài thơ. 

Hướng dẫn trả lời:

Tác dụng: Sử dụng tài tình phép đối và khả năng thống nhất những hình ảnh đối lập trong hình ảnh, ngôn từ nhằm thể hiện được dòng vận động nội tâm của tác giả: thương người, đồng cảm với người rồi thương mình.

Câu 7. Bài Đọc Tiểu Thanh kí có điểm gì tương đồng với lời của Thúy Kiều nói về Đạm Tiên trong đoạn thơ sau đây:

Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa 

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu. 

Nỗi niềm tưởng đến mà đau,

Thấy người nằm đó biết sau thế nào?

(Truyện Kiều) 

Hướng dẫn trả lời:

Trong buổi du xuân, Thúy Kiều gặp nấm mồ Đạm Tiên. Qua lời em trai là Vương Quan, nàng biết được Đạm Tiên là người “Nổi danh tài sắc một thì” nhưng rồi “Phận hồng nhan quá mong manh / Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Thúy Kiều vô cùng xót xa, thương cảm cho số phận Đạm Tiên. Như vậy, có thể thấy một số điểm tương đồng giữa lời của Thúy Kiều nói về Đạm Tiên trong Truyện Kiều với bài Đọc Tiểu Thanh kí:

- Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh có phần giống Thúy Kiều đến với Đạm Tiên. 

- Cùng thể hiện niềm xót xa thương cảm trước những số phận sắc tài mà bi kịch. 

- Cùng tự thương mình và nghĩ đến mai sau: “Thấy người nằm đó biết sau thế nào?” (Truyện Kiều), “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa / Người đời ai khóc Tố Như chăng?” (Độc Tiểu Thanh kí). 

Tìm kiếm google: Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 Cánh diều , Giải SBT Ngữ văn 11 Cánh diều tập 1, Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 CD Bài 2 Thơ văn Nguyễn Du: Đọc tiểu thanh kí

Xem thêm các môn học

Giải SBT ngữ văn 11 tập 1 cánh diều

BÀI MỞ ĐẦU

BÀI 1: THƠ VÀ TRUYỆN THƠ


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com