Mở đầu bài chiếu Lý Thái Tổ đưa các dẫn chứng “nhà Thương đến vưa Bàn Canh năm lần dời đô”, “nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô”, nhằm khẳng định việc dời đô vốn đã xuất hiện từ xa xưa, không phải chỉ riêng mình nước ta mới có, không phải do ông thích mà “tự tiện chuyển dời”. Để khẳng định việc dời đô là hoàn toàn đúng đắn Lý Công Uẩn tiếp tục đưa ra hàng loạt các mục đích cùng với lợi ích mà việc dời đô về Đại La đem lại. Lý do dời đô là để “mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu” chứ không vì tư lợi, hay hứng thú nhất thời. Lý Thái Tổ khéo léo dựa vào thiên mệnh “trên vâng mệnh trời”, sau là trưng cầu ý dân, nếu thuận lòng cả hai thì mới thay đổi để “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”. Ông chỉ ra rằng hai nhà Đinh, Lê vì “khinh thường mệnh trời”, không noi theo “dấu cũ” của hai nhà Thương, Chu nên mới có kết quả là vận nước ngắn ngủi, gây hao phí, nhân dân không được an cư lạc nghiệp. Hơn thế nữa cũng nói lên rằng thế lực hai nhà Đinh, Lê không đủ mạnh phải dựa vào địa hình đồi núi hiểm trở, nhưng nay nhà Lý thế nước đã lớn mạnh, Hoa Lư không còn thích hợp làm kinh đô nữa