Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 18: Đồng bằng sông Cửu Long

Giải chi tiết, cụ thể địa lí 9 VNEN bài 18: Đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Bằng hiểu biết của em, kể hợp với quan sát các ảnh sau đây, hãy kể về những phong cảnh đẹp hoặc truyền thống văn hoá, thương mại, ẩm thực ở đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời:

     Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một vùng cực nam của Việt Nam, còn được gọi là Vùng đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ hoặc theo cách gọi của người dân Việt Nam ngắn gọn là Miền Tây. 

     Đây là vùng đất trù phú, màu mỡ, có rất nhiều cảnh đẹp. Có lẽ, khung cảnh đẹp nhất nhưng cũng có giá trị nhất đó chính là cánh đồng lúa chín, thẳng cánh cò bay. Ngoài ra, nhắc đến đồng bằng sông Cửu Long ta không thể không nhắc tới những chợ nổi trên sông, những vườn cây trái miệt vườn, những vườn hoa, cây kiểng sặc sỡ,...Đặc biệt, về với miền Tây, ta không thể không thưởng thức nền ẩm thực nơi đây. Những món ăn bình dị, dân dã nhưng lại rất ngon như lẩu cá kèo, gỏi bông điên điển, cá lóc nướng hay dừa sáp...Đó trở thành những món ăn dù đi đâu ai cũng biết đến...

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ

Quan sát hình 2, đọc thông tin hãy:

- Xác định vị trí địa lí của vùng đồng bằng sông Cửu Long?

- Nêu ý nghĩa của vị trí địa lí vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với phát triển kinh tế - xã hội?

Trả lời:

* Quan sát hình 2 ta thấy:

+ Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí:

  • Đông Bắc tiếp giáp Đông Nam Bộ
  • Tây Bắc tiếp giáp Campuchia
  • Tây Nam tiếp giáp vịnh Thái Lan
  • Đông Nam tiếp giáp Biển Đông

+ Ý nghĩa của vị trí địa lí vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối với phát triển kinh tế - xã hội:

  • Kề liền với Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển mạnh, là thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm của Đồng bằng sông Cửu Long (nông sản, thủy sản) và sử dụng nhiều lao động của đồng bằng.
  • Giáp Campuchia với đường biên giới dài và giao lưu rất thuận lợi (cả đường bộ và đường sông), Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế để phát triển các mối quan hệ hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mê công.
  • Giáp Biển Đông với bờ biển dài và các vùng biển rộng lớn. Các vùng biển có nhiều bãi tôm, bãi cá, bờ biển có nhiều bãi triều, rừng ngập mặn, cửa sông thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, giao lưu với nhiều vùng trong nước và nước ngoài bằng đường biển.
  • Ở cực nam của đất nước, gần xích đạo, khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất cận xích đạo rõ rệt, nguồn nhiệt ẩm dồi dào, thời tiết ít biến động, ít thiên tai. Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới quanh năm, đặc biệt là trồng lúa nước và các cây ăn quả nhiệt đới.

2. Khám phá điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Quan sát hình 2, đọc thông tin, hãy:

- Hoàn thành bảng theo yêu cầu sau:

Điều kiện tự nhiên và thế mạnh kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Điều kiện tự nhiênĐặc điểm nổi bậtThế mạnh kinh tế
Đại hình, đất đai  
Khí hậu  
Nước  
Rừng  
Biển và hải đảo  

- Trình bày những khó khăn chính về tự nhiên đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời:

Điều kiện tự nhiênĐặc điểm nổi bậtThế mạnh kinh tế
Đại hình, đất đaiĐịa hình đồng bằng thấp và bằng phẳng, đất phù sa màu mỡPhát triển nông nghiệp, trồng cây lúa nước
Khí hậuNóng ẩm quanh năm, lượng mưa dồi dàoThuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cây trồng phát triển...
NướcHệ thống kênh rạch chằng chịt, lượng nước dồi dàoPhát triển đánh bắt, chăn nuôi thuỷ hải sản và phục vụ nước sản xuất nông nghiệp
RừngRừng ngập mặn ven biển và trên bán đảo Cà Mau chiếm diện tích lớn.Phát triển hệ sinh thái
Biển và hải đảoBiển ấm quanh năm, ngư trường rộng lớn; nhiều đảo và quần đảoPhát triển khai thác hải sản, phát triển du lịch biển đảo

* Những khó khăn chính về tự nhiên đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long:

  • Diện tích đất nhiễm phèn, nhiễm mặn ngày càng mở rộng và cần được cải tạo.
  • Mùa khô kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước cho hoạt động sản xuất.
  • Mùa lũ chịu lũ lớn do sông Mê Công gây ra.
  • Chất lượng môi trường ở nhiều vùng suy thoái, đặc biệt là nguồn nước sông rạch.

3. Tìm hiểu đặc điểm dân cư, xã hội

Phân tích bảng 1, kết hợp với đọc thông tin, hãy:

- So sánh các tiêu chí về dân cư và xã hội giữa Đồng bằng sông Cửu Long với cả nước năm 2014

- Nêu đặc điểm nổi bật về dân cư và xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời:

* So sánh:

+ Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 19,3% so với dân số cả nước.

+ Mật độ dân số của vùng cao gấp 1,6 lần mật độ dân số của cả nước (năm 2014)

+ Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên, tỉ lệ hộ nghèo của vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn so với cả nước.

+ Thu nhập bình quân đầu người của vùng là 2327 nghìn đồng/ thàng thấp hơn thu nhập bình quân cả nước là 2637 nghìn đồng/ tháng

+ Tuổi thọ trùng bình của vùng đạt 74,6 tuổi cao hơn tuổi thọ trung bình cả nước

+ Tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ của đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 92,6% thấp hơn cả nước.

* Đặc điểm nổi bật về dân cư và xã hội Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long có dân số đông, ngoài người Kinh, còn có người Khơ-me, người Chăm, người Hoa.

+ Mật độ dân số của vùng cao (432 người/km2) gấp 1,6 lần mật độ trung bình của cả nước.

+ Vùng có tốc độ đô thị hoá thấp hơn so với cả nước.

4. Tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế

a. Nông nghiệp

Phân tích bảng 2, quan sát hình 3, đọc thông tin, hãy:

- Trình bày những thành tựu nổi bật trong sản xuất lương thực và thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long. 

- Nêu vai trò của nghề rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời:

* Những thành tựu nổi bật trong sản xuất lương thực và thực phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long là:

+ Vùng đứng đầu cả nước về diện tích và tổng sản lượng lương thực

+ Bình quân lương thực theo đầu người toàn vùng đạt 1454,2 kg gấp 2,6 lần trung bình cả nước năm 2014.

+ ĐBSCL là vùng xuất khẩu gạo chủ lực của nước ta

+ Là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước, đặc biệt là các loại cây ăn quả nhiệt đới

+ Nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản đều đang phát triển mạnh, năm 2014 sản lượng thuỷ sản chiếm 57,1% tổng sản lượng thuỷ sản cả nước.

* Vai trò của nghề rừng ở Đồng bằng sông Cửu Long là:

Nghề rừng giữ vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trồng rừng ngập mặn ven biển và trên bán đảo Cà Mau. Rừng ngập mặn sẽ giúp điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường. Rừng ngập mặn có khả năng hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm.  Đồng thời, bảo vệ được sự đa dạng sinh học...

b. Công nghiệp

Quan sát hình 3, kết hợp với đọc thông tin, hãy:

- Trình bày đặc điểm nổi bật của ngành công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long

- Kể tên các trung tâm công nghiệp và cơ cấu ngành công nghiệp ở mỗi trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Cho biết phát triển mạnh công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có ý nghĩa như thế nào đối với sản xuất công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời:

* Những đặc điểm nổi bật của ngành công nghiệp ở ĐBSCL là:

+ Công nghiệp của vùng mới phát triển, chiếm tỉ trọng thấp trong cơ cấu GDP (27,3%) năm 2014.

+ Các ngành công nghiệp chính của vùng là: chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí nông nghiệp và một số ngành khác.

+ Sản xuất điện và sản xuất hoá chất phát triển nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của vùng.

* Tên các trung tâm công nghiệp và cơ cấu ngành công nghiệp của vùng ĐBSCL là:

Tên trung tâm công nghiệpCơ cấu ngành công nghiệpQuy mô
Hà TiênSản xuất vật liệu xây dựngNhỏ
Cao LãnhChế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùngNhỏ
Tân AnChế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khíNhỏ
Mỹ ThoChế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùngNhỏ
Bến TreChế biến lương thực thực phẩmNhỏ
Cần ThơChế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí, luyện kimTrung bình
Trà VinhChế biến lương thực thực phẩmNhỏ
Sóc TrăngChế biến lương thực thực phẩmNhỏ
Bạc LiêuChế biến lương thực thực phẩmNhỏ
Cà MauChế biến lương thực thực phẩmNhỏ
Rạch GiáChế biến lương thực thực phẩmNhỏ
Long XuyênChế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khíNhỏ
Vĩnh LongChế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùngNhỏ

* Ý nghĩa của việc phát triển mạnh công nghiệp chế biến, lương thực thực phẩm đối với sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long:

  • Tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp
  • Xuất khẩu nhiều nông sản, ổn định sản xuất
  • Nâng cao đời sống nhân dân
  • Góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất nông nghiệp
  • Tạo điều kiện cho hàng hóa nông nghiệp chiếm lĩnh thị trường trong và nước ngoài.

c. Dịch vụ

Đọc thông tin, quan sát hình 4, hãy:

- Kể tên các ngành dịch vụ chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

- Nêu những hạn chế cần khắc phục trong phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời:

* Các ngành dịch vụ chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Xuất nhập khẩu

+ Vận tải thuỷ

+ Du lịch

* Hạn chế cần khắc phục trong phát triển du lịch ở ĐBSCL là: Chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch còn hạn chế

5. Tìm hiểu các trung tâm kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long

Quan sát hình 3, đọc thông tin, hãy:

- Kể tên các trung tâm kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

- Nêu tên các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Cho biết đặc điểm nôi bật kinh tế - xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trả lời:

* Tên các trung tâm kinh tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là:

  • Thành phố Cần Thơ
  • Thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang)
  • Thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang)
  • Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau)

* Các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long là: Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang và Cà Mau.

* Đặc điểm nôi bật kinh tế - xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là:

+ Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.

+ Công nghiệp bước đầu phát triển với các ngành: năng lượng, hoá chất, chế biến lương thực, thực phẩm...

C. Hoạt động luyện tập

Câu 1. Trình bày ý nghĩa của việc cải tạo đất phèn, đất mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long?

Trả lời:

Đất phèn, đất mặn là hai loại đất chiếm diện tích lớn (khỏang 60 % diện tích tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long) với mức độ phèn, mặn khác nhau. Nếu được cải tạo thì hai loại đất này sẽ đem lại nhiều giá trị to lớn đối với vùng.

Việc đẩy mạnh cải tạo đất phèn, đất mặn sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng đất, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội, chẳng những ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho cả nước (tăng sản lượng lương thực, thực phẩm), góp phần phân bố dân cư và xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu.

Câu 2. Cho bảng số liệu sau:

Sản lượng cá biển khai thác, cá nuôi và tôm nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và cả nước năm 2014

Sản lượngCá biển khai thácCá nuôiTôm nuôi
Đồng bằng sông Cửu Long735,81761,2493,3
Đồng bằng sông Hồng98,5374,711,1
Cả nước1970,22458,8615,2

- Vẽ biểu đô thể hiện tỉ trọng sản lượng cá biển khai thác, cá nuôi, tôm nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng so với cả nước (cả nước= 100%)

- So sánh tỉ trọng sản lượng cá biển khai thác, cá nuôi, tôm nuôi giữa đồng bằng sông Cửu Long với đồng bằng sông Hồng và cả nước năm 2014

- Giải thích nguyên nhân

Trả lời:

Xử lí bảng số liệu, ta có kết quả như sau:

Sản lượngCá biển khai thácCá nuôiTôm nuôi
Đồng bằng sông Cửu Long37,3%71,6%80,2%
Đồng bằng sông Hồng4,9%15,2%1,8%
Cả nước100%100%100%

* Vẽ biểu đồ:

Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 18: Đồng bằng sông Cửu Long

* So sánh:

  • Sản lượng cá biển khai thác của ĐBSCL cao gấp 7,6 lần ĐBSH và chiếm hơn 1/3 sản lượng của cả nước
  • Sản lượng cá nuôi của ĐBSCL cao gấp 4,7 lần ĐBSH và chiếm khoảng 2/3 sản lượng của cả nước
  • Sản lượng tôm nuôi của ĐBSCL cao gấp 44,5 lần ĐBSH và chiếm hơn 3/4 sản lượng của cả nước.

* Giải thích nguyên nhân:

  • ĐBSCL có sản lượng cá biển khai thác lớn vì có vùng biển ấm nóng quanh năm, có nhiều ngư trường rộng lớn, nguồn lao động dồi dào...
  • ĐBSCL có sản lượng tôm nuôi và cá nuôi lớn vì có diện tích mặt nước rộng, người dân có kinh nghiệm nuôi trồng...

D-E. Hoạt động vận dụng - tìm tòi mở rộng

* Lựa chọn một trong hai nhiệm vụ sau và thực hiện:

- Lựa chọn một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long và đóng vai hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu cho bạn bè biết về địa điểm du lịch đó.

- Hãy sưu tầm tư liệu và viết về một chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời:

Giới thiệu chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng là khu chợ nổi lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khu chợ này là một địa điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất của Cần Thơ, tọa lạc trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều.

Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thuở xưa, chợ nổi hình thành là vì đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, trong khi đó nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, người ta tụ tập trên sông và bằng các phương tiện như xuồng, ghe,Tắc Ráng .... Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn.

Hằng ngày, chợ nổi Cái Răng họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Ở chợ nổi, hầu hết hàng hóa đều được bán sỉ (bán buôn). Tại chợ, hàng hóa rất đa dạng, phong phú, đứng đầu là nhóm hàng nông sản: trái cây, rau củ quả, hoa kiểng; tiếp theo là nhóm hàng thủ công, gia dụng (lu hũ, khạp, chén, đĩa, nồi niêu, xoong, chảo…); thực phẩm (mắm, khô, nước mắm, bột ngọt, đường, sữa…). Ngoài ra, ở chợ còn có các xuồng nhỏ bán đồ ăn uống và một số hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của dân cư và du khách. 

Ở chợ nổi Cái Răng hình thành một hình thức chào hàng khá độc đáo và đặc sắc. Ở chợ, người bán hàng thường sử dụng "cây bẹo." Đây là một cây sào dài được dựng trên ghe thuyền dùng để treo các loại hàng hóa cần bán. Từ xa, người mua hàng có thể quan sát cây bẹo để biết ghe hàng nào bán thứ gì, từ đó họ sẽ tiếp cận và thương lượng mua bán rất dễ dàng, thuận tiện. Cây bẹo vừa có ý nghĩa chào hàng, vừa tạo cho khung cảnh chợ nổi thêm sinh động, đa sắc màu. 

Ở giữa bốn bề sông nước, với hàng trăm ghe thuyền san sát, hình ảnh cây bẹo đã trở thành nét văn hóa của vùng sông nước, đồng thời là một phương thức tiếp thị và quảng cáo hàng hóa hết sức thú vị. Nhiều du khách khi đến chợ nổi đã tỏ ra rất thích thú với hình ảnh cây bẹo chào hàng. Điểm độc đáo của chợ nổi Cái Răng là ở chợ nổi không "bán chịu" và ít nói thách; mọi giao dịch diễn ra nhanh chóng để kịp con nước hoặc trước lúc chợ tan, khi mặt trời lên cao...

Có thể nói, chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan đặc sắc nhất ở Cần Thơ. Đây là một nét văn hóa rất đặc sắc ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com