Soạn SBT Ngữ văn 11 Cánh diều Bài 1 Thơ và truyện thơ: Bài tập viết và nói - nghe

Hướng dẫn giải Bài 1 Thơ và truyện thơ: Bài tập viết và nói - nghe , sách bài tập Ngữ văn 11 Cánh diều tập 1. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Cánh diều" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

III. Bài tập viết và nói - nghe 

Câu 1. Kiểu bài nghị luận về một vấn đề xã hội thường có các dạng cụ thể nào? Cho ví dụ về mỗi dạng đó. 

Hướng dẫn trả lời:

  • Dạng 1: Nghị luận về một hiện tượng đời sống

Là dạng đề cập tới các hiện tượng phổ biến trong cuộc sống, các hiện tượng đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực nhưng nó trực tiếp ảnh hưởng và thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hiện nay.

Đề tài thường hướng tới như: an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, ô nhiễm môi trường, trung thực trong thi cử, nạn vứt rác bừa bãi, hiến máu nhân đạo, nghiện game, nghiện internet, lối sống ảo, lối học hình thức đối phó…

Các bước tiến hành theo cấu trúc sau:

– Khái niệm hiện tượng (hiện tượng đó là gì?)

– Thực trạng của hiện tượng (biểu hiện cụ thể, cái mặt tích cực, tiêu cực của hiện tượng)

– Hậu quả, tác hại của hại của hiện tượng đó (nếu là hiện tượng tiêu cực)

– Nguyên nhân của việc xảy ra hiện tượng đó là gì?

– Biện pháp khắc phục, xử lí như thế nào?

– Liên hệ bản thân.

  • Dạng 2: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí

Đây là dạng đề nói về một tư tưởng đạo lí, triết lí nhân văn, câu nói mang tính nhận thức, mối quan hệ về gia đình, xã hội, một số tính cách thể hiện các phẩm chất của con người .

Đề tài hướng tới: Lí tưởng sống của thanh niên hiện nay, mục đích sống và học tập, các đức tính của con người: tính trung thực, lòng khiêm tốn, lòng bao dung, đức tính kiên trì, ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống, các mối quan hệ gia đình: tình mẫu tử, chữ hiếu,sự vô tâm thờ ơ của cha mẹ đối với con cái, vô cảm, mối quan hệ của xã hội: tình bạn, tình yêu quê hương đất nước, đạo lí: ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn….

Các bước tiến hành theo cấu trúc sau:

– Khái niệm tư tưởng, đạo lí đó là gì?

– Phân tích, chứng minh bình luận các mặt đúng sai của tư tưởng, đạo lí đó, lấy các ví dụ cụ thể để chứng minh.

– Bài học nhận thức và liên hệ bản thân.

  • Dạng 3: Nghị luận về một số vấn đề xã hội được rút ra từ trong tác phẩm văn học nghệ thuật

Đây là dạng nói về một vấn đề xã hội, một triết lí nhân văn sâu sắc nào đó được rút ra từ trong tác phẩm văn học nghệ thuật. Vấn đề xã hội này có thể học sinh đã được học ở trong chương trình sách giáo khoa của mình hoặc trích trong các mẫu báo, tài liệu khoa học nào đó.

Đề tài hướng tới: Các vấn đề xã hội sâu sắc, nhân văn từ trong tác phẩm văn học như: Lòng yêu nước, mục đích sống, trách nhiệm của thanh niên trong xã hội hiện nay, ý chí nghị lực trong cuộc sống, đức tính khiêm tốn, lí tưởng sống…

Các bước được tiến hành theo cấu trúc sau:

– Bước 1: Tóm tắt, giải thích, nêu nội dung chính của vấn đề xã hội đặt ra.

– Bước 2: Nghị luận xã hội, tiến hành các thao tác nghị luận xã hội bình thường tùy thuộc xem đó là tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng đời sống.

Câu 2. Để viết bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí, các em cần chú ý những yêu cầu gì? 

Hướng dẫn trả lời:

  • Trước hết hãy cắt nghĩa các từ khóa, từ then chốt theo ý hiểu của bạn. Giải thích ý nghĩa của câu nói đó.

  • Khẳng định câu nói đó là đúng, sai hay chưa hoàn toàn đúng. Phân tích câu nói, thường dùng lời lẽ và lật lại vấn đề.

  • Lấy ví dụ, phân tích ví dụ để chứng minh ý nghĩa của câu nói (ví dụ về một ai đó nổi tiếng, có những đóng góp lớn).

  • Liên hệ với bản thân bạn.

  • Rút ra bài học cho bản thân và mọi người. Phê phán những người đi ngược lại với chân lý của tư tưởng đạo đức đó.

Câu 3. Dựa vào gợi ý về cách thức đã nêu ở ý b. Tìm ý và lập dàn ý của đề văn “Suy nghĩ về câu cách ngôn: “Cứ hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả sau lưng bạn.”, hãy chọn viết: a. Mở bài hoặc kết bài; b. Câu chuyển đoạn giữa luận điểm giải thích và phân tích trong phần thân bài. 

Hướng dẫn trả lời:

I. MỞ BÀI

Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Trích dẫn câu danh ngôn “Hãy hướng về phía mặt trời bóng tối sẽ ngả về sau bạn”.

Ví dụ:

Một khi trái đất vẫn quay, mặt trời vẫn tỏa nắng, thì mỗi ngày là một cơ hội mới cho chúng ta. Con đường ngắn nhất để thoát khỏi gian nan là đi xuyên qua nó và bạn sẽ thấy mình ở một bậc cao hơn sau mỗi lần vượt qua được nghịch cảnh. Những lúc ấy, bạn đừng quên câu danh ngôn “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau bạn”.

II. THÂN BÀI

1. Giải thích:

Mặt trời: tượng trưng cho sự sống, ánh sáng mang một vẻ đẹp rực rỡ, ấm áp, hạnh phúc.
Hướng về phía mặt trời: hướng về sự sống tràn ngập niềm vui, ánh sáng, nơi tồn tại những điều tốt đẹp.

Bóng tối sẽ ngả về sau lưng bạn: miêu tả một sự thật hiển nhiên rằng khi bạn hướng mình về phía ánh mặt trời thì bóng của bạn sẽ ngả về sau. Điều đó ngụ ý rằng, khi bạn suy nghĩ và hướng mình tới những điều tốt đẹp, thì những u ám, xấu xa, khó khăn hay thời kỳ tăm tối kia sẽ bị đẩy lùi, quên lãng và chìm vào quá khứ.

⇒ Đây là lời khuyên mọi người nên có một thái độ sống tích cực, một cái nhìn lạc quan, niềm tin vào tương lai, biết hy vọng và tạo cho mình hy vọng.

2. Bàn luận:

Mỗi chúng ta luôn mong muốn cuộc sống tốt đẹp, trọn vẹn. Chúng ta có lý tưởng, có ước mơ, hoài bão… về một gia đình êm ấm, một công việc thích hợp, một mức lương khá khẩm hay là một tình yêu sâu sắc, những người bạn chân thành.

Thế nhưng cuộc sống không là một đường thẳng tắp. Trong cuộc đời mỗi người hẳn phải đi qua những khúc quẹo, những thăng trầm, va vấp. Có đôi lúc, chúng ta tưởng chừng như cả thế giới đã quay lưng lại với chính mình, mọi thứ tồi tệ đến mức bạn không tìm được một điều gì để bám víu. Bạn thấy mình vô cùng cô đơn.

Tuy nhiên, nếu bạn đủ mạnh mẽ và dũng khí để “đi xuyên qua nó”, bạn sẽ thấy cuộc sống luôn là một bữa tiệc dành riêng cho những người mạnh mẽ. Bạn đủ dũng khí để đối diện, đủ mạnh để đương đầu. Khi bạn suy nghĩ lạc quan hơn, tích cực hơn, bạn hướng mình về những điều tốt đẹp, bạn có động lực, mục đích cũng như là sự phấn chấn, cùng niềm tin mãnh liệt, đẩy lùi sự sợ hãi, tuyệt vọng…

- Dẫn chứng

  • Tôi biết một Donald Trump – một nhà tỷ phú nổi tiếng từng phá sản bốn lần. Thế nhưng, ông đã thành công khi vực dậy công ty mình dẫu có lúc tưởng chừng như vô vọng. Nếu không hướng về những điều tích cực, khát khao, ước mơ tốt đẹp mà chỉ trượt dài trong nỗi thất vọng, thì liệu ông có thành công gây dựng lại sự nghiệp của chính mình?

  • Chị Phạm Thị Huệ – anh hùng Châu Á – một trong những người bị nhiễm HIV dám công khai thân phận của mình. Với dũng khí và một nghị lực mạnh mẽ, ý chí kiên định cùng sự lạc quan, chị Huệ luôn hướng về phía mặt trời – nơi tồn tại những hoài bão cao đẹp và tươi sáng nhất. Người phụ nữ được tạp chí Time của Mỹ bình chọn là “anh hùng Châu Á” này khiến mọi người phải cảm thấy cảm phục trước tinh thần lạc quan của chị. Sự lạc quan của vị “anh hùng” này không chỉ giúp chị đẩy lùi bóng tối đeo bám mình mà còn tiếp sức, soi sáng cho nhiều hoàn cảnh khác cùng cảnh ngộ…

3. Bàn luận mở rộng

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người ta dễ bị cuốn vào guồng quay vội vã, tất bật và việc bị áp lực đè nặng là không thể tránh khỏi. Vậy nên, thay vì lạc quan và tìm cách vượt qua, một số người vẫn chưa đủ sức để kiểm soát cảm xúc của chính mình. Họ sống những ngày dài trong trạng thái tiêu cực, luôn tự trách hay lo lắng hằng đêm, khiến cho cuộc sống chìm trong bầu không khí căng thẳng, u ám và tối tăm. Họ quên rằng khi “hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau”. Vì thế, họ đánh mất đi những ngày hạnh phúc và cơ hội để vượt lên một tầm cao mới.

4. Bài học nhận thức và hành động

Câu danh ngôn là một hành trang cần thiết cho mỗi chúng ta, là một lời khuyên đúng đắn phải luôn lạc quan và tin tưởng.

Chúng ta cần suy nghĩ lạc quan hơn, sống tích cực và trân trọng từng giây phút được sống, nhất là tuổi trẻ. Mỗi chúng ta cần rèn luyện cho mình một “tinh thần thép”, cố gắng vượt qua những giới hạn. Mỗi người đều cần có ước mơ, hoài bão, lý tưởng sống đúng đắn và kiên định theo đuổi, làm động lực để vượt qua gian nan, thử thách.

III. KẾT BÀI

  • Tổng kết lại ý nghĩa và sự đúng đắn của câu danh ngôn.

  • Liên hệ bài học cho bản thân.

a. 

- Mở bài: “Cõi đời hôn lên hồn tôi nỗi đau thương / Và đòi hỏi tôi đáp lại bằng lời ca tiếng hát”

Đúng như vậy! Trong cuộc sống của mỗi con người ai cũng phải đối mặt với những khó khăn, thử thách. Không một ai cuộc sống lại trải toàn hoa hồng, thảm nhung. Chính vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải biết đứng lên, biết vượt qua khó khăn, thử thách để hướng đến tương lai. Bàn về điều này đã có ý kiến cho rằng: “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng bạn”.

- Kết bài: “Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng bạn”. Càng đọc ý kiến trên, ta càng rút ra được một phương châm sống tốt đẹp, có ích cho chính mình. Hãy hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nơi đó ta sẽ tìm thấy sự thành công, sự tươi sáng, đẹp đẽ của chính mình.

b. Trong cuộc sống của mỗi con người không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ dải hoa hồng, cuộc sống là một trường tranh đấu, một đường chạy đua.

Câu 4. Khi trình bày và nghe trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một tư tưởng đạo lí trước lớp, người nói và người nghe cần chú ý những gì (về nội dung và hình thức trình bày)?

Hướng dẫn trả lời:

Để trình bày ý kiến của mình một cách hiệu quả, các em cần chú ý:

- Nắm vững mục đích, đối tượng người nghe và nội dung cần trình bày.

- Biết cách trình bày: cách nói, cách kết hợp, sử dụng sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ và các yếu tố phi ngôn ngữ,…

- Có thái độ thân thiện, tôn trọng người nghe.

Câu 5. Trong kiểm tra và chỉnh sửa việc nói - nghe bài trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một tư tưởng, đạo lí, người nói và người nghe cần chú ý những gì ? 

Hướng dẫn trả lời:

Người nói

Người nghe

Rút kinh nghiệm về bài trình bày:

+ Đã trình bày đầy đủ các nội dung chuẩn bị trong dàn ý chưa?

+ Cách thức trình bày, phong cách, thái độ, giọng điệu, ngôn ngữ,…có phù hợp không?

+ Các phương tiện hỗ trợ có hiệu quả như thế nào?

- Tự đánh giá:

+ Điều em hài lòng về bài trình bày của mình là gì?

+ Điều gì em muốn thay đổi trong bài trình bày đó?

- Kiểm tra kết quả nghe và ghi chép các nội dung thông tin đã chính xác chưa, thu hoạch được những gì,…

- Nêu nhận xét về nội dung, hình thức bài trình bày.

- Đánh giá:

+ Bài trình bày của người nói có ưu điểm và hạn chế nào rõ nhất?

+ Em rút ra được gì từ bài trình bày của người nói?

Tìm kiếm google: Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 Cánh diều , Giải SBT Ngữ văn 11 Cánh diều tập 1, Soạn sách bài tập Ngữ văn 11 CD Bài 1 Thơ và truyện thơ: Bài tập viết và nói - nghe

Xem thêm các môn học

Giải SBT ngữ văn 11 tập 1 cánh diều

BÀI MỞ ĐẦU

BÀI 1: THƠ VÀ TRUYỆN THƠ


Copyright @2024 - Designed by baivan.net