Quan sát hình 1, kết hợp với hiểu biết của em, hãy giới thiệu về tự nhiên và con người Tây Nguyên?
Trả lời:
Tây Nguyên một vùng đất với những cao nguyên xếp tầng đầy nắng và gió. Đây là vùng có đất đỏ Bazan lớn nhất của nước ta, phù hợp với trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, điều, cao su... Với độ cao trên 500m, ở đây khí hậu tương đối mát và mưa nhiều, riêng cao nguyên cao trên 1000m (như Đà Lạt) thì khí hậu lại mát mẻ quanh năm như vùng ôn đới.
Vùng đất Tây Nguyên với nhiều dân tộc anh em cùng nhau sinh sống như Bana, Ê đê, Gia Rai, K’ho, M’Nông,…mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng nhưng tổng thể vẫn có một sự thống nhất và hòa hợp với nhau. Các dân tộc ở Tây Nguyên phát triển trên cơ sở một nền kinh tế trồng trọt nương rẫy, cuộc sống của họ gắn với những cánh rừng già, họ yêu rừng như chính ngư dân yêu biển.
1. Tìm hiểu vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ
Quan sát hình 2, kết hợp với đọc thông tin, hãy xác định vị trí địa lí và nêu ý nghĩa vị trí địa lí của vùng Tây Nguyên đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trả lời:
* Vị trí của Tây Nguyên là:
+ Phía Đông Bắc, Đông và Đông Nam tiếp giáp Duyên hải Nam Trung Bộ
+ Phía Tây Nam tiếp giáp Đông Nam Bộ
+ Phía Tây tiếp giáp Lào và Cam- pu-chia
* Ý nghĩa:
+ Tây Nguyên nằm tiếp giáp với Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, tiêu thụ sản phẩm, bởi đó là những vùng đông dân, có nền kinh tế phát triển.
+ Có nhiều cơ hội để giao lưu, hợp tác và phát triển kinh tế với hai nước láng giềng Lào và Cam –pu-chia.
+ Xét về an ninh, quốc phòng, Tây Nguyên có vị trí chiến lược rất quan trọng.
2. Khám phá điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
Quan sát hình 2, đọc thông tin hãy hoàn thành bảng theo yêu cầu sau:
Tài nguyên thiên nhiên và thế mạnh kinh tế vùng Tây Nguyên
Tài nguyên thiên nhiên | Đặc điểm nổi bật | Thế mạnh kinh tế |
Đất | ||
Khí hậu | ||
Nước | ||
Khoáng sản | ||
Rừng |
Nêu những hạn chế về tự nhiên đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên?
Trả lời:
Tài nguyên thiên nhiên và thế mạnh kinh tế vùng Tây Nguyên
Tài nguyên thiên nhiên | Đặc điểm nổi bật | Thế mạnh kinh tế |
Đất | Chủ yếu là đất đỏ Bazan | Thích hợp để phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cây cà phê. |
Khí hậu | Cận xích đạo | Thích hợp trồng cây công nghiệp dài ngày nhiệt đới (cà phê, cao su,...); Vùng núi cao mát mẻ, trồng được cây cận nhiệt (chè). |
Nước | Khá dồi dào | Tiềm năng thuỷ điện lớn (chỉ sau Tây Bắc) |
Khoáng sản | Giàu bôxit (trữ lượng lớn khoảng 3 tỉ tấn) | Phát triển khai thác khoáng sản |
Rừng | Có diện tích và trữ lượng lớn nhất cả nước. | Phát triển du lịch sinh thái Phát triển ngành chế biến và sản xuất gỗ |
* Những hạn chế về tự nhiên đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên là:
+ Ở Tây Nguyên, vào mùa khô thiếu nước trầm trọng không đủ để phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt, nguy cơ cháy rừng cao.
+ Địa hình cao nguyên xếp tầng, gây khó khăn trong việc đi lại và sản xuất.
+ Hiện tượng chặt phá rừng bừa bãi mang lại hiệu quả xấu cho môi trường.
3. Tìm hiểu đặc điểm dân cư, xã hội
Phân tích bảng 1, đọc thông tin, hãy:
- So sánh các tiêu chí trong bảng số liệu giữa vùng Tây Nguyên với cả nước?
- Trình bày đặc điểm dân cư và xã hội của vùng Tây Nguyên?
- Nếu ảnh hưởng của đặc điểm dân cư, xã hội đến phát triển kinh tế?
Trả lời:
* So sánh các tiêu chí giữa vùng Tây Nguyên với cả nước:
+ Số dân Tây Nguyên chiếm khoảng 6% số dân cả nước
+ Mật độ dân số cả nước cao gấp 2,7 lần mật độ dân số ở Tây Nguyên
+ Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên và tỉ lệ hộ nghèo ở Tây Nguyên cao hơn tỉ lệ gia tăng tự nhiên và tỉ lệ hộ nghèo của cả nước.
+ Thu nhập bình quân, tuổi thọ trung bình và tỉ lệ người từ 15 tuổi biết chữ ở Tây Nguyên đều thấp hơn so với cả nước.
* Đặc điểm dân cư và xã hội ở Tây Nguyên:
+ Tây Nguyên có 4,4 triệu người, khoảng 30% dân số là dân tộc ít người: Gia –rai, Ê-đê…
+ Là vùng thưa dân nhất nước ta, mật độ dân số khoảng 81 người/km2.
+ Dân cư phân bố không đều phân bố chủ yếu ở các đô thị, ven đường giao thông, các nông trường, lâm trường.
+ Đời sống dân cư còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đang được cải thiện đáng kể.
* Ảnh hưởng của dân cư, xã hội đến phát triển kinh tế:
+ Dân cư thưa thớt, không đủ nhân lực để khai thác, phát triển sản xuất
+ Thiếu lao động lành nghề và lao động có chuyên môn kĩ thuật cao.
4. Tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế
Quan sát hình 4, 5 đọc thông tin, hãy:
- Nhận xét diện tích và sản lượng cà phê của Tây Nguyên so với cả nước?
- Xác định khu vực trồng nhiều cà phê ở Tây Nguyên. Vì sao cà phê lại được trồng nhiều ở Tây Nguyên?
- Nêu những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên?
Trả lời:
* Quan sát biểu đồ hình 4 ta thấy: diện tích và sản lượng cà phê ở Tây Nguyên chiếm tỉ lệ rất cao so với cả nước. Đây chính là vùng cà phê lớn nhất của cả nước ta.
=> Dẫn chứng: Năm 2014 Tây Nguyên chiếm 89,4% diện tích và 92,9% sản lượng cà phê trong cả nước.
* Khu vực trồng nhiều cà phê ở Tây Nguyên là:
* Sở dĩ cây cà phê được trồng nhiều ở Tây Nguyên vì:
+ Có đất badan màu mỡ trên diện tích rộng.
+ Khí hậu cao nguyên có một mùa mưa, một mùa khô thuận lợi cho gieo trồng, thu hoạch, chế biến và bảo quản.
+ Thị trường về cà phê ở trong nước, đặc biệt là ở nhiều nước và khu vực được mở rộng.
* Những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên:
+ Tây Nguyên thiếu nước phục vụ sản xuất vào mùa khô
+ Giá nông sản bấp bênh luôn biến động
b. Công nghiệp
Quan sát hình 5 đọc thông tin, hãy:
- Cho biết các ngành công nghiệp chính của vùng Tây Nguyên.
- Kể tên các nhà máy thuỷ điện trong vùng. Nêu ý nghĩa của việc phát triển thuỷ điện ở Tây Nguyên?
- Giải thích vì sao công nghiệp chế biến nông, lâm sản ở Tây Nguyên phát triển khá nhanh?
Trả lời:
* Quan sát hình 5 ta thấy: Ở Tây Nguyên gồm có các ngành công nghiệp chính là: Chế biến lâm sản và chế biến lương thực, thực phẩm.
* Tên các nhà máy thuỷ điện trong vùng là: Y-a-ly, Xê-xan, Đrây H'ling và Buôn Kuôn
* Ý nghĩa của việc phát triển thuỷ điện ở Tây Nguyên: Việc phát triển thủy điện ở Tây Nguyên sẽ cung cấp nước, năng lượng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm cây công nghiệp, lương thực và sinh hoạt nhất là trong mùa khô. Ngoài ra, sự phát triển thủy điện sẽ tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển (đặc biệt là khai thác Bô xít ) và nâng cao đời sống của người dân nơi đây.
* Ở Tây Nguyên, công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển khá nhanh vì:
+ Có nguồn nguyên liệu nông, lâm sản dồi dào
+ Có nguồn nhân công tại chỗ giá rẻ
+ Nhu cầu thị trường ngày càng lớn...
c. Dịch vụ và các trung tâm kinh tế
Quan sát hình 5, đọc thông tin, hãy:
- Trình bày đặc điểm phát triển và phân bố ngành dịch vụ ở Tây Nguyên?
- Xác định các trung tâm kinh tế của vùng trên lược đồ
- Giải thích vì sao Tây Nguyên có thế mạnh phát triển du lịch?
Trả lời:
* Quan sát hình 5 ta thấy:
+ Đặc điểm phát triển ngành dịch vụ ở Tây Nguyên:
+ Là vùng xuất khẩu nông sản đứng thứ hai cả nước (sau đòng bằng sông Cửu Long).
+ Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và giúp nước ta trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
+ Du lịch sinh thái và du lịch văn hoá phát triển.
* Trung tâm kinh tế của vùng Tây Nguyên: Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Plây Ku.
* Tây Nguyên là vùng có thế mạnh du lịch vì: đây là vùng có cảnh quan tự nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ, có thế mạnh du lịch sinh thái và du lịch văn hóa ( thành phố Đà Lạt, Buôn Đôn, Hồ Lắk, núi Lang Biang huyền thoại, vườn quốc gia Yok Đôn…).
Câu 1. Cho bảng số liệu sau:
Độ che phủ rừng của các tỉnh ở Tây Nguyên năm 2014
Các tỉnh | Kon Tum | Gia Lai | Đắk Lắk | Đắk Nông | Lâm Đồng |
Độ che phủ rừng (%) | 62,4 | 40,1 | 38,7 | 39 | 52,5 |
- Vẽ biểu đồ thanh ngang thể hiện độ che phủ rừng của các tỉnh ở Tây Nguyên, năm 2014
- Nêu nhận xét độ che phủ rừng của các tỉnh.
Trả lời:
* Vẽ biểu đồ:
* Nhận xét độ che phủ rừng của các tỉnh Tây Nguyên:
+ So với cả nước, độ che phủ rừng của các tỉnh Tây Nguyên chiếm tỉ lệ khá cao (trên 38%)
+ Các tỉnh ở Tây Nguyên có độ che phủ rừng không giống nhau. Năm 2014 Kon Tum có độ che phủ cao nhất với 62,4%, trong khi đó Đắk Lắk chỉ có độ che phỉ 38,7% (thấp nhất trong vùng).
Câu 2. Cho bảng số liệu sau:
Giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên và cả nước giai đoạn 2002 - 2014
Năm | 2002 | 2005 | 2010 | 2014 |
Tây Nguyên | 2,3 | 7,2 | 22,7 | 39,7 |
Cả nước | 261,1 | 988,5 | 2963,5 | 6004,5 |
- Tính tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên so với cả nước giai đoạn 2002 - 2014 và nhận xét
- Giải thích vì sao giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên còn rất thấp so với giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.
Trả lời:
Tính tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên so với cả nước giai đoạn 2002 - 2014 (đơn vị: %)
Năm | 2002 | 2005 | 2010 | 2014 |
Tây Nguyên | 1,06 | 0,72 | 0,76 | 0,66 |
Cả nước | 100 | 100 | 100 | 100 |
* Nhận xét:
+ Giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên chiếm tỉ trọng rất thấp so với cả nước (năm 2014 chiếm 0,66%)
+ Tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên đang có xu hướng giảm (từ 1,06% năm 2002 xuống còn 0,66% năm 2014).
* Giải thích:
- Giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Nguyên còn rất thấp so với giá trị sản xuất công nghiệp cả nước vì:
+ Tây Nguyên nghèo tài nguyên khoáng sản
+ Dân cư thưa thớt, thiếu lao động lành nghề và có trình độ cao.
+ Cơ sở hạ tầng chưa phát triển, là vùng còn khó khăn của nước ta.
Câu 1. Vận dụng kiến thức đã học, hãy đề xuất các giải pháp để góp phần phát triển hiệu quả, bền vững cây cà phê ở Tây Nguyên.
Trả lời:
* Các giải pháp để góp phần phát triển hiệu quả, bền vững cây cà phê ở Tây Nguyên:
+ Tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành hàng.
+ Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến và tổ chức quản lý sản xuất, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, doanh nghiệp.
+ Xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam thành sản phẩm quốc gia trên toàn cầu.
Câu 2. Chọn một trong hai nhiệm vụ sau và thực hiện:
- Đóng vai hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu cho bạn bè biết về một số địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên
- Tìm hiểu và sưu tầm ảnh về di sản văn hoá thế giới không gian văn hoá cồng chiêng ở Tây Nguyên
Trả lời:
* Giới thiệu điểm du lịch Đà Lạt:
Đà Lạt là một thành phố trực thuộc tỉnh và tỉnh lị tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, ở độ cao 1.500 m so với mặt nước biển và diện tích tự nhiên: 393,29 km². Đà Lạt được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 24 tháng 3 năm 2009. Đây là một trong 4 đô thị loại 1 thuộc tỉnh cùng với Huế, Nha Trang và Vinh.
Với nhiều cảnh quan đẹp, Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam. Trong thời Pháp thuộc, tên tiếng Latin Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là "cho những người này niềm vui, cho những người khác sự mát mẻ". Đà Lạt được mệnh danh là: thành phố hoa, thành phố tình yêu, thành phố mùa xuân, thành phố sương mù.
Đà Lạt mang đậm trong mình bản sắc văn hóa Tây Nguyên đẹp như huyền thoại. Những người dân hiền lành sống bằng nghề làm rẫy, làm vườn, trồng cà phê, chè, chăn nuôi gia súc…Vào những ngày hội làng, ngày vui của gia đình, du khách sẽ được xem họ múa, hát, chơi nhạc bằng những nhạc cụ độc đáo mà âm thanh của nó nghe như tiếng gió hú, tiếng thác chảy trên ghềnh đá…
Những năm gần đây, Đà Lạt trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
* Tìm hiểu về Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên:
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 25 tháng 11 năm 2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu. Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Jarai, Ba Na, Mạ, Lặc...
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,...), v.v.
Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng như ở Tây nguyên, Lễ hội Cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách.
* Một số hình ảnh: