Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 6: Địa lí dịch vụ

Giải chi tiết, cụ thể địa lí 9 VNEN bài 6: Địa lí dịch vụ. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Quan sát hình 1, kết hợp với những hiểu biết của em, hãy cho biết các hoạt động này thuộc ngành dịch vụ nào. Nêu ý nghĩa của các ngành đó?

Trả lời:

* Theo quan sát em thấy:

+ Hình 1 và 3: Dịch vụ sản xuất

+ Hình 2: Dịch vụ tiêu dùng

+ Hình 3: Dịch vụ cộng đồng

=> Ý nghĩa: Nhờ có các hoạt động dịch vụ mà:

  • Các ngành kinh tế nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xây dựng được cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, vật tư....
  • Đáp ứng nhu cầu đời sống của con người như mua sắm, đi lại.
  • Thu hút và tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
  • Mang lại thu nhập lớn cho nền kinh tế đất nước.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu khái niệm, cơ cấu và vai trò của ngành dịch vụ

Phân tích hình 2, kết hợp đọc thông tin, hãy:

- Trình bày cơ cấu của các ngành dịch vụ?

- Nêu rõ vai trò của ngành dịch vụ trong sản xuất và đời sống?

Trả lời:

* Cơ cấu nước ta rất đa dạng, gồm các nhóm ngành: Dịch vụ tiêu dùng, dịch vụ sản xuất, dịch vụ công cộng...

+ Dịch vụ tiêu dùng gồm: thương mại, dịch vụ sửa chữa, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ cá nhân và cộng đồng....

+ Dịch vụ sản xuất gồm: giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông, tài chính, tín dụng...

+ Dịch vụ cộng đồng gồm: khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, quản lí nhà nước....

* Vai trò của ngành dịch vụ trong sản xuất và đời sống:

+ Đối với sản xuất:

  • Cung ứng nguyên liệu, vật tư cho sản xuất và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
  • Tạo ra liên hệ giữa các ngành sản xuất, các vùng trong nước và giữa nước ta với nước ngoài.

+  Trong đời sống:

  • Tạo điều kiện việc làm,  đem lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế.
  • Đáp ứng các nhu cầu của con người như mua sắm, du lịch, đi lại....

2. Tìm hiểu đặc điểm phát triển và phân bố các ngành dịch vụ ở nước ta

a. Đặc điểm phát triển

Đọc thông tin và phân tích hình 3, hãy:

- Nhận xét tỉ trọng của khu vực dịch vụ trong cơ cấu GDP ở nước ta năm 2002 và 2014? 

- So sánh tỉ trọng của các nhóm ngành dịch vụ tiêu dùng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ công cộng ở nước ta năm 2002 và 2014?

Trả lời:

* Đọc thông tin và quan sát biểu đồ ta thấy: Khu vực dịch vụ của nước ta đang ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GDP, từ 38,5% (năm 2002) tăng lên 43,4% (năm 2014).

* So sánh tỉ trọng các ngành dịch vụ:

+ Dịch vụ tiêu dùng chiếm tỉ trọng cao nhất và đang có xu hướng giảm từ 51% (năm 2002) xuống 49,4% (năm 2014).

+ Dịch vụ sản xuất chiếm tỉ trọng cao thứ hai và đang có xu hướng tăng nhanh từ 26,8% (năm 2002) lên 35,7% (năm 2014).

+ Dịch vụ công công chiếm tỉ trọng nhỏ nhất và đang có xu hướng giảm từ 22,2% (năm 2002) xuống 14,9% (năm 2014).

b. Đặc điểm phân bố

Quan sát sơ đồ 1, dựa vào kiến thức đã học, hãy:

- Lấy ví dụ cụ thể về các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố các ngành dịch vụ?

- Giải thích tại sao Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai trung tâm dịch vụ lớn nhất và đa dạng nhất nước ta?

Trả lời:

* Lấy ví dụ:

+ Trình độ phát triển kinh tế: Nơi nào phát triển kinh tế thì nơi đó kéo theo sự phát triển của ngành dịch vụ. Vì vậy, những thành phố như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng có nhiều loại hình dịch vụ hơn các tỉnh Điện Biên, Sơn La.

+ Đặc điểm dân cư: Ngành dịch vụ để phục vụ nhu cầu của con người. Vì vậy, ở những nơi đông dân như Hà Nội sẽ có sức mua, sức tiêu thụ lớn hơn tỉnh Hà Giang.

+ Sự hình thành và phát triển đô thị, cơ sở kinh tế: Những khu vực được khai thác và hình thành sớm sẽ có điều kiện tốt hơn, phát triển hơn những vùng hình thành sau này. Vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều loại dịch vụ hơn Bắc Trung Bộ.

+ Các nhân tố khác: Những khu vực càng có nhiều điều kiên thuận lợi sẽ phát triển ngành dịch vụ hơn những nơi khó khăn hẻo lánh. Hà Nội có dịch vụ nhiều hơn và phát triển hơn Lai Châu.

* Giải thích Hà Nội và TPHCM là hai trung tâm dịch vụ lớn nhất và đa dạng nhất ở nước ta:

  • Đây là những nơi tập trung đông dân cư nên nhu cầu tăng cao về mọi mặt.
  • Có thị trường tiêu thụ lớn và là nơi tập trung vốn đầu tư trong và ngoài nước rất lớn.
  • Hệ thống giao thông thuận lợi có nhiều loại đường (sắt, ô tô, không, thủy) là đầu mối giao thông vận tải, viễn thông lớn nhất cả nước.
  • Tập trung nhiều trường đại học lớn, các viện nghiên cứu, các bệnh viện chuyên khoa hàng đầu.
  • Đồng thời là hai trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng lớn nhất nước ta.

3. Tìm hiểu tình hình phát triển và phân bố mạng lưới giao thông vận tải ở nước ta.

* Quan sát hình 4, 5, phân tích bảng 1, đọc thông tin, hãy:

- Điền tên loại hình vận tải tương ứng với các hình?

- Nêu vai trò của ngành giao thông vận tải. Cho biết loại hình vận tải nào có vai trò quan trọng nhất trong việc vận chuyển hàng hóa ở nước ta? Vì sao?

* Xác định các tuyến đường bộ và đường sắt xuất phát từ Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh. Nêu tên một số sân bay và cảng biển nước ta?

Trả lời:

* Loại hình vận tải tương ứng với các hình là:

a. Đường bộ

b. Đường sắt

c. Đường hàng không

d. Đường biển

* Vai trò của ngành giao thông là: 

+ Tham gia vào quá trình cung ứng vật tư kĩ thuật, nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. 

+ Thực hiện các mối liên hệ kinh tế trong nội bộ vùng cũng như giữa trong nước và ngoài nước.

+ Thúc đẩy cho các vùng khó khăn phát triển kinh tế.

* Loại hình vận tải có vai trò quan trọng nhất trong việc vận chuyển hàng hóa ở nước ta là đường bộ. Vì: 

+ Chiếm tỉ trọng vận chuyển hàng hóa lớn nhất.

+ Là loại hình vận tải cơ động nhất, có thể hoạt động được trên khắp cả nước.

+ Chi phí đầu tư tương đối thấp, cước phí vận chuyển tương đối rẻ.

* Các tuyến đường bộ và đường sắt xuất phát từ Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh.

- Các tuyến đường bộ:

  • Từ thủ đô Hà Nội: QL1A, 2, 3, 5, 6, 18, đường Hồ Chí Minh.
  • Từ TP.Hồ Chí Minh: QL1A, 13, 22, 51, đường Hồ Chí Minh.

- Các tuyến đường sắt:

  • Từ thủ đô Hà Nội: Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn
  • Từ TP.Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội

- Các sân bay và cảng biển nước ta:

  • Sân bay: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Vinh, Phù Cát, Đà Nẵng, Phú Quốc, Huế, Vũng Tàu...
  • Cảng biển: Cái Lân, Cửa Lò, Vũng Áng, Thuận An, Chân Mây, Cam ranh, Nhà Bè....

4. Tìm hiểu về bưu chính viễn thông

Quan sát hình 6, 7, đọc thông tin, kết hợp với những hiểu biết của em, hãy:

- Nêu những dịch vụ cơ bản bưu chính và viễn thông?

- Cho biết tác động của việc phát triên dịch vụ điện thoại và internet đến đời sống kinh tế - xã hội nước ta?

- Nêu những dịch vụ mới có chất lượng cao của ngành bưu chính viễn thông nước ta?

Trả lời:

* Những dịch vụ cơ bản bưu chính và viễn thông là: Điện thoại, điện báo, Internet, phát hành báo chí, chuyển phát nhanh bưu điện, điện hoa….

* Tác động của việc phát triên dịch vụ điện thoại và internet đến đời sống kinh tế - xã hội nước ta:

+ Việc phát triển các dịch vụ trên đem đến cơ hội kết nối giúp cho mọi người thu hẹp khoảng cách của mình đối với phần còn lại của thế giới.

+ Ngoài ra, việc phát triển trên cũng mang lại những tiềm năng, những ngành nghề mới giải quyết việc làm và nâng cao trình độ dân trí.

+ Giúp phát triển KHKT từng bước, mở ra cánh cửa tri thức cho các trí thức trẻ tiếp cận với thế giới bên ngoài.

+ Cung cấp những phương tiện thông tin nhanh chóng và chuẩn xác ứng dụng rất nhiều trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, KHKT,quốc phòng

* Những dịch vụ mới có chất lượng cao của ngành bưu chính viễn thông nước ta là: mạng giáo dục (dạy học trực tuyến, bài giảng điện tử....).

5. Tìm hiểu các hoạt động và tình hình phát triển của ngành thương nghiệp

a. Hoạt động nội thương

Quan sát hình 8, 9 đọc thông tin, hãy:

- Cho biết nội thương là gì? Kể tên các hình thức tổ chức bán hàng chủ yếu ở nước ta?

- Chỉ ra các vùng có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lớn ở nước ta? Giải thích vì sao?

Trả lời:

* Nội thương: là hoạt động thương mại diễn ra trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia (hay còn gọi là thương mại nội địa).

* Các hình thức tổ chức bán hàng chủ yếu ở nước ta: chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại....

* Các vùng có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lớn ở nước ta là: đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

- Giải thích:

  • Trình độ phát triển kinh tế của ba vùng trên dẫn đầu cả nước.
  • Đây là những vùng có mật độ dân số cao, có thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn.
  • Cơ sở hạ tầng phát triển và ngày càng được nâng cấp và hoàn thiện
  • Là những vùng tiên phong áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ....

b. Hoạt động ngoại thương

Đọc thông tin, quan sát hình 10, hãy:

- Cho biết ngoại thương là gì? Nêu tến các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam?

- Nhận xét sự thay đổi tỉ trọng cơ cấu hàng xuất khẩu. Nêu tên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta?

Trả lời:

* Ngoại thương: là hoạt động thương mại diễn ra giữa quốc gia trên thế giới (hay còn gọi là thương mại quốc tế).

* Tên các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là: các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và EU.

* Sự thay đổi tỉ trọng cơ cấu hàng xuất khẩu là:

+ Hàng công nghiệp nặng và khoáng sản  chiếm tỉ trọng cao và có xu hướng tăng từ 31,8% lên 44%

+ Hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp giảm nhẹ từ 40,6% xuống 39,4%

+ Hàng nông, lâm, thủy sản chiếm tỉ trọng nhỏ nhất và có xu hướng giảm mạnh từ 27,6% xuống 16,6%.

* Tên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là: than đá, dầu thô, cà phê, điều, gạo,....

6. Khám phá du lịch đất nước

Quan sát hình 11, 12, kết hợp với hiểu biết của em, hãy:

- Nêu các tài nguyên du lịch ở nước ta?

- Giới thiệu các điểm du lịch nổi tiếng ở nước ta?

Trả lời:

* Các tài nguyên du lịch ở nước ta là: 

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên: phong cảnh đẹp, bãi tắm tốt, vườn quốc gia, khí hậu tốt.

+ Tài nguyên du lịch nhân văn: các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống, văn hóa dân gian

* Các điểm du lịch nổi tiếng ở nước ta là: Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha- Kẻ Bàng, Nha Trang, cồng chiêng Tây Nguyên, Hội An, SaPa, Đà Nẵng...

C. Hoạt động luyện tập

Dựa vào lược đồ du lịch Việt Nam, lập và hoàn thiện bảng theo gợi ý sau để chứng minh nước ta có tài nguyên du lịch phong phú:

Nhóm tài nguyênTài nguyênTên, địa điểm
Tài nguyên du lịch tự nhiên

- Địa hình

+ Núi cao

+ Bãi biển đẹp

+ Đảo

+ Hang động

- Sông, hồ

-Vườn quốc gia

 

 
Tài nguyên du lịch nhân văn

- Di sản văn hóa thế giới

- Di tích lịch sử - văn hóa

- Lễ hội

- Làng nghề cổ truyền

- Văn hóa dân tộc

Trả lời:

Nhóm tài nguyênTài nguyênTên, địa điểm
Tài nguyên du lịch tự nhiên

- Địa hình

+ Núi cao

+ Bãi biển đẹp

+ Đảo

+ Hang động

- Sông, hồ

-Vườn quốc gia

 

Địa hình:

+ Núi cao: SaPa, Đà Lạt

+ Bãi biển đẹp: Thiên Cầm, Mỹ Khê, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu....

+ Đảo: Phú Quốc, Cô Tô, Cát Bà, Phú Qúy...

+ Hang động: Phong Nha - Kẻ Bàng, Tràng An, Pác Bó, Vịnh Hạ Long...

Sông, hồ: Ba Bể, Thác Bà, sông Hương,....

Vườn quốc gia: Ba Vì, Cúc Phương, Bạch Mã, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cát Tiên...

Tài nguyên du lịch nhân văn

- Di sản văn hóa thế giới

- Di tích lịch sử - văn hóa

- Lễ hội

- Làng nghề cổ truyền

- Văn hóa dân tộc

- Di sản văn hóa thế giới: Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, di tích Mỹ Sơn, cố đô Huế....

- Di tích lịch sử - văn hóa: cảng nhà rồng, nhà tù Côn Đảo, Ải Chi Lăng, Tân Trào....

- Lễ hội: hội đâm trâu, đền Hùng, chùa Hương, hội chọi trâu, 

- Làng nghề cổ truyền: Bát Tràng, Vạn Phúc, Bầu Trúc...

- Văn hóa dân tộc: 

D-E: Hoạt động vận dụng - tìm tòi mở rộng

Câu 1. Tìm hiểu các loại hình giao thông vận tải ở địa phương em. Kể tên các đường quốc lộ và cao tốc (nếu có) chạy qua huyện, tỉnh nơi em ở?

Trả lời:

* Em ở Hà Nội, nơi đây có các đường quốc lộ và đường cao tốc là:

+ Đường quốc lộ: 1,2,3,5,18,6,21...

+ Đường cao tốc:

  • Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội
  • Hà Nội - Lào Cai, Nội Bài (Hà Nội) - Bắc Ninh - Hạ Long, Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn
  • Hà Nội - Việt Trì (Phú Thọ) - Lào Cai,

Câu 2. Tìm hiểu và kể tên một số mặt hàng xuất khẩu chính ở địa phương em.

Trả lời:

* Ví dụ mẫu: Ở Hà Nội có các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: dệt may, linh kiện máy tính, hàng thủ công mỹ nghệ, thủy tinh, ....

Câu 3. Sưu tầm các thông tin, hình ảnh và tình hình hoạt động ở một trong số các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại ở địa phương em?

Trả lời:

     Chợ Đồng Xuân là một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, Việt Nam; là chợ lớn nhất trong khu phố cổ Hà Nội. Chợ có lịch sử tồn tại hàng trăm năm từ thời phong kiến nhà Nguyễn.

    Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân.

    Chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối chủ yếu dành cho bán buôn. Tuy nhiên dạo quanh trong chợ, người mua vẫn tìm được cho mình những quầy hàng bán lẻ. Bên trong, chợ được chia làm 3 tầng chủ yếu với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu.

    • Tầng trệt: Ngay từ cửa vào là những hàng bán quần áo, kính râm, giày dép, vali cho đến đồ điện tử như điện thoại, cáp xạc, pin sạc, đèn pin siêu sáng, loa, đài radio...nhưng chủ yếu là những mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc.
    • Tầng 2: Là khu vực bán buôn bán lẻ quần áo cho người lớn và các loại vải vóc, gấm, lụa,....
    • Tầng 3: Chủ yếu người ta bán đồ dành cho trẻ sơ sinh....

    Phía sau chợ có các hàng bán chim thú cảnh. Hàng thực phẩm và ăn uống chủ yếu bán ở chợ Bắc Qua. Phía Bắc của chợ, là các hàng ăn, phục vụ khách cả ăn đêm. Xung quanh chợ lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp. Hàng hóa từ đây vận chuyển đi khắp các tỉnh phía Bắc.

Một số hình ảnh về chợ Đồng Xuân:

Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 6: Địa lí dịch vụ

Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 6: Địa lí dịch vụ

Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 6: Địa lí dịch vụ

Giải Địa lí 9 sách VNEN bài 6: Địa lí dịch vụ

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học


Copyright @2024 - Designed by baivan.net