Đoạn kết tác giả đã vạch rõ ranh giới giữa 2 con đường: "Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư Yếu Lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù."
Để động viên tới mức cao nhất tinh thần của tướng sĩ, bên cạnh việc nêu gương sáng của các trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước trong sử sách, bày tỏ nỗi lòng của mình, Trần Quốc Tuấn còn khéo khích lệ tướng sĩ. Đầu tiên ông nhắc lại mối ân tình của mình với tướng sĩ, ông như muốn nhắc nhở họ: ta đôi với các ngươi như vậy sao các ngươi lại thờ ơ, bàng quang đến vô ơn bội nghĩa: thấy chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn... nghe nhạc thái thường để đãi yến mà không biết căm. Đồng thời ông còn chỉ ra cho họ thấy nỗi nhục của chính bản thân họ: làm tướng triều đình mà phải hầu quân giặc mà không biết tức. Trần Quốc Tuấn đã thẳng thắn và nghiêm khắc phê phán thái độ bàng quan thờ ơ, sự ham chơi hưởng lạc của các tướng sĩ, từ những thú vui tầm thường vô bổ: đánh bạc, chọi gà, thích rượu ngon, ... đến sự vun vén cá nhân ích kỉ: làm giàu, quyến luyến vợ con.