Qua đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga", nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã khắc hoạ khá đầy đủ chân dung người anh hùng lí tưởng. Lục Vân Tiên là con người nghĩa hiệp mà hành động một mình với chiếc gậy thô sơ, đã đánh tan bọn cướp Phong Lai là một minh chứng. Hình ảnh Lục Vân Tiên sống mãi trong lòng người dân Việt Nam qua các thế hệ như một tấm gương về tính cách nghĩa hiệp của chàng.
Nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong "Truyện Lục Vân Tiên" để lại cho mỗi chúng ta nhiều ấn tượng sâu sắc. Trước hết, chân dung Kiều Nguyệt Nga là một cô gái thùy mị, nết na. Trong lần chịu ân Vân Tiên, Nguyệt Nga với cách xưng hô đầy khiêm nhường giúp ta hiểu được niềm cảm kích của nàng với người đã cứu giúp mình. Cách cư xử của nàng với Vân Tiên còn cho thấy đây là cô gái rất có trước có sau khi cố gắng tìm cách trả ơn. Và dẫu cho Vân Tiên hết mực chối từ nàng vẫn kiên quyết bày tỏ tình cảm, một lòng một dạ với Vân Tiên. Vẻ đẹp của nàng còn được minh chứng rõ nét hơn cả qua việc chờ đợi, kiếm tìm tình yêu. Dù chưa hề được một lời hẹn ước, nàng vẫn coi mình là vợ Vân Tiên, thề nguyện chung thủy trăm năm. Nàng giữ trọn chữ trinh đến cùng bằng cách ôm bức hình Vân Tiên mà tự trẫm chứ không để bị nhơ nhớp trước giặc Phiên. Tình yêu và sự chung thủy của Nguyệt Nga đã thể hiện tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của người phụ nữ Nam Bộ khi dám sống hết mình với điều mình trọn, dám vượt qua mọi khó khăn để giữ gìn tình nghĩa. Nàng đã trở thành biểu tượng thật đẹp cho người phụ nữ phong kiến với tam tòng tứ đức, vợ hiền dâu thảo, mang vẻ đẹp trung hậu, kiên trinh, thủy chung hết mực.