Soạn SBT Ngữ văn 11 Cánh diều Bài 3 Truyện: Bài tập viết và nói - nghe

Hướng dẫn giải Bài 3 Truyện: Bài tập viết và nói - nghe, sách bài tập Ngữ văn 11 Cánh diều tập 1. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Cánh diều" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

II. Bài tập viết và nói - nghe   

Câu 1. Dưới đây là bài viết triển khai cho đề bài: Từ hình ảnh đồng tiền trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), em hãy bàn về đồng tiền trong cuộc sống hiện nay. 

Em hãy đọc bài viết ở cột bên trái và thực hiện yêu cầu nêu ở cột bên phải: 

(1) Nguyễn Du là tác gia lớn của nền văn học dân tộc. Và Truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Có thể nói nó đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật dưới ngòi bút của một nghệ sĩ thiên tài. Bên cạnh những thành công trong xây dựng hình tượng, thể hiện tư tưởng, Nguyễn Du đã phản ánh một cách chân thực và sống động thế lực đồng tiền bẩn thỉu, làm điêu đứng, đảo lộn cả xã hội như một cách lí giải cho những tồn tại trong xã hội xưa. 

Câu nào trong phần (1) nêu vấn đề của bài viết? 

(2a) Trước hết, đồng tiền là mục đích sống, mục đích hành động của rất nhiều hạng người trong xã hội. Vì tiền, con người sẵn sàng chà đạp lên công lí, luật pháp, đạo nghĩa, thậm chí chà đạp lên cả hạnh phúc và cuộc sống của người khác. 

Một ngày lạ thói sai nha

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền. [...]

Qua tất cả những điều đó, bản chất, bộ mặt của xã hội phong kiến đã dần dần hiện lên. Đó là xã hội phong kiến cuối thế kỉ XVIII thối nát, mục ruỗng với thể chế chính trị rối loạn, tham tàn, tầm văn hóa của con người thì thấp kém. Bởi thế, con người mới bị đồng tiền mê hoặc, quyến rũ, trở nên tha hóa, biến chất, xấu xa, nhẫn tâm và thậm chí không còn mang trái tim loài người. Cuối cùng thì vẫn là người dân yếu đuối, cô độc trong xã hội ấy gánh chịu tất cả những nỗi xót xa, thống khổ của kiếp người. 

- Đọc lướt phần (2a), (2b) và cho biết: Bài văn có mấy luận điểm?

- Ở phần (2a), người viết nêu những lí lẽ nào? Xác định các câu nêu lí lẽ. 

- Dẫn chứng ở phần (2a) được lấy từ đâu? 

(2b) Nhưng không chỉ trong xã hội phong kiến. Đồng tiền trong đời sống luôn là một vấn đề nóng hổi, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Từ thời xa xưa cho đến bây giờ, đồng tiền vẫn luôn phát huy vai trò quan trọng của nó. Tiền là tài sản vật chất có giá trị ngang với các thứ tài sản vật chất khác. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, rõ ràng đồng tiền đã bộc lộ tất cả những mặt xấu xa, thối nát của nó. [...]

Qua câu chuyện trên, có thể thấy rõ ràng chỉ khi đồng tiền là do chính bàn tay ta tạo nên thì nó mới được đặt đúng vị trí và nhìn nhận đúng giá trị của nó. Mặt khác, cũng không nên vì thấy đồng tiền quý giá mà ta phải quỵ lụy, phụ thuộc và quá mê muội trước giá trị của nó. Điều đó sẽ làm ra đánh mất đi bản thân, mất đi tự do, nhầm lẫn về những giá trị thực của cuộc sống. 

- Phần (2b) nêu những lí lẽ nào? Những câu nào nêu lí lẽ ở phần này?

- Dẫn chứng ở phần (2b) được lấy từ đâu?

- Người viết kể câu chuyện này nhằm mục đích gì? 

(3) Tóm lại, chúng ta hãy cố gắng hết mức có thể để trả lại cho đồng tiền giá trị thực của nó, đừng đổ oan cho nó. Để làm được điều ấy, chúng ta cần rèn luyện bản lĩnh, tích lũy hiểu biết, tích cực sống, tích cực làm việc để bằng nội lực của chính mình đứng cao hơn đồng tiền. 

(Bài viết của Đỗ Thu Hà, in trong Dạy và học nghị luận xã hội, Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên), NXB Giáo dục Việt Nam) 

Mục đích của phần (3) là gì?

Hướng dẫn trả lời:

(1) Câu nêu vấn đề bài viết: Bên cạnh những thành công trong xây dựng hình tượng, thể hiện tư tưởng, Nguyễn Du đã phản ánh một cách chân thực và sống động thế lực đồng tiền bẩn thỉu, làm điêu đứng, đảo lộn cả xã hội như một cách lí giải cho những tồn tại trong xã hội xưa. 

(2a)

- Bài văn có 4 luận điểm: 

+ Trước hết, đồng tiền là mục đích sống, mục đích hành động của rất nhiều hạng người trong xã hội.

+ Đồng tiền là phương tiện giải quyết mọi vấn đề, vướng mắc trong cuộc sống. 

+ Tiền là tài sản vật chất có giá trị ngang với các thứ tài sản vật chất khác. 

+ Cần biết quý trọng, biết sử dụng đúng mức để giá trị của đồng tiền được phát huy. 

- Ở phần (2a), người viết nêu ra những lí lẽ về mục đích và phương tiện của đồng tiền, từ đó phản ánh bộ mặt của xã hội phong kiến:

+ Trước hết, đồng tiền là mục đích sống, mục đích hành động của rất nhiều hạng người trong xã hội. Vì tiền, con người sẵn sàng chà đạp lên công lí, luật pháp, đạo nghĩa, thậm chí chà đạp lên cả hạnh phúc và cuộc sống của người khác. 

+ Đồng tiền là phương tiện giải quyết mọi vấn đề, vướng mắc trong cuộc sống.

+ Đó là xã hội phong kiến cuối thế kỉ XVIII thối nát, mục ruỗng với thể chế chính trị rối loạn, tham tàn, tầm văn hóa của con người thì thấp kém. 

- Dẫn chứng ở phần (2a) được lấy từ Truyện Kiều. 

(2b)

- Phần (2b) nêu những lí lẽ về vai trò quan trọng của đồng tiền; phép thử để bộc lộ bản chất của con người và biết cách trân trọng đồng tiền:

+ Từ thời xa xưa cho đến bây giờ, đồng tiền vẫn luôn phát huy vai trò quan trọng của nó.

+ Hơn nữa, nó còn là phép thử để bộc lộ bản chất, tầm văn hóa của con người. 

+ Tuy nhiên, nếu đồng tiền đó là kết quả của mồ hôi, công sức lao động, là thành quả của những cống hiến, thì ta cần biết quý trọng, biết sử dụng đúng mức để giá trị của nó được phát huy. 

- Dẫn chứng ở phần (2b) được lấy từ Truyện Kiều, từ đời sống xã hội và kinh nghiệm cá nhân. 

- Người viết kể câu chuyện này nhằm mục đích đưa ra dẫn chứng để lí lẽ của mình thuyết phục được độc giả, chia sẻ bài học, kinh nghiệm của bản thân và hướng người đọc tới cách trân trọng đồng tiền. 

(3) Mục đích của phần (3) là để tổng kết, khẳng định và rút ra bài học của bản thân về giá trị của đồng tiền: Tóm lại, chúng ta hãy cố gắng hết mức có thể để trả lại cho đồng tiền giá trị thực của nó, đừng đổ oan cho nó. Để làm được điều ấy, chúng ta cần rèn luyện bản lĩnh, tích lũy hiểu biết, tích cực sống, tích cực làm việc để bằng nội lực của chính mình đứng cao hơn đồng tiền. 

Câu 2. Để viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, em cần chú ý những gì?

Hướng dẫn trả lời:

– Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra từ tác phẩm văn học là kiểu bài nghị luận xã hội chứ không phải là kiểu bài nghị luận văn học. Khi làm bài cần tránh tình trạng làm lạc đề sang nghị luận văn học.

– Đề tài đưa ra trong đề thường là những vấn đề nổi bật trong đời sống. Chẳng hạn như về lí tưởng sống (qua nhân vật anh hùng ), vấn đề về số phận con người (qua nhân vật bất hạnh ), vấn đề về đạo đức, nhân cách, nhân phẩm (nhân vật mang tính cách điển hình )… được phản ánh trong tác phẩm văn học.

– Vấn đề xã hội có ý nghĩa có thể lấy từ hai nguồn. Thứ nhất lấy từ tác phẩm văn học đã học trong chương trình. Thứ hai, lấy từ một câu chuyện nhỏ, một văn bản văn học ngắn gọn đã học hoặc chưa được học.

Câu 3. Cho đề bài sau: 

Từ truyện “Hương cuội” (Nguyễn Tuân), em hãy bàn về một (hoặc một số) thái độ cần có của chúng ta đối với những giá trị văn hóa của dân tộc. 

a. Dựa vào mục 2. Thực hành trong SGK (trang 94), em hãy tìm ý và lập dàn ý cho đề bài trên. 

b. Chọn một ý trong dàn ý đã lập được để viết thành một đoạn văn, xác định người em “đóng vai” để viết, người đọc giả định, sử dụng cách xưng hô và giọng điệu cho phù hợp. 

Hướng dẫn trả lời:

a. 

* Mở bài: Giới thiệu truyện Hương cuội (Nguyễn Tuân) và nêu thái độ cần có của em đối với những giá trị văn hóa của dân tộc. 

* Thân bài: 

- Giải thích: giá trị văn hóa của dân tộc. 

- Những giá trị văn hóa của dân tộc được đề cập trong truyện Hương cuội của Nguyễn Tuân; ý nghĩa của những giá trị đó; thái độ của nhà văn đối với những giá trị đó. 

- Một số giá trị văn hóa nổi bật của dân tộc và ý nghĩa của chúng. 

- Thái độ cần có của chúng ta để giữ gìn và phát huy ý nghĩa của những giá trị đó trong cuộc sống hôm nay. 

* Kết bài: Khẳng định lại thái độ tích cực của nhà văn Nguyễn Tuân đối với những giá trị văn hóa của dân tộc và nhấn mạnh thái độ cần có của chúng ta ngày nay về vấn đề này. 

b. 

Văn bản là tiếng lòng thức tỉnh của nhà văn, là lời cảnh tỉnh đến người đọc về việc giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Rõ ràng một điều rằng chúng ta không thể không du nhập, nhưng làm sao để những giá trị truyền thống vẫn còn vẹn nguyên. Chúng ta được phép hòa nhập và tuyệt đối không được hòa tan. Bởi đó là cái riêng của đất nước. Sâu xa hơn, bài văn thể hiện tình yêu đất nước của tác giả. Trong thời khắc giao thoa của thời đại, vẫn còn những người ôm lấy cái mộng truyền thống, gìn giữ nó không bị mất đi.

- Khi viết bài văn nghị luận, em cần hình dung mình là ai (người viết giả định) và viết cho ai đọc (người đọc giả định). Em không phải chỉ viết với mặc định là một học sinh hướng tới thầy, cô giáo mà còn có thể “đóng vai” một người nào đó để viết (như nhà báo, phóng viên, luật sư, nhà khoa học,…) và hướng tới một đối tượng người đọc mà em hình dung, tưởng tượng (bạn bè, thầy cô, các bậc phụ huynh, quan tòa, hiệu trưởng, nguyên thủ quốc gia,…)

- Cần xác định người viết giả định và người đọc giả định vì các đối tượng giả định ấy chi phối việc xác định nội dung, cách triển khai và sử dụng ngôn ngữ, nhất là cách xưng hô của em trong bài viết.

- Từ vị trí của người viết và người đọc giả định, em sẽ lựa chọn cách xưng hô cũng như thể hiện giọng điệu cho phù hợp. Một số cặp đại từ xưng hô thường được sử dụng là: tôi - bạn/ các bạn, tôi - ông/ bà, tôi - quý ngài, tôi - ngài,…Việc sử dụng các từ ngữ xưng hô này sẽ góp phần tạo nên tính đối thoại và màu sắc biểu cảm cho bài viết.

Câu 4. Đọc lại văn bản Giăng Van-giăng (trích Những người khốn khổ - Huy-gô), xác định một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đó và viết bài văn bàn về vấn đề ấy. 

Hướng dẫn trả lời:

Tình mẫu tử là một đề tài bất tận của văn học nghệ thuật. Trong cuộc sống, điều gì cũng có thể thay đổi nhưng có lẽ tình mẫu tử là tình cảm vĩnh cửu nhất, không thể đong đếm được. Thông qua trích đoạn “Tấm lòng của mẹ” trong tác phẩm “Những người khốn khổ’ của nhà văn Vích-to Huy-gô, em càng thấy được sự sáng tỏ về tình cảm thiêng liêng đó không chỉ tồn tại trên sách truyện mà nó luôn luôn đúng với cuộc sống của chúng ta.

Hình ảnh Phăng-tin – một cô gái bị hoàn cảnh xô đẩy, hấp hối sau khi bị đuổi việc khỏi công xưởng, phải gửi gắm đứa con gái Cô-dét cho người khác nuôi. Cô có tình yêu thương con sâu sắc, nhưng hoàn cảnh xô đẩy, bị đuổi việc, chủ nợ liên tục giục giã, lâm vào đường cùng mà cô đã bất chấp làm mọi công việc, bán tất cả mọi thứ - bán tóc, bán răng và thậm chí cô bán đi cả danh dự và nhân phẩm của mình để đi làm gái điếm. Tác phẩm khắc họa lên hình ảnh người mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả để đổi lại lấy cuộc sống ấm no cho cô con gái. Qua đó, ta thấy được sức mạnh của tình mẫu tử thiêng liêng, lớn lao, hi sinh tất cả, đó là thứ tình cảm không gì có thể đánh đổi dễ dàng.

Trong cuộc sống, tình cảm thương yêu, đùm bọc, che chở,…mà người mẹ dành cho con, tình cảm ấy vừa tự nhiên vừa cao cả. Những việc làm và tình cảm mẹ dành cho con không gì có thể sánh bằng. Bởi mẹ chính là người đã chăm sóc nuôi nấng ta từng ngày, vượt qua bao nhiêu gian lao vất vả, vượt qua tất cả những khó khăn thử thách của cuộc đời là người chắp cho ta những đôi cánh ước mơ để bay đến chân trời hi vọng. Mẹ chính là nơi nương tựa vô cùng vững chãi cho mỗi đứa con sau mỗi lần vấp ngã; là nơi mỗi người con như chúng ta có thể thổ lộ mọi điều thầm kín; là hình ảnh thu nhỏ của những ước mong, những khát khao thanh bình và hạnh phúc, là nguồn động viên, là tình yêu, là cả những day dứt, dằn vặt, trăn trở, là niềm tự hào chính đáng của một con người. Từ khi sinh ra đến khi khôn lớn, trưởng thành, mẹ luôn dõi theo từng bước chân của con. Khi con vấp ngã, mẹ sẵn sàng nâng con dạy. Khi con vui hay buồn, mẹ luôn là người ở bên con, chia sẻ và động viên con. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã có câu “Con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”.

Và quả thật, nhìn lại từ xưa đến nay, có biết bao tấm lòng người mẹ làm ta thêm thổn thức. Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ câu chuyện cổ tích sự tích cây vú sữa được nghe kể ngày ấu thơ. Câu chuyện kể về đứa con hư vì bị mẹ mắng mà bỏ nhà đi, khi quay lại nhà mẹ đã mất vì thương nhớ con. Người mẹ hóa thành cây vú sữa. Lá cây một mặt xanh bóng, một mặt đỏ hoe như mắt người mẹ khóc chờ con. Hương vú sữa cũng ngọt ngào tựa dòng sữa mẹ. Thế mới thấy, mẹ sẵn sàng bao dung, vị tha trước những hành vi sai trái của con. Cũng ngược về hơn nửa thế kỉ trước là tấm gương những bà mẹ Việt Nam anh hùng tuy mất hết con ruột trong chiến trận nhưng sẵn sàng nhận và cưu mang những người chiến sĩ khác. Họ sẵn sàng dùng cái chết của bản thân để đảm bảo an toàn cho những “đứa con chiến sĩ” thoát khỏi sự truy lùng ráo riết của giặc.

Là người con trong xã hội hiện đại, chúng ta càng phải hiểu rõ trách nhiệm bản thân trước tình mẫu tử ấy. Hãy cố gắng tu dưỡng, rèn luyện để đền đáp công ơn cha mẹ: biết giúp đỡ việc gia đình, phấn đấu trong học tập, biết yêu thương người khác.

Cuộc đời của con chính là những trang nhật kí của người mẹ, nơi mẹ gửi trọn bao vui buồn, bao hi vọng. Tình mẫu tử là mạch nguồn bất tận, không bao giờ vơi cạn. Vậy nên, ai đang được sống trong niềm may mắn đó hãy biết trân trọng từng ngày.

Câu 5. Để thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học được hiệu quả, em cần chú ý những gì?

Hướng dẫn trả lời:

- Lựa chọn vấn đề thảo luận như đã gợi ý trong phần Viết ở trên.

- Tìm hiểu kĩ nội dung vấn đề cần thảo luận, tránh trường hợp không phù hợp với thời gian.

- Xác định rõ những người thảo luận với mình là ai để có cách trình bày phù hợp (có thể có người nghe giả định).

- Xác định thời lượng trình bày ý kiến của bản thân.

- Chuẩn bị dàn ý cho phần trình bày ý kiến của bản thân, tránh viết thành văn để đọc.

- Chuẩn bị các phương tiện như tranh, ảnh, video,…và máy chiếu, màn hình (nếu có).

- Các ý kiến nêu ra trong cuộc thảo luận có thể trái ngược nhau. Người nghe cần nắm được ý kiến và quan điểm của người nói; nêu được nhận xét, đánh giá về nội dung và cách thức nói; đặt câu hỏi về những điểm cần làm rõ. Người nói và người nghe cần tranh luận một cách hiệu quả và có văn hóa.

Câu 6. Trong những văn bản truyện mà em đã đọc hoặc đã học, em thấy văn bản nào đặt ra một vấn đề xã hội mà em cho là sâu sắc? Hãy tìm ý và lập dàn ý cho bài nói của em để thảo luận về vấn đề đó. 

Hướng dẫn trả lời:

1. Mở bài

Giới thiệu về đề tài cần nghị luận: Lòng yêu thương của con người trong xã hội hiện nay.

2. Thân bài

*Giải thích: Lòng yêu thương là sự quan tâm chăm sóc, che chở, lo lắng cho nhau giữa con người với con người.

*Biểu hiện:

  • Tình yêu thương được xuất phát từ trái tim, luôn yêu thương, quan tâm người khác.

  • Biết giúp đỡ, sẵn sàng chia sẻ

  • Biết hy sinh, tha thứ cho người khác.

  • Dẫn chứng chứng minh: Tình cảm gia đình, thầy trò, hàng xóm láng giềng, chung tay góp từ thiện ủng hộ…

*Ý nghĩa:

  • Mang lại hạnh phúc cho nhân loại.

  • Tình cảm giữa con người với con người ngày một bền chặt hơn.

  • Xây dựng được một xã hội văn minh, giàu tình người.

* Phản đề: Những người sống vô cảm, không biết yêu thương con người, đối xử tệ bạc với nhau.

* Liên hệ, rút ra bài học: Lòng yêu thương rất quan trọng, cần yêu thương con người nhiều hơn

3. Kết bài

Mở rộng, kết luận lại vấn đề: Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc, cần giữ gìn và phát huy.

Bài tham khảo 

Con người ta sinh ra, được sống trên đời đã là một hạnh phúc lớn. Nhưng có lẽ được sống trong lòng của người khác còn là hạnh phúc lớn hơn. Đó chính là khi có cảm giác yêu thương và được yêu thương. Nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao cũng vậy.  

Chí Phèo từng là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Vốn là người thật thà, tốt tính đi làm thuê cho nhà Bá Kiến. Thế nhưng vì sự ghen tuông vô lí của mình, Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù. Bảy, tám năm sau Chí Phèo ra tù nhưng giờ đây hắn không còn là con người như trước. Hắn tìm đến nhà Bá Kiến để trả thù. Hắn trở thành một tên lưu manh, biến chất, nó thể hiện rõ nét qua đoạn mở đầu câu chuyện “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cùng thể, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời có hề gì trời có của riêng nhà nào?. Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: “Chắc nó trừ mình ra! Không ai lên tiếng cả. Tức thật!, Ờ! thế này thì tức thật!. Tức chết đi được mất. Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn... ” 

Từ cái dáng hình đáng sợ: “trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những vết chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế, trông gớm chết... Đến cách ăn vạ thật đáng sợ: lấy mảnh chai vỡ mà cào vào mặt, vừa cào vừa lăn lộn. Từ một thằng lưu manh, chế độ phong kiến mà đại diện là Bá Kiến đã hoàn thành nốt quá trình tha hoá để biến Chí thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Cùng với những chuỗi ngày dài chìm trong men say là những ngày hẳn đã phá đi biết bao ngôi nhà, làm chảy máu và nước mắt của biết bao người lương thiện. Hắn làm tất cả những việc đó trong khi say, hắn không nhận thức được rằng mình đang trượt dài xuống vực thẳm và người ta đang lảng tránh hắn như lảng tránh một con vật đáng sợ nào đó. Cuộc đời Chí tưởng cứ thế diễn ra, tối tăm, mù mịt. Không ai có thể tin hay nghĩ rằng có thể một lần con quỷ dữ ấy lột xác trở lại thành con người. Vậy mà điều kì diệu đã xảy ra, dù ngắn ngủi, dù bất thường nhưng vẫn là một điều kì diệu vĩ đại, điều kì diệu có thể thay đổi một con người.

Thị Nở với tình yêu thương của một người đàn bà đã kéo Chí Phèo từ vực sâu của tội lỗi trở lại làm người với khát vọng lương thiện cháy bỏng. Nhiều tướng cướp hoàn lương cũng bởi vì có sự khoan hồng của pháp luật, sự yêu thương của con người trong cộng đồng. Song trong cuộc sống hiện đại ngày nay, còn có những kẻ sống lạnh lùng như một cỗ máy, vô hồn vô cảm, chỉ biết sống cho mình, luôn đố kị ganh ghét, xung đột, cướp đoạt, là mối hiểm họa lớn cho xã hội mà ta cần lên án và bài trừ.

Tình yêu thương là thứ tình cảm tốt đẹp mà con người dành cho nhau. Tình thương là những nét đẹp bình dị, trong sáng của tình người, lòng nhân hậu, sự khoan dung, cao thượng, vị tha và công lí. Đó có thể là tình cảm gia đình, tình bằng hữu, tình yêu lứa đôi, tình người nói chung. Nó có thể là thứ tình cảm vun đắp, xây dựng trong một thời gian dài nhưng cũng có thể chỉ là một niềm thương cảm chực trào dâng khi ta gặp một hoàn cảnh đáng thương nào đó. Yêu thương chính là khi ta cảm thông quan tâm giúp đỡ người có cảnh ngộ bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống. Tình yêu thương góp phần xoa dịu nỗi đau, hàn gắn vết thương, xóa bỏ hận thù.

Một xã hội ngập tràn tình yêu thương thì đó là một xã hội bình đẳng, văn minh, bác ái. Khi lòng yêu thương trở thành chuẩn mực của xã hội thì cái ác sẽ bị đẩy lùi, chiến tranh sẽ không còn và lửa hòa bình sẽ ấm áp thắp lên trong mỗi căn nhà bình dị. Nhưng dù với bất cứ biểu hiện nào thì tình yêu thương cũng luôn mang lại những điều kì diệu riêng cho cả người cho đi và nhận về nó. Bên cạnh đó, yêu thương còn là lực hấp dẫn kéo con người ta xích lại gần nhau, tạo thành khối thống nhất, gây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. 

Yêu thương đem lại hạnh phúc cho nhân loại, chỉ có yêu thương mới xoa dịu những ngăn cách giàu nghèo, những bất đồng đố kị, làm cho xã hội văn minh tươi đẹp. Vì vậy hãy dành tình thương của mình cho mọi người thật nhiều. Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi ta biết mạnh dạn cho đi, hãy đem tình thương của mình gửi đến muôn nơi như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhắn nhủ: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”.

Tìm kiếm google: Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 Cánh diều , Giải SBT Ngữ văn 11 Cánh diều tập 1, Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 CD Bài 3 Truyện: Bài tập viết và nói - nghe

Xem thêm các môn học

Giải SBT ngữ văn 11 tập 1 cánh diều

BÀI MỞ ĐẦU

BÀI 1: THƠ VÀ TRUYỆN THƠ


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com