Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 8: Đồng bằng sông Hồng

Giải chi tiết, cụ thể địa lí 9 VNEN bài 8: Đồng bằng sông Hồng. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Nêu những hiểu biết của em về đặc điểm tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của 1 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trả lời:

* Đặc điểm tự nhiên:

+ Hà Nội nằm chếch về phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

+ Tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Nam, Hòa Bình phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninhvà Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây.

+ Khí hậu Hà Nội mang đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 4 mùa trong năm rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông)

+ Địa hình Hà Nội thấp dần theo hướng từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông với độ cao trung bình từ 5 đến 20 mét so với mực nước biển. Đồi núi tập trung ở phía bắc và phía tây thành phố.

+ Nhờ phù sa bồi đắp, ba phần tư diện tích tự nhiên của Hà Nội là đồng bằng, nằm ở hữu ngạn sông Đà, hai bên sông Hồng và chi lưu các con sông khác.

+ Hà Nội có rất nhiều các con sông chảy qua như sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ,...

+ Khoáng sản ở Hà Nội không nhiều.

* Kinh tế - xã hội:

+ Hà Nội có dân số đông, năm 2018, dân số Hà Nội là 8.215.000 người.

+ Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất của cả nước.

+ Năm 2014, kinh tế của Hà Nội tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, ước cả năm 2014 tăng 8,8%.

+ Hà Nội đã và đang phát triển du lịch với hệ thống công trình kiến trúc, bảo tàng, các di sản văn hóa...

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ

Quan sát hình 1, kết hợp với đọc thông tin, hãy:

- Xác định giới hạn lãnh thổ và vị trí địa lí của vùng Đồng bằng sông Hồng?

- Nêu ý nghĩa của vị trí địa lí đối với phát triển kinh tế - xã hội?

Trả lời:

* Vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ:

+ Vị trí địa lí: 

  • Giáp với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phía Bắc và Tây Bắc
  • Giáp với vùng Bắc Trung Bộ ở phía Nam
  • Giáp với Vịnh Bắc Bộ ở phía Đông

+ Giới hạn lãnh thổ:

  • Diện tích 14,9 nghìn km2
  • Gồm có 10 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam
  • Vùng gồm đồng bằng châu thổ, dải đất rìa trung du và miền núi Bắc Bộ

* Ý nghĩa: Thuận lợi trong giao lưu kinh tế xã hội với các vùng trong nước, cũng như với nước ngoài thông qua cảng biển.

2. Khám phá điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Quan sát hình 1, đọc thông tin, hãy: Hoàn thành bảng theo yêu cầu sau:

Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiênĐặc điểmẢnh hưởng đến phát triển kinh tế
Địa hình, đất đai  
Khí hậu  
Thủy văn  
Khoáng sản  
Biển  

Trả lời:

Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiênĐặc điểmẢnh hưởng đến phát triển kinh tế
Địa hình, đất đaiĐịa hình bằng phẳng với đất phù sa do sông Hồng bồi đắp.Phát triển nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng
Khí hậuKhí hậu nhiệt đới ẩm, có mùa đông lạnhThuận lợi thâm canh tăng vụ, phát triển vụ đông thành vụ sản xuất chính.
Thủy văn

Chế độ thủy văn hài hòa

Thuận lợi cho hoạt động sản xuất 
Khoáng sảnKhoáng sản: có nhiều loại có giá trị cao (đá xây dựng, sét, cao lanh,…)Phát triển các ngành công nghiệp chế biến khoáng sản
Biển

Có nhiều bãi biển đẹp

Có các vũng vịnh, đầm lầy

Phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản

Phát triển du lịch biển

3. Tìm hiểu đặc điểm dân cư, xã hội

Phân tích bảng 1, hình 2, hãy trình bày đặc điểm dân cư và xã hội ở vùng Đồng bằng sông Hồng?

Trả lời:

* Đặc điểm dân cư và xã hội ở vùng Đồng bằng sông Hồng là:

+ Số dân 19,5 triệu người (năm 2014) chiếm 21,5% dân số cả nước.

+ Là vùng có dân cư đông đúc nhất nước ta

+ Mật độ dân số cao nhất cả nước với 1287 người/km2

+ Vùng có tỉ lệ hộ nghèo thấp (4%)

+ Thu nhập bình quân của vùng cao gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân cả nước

+ Các chỉ số về tuổi thọ trung bình và tỉ lệ người biết chữ đều cao hơn mức trung bình của cả nước.

4. Tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế

a. Công nghiệp

- Quan sát hình 3, 4 đọc thông tin, hãy: Nhận xét về tỉ trọng và sự thay đổi tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng so với các khu vực khác trong cơ cấu GDP ở đồng bằng sông Hồng?

- Trình bày tình hình phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng?

- Nêu tên các ngành công nghiệp trọng điểm ở vùng Đồng bằng sông Hồng và sự phân bố của chúng?

Trả lời:

* Nhận xét:

  • Quan sát biểu đồ ta thấy, từ năm 2000 đến 2014 tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng mạnh từ 32,7% xuống còn 46,4%.
  • Năm 2014, tỉ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ trọng lớn nhất (46,4%) trong cơ cấu ngành công nghiệp

* Tình hình phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng:

+ Hình thành sớm và phát triển mạnh trong thời kì CNH - HĐH

+ Giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh, năm 2014 đạt 1671,4 nghìn tỉ đồng.

+ Phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng.

+ Các sản phẩm CN: máy công cụ, động cơ điện, phương tiện giao thông, thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng…

* Tên các ngành công nghiệp trọng điểm ở vùng Đồng bằng sông Hồng và sự phân bố của chúng:

Tên các ngành công nghiệpPhân bố
Công nghiệp luyện kimHải Phòng, Hà Nội
Công nghiệp cơ khíVĩnh Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Phủ Lý, Nam Định, Thái Bình
Công nghiệp hóa chấtHà Nội, Hải Phòng
Công nghiệp vật liệu xây dựngHà Nội, Hải Phòng, Phủ Lý, Ninh Bình.
Công nghiệp chế biến thực phẩmNam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Thái Bình
Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùngVĩnh Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng

b. Nông nghiệp

Đọc thông tin phân tích bảng 2, quan sát hình 3, hãy:

- So sánh sản lượng lương thực bình quân lương thực theo đầu người của đồng bằng sông Hồng so với Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, năm 2010 và 2014

- Nhận xét tình hình sản xuất và phân bố lương thực, thực phẩm ở đồng bằng sông Hồng?

Trả lời:

* So sánh: Quan sát bảng số liệu ta thấy:

  • Năm 2010 và 2014, đồng bằng sông Hồng có sản lượng lương thực nhỏ hơn đồng bằng sông Cửu Long và cả nước
  • Năm 2010 và 2014, bình quân lương thực theo đầu người ở đồng bằng tăng lên nhưng vẫn thấp hơn đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

* Nhận xét tình hình sản xuất và phân bố lương thực, thực phẩm ở đồng bằng sông Hồng:

+ Vùng đứng thứ hai cả nước về diện tích và tổng sản lượng  lương thực.

+ Phát triển một số cây ưa lạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao như cây ngô đông, khoai tây, su hào, bắp cải… 

+ Đàn lợn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước

+ Sản xuất lương thực, thực phẩm phân bố đều khắp các tỉnh, thành phố

+ Cây ăn quả tập trung chủ yếu ở Hưng Yên và Hải Dương

c. Dịch vụ

Đọc thông tin, hãy chứng minh rằng ngành dịch vụ ở Đồng bằng sông Hồng rất phát triển?

Trả lời:

* Chứng minh ngành dịch vụ ở Đồng bằng sông Hồng rất phát triển:

+ Đồng bằng sông Hồng là vùng có nền kinh tế phát triển nhất nhì cả nước, do đó, nó kéo theo sự phát triển của ngành dịch vụ.

+ Không chỉ kinh tế phát triển, mà vùng còn phát triển cả hệ thông giao thông vận tải bằng các tuyến đường cao tốc, quốc lộ nối liền các tỉnh trong vùng và ngoài vùng

+ Hệ thống điện thoại, internet, bưu chính viễn thông ngày càng mở rộng, đảm bảo nhanh chóng và tiện lợi.

+ Vùng đã và đang khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch phong phú, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên (Tràng An- Ninh Bình, Tam Đảo- Vĩnh Phúc, các bãi biển Hải Phòng, Thái Bình…) và tài nguyên du lịch nhân văn (lăng Bác Hồ, Hồ Gươm, chùa Một Cột, Côn Sơn Kiếp Bạc, …) thu hút đông đảo khách du lịch tham quan mỗi năm.

+ Hiện nay, Hà Nội trung tâm thông tin, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đồng thời là một trong hai trung tâm tài chính, ngân hàng lớn nhất nước ta.

5. Tìm hiểu các trung tâm kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

- Đọc thông tin, quan sát hình 3, hãy: Kể tên các trung tâm kinh tế lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ?

- Nêu vai trò của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trả lời:

* Hình 3:

  • Các trung tâm kinh tế lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng: Hà Nội, Hải Phòng
  • Các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.

* Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: đã tạo điều kiện cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động của cả hai vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du và miền núi Bắc Bộ.

C. Hoạt động luyện tập

Câu 1. Dựa vào bảng 2, hãy:

- Tính tỉ trọng sản lượng lương thực của Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long so với cả nước trong hai năm 2010 và 2014

- Vẽ biểu đồ thể hiện sản lượng lương thực của Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long và các vùng còn lại trong tổng sản lượng lương thực cả nước trong hai năm 2010 và 2014.

Trả lời:

* Tính tỉ trọng:

VùngNăm 2010Năm 2014
Đồng bằng sông Hồng15,7%13,8%
Đồng bằng sông Cửu Long48,8%50,8%
Cả nước100%100%

Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 8: Đồng bằng sông Hồng

Câu 2. Giải thích vì sao ở Đồng bằng sông Hồng có sản lượng lương thực đứng thứ hai cả nước, nhưng bình quân lương thực theo đầu người lại thấp hơn nước bình quân của cả nước?

Trả lời:

* Sở dĩ ở Đồng bằng sông Hồng có sản lượng lương thực đứng thứ hai cả nước, nhưng bình quân lương thực theo đầu người lại thấp hơn nước bình quân của cả nước vì:

Đồng bằng sông Hồng là vùng có dân số đông. Năm 2014, dân số đồng bằng sông Hồng chiếm 21,5% dân số của cả nước và có mật độ dân số cao gấp 4,7 lần so với mật độ dân số của cả nước.

Mà ta có công thức tính: sản lượng lương thực bình quân = Tổng sản lượng/ số dân.

=> Chính vì vậy, mặc dù sản lượng lương thực của vùng lớn nhưng vì chia theo đầu người nên bình quân lương thực của vùng đạt mức thấp hơn cả nước.

D-E: Hoạt động vận dụng - Tìm tòi mở rộng

Câu 1. Bằng sự hiểu biết của em, hãy nêu vai trò của hệ thống đê điều ở đồng bằng sông Hồng trong lịch sử và hiện tại.

Trả lời:

* Vai trò của hệ thống đê điều ở đồng bằng sông Hồng trong lịch sử và hiện tại:

+ Hạn chế lũ lụt hàng năm do sông Hồng gây ra, đặc biệt vào mùa mưa bão.

+ Làm cho diện tích đất phù sa của Đồng bằng sông Hồng không ngừng được mở rộng về phía biển.

+ Làm cho địa bàn phân bố dân cư được phủ khắp châu thổ, làng mạc trù phú, dân cư đông đúc.

+ Giúp cho nông nghiệp thâm canh, tăng vụ; công nghiệp, dịch vụ phát triển sôi động.

+ Nhiều di tích lịch sử, giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể được lưu giữ và phát triển.

Câu 2. Hãy sưu tầm dữ liệu và viết bài giới thiệu về môt nghề truyền thống ở Đồng bằng sông Hồng?

Trả lời:

Làng gốm Bát Tràng

Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý.

Để làm ra đồ gốm người thợ gốm phải qua các khâu chọn, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men, và cuối cùng là nung sản phẩm.

Hầu hết, đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men khai thác trong nước theo kinh nghiệm nên đồ gốm Bát Tràng có nét riêng là cốt đầy, chắc và khá nặng, lớp men trắng thường ngả màu ngà, đục. Bát Tràng cũng là làng gốm có các dòng men riêng từ loại men ngọc cùng với nâu và trắng cho đến men rạn với cốt gốm xốp có màu xám nâu.

Khi du khách đến tham quan làng gốm Bát Tràng, du khách cũng có thể tự tay nhào nặn từng khối đất sét thành những chiếc cốc, chiếc đĩa, những món đồ xinh xắn theo ý mình. Để được trải nghiệm dịch vụ làm gốm này, du khách cần đến khu Chợ Gốm. Ở đây, có khá nhiều gia đình cung cấp dịch vụ này cho khách du lịch. Chi phí cho mỗi lần nặn gốm là từ 40.000 đến 60.000 đồng. Sau đó, những món đồ do du khách làm ra được hong khô khoảng 30 phút, trang trí và nung nóng giống như bao sản phẩm Bát Tràng khác. Du khách sẽ được đem về chính thành quả vừa làm ra như một món quà lưu niệm khi về thăm làng gốm.

Hiện nay, sản phẩm gốm Bát Tràng càng ngày càng phong phú và đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong Việt Nam như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện... và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, châu Âu. Bát Tràng cuốn hút nhiều nhân lực từ khắp nơi về sáng tác mẫu mã mới và cải tiến công nghệ sản xuất.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com