Soạn SBT Ngữ văn 11 Cánh diều Bài 2 Thơ văn Nguyễn Du: Trao duyên

Hướng dẫn giải Bài 2 Thơ văn Nguyễn Du: Trao duyên, sách bài tập Ngữ văn 11 Cánh diều tập 1. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Cánh diều" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

TRAO DUYÊN 

(Trích Truyện Kiều) 

(NGUYỄN DU)

Câu 1. Em hiểu như thế nào về nhan đề Trao duyên?

Hướng dẫn trả lời:

Thúy Kiều nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng là do “xót tình máu mủ” (tình chị em) chứ không phải vì “lời nước non” (tình yêu), do vậy nàng chỉ có thể trao duyên cho em còn tình yêu - rất riêng và thiêng liêng - nàng không thể trao. Thúy Kiều dành chữ tình cho một người duy nhất là Kim Trọng và Kim Trọng đối với Kiều cũng vậy. Trao duyên, thực chất là Kiều nhờ Vân lấy Kim Trọng để “trả nghĩa” chứ không phải vì tình yêu. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du luôn dùng chữ duyên khi nói về quan hệ Thúy Vân - Kim Trọng và dành chữ tình để nói về tình yêu Kim - Kiều: “Duyên em dù nối chỉ hồng”, “Càng âu duyên mới, càng dào tình xưa”. 

Câu 2. Đâu là chủ đề chính của đoạn trích Trao duyên?

A. Bi kịch của lòng hiếu thảo 

B. Bi kịch tình chị em 

C. Bi kịch tình yêu tan vỡ 

D. Bi kịch bị ám ảnh bởi cái chết 

Hướng dẫn trả lời:

Đáp án C. Bi kịch tình yêu tan vỡ 

Câu 3. Thúy Kiều đã thuyết phục Thúy Vân như thế nào khi “trao duyên” để Thúy Vân thay nàng trả nghĩa cho Kim Trọng?

Hướng dẫn trả lời:

Kiều trình bày với em về hoàn cảnh của mình, về mối tình dang dở của mình với chàng Kim và mong em hãy thấu hiểu cho nỗi khổ của mình mà chấp nhận mối tơ thừa của chị. Hai người đã có những hẹn thề gắn bó dài lâu nhưng nay Kiều không giữ lời hứa đó. Bởi lẽ, nàng không thể hoàn thành cả “chữ hiếu” lẫn “chữ tình”; nên “chữ tình” này, xin gửi lại để Vân thay chị thực hiện. Từng lời nói của Kiều là nỗi đau khổ, day dứt mà nàng đang phải trải qua. Nào ai muốn nhìn thấy cha và em trai bị oan trong tù? Nào ai muốn rời bỏ người mình yêu thương khi tình cảm rất mặn nồng? Ta càng thêm thương xót cho nàng Kiều bạc mệnh.

Sợ chưa thuyết phục được em, Kiều đã dùng hết lý lẽ, sự tỉnh táo nhất của lý trí để trải lòng cùng em:

“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non”

Đúng vậy, Thúy Vân còn trẻ, còn nhiều thời gian vun đắp cho tình cảm riêng tư nên xin hãy nhận lời chị kết duyên cùng chàng Kim. Để thêm thuyết phục và Vân không thể chối từ, Kiều đã đem “tình máu mủ” ra để cầu xin Vân. “Máu chảy ruột mềm” còn gì thiêng liêng hơn tình chị em gắn bó, ruột thịt. Em hãy giúp chị thay “lời nước non” cùng chàng. Kiều cũng đã đặt mình vào địa vị của Vân, phải kết duyên cùng người mình không quen biết, mà còn là người yêu của chị mình, ta có thể cảm nhận ở đây Thúy Vân là người thiệt thòi nhất…

Tuổi của Kiều và Vân xấp xỉ nhau “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” thế nhưng đối với Kiều giờ đây, tuổi xuân của nàng đã kết thúc. Khoảng thời gian xuân xanh đẹp đẽ giữa nàng và Kim Trọng nay chỉ còn là những kỉ niệm mà không có tương lai. “Trao duyên” cho em, nghe thật kì lạ nhưng trong hoàn cảnh của Kim, Vân, Kiều thì đây là một việc không khó hiểu trong xã hội phong kiến ngày xưa. Những dòng nước mắt không thể chảy ra nhưng cứ âm ỉ, phảng phất trong từng câu, từng chữ… Nỗi đau đớn đến xé lòng nhưng vẫn phải dằn xuống, kìm nén để nói những lời trao duyên cho em. Thật đau xót thay! Chữ Tình đối với Kiều vô cùng quan trọng, thế nhưng nàng lại từ bỏ nó để làm tròn chữ Hiếu. Mất đi tình yêu đối với nàng là mất đi tất cả. Nói đến đây Kiều tưởng như cuộc đời mình đã kết thúc, không còn gì để luyến tiếc, níu giữ:

“Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”

Bản thân phải hi sinh, Kiều không đắn đo thiệt hơn, nhưng khi nhờ cậy đến em gái thì đó là một cái ơn lớn đối với nàng. Cho nên lời nhờ cậy của Kiều thật thiết tha, lời cảm tạ của Kiều thật sâu sắc, cảm động. Xét về ngôn từ thì lời nói của Kiều khẩn thiết mà vẫn đúng mực, kêu nài mà vẫn chí nghĩa chí tình. Nhờ cậy thì vịn đến tình máu mủ ruột thịt. Cảm tạ thì đề cao ơn nghĩa của Thúy Vân và nói đến sự bạc mệnh của mình. Kiều quả thật là người “sắc sảo mặn mà”.

Câu 4. (Câu hỏi 4, SGK) Việc Thúy Kiều để lại những kỉ vật của tình yêu có ý nghĩa gì? 

Hướng dẫn trả lời:

Việc Thúy Kiều để lại những kỉ vật trong tình yêu thể hiện sự giằng xé trong tâm trạng Thúy Kiều. Kiều chỉ có thể gửi gắm mối duyên dang dở cho Vân chứ không thể trao hết tình yêu mặn nồng xưa kia giữa nàng và Kim Trọng.

Câu 5. (Câu hỏi 5, SGK) Đoạn Trao duyên là lời của Thúy Kiều nói với những ai? Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều qua sự chuyển đổi lời thoại. 

Hướng dẫn trả lời:

- Đoạn Trao duyên là lời của Thúy Kiều nói với Thúy Vân, với chính mình và với Kim Trọng.

- Diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều qua sự chuyển đổi lời thoại: tâm trạng giằng xé đầy mâu thuẫn, đau đớn tột cùng khi không trọn vẹn trong tình yêu và lời thề với Kim Trọng. Trò chuyện với chính mình, Kiều đã trách thân phận, có duyên mà không có phận với chàng Kim “phận bạc như vôi” và xác định rằng cuộc đời mình sẽ là “nước chảy hoa trôi lỡ làng”.

Câu 6. Những biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng khi miêu tả nội tâm nhân vật trong đoạn trích Trao duyên?

Hướng dẫn trả lời:

- Dùng thành ngữ “nửa đường đứt gánh” để nói về tình yêu đang đẹp bất ngờ bị tan vỡ; thành ngữ “thịt nát xương mòn” để nói về lòng biết ơn. 

- Dùng ẩn dụ để nói về tình yêu tan vỡ: “trâm gãy hương tan”, “nước chảy hoa trôi”.

- Dùng cách nói giảm khi nói về cái chết để vơi bớt nỗi thương đau: “ngậm cười chín suối”, “Dạ đài cách mặt khuất lời”. 

- Sử dụng độc thoại nội tâm để miêu tả tâm trạng Thúy Kiều. 

Câu 7. Có ý kiến cho rằng với đoạn trích Trao duyên dù tình yêu Kim - Kiều tan vỡ nhưng khát vọng tình yêu của con người không mất. Hãy ghi lại những suy nghĩ của em về ý kiến này. 

Hướng dẫn trả lời:

- Ở đoạn trích Trao duyên, tình yêu Kim - Kiều, một tình yêu cụ thể thì tan vỡ. 

- Khát vọng tình yêu của con người không mất:

+ Trong bi kịch tột cùng của tình yêu tan vỡ, tưởng như Thúy Kiều sẽ buông tay trước số phận, duyên phận: “Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”, nhưng thực tế nàng vẫn không từ bỏ tình yêu, vẫn hướng về Kim Trọng (thể hiện tập trung ở hai câu kết).

+ Trong mười lăm năm lưu lạc “Hết nạn nọ đến nạn kia / Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, Thúy Kiều cũng không bao giờ từ bỏ khát vọng tình yêu. Tấm lòng nàng luôn nhớ và hướng về Kim Trọng. 

- Sự quyện hòa giữa niềm thương cảm trước bi kịch tình yêu tan vỡ và sự đồng cảm, khẳng định khát vọng tình yêu của con người đã làm nên ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong chủ đề tình yêu của kiệt tác Truyện Kiều. 

Tìm kiếm google: Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 Cánh diều , Giải SBT Ngữ văn 11 Cánh diều tập 1, Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 CD Bài 2 Thơ văn Nguyễn Du: Trao duyên

Xem thêm các môn học

Giải SBT ngữ văn 11 tập 1 cánh diều

BÀI MỞ ĐẦU

BÀI 1: THƠ VÀ TRUYỆN THƠ


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com