Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 3: Sự phát triển nền kinh tế Việt Nam

Giải chi tiết, cụ thể địa lí 9 VNEN bài 3: Sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Quan sát các ảnh trong hình 1, kết hợp với những hiểu biết của em, trình bày những thay đổi của nền kinh tế nước ta trước và trong thời kì đổi mới. Nêu nguyên nhân?

Trả lời:

* Những thay đổi của nền kinh tế nước ta trước và trong thời kì đổi mới:

+ Lương thực, thực phẩm ngày càng nhiều không những đáp ứng đủ cho thị trường mà còn mang đi xuất khẩu sang các nước.

+ Hệ thống giao thông ngày càng được nâng cấp, các phương tiện giao thông ngày càng hiện đại hơn (ô tô, xe máy).

+ Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều....

* Nguyên nhân: Nước ta thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Đọc thông tin, quan sát hình 2 và 3, hãy:

- Cho biết xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta?

- Nêu tên các vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm của nước ta và cho biết vùng kinh tế nào giáp biển, vùng nào không giáp biển?

Trả lời:

* Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta thể hiện ở 3 mặt chủ yếu:

- Chuyển dịch cơ cấu ngành:

+ Giảm tỉ trọng khu vực nông – lâm – ngư nghiệp.

+ Tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng.

+ Dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhưng còn biến động.

- Chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ: Hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp, lãnh thổ tập trung công nghiệp, dịch vụ, tạo nên vùng kinh tế phát triển năng động.

- Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế: Chuyển dịch từ nền kinh tế nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần.

* Tên các vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm:

- Vùng kinh tế gồm có 7 vùng:

+ Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (giáp biển)

+ Vùng đồng bằng sông Hồng (giáp biển)

+ Vùng Bắc Trung Bộ (giáp biển)

+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (giáp biển)

+ Vùng Tây Nguyên (không giáp biển)

+ Vùng Đông Nam Bộ (giáp biển)

+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long (giáp biển)

- Vùng kinh tế trọng điểm:

+ Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

+ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

+ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

+ Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long

2. Tìm hiểu những thành tựu và thách thức trong phát triển kinh tế

Đọc thông tin, kết hợp với những hiểu biết của em, hãy cho biết một số thành tựu và thách thức trong phát triển kinh tế của nước ta?

Trả lời:

* Thành tựu:

+ Tăng trưởng kinh tế tương đối vững chắc.

+ Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng có lợi cho quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

+ Hình thành các ngành công nghiệp trọng điểm: Dầu khí, điện, chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng.

+ Phát triển nền sản xuất hướng ra xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

* Thách thức:

+ Nhiều tỉnh, huyện miền núi còn có nhiều xã nghèo

+ Nhiều tài nguyên đang bị khai thác quá mức, môi trường bị ô nhiễm

+ Vấn đề việc làm, an ninh xã hội, y tế giáo dục... chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

+ Thách thức lớn khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

C. Hoạt động luyện tập

Câu 1. Cho bảng số liệu sau:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) phân theo ngành kinh tế của nước ta năm 2000 và 2014

Ngành/ Năm20002014
Nông, lâm, thủy sản123,4697,0
Công nghiệp - xây dựng206,21307,9
Dịch vụ206,21537,2
Tổng GDP535,83542,1

- Tính tỉ trọng các ngành kinh tế trong tổng GDP nước ta, các năm 2000 và 2014.

- Nhận xét sự thay đổi về quy mô và cơ cấu ngành kinh tế hai năm trên?

Trả lời:

* Tỉ trọng trong cơ cấu (đơn vị %) = (giá trị cá thể: giá trị tổng thể) x 100%.

* Áp dụng công thức ta có bảng kết quả:

Ngành/ Năm20002014
Nông, lâm, thủy sản23%19,7%
Công nghiệp - xây dựng38,5%36,9%
Dịch vụ38,5%43,4%
Tổng GDP100%100%

* Nhận xét về quy mô và cơ cấu ngành kinh tế:

- Về quy mô: Năm 2014 tổng GDP cao hơn năm 2000 gấp 6,6 lần.

- Về cơ cấu ngành kinh tế: Có sự chuyển dịch theo hướng tích cực

+ Ngành nông lâm thủy sản có tỉ trọng giảm từ 23% xuống 19,7%

+ Ngành công nghiệp -xây dựng có tỉ trọng giảm nhẹ từ 38,5% xuống 36,9%

+ Ngành dịch vụ có tỉ trọng tăng từ 38,5% lên 43,4%.

Câu 2. Cho bảng số liệu sau:

Thành phần kinh tế/ Năm20022014
Nhà nước38,431,9
Ngoài nhà nước47,948,2
Có vốn đầu tư nước ngoài13,719,9
Tổng GDP100,0100,0

- Vẽ biểu đồ hình tròn thể hiện cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế nước ta năm 2000 và 2014.

- Nhận xét về cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế nước ta hai năm trên.

Trả lời:

* Vẽ biểu đồ:

Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 3: Sự phát triển nền kinh tế Việt Nam

* Nhận xét:

- Thành phần kinh tế nước ta đang có sự chuyển dịch theo hướng:

+ Tỉ trọng thành phần kinh tế nhà nước giảm 6,5%

+ Tỉ trọng thành phần kinh tế ngoài nhà nước giảm 0,3%

+ Tỉ trọng thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 6,2%.

D-E: Hoạt động vận dụng - Tìm tòi mở rộng

Câu 1. Vận dụng những kiến thức đã học và sự hỗ trợ của người thân, hãy viết một báo cáo ngắn gọn về những thay đổi kinh tế tại địa phương mình hoặc một địa phương khác ở nước ta mà em biết?

Trả lời:

* Những thay đổi kinh tế tại Hà Nội: 6 tháng đầu năm 2018

+ Theo UBND Thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; thu hút đầu tư tiếp tục tăng, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 9,9% so với cùng kỳ, ước đạt 128,9 nghìn tỷ đồng; các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động tốt, đảm bảo cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh; giá cả hàng hóa và dịch vụ ổn định; công nghiệp, thương mại và du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ; nông nghiệp phát triển tốt, hướng vào chất lượng…

+ Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm theo phương pháp tính mới tăng 7,07% (theo phương pháp cũ tăng 7,78%), cao hơn mức tăng 6 tháng đầu năm 2017 (6,64%), trong đó hầu hết các nhóm ngành tăng cao hơn cùng kỳ.

+ Đặc biệt Thành phố tiếp tục khuyến khích phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; đã rà soát quy hoạch mạng lưới chợ; đẩy mạnh thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các chợ đầu mối; tiến hành phân hạng và phê duyệt nội quy hoạt động cho 5 siêu thị; tăng cường giải tỏa chợ cóc, chợ tạm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự giao thông và phòng chóng cháy nổ, đã hoàn thành giải tỏa 151/213 chợ và đang thực hiện đối với 62 chợ còn lại.

+ Các chỉ số tổng hợp về năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính năm 2017 tiếp tục tăng hạng và giữ vị trí cao so với các tỉnh, thành phố: Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng vị trí 13/63 (tăng 01 bậc); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) đứng vị trí 2/63 (tăng 01 bậc).Thành phố khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân.

+ Tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch đạt xấp xỉ 100%

+ Công tác an sinh xã hội luôn được thành phố đặc biệt chú trọng. Thành phố đã kịp thời xây dựng và ban hành các kế hoạch, chương trình về công tác lao động, việc làm. Ước 6 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 89.000/152.000 lao động, đạt 58,5% kế hoạch.

+ Công tác lao động - tiền lương - bảo hiểm xã hội cho người lao động tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và tuyên truyền sâu rộng cho người lao động, người sử dụng lao động.

+ Chất lượng giáo dục tiếp tục nâng cao, hội nhập quốc tế về giáo dục được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hoá tiếp tục phát triển, công tác lễ hội được quản lý tốt hơn năm trước.

(Sưu tầm)

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com