Giải chi tiết Sinh học 11 Cánh diều mới bài 9: Miễn dịch ở người và động vật

Giải bài 9: Miễn dịch ở người và động vật sách sinh học 11 cánh diều. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

MỞ ĐẦU

Cơ chế nào giúp cơ thể chống lại bệnh? Chúng ta nên làm gì để tăng cường khả năng phòng chống bệnh của cơ thể?

Hướng dẫn trả lời:

Cơ chế giúp cơ thể chống lại bệnh là cơ chế miễn dịch: Miễn dịch là cơ chế bảo vệ đặc hiệu của cơ thể có chức năng ngăn chặn, nhận biết và loại bỏ những thành phần bị hư hỏng hoặc các tác nhân gây bệnh, nhờ đó mà cơ thể ít bị bệnh.

Một số biện pháp có thể làm để tăng cường khả năng phòng chống bệnh của cơ thể:

+ Ngủ đủ giấc.
+ Có chế độ ăn uống khoa học: tăng cường chất xơ, ăn các chất béo lành mạnh như dầu ô liu và cá hồi, ăn nhiều thực phẩm lên men hoặc bổ sung men vi sinh, hạn chế ăn thêm đường, hạn chế uống rượu bia,…
+  Uống đủ nước, tránh mất nước.
+ Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, hợp lí.
+ Kiểm soát căng thẳng.
+ Tiêm vaccine phòng bệnh.

HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI

I. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH Ở NGƯỜI VÀ ĐỘNG VẬT

Khi nào một cơ thể được coi là bị bệnh? Nêu các nguyên nhân gây bệnh ở người và động vật.

Hướng dẫn trả lời:

Một cơ thể được coi là bị bệnh khi có sự rối loạn, suy giảm hay mất chức năng của các tế bào, mô, cơ quan, bộ phận trong cơ thể.

Các nguyên nhân gây bệnh ở người và động vật:

  • Nguyên nhân bên ngoài: tác nhân vật lí (các tia bức xạ, tia phóng xạ,…), tác nhân hóa học (các loại hóa chất độc hại), tác nhân sinh học (virus, vi khuẩn, nấm, nguyên sinh vật,…). Bệnh truyền nhiễm thường do các nguyên nhân bên ngoài gây ra.
  • Nguyên nhân bên trong: rối loạn di truyền, thoái hóa, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt,…

II. MIỄN DỊCH Ở NGƯỜI VÀ ĐỘNG VẬT

Câu hỏi 1: Miễn dịch có vai trò gì? Kể tên một số cơ quan, tế bào của hệ miễn dịch người.

Hướng dẫn trả lời:

Vai trò của miễn dịch: Miễn dịch là cơ chế bảo vệ đặc hiệu của cơ thể có chức năng ngăn chặn, nhận biết và loại bỏ những thành phần bị hư hỏng hoặc các tác nhân gây bệnh, nhờ đó mà cơ thể ít bị bệnh.

Câu hỏi 2: Nêu khái quát thành phần và vai trò của từng tuyến miễn dịch.

Hướng dẫn trả lời:

Một số cơ quan, tế bào của hệ miễn dịch người:

  •  Một số cơ quan của hệ miễn dịch ở người: tủy xương, tuyến ức, hạch bạch huyết, lá lách, da, niêm mạc,…
  • Một số tế bào của hệ miễn dịch ở người: đại thực bào, tế bào tua, bạch cầu trung tính, tế bào giết tự nhiên, tế bào mast, tế bào lympho,…

Câu hỏi 3: Kể tên các thành phần tham gia vào hàng rào miễn dịch không đặc hiệu. Nêu vai trò của những thành phần đó.

Hướng dẫn trả lời:

Các thành phần tham gia vào hàng rào miễn dịch không đặc hiệu gồm:

  • Hàng rào bề mặt cơ thể: da, niêm mạc, dịch nhày; các chất tiết của cơ thể như nước mắt, nước tiểu; hàng rào hóa học như acid (dạ dày, đường sinh dục), lysozyme (có trong nước bọt, nước mắt).
  • Hàng rào bên trong: các tế bào thực bào, tế bào giết tự nhiên, tế bào mast, tế bào tổng hợp các protein kháng bệnh,...

Vai trò của những thành phần trên:

  • Hàng rào bề mặt cơ thể có vai trò chống lại sự xâm nhiễm, ức chế hoặc tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.
  • Hàng rào bên trong cơ thể có vai trò loại bỏ tác nhân gây bệnh khi chúng xâm nhập vào trong cơ thể theo các cách thức khác nhau. Ví dụ: các tế bào thực bào như đại thực bào, bạch cầu trung tính sẽ bắt giữ, bao bọc, tiêu diệt tác nhân gây bệnh; tế bào giết chết tự nhiên tiết protein làm chết các tế bào bệnh;…

Câu hỏi 4: Mô tả cơ chế tiêu diệt tác nhân gây bệnh của hàng rào miễn dịch không đặc hiệu khi chúng xâm nhiễm vào cơ thể.

Hướng dẫn trả lời:

Cơ chế tiêu diệt tác nhân gây bệnh của hàng rào miễn dịch không đặc hiệu khi chúng xâm nhiễm vào cơ thể:

- Khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể thì đầu tiên sẽ gặp phải sự bảo vệ của hàng rào bề mặt cơ thể: vi khuẩn vô hại trên bề mặt da cạnh tranh phát triển với vi khuẩn gây bệnh; dịch nhày giữ bụi và tác nhân gây bệnh; dòng nước mắt, nước tiểu cuốn trôi mầm bệnh ra ngoài; hàng rào hóa học như acid (dạ dày, đường sinh dục) tiêu diệt và ức chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh; lysozyme (có trong nước bọt, nước mắt) tiêu diệt tác nhân gây bệnh;…

Câu hỏi 5: Trình bày cơ chế hoạt hóa tuyến miễn dịch đặc hiệu.

Hướng dẫn trả lời:

Cơ chế hoạt hóa tuyến miễn dịch đặc hiệu: Khi tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, các tế bào thực bào sẽ tiêu diệt tác nhân gây bệnh và trình diện kháng nguyên trên bề mặt tế bào. Tế bào trình diện kháng nguyên kích hoạt các tế bào T hỗ trợ. Khi được kích hoạt, tế bào T hỗ trợ tăng sinh và kích hoạt tế bào B và T độc thực hiện đáp ứng miễn dịch đặc hiệu.

Câu hỏi 6: Cho biết vai trò của miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào.

Hướng dẫn trả lời:

Vai trò của miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào:

  • Vai trò của miễn dịch dịch thể: Tế bào plasma sản sinh kháng thể để liên kết đặc hiệu và bất hoạt kháng nguyên trong dịch cơ thể giúp các tế bào thực bào dễ dàng bắt giữ và loại bỏ kháng nguyên. Các tế bào B nhớ tạo thành trí nhớ miễn dịch giúp cơ thể chống lại kháng nguyên nhanh và hiệu quả hơn nếu kháng nguyên này lại tiếp tục xâm nhập vào cơ thể.
  • Vai trò của miễn dịch qua trung gian tế bào: Tế bào T độc liên kết đặc hiệu với các tế bào bị nhiễm, đồng thời sản sinh enzyme và perforin làm cho các tế bào nhiễm bệnh bị phân hủy.

Câu hỏi 6: Phân tích ý nghĩa và vai trò của việc sử dụng vaccine.

Hướng dẫn trả lời:

Việc sử dụng vaccine có thể chủ động tăng cường miễn dịch đặc hiệu của cơ thể người hoặc động vật: Vaccine là chế phẩm có chứa kháng nguyên hoặc chất sản sinh kháng nguyên. Khi đưa vào cơ thể sẽ kích hoạt hệ miễn dịch hình thành kháng thể bất hoạt kháng nguyên, đồng thời, ghi nhớ kháng nguyên. Nhờ hình thành trí nhớ miễn dịch nên hệ thống miễn dịch có khả năng nhận diện và tiêu diệt tác nhân gây bệnh (chứa kháng nguyên tương tự) nhanh và hiệu quả nếu chúng xâm nhập vào cơ thể ở lần sau. Nhờ đó, cơ thể ít bị bệnh.

Câu hỏi 7: Nêu nguyên nhân và cơ chế của dị ứng.

Hướng dẫn trả lời:

Nguyên nhân và cơ chế của dị ứng:

  • Nguyên nhân của dị ứng: Hệ thống miễn dịch ở người phản ứng quá mức với dị nguyên. Dị nguyên có thể có trong thức ăn, nọc độc của côn trùng, nấm mốc, thuốc, phấn hoa,…
  • Cơ chế của dị ứng: Khi vào trong cơ thể, dị nguyên sẽ liên kết với kháng thể trên bề mặt tế bào mast và kích hoạt tế bào mast giải phóng histamine và những chất gây phản ứng viêm. Những chất này sẽ kích hoạt nhiều loại tế bào và có thể gây các triệu chứng như hạ huyết áp, mẩn ngứa, sốc phản vệ, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, ức chế quá trình hô hấp,…

Câu hỏi 8: Giải thích tại sao bác sĩ thường phải thử thuốc trước khi tiêm kháng sinh?

Hướng dẫn trả lời:

Bác sĩ thường phải thử thuốc trước khi tiêm kháng sinh vì: Trong thành phần của thuốc kháng sinh có chứa dị nguyên, có thể gây dị ứng ở một số người bệnh. Vì vậy, cần phải thử mức độ phản ứng của người bệnh với thuốc kháng sinh trước khi sử dụng, nhờ đó, tránh những phản ứng phụ không mong muốn khi dùng thuốc kháng sinh.

Câu hỏi 9: Vì sao người bị bệnh HIV/AIDS thường bị mắc một số bệnh cơ hội? 

Hướng dẫn trả lời:

Người bị bệnh HIV/AIDS thường bị mắc một số bệnh cơ hội vì: Khi cơ thể bị nhiễm HIV, virus tấn công vào các tế bào của hệ miễn dịch, đặc biệt là các tế bào T hỗ trợ. Sự suy giảm của các tế bào miễn dịch này sẽ làm cho hệ miễn dịch của người bệnh yếu đi. Do đó, người bị bệnh HIVAIDS dễ dàng mắc một số bệnh cơ hội.

Câu hỏi 10: Phân tích một số cơ chế làm suy giảm hệ miễn dịch khi mắc bệnh ung thư.

Hướng dẫn trả lời:

Một số cơ chế làm suy giảm hệ miễn dịch khi mắc bệnh ung thư:

  • Khối u phát triển trên da và màng nhày có thể phá vỡ rào cản tự nhiên cho phép tác nhân gây bệnh xâm nhiễm.
  • Các khối u lớn đè lên các cơ quan, bộ phận gây tổn thương hoặc làm giảm sự lưu thông của máu (sự di chuyển của các tế bào miễn dịch trọng máu) trong cơ thể.
  • Một số tế bào ung thư xâm nhập vào tế bào tủy xương, cạnh tranh với tế bào tủy xương về không gian sống và chất dinh dưỡng. Khi nhiều tế bào tủy xương bị phá hủy, số ít còn lại không tạo đủ các tế bào miễn dịch giúp cơ thể chống bệnh.
  • Ngoài ra, việc sử dụng các liệu pháp điều trị ung thư như dùng thuốc, hóa trị hoặc xạ trị cũng làm suy yếu hệ miễn dịch của người bệnh.

Câu hỏi 11: Giải thích tên gọi "bệnh tự miễn". Kể tên một số bệnh tự miễn mà em biết.

Hướng dẫn trả lời:

Gọi là "bệnh tự miễn" vì bệnh này xảy ra do hệ thống miễn dịch hoạt động chống lại một số phân tử của chính cơ thể vì nhầm tưởng đó là kháng nguyên.

Một số bệnh tự miễn: Lupus ban đỏ toàn thân, đái tháo đường tuýp 1, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, đa xơ cứng,…

LUYỆN TẬP

Câu hỏi 1: Sắp xếp các bệnh sau vào nhóm bệnh gây ra do nguyên nhân bên trong hoặc bên ngoài: viêm đường hô hấp cấp, gout, hở van tim, sốt xuất huyết, ghẻ, cảm cúm, béo phì.

Hướng dẫn trả lời:

Nhóm bệnh gây ra do nguyên nhân bên trong: gout, hở van tim, béo phì.

Nhóm bệnh gây ra do nguyên nhân bên ngoài: viêm đường hô hấp cấp, sốt xuất huyết, ghẻ, cảm cúm.

Câu hỏi 2: Phân biệt miễn dịch đặc hiệu và miễn dịch không đặc hiệu.

Hướng dẫn trả lời:

Miễn dịch không đặc hiệu

Miễn dịch đặc hiệu

Có ở tất cả động vật.

Có ở động vật có xương sống.

Ngay từ khi sinh ra đã có, không cần tiếp xúc với kháng nguyên trước đó.

Hình thành trong đời sống của từng cá thể khi có sự xâm nhập của kháng nguyên.

Gồm: hàng rào bề mặt (da, niêm mạc, dịch nhày, các chất tiết,…) và hàng rào bên trong (các tế bào thực bào, tế bào giết tự nhiên, tế bào mast, tế bào tổng hợp các protein kháng bệnh,…).

Gồm: miễn dịch dịch thể (hình thành kháng thể có tác dụng bất hoạt các tác nhân gây bệnh ở trong thể dịch của cơ thể) và miễn dịch tế bào (các tế bào độc gây chết cho các tế bào nhiễm bệnh).

Đáp ứng tức thời nhưng không đặc hiệu (nhận diện các đặc điểm chung của nhiều tác nhân gây bệnh thông qua một số ít thụ thể).

Đáp ứng chậm nhưng mang tính đặc hiệu đối với từng tác nhân gây bệnh (nhận diện các đặc điểm đặc hiệu của từng tác nhân gây bệnh nhờ nhiều thụ thể).

Không hình thành trí nhớ miễn dịch.

Hình thành trí nhớ miễn dịch.

VẬN DỤNG

Câu hỏi 1: Chúng ta nên làm gì để tăng cường khả năng bảo vệ của tuyến miễn dịch không đặc hiệu.

Hướng dẫn trả lời:

Một số biện pháp để tăng cường khả năng bảo vệ của tuyến miễn dịch không đặc hiệu:

  • Giữ chế độ dinh dưỡng đa dạng, đủ chất: ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, hạn chế ăn đồ chiên rán và đồ ngọt,…
  • Giữ chế độ vận động điều độ.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể: tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh mũi miệng đúng cách,…
  • Tránh những tổn thương của cơ thể: tránh làm da bị xây xát; hạn chế các tác nhân gây tổn thương niêm mạc các cơ quan như miệng, mũi, dạ dày,…

Câu hỏi 2: Giải thích vì sao có một số bệnh như sởi, quai bị và đậu mùa,… thường chỉ mắc một lần trong đời.

Hướng dẫn trả lời:

Một số bệnh như sởi, quai bị và đậu mùa,… thường chỉ mắc một lần trong đời vì: Trong khi mắc những bệnh này lần đầu tiên, cơ thể sẽ hình thành kháng thể, những kháng thể này sẽ được sản sinh và duy trì lâu dài trong cơ thể (trí nhớ miễn dịch). Bên cạnh đó, các chủng virus – tác nhân gây ra những bệnh này không có sự biến chủng (thay đổi tính kháng nguyên) liên tục. Do đó, hệ thống miễn dịch của những người đã từng mắc những bệnh này có khả năng nhận diện và tiêu diệt tác nhân gây bệnh nhanh và hiệu quả nếu chúng xâm nhập vào cơ thể ở lần sau, mang đến khả năng miễn dịch suốt đời. 

Câu hỏi 3: Thực hiện điều tra tiêm phòng dịch và hoàn thành bảng 9.1.

Bảng 9.1. Tình hình tiêm phòng dịch ở trường học hoặc tại địa phương

 Tên bệnh

Các loại vaccine đã sử dụng 

Tỉ lệ người tiêm vaccine 

 ?

 ?

 ?

 ?

 ?

 ?

 

Hướng dẫn trả lời:

 Tên bệnh

Các loại vaccine đã sử dụng 

Tỉ lệ người tiêm vaccine 

Sởi - Quai bị - Rubella

Vắc xin MMR II (Mỹ), vắc xin MMR (Ấn Độ), Priorix (Bỉ) là những loại vắc xin 3 trong 1 phòng ngừa hiệu quả bệnh Sởi – Quai bị – Rubella cho người lớn.

 

Viêm phổi và các bệnh do phế cầu khuẩn

Vắc xin phòng các bệnh do phế cầu khuẩn Prevenar 13 (Bỉ) được khuyến cáo tiêm cho người trưởng thành, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính. 

Chỉ cần tiêm 1 mũi được bảo vệ trọn đời.

 

Thủy đậu

Có 3 loại vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho người lớn là Varivax (Mỹ), Varicella (Hàn Quốc) và Varilrix (Bỉ).

 

Bạch hầu – ho gà – uốn ván

Có 2 loại vắc xin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván dành cho người lớn là vắc xin Adacel (Pháp) và vắc xin Boostrix (Bỉ) 

 Cúm mùa

Các vắc xin phòng cúm dành cho người lớn hiện có các loại:

 

  • Vắc xin Influvac 0.5ml (Hà Lan)
  • Vắc xin GC Flu 0.5ml (Hàn Quốc)
  • Vắc xin Vaxigrip 0.5ml (Pháp)
  • Vắc xin Ivacflu-S 0.5ml (Việt Nam)

 

MỞ ĐẦU

Bảng 10.1 thể hiện kết quả xét nghiệm máu lúc đói của một người phụ nữ 30 tuổi. Dựa vào kết quả xét nghiệm, dự đoán người này bị bệnh gì?

 Chỉ số

Kết quả

 Giá trị bình thường

 Glucose (mmol/L)

 7,4

 4,1 - 5,6 (Bộ Y tế, 2020)

 Uric acid (mg/dL)

 4,6

Nam: 2,5 - 7,0

Nữ: 1,5 - 6,0

(ACR, 2020)

Hướng dẫn trả lời:

Quan sát kết quả xét nghiệm máu lúc đói của người phụ nữ trên cho thấy, chỉ số glucose của người này (7,4 mmol/L) cao hơn mức bình thường (4,1 – 5,6 mmol/L). Do đó, người này có thể mắc bệnh tiểu đường.

Tìm kiếm google: Giải Sinh 11 Cánh diều bài 9: Miễn dịch ở người và động vật, giải Sinh 11 Cánh diều, giải Sinh 11, giải sinh 11 bài 9, giải bài Miễn dịch ở người và động vật

Xem thêm các môn học

Giải sinh học 11 Cánh diều mới

PHẦN 4. SINH HỌC CƠ THỂ

CHỦ ĐỀ 1: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT

CHỦ ĐỀ 3: SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT

CHỦ ĐỀ 5: CƠ THỂ LÀ MỘT THỂ THỐNG NHẤT VÀ NGÀNH NGHỀ LIÊN QUAN ĐẾN SINH HỌC CƠ THỂ


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com