Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 7: Trung du và miền núi Bắc Bộ

Giải chi tiết, cụ thể địa lí 9 VNEN bài 7: Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Dựa vào hiểu biết của bản thân, kết hợp với quan sát hình 1, hãy kể tên các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Nêu hiểu biết của em về cảnh quan thiên nhiên hoặc đặc điểm văn hóa của 1 tỉnh nào đó của vùng?

Trả lời:

* Các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm có tất cả 15 tỉnh, đó là: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai.

* Một số hiểu biết của em về vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ:

  • Đây là vùng có địa hình cao nhất cả nước, tập trung nhiều dân tộc ít người
  • Khí hậu có mùa đông lạnh nhất cả nước, có khi lên đến âm độ, có tuyết.
  • Là vùng đồi núi nên ở đây có nhiều rừng, nhiều gỗ quý và đặc biệt có nhiều loại khoáng sản nằm sâu trong lòng đất.
  • Các con sông ở đây có giá trị thủy điện lớn. Điển hình là nhà máy thủy điện Sơn La và Hòa Bình đều nằm trong vùng này. 
  • Mặc dù có nhiều tiềm năng, song vùng vẫn còn nhiều khó khăn như địa hình cắt xẻ, núi cao đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, người dân còn thiếu ăn thiếu mặc....

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ

Quan sát hình 1, đọc thông tin, hãy:

- Xác định giới hạn lãnh thổ và vị trí địa lí vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

- Nêu ý nghĩa của vị trí địa lí đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du miền núi Bắc Bộ? 

Trả lời:

* Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ:

+ Vị trí: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng lãnh thổ phía Bắc nước ta, tiếp giáp với:

  • Phía Bắc giáp Trung Quốc
  • Phía Nam giáp vùng Bắc Trung Bộ
  • Phía Tây giáp Lào
  • Phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ

+ Lãnh thổ: 

  • Diện tích: 100.965 km2 chiếm 1/3 diện tích lãnh thổ cả nước.
  • Đường biên giới dài giáp Nam Trung Quốc và Thượng Lào.
  • Đường bờ biển kéo dài từ Móng Cái đến Quảng Yên

* Ý nghĩa của vị trí địa lí đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du miền núi Bắc Bộ:

+ Có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng.

+ Có điều kiện giao lưu kinh tế với các vùng kinh tế trong nước cũng như với Lào, Trung Quốc....

+ Phát triển kinh tế cả đất liền và kinh tế biển.

2. Khám phá điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Quan sát hình 1, đọc thông tin, hãy: Hoàn thành bảng theo yêu cầu sau:

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiênĐặc điểmThế mạnh kinh tế
Địa hình, đất đai  
Khí hậu  
Sông, hồ  
Khoáng sản  
Rừng  
Biển  

Nêu những hạn chế về tự nhiên đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Trung du và miền núi Bắc Bộ?

Trả lời:

* Hoàn thành bảng:

Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiênĐặc điểmThế mạnh kinh tế
Địa hình, đất đai

Địa hình cao, căt xẻ mạnh

Đất feralit rộng lớn

Phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp
Khí hậukhí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông đông lạnhThuận lợi trồng cây công nghiệp, dược liệu, rau quả ôn đới và cận nhiệt.
Sông, hồLà thượng nguồn của nhiều hệ thống sông lớn

Tiềm năng thủy điện như sông Đà, sông Hồng

Khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản đa dạng: than, sắt, chì, kẽm, thiếc, bôxit, apatit, pirit, đá xây dựng;

Than đá với trữ lượng và chất lượng tốt nhất Đông Nam Á.

Phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, công nghiệp luyện kim,...
RừngTài nguyên rừng lớn, có nhiều vườn quốc giaPhát triển du lịch sinh thái
BiểnBờ biển dài, có nhiều bãi biển đẹpPhát triển ngành đánh bắt nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch biển.

* Những hạn chế về tự nhiên đối với phát triển kinh tế - xã hội ở Trung du và miền núi Bắc Bộ là:

  • Địa hình cao, bị cắt xẻ mạnh, thời tiết diễn biến thất thường gây khó khăn cho hoạt động giao thông
  • Thời tiết mùa đông khắc nghiệt gây ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi của bà con nhất là vùng núi cao
  • Khoáng sản nhiều nhưng trữ lượng nhỏ, ở sâu trong các khu vực hiểm trở khó khai thác.
  • Diện tích rừng ngày càng thu hẹp làm gia tăng hiện tượng lũ quét, sạt lở đất đá....

3. Tìm hiểu đặc điểm dân cư, xã hội

Phân tích bảng 1, đọc thông tin, hãy:

- So sánh các tiêu chí trong bảng số liệu giữa vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với cả nước?

- Trình bày đặc điểm dân cư và xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

Trả lời:

* So sánh Trung du và miền núi Bắc Bộ với cả nước:

+ Số dân chiếm 14% số dân cả nước

+ Mật độ dân số bằng 1/2 mật độ dân số cả nước

+ Tỉ lệ gia tăng dân số của vùng cao hơn cả nước 0,39%

+ Tỉ lệ hộ nghèo (18,4%) cao gấp hơn 2 lần tỉ lệ hộ nghèo cả nước

+ Thu nhập bình quân đầu người cả nước cao hơn 1,5 lần so với vùng

+ Tuổi thọ trung bình của vùng thấp hơn cả nước

+ Tỉ lệ người 15 tuổi trở lên biết chữ chỉ đạt 89%, thấp hơn cả nước.

* Đặc điểm dân cư, xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ:

+ Là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc ít người: Thái, Mường, Dao, Mông...

+ Người dân có nhiều kinh nghiệm canh tác trên đất dốc, kết hợp sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, chăn nuôi...

+ Đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn nhưng đang được cải thiện.

4. Tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế

a. Công nghiệp

Quan sát hình 2, kết hợp với kiến thức đã học, hãy:

- Xác định các nhà máy thủy điện, nhiệt điện trong vùng (tên nhà máy, phân bố ở tình nào hoặc trên sông nào).

- Nêu sự phân bố của các ngành công nghiệp trong vùng theo yêu cầu sau:

Ngành công nghiệpPhân bố
Luyện kim 
Cơ khí 
Hóa chất 
Sản xuất vật liệu xây dựng 
Chế biến lâm sản 
Chế biến lương thực, thực phẩm 
Sản xuất hàng tiêu dùng 

Trả lời:

* Các nhà máy thủy điện, nhiệt điện trong vùng:

  • Nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (Quảng Ninh), 
  • Nhà máy thuỷ điện: Thác Bà (Yên Bái), Hoà Bình (Hòa Bình), Sơn La (Sơn La) và Tuyên Quang (Tuyên Quang).

* Sự phân bố của các ngành công nghiệp trong vùng:

Ngành công nghiệpPhân bố
Luyện kimThai Nguyên
Cơ khíThái Nguyên
Hóa chấtBắc Giang, Phú Thọ
Sản xuất vật liệu xây dựngQuảng Ninh
Chế biến lâm sảnPhú Thọ
Chế biến lương thực, thực phẩmPhú Thọ, Quảng Ninh
Sản xuất hàng tiêu dùngPhú Thọ, Lạng Sơn, Quảng Ninh

b. Nông nghiệp

Quan sát hình 2, đọc thông tin, hãy:

- Trình này những thuận lợi và khó khăn để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

- Xác định địa bàn phân bố của cây chè, hồi, cây ăn quả và chăn nuôi trâu, bò?

Trả lời:

* Những thuận lợi và khó khăn để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ:

- Thuận lợi:

  • Nhờ điều kiện sinh thái đa dạng nên cơ cấu sản phẩm đa dạng (nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới), nhiều loài sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.
  • Đất rừng rộng, thời gian giao đất lâu dài nên có thể kết hợp các mô hình nông - lâm để phát triển kinh tế lâu dài
  • Vùng biển có thể tận dụng các hồ, đầm nước lợ, nước mặn để nuôi tôm, cá...

- Khó khăn: Hoạt động sản xuất còn chưa có tính quy hoạch, chưa chủ động được thị trường.

* Địa bàn phân bố của cây chè, hồi, cây ăn quả và chăn nuôi trâu, bò:

+ Cây chè: Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang...

+ Cây hồi: Lạng Sơn

+ Cây ăn quả: Bắc Giang, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La

+ Chăn nuôi trâu, bò: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La

c. Dịch vụ và các trung tâm kinh tế

Đọc thông tin, kết hợp với quan sát hình 2, hãy:

- Trình bày đặc điểm phát triển và phân bố ngành dịch vụ ở Trung du và miền núi Bắc Bộ?

- Xác định các trung tâm kinh tế quan trọng của vùng trên lược đồ?

Trả lời:

* Đặc điểm phát triển và phân bố ngành dịch vụ ở Trung du và miền núi Bắc Bộ:

+ Đặc điểm phát triển:

  • Hệ thống đường sắt, ô tô, cảng biển của vùng nối liền vời các thành phố của vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là Hà Nội.
  • Các tỉnh biên giới có mối quan hệ trao đổi hàng hóa với các tỉnh Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây) và Lào (Thượng Lào).
  • Một số khu kinh tế mở được xây dựng gần cửa khẩu biên giới Việt - Trung thúc đẩy giao lưu, buôn bán.
  • Các điểm du lịch ngày càng được phát triển và mở rộng (Vịnh Hạ Long, Sapa, Tam Đảo, đền Hùng...)

+ Phân bố: Những trung tâm kinh tế quan trọng của vùng chủ yếu ở các thành phố Thái Nguyên, Hạ Long, Việt Trì, Lạng Sơn

C. Hoạt động luyện tập

Câu 1. So sánh sự khác biệt về điều kiện tự nhiên giữa tiểu vùng Đông Bắc và Tây Bắc?

Trả lời:

* Sự khác biệt về điều kiện tự nhiên giữa Đông Bắc và Tây Bắc:

+ Tây Bắc:

  • Địa hình: Núi cao, bị chia cắt sâu.
  • Hướng địa hình: Tây Bắc - Đông Nam.
  • Khí hậu nhiệt đới ẩm có mùa đông ít lạnh hơn.
  • + Đông Bắc:
  • Địa hình: Núi trung bình và núi thấp
  • Hướng địa hình: Vòng cung.
  • Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh nhất cả nước.

Câu 2. Tại sao Trung du miền núi Bắc Bộ phát triển mạnh cả nhiệt điện và thủy điện?

Trả lời:

* Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển mạnh cả nhiệt điện và thủy điện vì:

+ Về nhiệt điện: Nhà máy nhiệt điện là những nhà máy ở nước ta được vận hành dựa trên nguyên liệu là than. Đây là loại nguyên liệu chủ yếu tập trung ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, trong đó nhiều nhất ở Quảng Ninh. Do đó, dựa trên nguyên liệu sẵn có, vùng đã xây dựng nên các nhà máy nhiệt điện có công suất lớn hàng đầu của cả nước.

Về thủy điện: Nhà máy thủy điện là những nhà máy được vận hành dựa trên năng lượng nước. Đa số năng lượng thủy điện có được từ thế năng của nước được tích tại các đập nước làm quay một tuốc bin nước và máy phát điện. Vì thế với địa hình cao, bị cắt xẻ mạnh cùng với nhiều sông lớn là điều kiện thuận lợi để xây dựng các đập chứa nước. Vì thế, ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La,....

D-E: Hoạt động vận dụng - Tìm tòi mở rộng

Câu 1. Nêu ý nghĩa của việc phát triển các nhà máy thủy điện ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

Trả lời:

* Ý nghĩa của việc phát triển các nhà máy thủy điện ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ:

+ Cung cấp điện sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong vùng cũng như người dân của cả nước.

+ Tạo động lực mới cho sự phát triển của vùng nhất là khai thác và chế biến khoáng sản.

+ Tạo chỗ ở mới tốt hơn và nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế cho các hộ được di dân.

+ Điều hòa lượng nước các con sông, hạn chế thiên tai lũ lụt nhân dân sống hai bên khu vực các con sông....

Câu 2. Tìm hiểu về trang phục, phong tục, tập quán sản xuất của một dân tộc ít người ở Trung du và miền núi Băc Bộ?

Trả lời:

+ Người Mường là dân tộc sống ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam.

+ Người Mường nói tiếng Mường, ngôn ngữ thuộc nhóm Việt - Mường

+ Người Mường tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ

+ Năm 1999, người Mường có 1.137.515 người.

+ Người Mường sống định canh, định cư tại những thung lũng hẹp. Họ làm nông nghiệp lúa nước và có thêm nương rẫy phụ trợ. Nghề phụ của dân tộc này trong những tháng nông nhàn là dệt vải, đan lát, ươm tơ và khai thác nguồn lợi từ rừng.

+ Nhà ở của người Mường là nhà sàn, nhưng họ rất chú trọng đến hướng nhà. Theo quan niệm cổ truyền, nhà không được làm ngược hướng với đồi, núi… 

+ Lễ cưới người Mường gồm các quy trình sau: ướm hỏi, lễ bỏ trầu, lễ xin cưới, lễ cưới lần thứ nhất, lễ đón dâu.

+ Ma chay của người Mường cũng có nhiều điều lạ. Người chết tắt thở, con trai thường cầm dao nín thở chặt 3 nhát vào khung cửa sổ gian thờ, sau đó gia đình mới nổi chiêng phát tang. Thi hài được liệm nhiều lớp vải và quần áo rồi mới đặt trong quan tài làm bằng thân cây khoét rỗng.

+ Lễ hội của người Mường diễn ra quanh năm: Lễ sắc bùa, lễ xuống đồng, hội cầu mưa, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới.

+ Kho tàng văn nghệ dân gian của người Mường khá phong phú: nhiều thể loại thơ dài, truyện cổ, dân ca, ví, tục ngữ. Người Mường hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố… Cồng là nhạc cụ đặc sắc của người Mường.

+ Trò chơi dân gian của người Mường gần gũi với mọi đối tượng của cộng đồng: Thi bắn nỏ, đánh đu, ném còn 

+ Trang phục nam là áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi dưới và đôi khi có thêm túi ngực. Trang phục nữ độc đáo: khăn đội đầu trắng, yếm, áo cánh màu trắng, thân ngắn, xẻ ngực, váy dài đến mắt cá chân gồm thân váy và cạp váy....

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com