Hướng dẫn giải nhanh sinh học 11 Cánh diều bài 8: Hệ tuần hoàn ở động vật

Baivan.net sẽ đưa ra lời giải nhanh, ngắn gọn chuẩn xác môn sinh học 11 bộ sách cánh diều bài 8: Hệ tuần hoàn ở động vật. Học sinh kéo xuống để tham khảo. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt hiệu quả cao trong học tập

MỞ ĐẦU

Câu 1: Hệ cơ quan nào thực hiện nhiệm vụ vận chuyển và phân phối các chất trong cơ thể động vật? Nêu tên những cơ quan chính cấu tạo nên hệ cơ quan đó ở người.

Hướng dẫn trả lời:

  • Hệ tuần hoàn thực hiện nhiệm vụ vận chuyển và phân phối các chất.

  • Những cơ quan chính cấu tạo nên hệ tuần hoàn ở người: tim và hệ thống mạch máu.

I. KHÁI QUÁT VỀ HỆ TUẦN HOÀN

Câu 1: Quan sát hình 8.1 trang 51, phân biệt hệ tuần hoàn hở và hệ tuần hoàn kín bằng cách điền thông tin theo mẫu bảng 8.1 trang 51.

Quan sát hình 8.1 trang 51, phân biệt hệ tuần hoàn hở và hệ tuần hoàn kín bằng cách điền thông tin theo mẫu bảng 8.1 trang 51.

Hướng dẫn trả lời:

Đặc điểm

Hệ tuần hoàn hở

Hệ tuần hoàn kín

Thành phần cấu tạo

Tim, hệ mạch, dịch tuần hoàn (máu lẫn dịch mô).

Tim, hệ mạch, dịch tuần hoàn (máu).

Đường di chuyển của máu

Tim → Động mạch → Khoang cơ thể → Tĩnh mạch → Tim.

Tim → Động mạch → Mao mạch → Tĩnh mạch → Tim.

Áp lực máu trong mạch

Thấp

Cao hơn

Vận tốc máu chảy trong mạch

Chậm

Nhanh hơn

Câu 2: Quan sát hình 8.2 trang 51, phân biệt hệ tuần hoàn đơn và hệ tuần hoàn kép về số vòng tuần hoàn và đường đi của máu.

Quan sát hình 8.2 trang 51, phân biệt hệ tuần hoàn đơn và hệ tuần hoàn kép về số vòng tuần hoàn và đường đi của máu.

Hướng dẫn trả lời:

Đặc điểm

Hệ tuần hoàn hở

Hệ tuần hoàn kín

Số vòng tuần hoàn

1 vòng tuần hoàn.

2 vòng tuần hoàn (vòng tuần hoàn phổi và vòng tuần hoàn hệ thống).

Đường đi của máu

Máu nghèo O2 ở tâm nhĩ → Tâm thất → Động mạch mang → Mao mạch mang (trao đổi khí trở thành máu giàu O2) → Động mạch lưng → Mao mạch ở cơ quan (trao đổi khí và chất dinh dưỡng thành máu nghèo O2) → Tĩnh mạch chủ → Tâm nhĩ.

  • Vòng tuần hoàn phổi: Máu nghèo O2 từ tâm nhĩ phải → Tâm thất phải → Động mạch phổi → Mao mạch phổi (trao đổi khí thành máu giàu O2) → Tĩnh mạch phổi → Tâm nhĩ trái.

  • Vòng tuần hoàn hệ thống: Máu giàu O2 từ tâm nhĩ trái → Tâm thất trái → Động mạch chủ → Mao mạch ở cơ quan (trao đổi khí và chất dinh dưỡng thành máu nghèo O2) → Tĩnh mạch chủ → Tâm nhĩ phải.

II. CẤU TẠO, HOẠT ĐỘNG CỦA TIM VÀ HỆ MẠCH

Câu 3: Quan sát hình 8.3 trang 52:

Quan sát hình 8.3 trang 52:

  • Nêu sự khác nhau về độ dày của thành tâm nhĩ so với thành tâm thất, thành tâm thất trái so với thành tâm thất phải. Đặc điểm này có ý nghĩa gì đối với hoạt động bơm máu của tim?

  • Nêu vai trò của các van tim.

Hướng dẫn trả lời:

  • Thành tâm nhĩ mỏng hơn thành tâm thất, thành tâm thất trái dày hơn thành tâm thất phải. Ý nghĩa: Độ dày của thành ở từng ngăn tim phù hợp với yêu cầu về lực tạo ra để bơm máu đi của từng ngăn tim.

  • Vai trò: Các van tim có vai trò đảm máu đi theo một chiều.

Câu 4: Quan sát hình 8.4 trang 52 và cho biết một chu kì tim có những pha (giai đoạn) nào? Thời gian mỗi pha là bao nhiêu?

Quan sát hình 8.4 trang 52 và cho biết một chu kì tim có những pha (giai đoạn) nào? Thời gian mỗi p

Hướng dẫn trả lời:

  • Một chu kì tim có 3 pha: pha tâm nhĩ co, pha tâm thất co, pha dãn chung.

  • Thời gian mỗi pha trong chu kì tim: Ở người trưởng thành, mỗi chu kì tim kéo dài khoảng 0,8s, pha tâm nhĩ co 0,1s, pha tâm thất co 0,3s, pha dãn chung 0,4s.

Câu 5: Quan sát hình 8.6 trang 53, nêu đặc điểm khác nhau về cấu tạo của các mạch máu. Những đặc điểm cấu tạo đó phù hợp với chức năng của chúng như thế nào?

Quan sát hình 8.6 trang 53, nêu đặc điểm khác nhau về cấu tạo của các mạch máu. Những đặc điểm cấu tạo đó phù hợp với chức năng của chúng như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Loại mạch

Đặc điểm cấu tạo

Đặc điểm cấu tạo phù hợp với chức năng

Động mạch

Thành động mạch gồm 3 lớp: mô liên kết, cơ trơn, nội mạc. Lớp mô liên kết và lớp cơ trơn dày hơn; lòng mạch hẹp hơn.

Chức năng dẫn máu từ tim đến các cơ quan với vận tốc cao, áp lực lớn:

  • Động mạch có nhiều sợi đàn hồi giúp chống lại áp lực cao của máu.

  • Lớp cơ trơn tạo tính co dãn giúp điều hòa lượng máu đến cơ quan.

Tĩnh mạch

Thành tĩnh mạch gồm 3 lớp: mô liên kết, cơ trơn, nội mạc. Lớp mô liên kết và lớp cơ trơn mỏng hơn; lòng mạch rộng hơn và các tĩnh mạch phía dưới tim có các van.

Chức năng dẫn máu từ các tế bào về tim với vận tốc và áp lực nhỏ hơn động mạch:

  • Lòng mạch lớn giảm lực cản với dòng máu và tăng khả năng chứa máu.

  • Các tĩnh mạch phía dưới tim có các van  giúp máu chảy một chiều về tim.

Mao mạch

Thành mao mạch chỉ gồm một lớp tế bào nội mạc, giữa các tế bào có vi lỗ (lỗ lọc).

Thuận lợi cho sự trao đổi chất giữa tế bào và máu

Câu 6: Quan sát hình 8.7 trang 54 và cho biết sự khác biệt về tổng diện tích mặt cắt ngang, huyết áp, vận tốc máu ở động mạch, mao mạch và tĩnh mạch.

Quan sát hình 8.7 trang 54 và cho biết sự khác biệt về tổng diện tích mặt cắt ngang, huyết áp, vận tốc má

Hướng dẫn trả lời:

  • Tổng diện tích mặt cắt ngang lớn nhất ở mao mạch, nhỏ hơn ở động mạch và tĩnh mạch.

  • Huyết áp cao nhất ở động mạch lớn, giảm dần ở các động mạch nhỏ, mao mạch và thấp nhất ở tĩnh mạch.

  • Vận tốc máu cao ở động mạch lớn, giảm dần ở động mạch nhỏ, thấp nhất ở mao mạch rồi tăng dần từ tĩnh mạch nhỏ đến tĩnh mạch lớn.

Câu 7: Quan sát hình 8.8 trang 55 và cho biết trung khu điều hòa tim mạch nằm ở đâu? Trung khu điều hòa tim mạch tiếp nhận xung thần kinh từ những thụ thể nào?

Quan sát hình 8.8 trang 55 và cho biết trung khu điều hòa tim mạch nằm ở đâu? Trung khu điều hòa tim mạch tiếp nhận xung thần kinh từ những thụ thể nào?

Hướng dẫn trả lời:

  • Trung khu điều hòa tim mạch nằm ở hành não.

  • Trung khu điều hòa tim mạch tiếp nhận xung thần kinh từ những thụ thể áp lực hoặc thụ thể hóa học ở xoang động mạch cổ và gốc cung động mạch chủ.

LUYỆN TẬP

Câu 1: Quá trình vận chuyển máu trong buồng tim ở mỗi pha diễn ra như thế nào?

Hướng dẫn trả lời:

Quá trình vận chuyển máu trong buồng tim ở mỗi pha:

  • Pha tâm nhĩ co: Tâm nhĩ trái và phải co đẩy máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất.

  • Pha tâm thất co: Tâm thất phải và trái co đẩy máu từ tâm thất vào động mạch phổi và động mạch chủ.

  • Pha dãn chung: Tâm nhĩ dãn nhận máu từ tĩnh mạch chủ và tĩnh mạch phổi, tâm thất dãn hút máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất.

Câu 2: Tại sao giá trị huyết áp ở tĩnh mạch lại nhỏ hơn ở động mạch?

Hướng dẫn trả lời:

Vì tim co bóp đẩy máu vào động mạch tạo ra huyết áp, huyết áp trong hệ mạch giảm dần do ma sát giữa máu với thành mạch và ma sát giữa các phân tử máu với nhau → quãng đường máu đi càng xa → huyết áp càng thấp mà trong hệ mạch, máu được vận chuyển từ động mạch, mao mạch đến tĩnh mạch → huyết áp ở tĩnh mạch lại nhỏ hơn ở động mạch.

Câu 3: Vận tốc máu chảy chậm có ý nghĩa như thế nào đối với chức năng của mao mạch?

Hướng dẫn trả lời:

Vận tốc máu chảy chậm ở mao mạch giúp tăng thời gian trao đổi chất giữa tế bào và máu qua thành mao mạch và dịch mô.

IV. THỰC HÀNH

Câu 1: Giải thích tại sao để có kết quả giá trị huyết áp chính xác, người được đo phải ở trạng thái nghỉ ngơi, thư giãn.

Hướng dẫn trả lời:

Vì khi người ở trạng thái hoạt động hay căng thẳng thần kinh đều sẽ làm thay đổi giá trị huyết áp, khiến kết quả đo không chính xác.

Câu 2: Tại sao huyết áp là một chỉ số quan trọng trong thăm khám sức khỏe?

Hướng dẫn trả lời:

Vì huyết áp thể hiện áp lực dòng máu lên động mạch, áp lực dòng máu cần duy trì ổn định thì mới đảm bảo vòng tuần hoàn máu mang oxygen, dinh dưỡng đến khắp các tế bào trong cơ thể → huyết áp ổn định là một tiêu chí để đánh giá tình trạng sức khỏe tốt.

Câu 3: Báo cáo kết quả thí nghiệm theo mẫu ở bài 3.

Hướng dẫn trả lời:

BÁO CÁO KẾT QUẢ THÍ NGHIỆM ĐO HUYẾT ÁP

Tên thí nghiệm: Đo huyết áp.

Nhóm thực hiện: ………….

Kết quả và thảo luận:

Học sinh tiến hành đo huyết áp của những bạn trong nhóm theo hướng dẫn trong SGK và giáo viên; ghi giá trị huyết áp tối đa, huyết áp tối thiểu của từng bạn vào bảng.

Tên

Huyết áp tối đa (mmHg)

Huyết áp tối thiểu (mmHg)

Nguyễn Văn A

135

75

…………………………

…………………………

…………………………

Kết luận:

  • Ở người trưởng thành, giá trị huyết áp tối đa bình thường trong khoảng 90 – 140 mmHg; huyết áp tối thiểu bình thường trong khoảng 60 – 90 mmHg.

  • Huyết áp tối đa cao hơn 140 mmHg hoặc huyết áp tối thiểu cao hơn 90 mmHg được coi là tăng huyết áp (huyết áp cao).

  • Huyết áp tối đa thấp hơn 90 mmHg, huyết áp tối thiểu thấp hơn 60 mmHg được coi là hạ huyết áp (huyết áp thấp).

Câu 4: So sánh nhịp tim ở ba thời điểm đo và giải thích kết quả thu được.

Hướng dẫn trả lời:

  • Học sinh tiến hành xác định nhịp tim ở 3 thời điểm theo hướng dẫn trong SGK và giáo viên; ghi kết quả đo nhịp tim ở 3 thời điểm.

Tên

Thời điểm 1 (lần/phút)

Thời điểm 2 (lần/phút)

Thời điểm 3 (lần/phút)

Nguyễn Văn A

 

 

 

  • Lưu ý: Nhịp tim ở trạng thái nghỉ ngơi của người trưởng thành khoảng 75 lần/phút. Nhịp tim tăng lên khi tăng cường độ hoạt động. Sau khi hoạt động và ngồi nghỉ ngơi, nhịp tim giảm dần và quay về trạng thái bình thường.

  • Giải thích: Một chu kì hoạt động của tim kéo dài khoảng 0,8s → Nhịp tim ở bình thường khoảng 75 lần/phút. Nhịp tim tăng lên khi chạy vì: Khi chạy → tốc độ hô hấp tế bào ở các tế bào cơ tăng → hàm lượng O2 trong máu giảm, hàm lượng CO2 trong máu tăng, pH máu → tác động lên thụ thể hóa học → kích thích hoạt động thần kinh giao cảm → tăng nhịp tim để cung cấp đủ O2 và đào thải CO2 cho các tế bào cơ xương hoạt động. Khi nghỉ ngơi → giảm tiêu thụ O2 và đào thải CO2 → giảm kích thích lên hệ thần kinh giao cảm → nhịp tim dần giảm về trạng thái bình thường.

Câu 5: Tại sao nói luyện tập thể dục thể thao giúp nâng cao sức khỏe tim mạch?

Hướng dẫn trả lời:

Vì luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên sẽ tác động đến cấu tạo và chức năng của tim và mạch máu:

  • Đối với tim: giúp cơ tim phát triển, thành tim dày, buồng tim dãn rộng hơn và co mạnh hơn → tăng thể tích tâm thu, nhịp tim khi nghỉ ngơi giảm nhưng lưu lượng tim vẫn giữ nguyên, lưu lượng tim cao hơn khi lao động nặng.

  • Đối với mạch máu: giúp mạch máu bền hơn và tăng khả năng đàn hồi → tăng lưu lượng máu khi lao động nặng, tăng thêm mao mạch ở cơ xương → tăng khả năng điều chỉnh huyết áp, tăng thể tích máu, tăng số lượng hồng cầu → tăng khả năng cung cấp O2.

Câu 6: Tại sao việc thắt nút lại chứng minh được tính tự động của tim?

Hướng dẫn trả lời:

Vì thắt nút sẽ giúp cô lập từng phần của tim, giúp tìm hiểu được vai trò của mỗi bộ phận của hệ dẫn truyền tim trong việc tạo nên tính tự động của tim.

Câu 7: Tại sao khi tâm thất co thì mỏm tim lại co trước?

Hướng dẫn trả lời:

Vì khi nút xoang nhĩ phát xung thần kinh → tâm nhĩ → tâm nhĩ co đồng thời truyền xuống nút nhĩ thất → bó His chạy theo vách liên thất xuống mỏm tim trước rồi mới theo mạng lưới Purkinje xuống cơ tâm thất làm tâm thất co.

Câu 8: Tại sao adrenaline có thể dùng làm thuốc trợ tim?

Hướng dẫn trả lời:

Vì adrenaline có ảnh hưởng đến hoạt động của tim theo hướng làm tăng nhịp tim, tăng hoạt động cơ tim.

Câu 9: Báo cáo kết quả thí nghiệm theo mẫu ở bài 3.

Hướng dẫn trả lời:

BÁO CÁO KẾT QUẢ THÍ NGHIỆM

Tên thí nghiệm: Tính tự động của tim; ảnh hưởng của thần kinh đối giao cảm, thần kinh giao cảm và adrenaline đến hoạt động của tim.

Nhóm thực hiện: ………….

Kết quả và thảo luận:

  • Kết quả và thảo luận khi thắt nút thắt thứ nhất

  • Kết quả: Học sinh thực hiện nút thắt thứ nhất rồi ghi kết quả vào bảng:

Thời điểm

Vị trí

Ngay sau khi thắt nút

5 – 6 phút sau khi thắt nút

Phần xoang tĩnh mạch

 

 

Phần còn lại của tim

 

 

  • Giải thích: Sau khi thắt nút thắt thứ nhất, xoang tĩnh mạch vẫn đập và đập nhanh hơn nhịp tim ban đầu vì xoang tĩnh mạch của ếch có nút Remark có thể tự phát xung động. Do nút thắt cản trở, lưu lượng máu tăng mạnh → tế bào thụ thể tiếp nhận kích thích phát xung thần kinh nhanh hơn để giảm áp lực. Tim ngay lập tức dừng hoạt động trong vài giây vì nút thắt ngăn cách xoang tĩnh mạch (có nút Remark) với tim → xung thần kinh phát không thể truyền xuống phía dưới → phần trên nút thắt hoạt động bình thường, còn dưới thì bị ngừng vài giây rồi hoạt động lại nhưng yếu hơn trước vì giữa tâm thất và tâm nhĩ có nút Bidder có thể tự phát xung thần kinh nhưng yếu hơn nút Remark.

  • Kết quả và thảo luận khi thắt nút thắt thứ 2 :

  • Kết quả: Học sinh thực hiện nút thắt thứ hai rồi ghi kết quả vào bảng:

Vị trí

Số nhịp

Tâm nhĩ

 

Tâm thất

 

  • Giải thích: Xoang tĩnh mạch tiếp tục co bóp do có nút Remark phát nhịp. Tâm nhĩ không co bóp do có nút Ludwig ức chế. Tâm thất co bóp chậm do nút Bidder không còn bị ức chế bởi nút Ludwig và phát nhịp tự động.

  • Kết quả và thảo luận khi tìm hiểu ảnh hưởng của thần kinh đối giao cảm, giao cảm đến hoạt động của tim ếch:

  • Kết quả: Học sinh thực hiện xác định và kích thích dây thần kinh đối giao cảm – giao cảm rồi ghi kết quả vào bảng:

Thời điểm

Số nhịp tim

Trong khi kích thích

 

Sau khi kích thích 1 – 2 phút

 

→ Khi kích thích, tim ngừng đập ở thì tâm trương. Sau khi kích thích 1 – 2 phút, tim lại đập trở lại bình thường.

  • Giải thích: Hoạt động của tim chịu sự chi phối của dây đối giao cảm – giao cảm. Khi kích thích vào vị trí giữa dây đối giao cảm – giao cảm → xung thần kinh từ dây thần kinh đối giao cảm → tim → giảm nhịp tim, giảm trương lực cơ tim, giảm tốc độ dẫn truyền xung động trong tim, nếu cường độ kích thích cao → tim ngừng đập ở thì tâm trương.

Kết quả và thảo luận khi tìm hiểu ảnh hưởng của adrenaline đến hoạt động của tim ếch:

  • Kết quả: Khi nhỏ adrenaline, cường độ co tim tăng.

  • Giải thích: Adrenaline ảnh hưởng đến hoạt động của tim theo hướng làm tăng nhịp tim, tăng hoạt động cơ tim.

  • Kết luận:

Tim hoạt động tự động do hệ dẫn truyền tim.

Tim hoạt động tự động nhưng vẫn chịu sự điều hòa theo cơ chế thần kinh và thể dịch (một số hormone như adrenaline).

VẬN DỤNG

Câu 1: Tại sao các vận động viên điền kinh sau khi thi đấu về tới đích vẫn phải tiếp tục hoạt động nhẹ nhàng cho tới khi nhịp tim đạt mức bình thường?

Hướng dẫn trả lời:

  • Khi thi đấu, để đáp ứng nhu cầu năng lượng, mạch máu chi dưới dãn hết cỡ để tăng lượng máu tuần hoàn → sự vận chuyển máu về tim chủ yếu phải dựa vào áp lực của cơ bắp co bóp.

  • Sau khi chạy, nếu dừng lại đột ngột, cơ bắp sẽ ngừng co bóp làm mất đi áp lực lên mạch máu, mạch máu đang dãn ra hết cỡ không thể lập tức co lại, cùng với trọng lực máu trong cơ thể sẽ gây tích tụ một lượng máu lớn ở chi dưới → thiếu máu lên não giảm cấp tính.

Câu 2: So với trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi thì khi hoạt động thể thao có sự thay đổi như thế nào về nhịp tim, huyết áp, lượng máu đến cơ quan tiêu hóa và lượng máu đến cơ xương? Giải thích.

Hướng dẫn trả lời:

  • Khi hoạt động thể thao sẽ có nhịp tim, huyết áp, lượng máu đến cơ xương tăng lên còn lượng máu đến cơ quan tiêu hóa giảm.

  • Giải thích: Khi hoạt động thể thao → tốc độ hô hấp tế bào ở các tế bào cơ tăng → hàm lượng O2 trong máu giảm, hàm lượng CO2 tăng, pH máu giảm → tác động lên thụ thể hóa học → kích thích hoạt động thần kinh giao cảm → tăng nhịp tim, huyết áp, lượng máu đến cơ xương, đồng thời, gây co mạch máu đến cơ quan tiêu hóa → giảm lượng máu đến cơ quan tiêu hóa.

Câu 3: Giải thích cơ sở khoa học của quy định người đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.

Hướng dẫn trả lời:

Do rượu, bia có chứa ethanol. Hàm lượng ethanol cao sẽ ức chế hoạt động thần kinh → khó khăn trong việc kiểm soát và phối hợp các cử động của cơ thể → khi điều khiển phương tiện giao thông sẽ dễ gây tai nạn đe dọa đến tính mạng của người đó và những người tham gia giao thông khác.

Tìm kiếm google: giải ngắn gọn Sinh học 11 cánh diều bài 8: Hệ tuần hoàn ở động vật, Soạn ngắn Sinh học 11 CD bài 8: Hệ tuần hoàn ở động vật

Xem thêm các môn học

Giải sinh học 11 Cánh diều mới

PHẦN 4. SINH HỌC CƠ THỂ

CHỦ ĐỀ 1: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT

CHỦ ĐỀ 3: SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT

CHỦ ĐỀ 5: CƠ THỂ LÀ MỘT THỂ THỐNG NHẤT VÀ NGÀNH NGHỀ LIÊN QUAN ĐẾN SINH HỌC CƠ THỂ


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com