Trung Quốc phát triển kinh tế qua nhiều giai đoạn với những bước thăng trầm. Để khôi phục và phát triển kinh tế, từ năm 1978 đến nay, Trung Quốc đã có nhiều biện pháp với các chính sách phù hợp nhằm hiện đại hóa đất nước, tạo nên những thay đổi trong kinh tế - xã hội. Vậy nền kinh tế Trung Quốc có những đặc điểm gì và có vị thế như thế nào trên thế giới?
Hướng dẫn trả lời:
- Đặc điểm nền kinh tế Trung Quốc: Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng giảm nhanh tỉ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; tăng nhanh tỉ trọng dịch vụ.
- Vị thế của nền kinh tế Trung Quốc trên thế giới: thị trường Trung Quốc rộng lớn hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng đến thương mại của nhiều quốc gia. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đứng đầu thế giới.
Câu hỏi: Đọc thông tin và dựa vào các bảng 26.1, 26.2, hãy:
- Trình bày đặc điểm chung phát triển kinh tế của Trung Quốc.
- Liên hệ dẫn chứng để thấy được vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
- Phân tích nguyên nhân của sự phát triển nền kinh tế Trung Quốc
Hướng dẫn trả lời:
* Đặc điểm chung phát triển kinh tế Trung Quốc:
- Năm 2020, GDP chiếm 17,4% GDP toàn thế giới và chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
- Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng giảm nhanh tỉ trọng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tăng nhanh tỉ trọng dịch vụ.
- Thị trường Trung Quốc rộng lớn hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng đến thương mại của nhiều quốc gia.
* Ví dụ về vị thế Trung Quốc trên thế giới:
Sáng kiến Vành đai và Con đường đã trở thành một chương trình hàng đầu và là dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Sáng kiến Vành đai và Con đường đã thu hút sự tham gia đông đảo của các quốc gia và tổ chức kể từ khi được đề xuất vào năm 2013 và hiện có 149 quốc gia thành viên.
* Nguyên nhân của sự phát triển kinh tế:
- Tiến hành cuộc cải cách trong nông nghiệp, trong công nghiệp, tăng cường hiện đại hóa trang thiết bị, ...
- Đầu tư có sở hạ tầng, xây dựng các cảng biển, khu chế xuất, khu mậu dịch tự do, phát triển khoa học - công nghệ; coi trọng thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, thực hiên chính sách mở.
1. Công nghiệp
Câu hỏi: Đọc thông tin, quan sát hình 26.1 và dựa vào bảng 26.3, hãy:
- Kể tên một số trung tâm công nghiệp và các ngành công nghiệp của mỗi trung tâm.
- Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành công nghiệp Trung Quốc.
Hướng dẫn trả lời:
* Một số trung tâm công nghiệp của Trung Quốc: Cáp Nhĩ Tân, Đại Liên, Bắc Kinh, Thượng Hải,...
* Tình hình phát triển và phân bố ngành công nghiệp Trung Quốc:
- Chiếm 37,8% trong GDP của cả nước (năm 2020).
- Công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao và thu hút đầu tư nước ngoài lớn.
- Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, phát triển các ngành ứng dụng công nghệ cao: công nghiệp chế tạo, điện tử - tin học, hóa chất,...
- Các trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc chủ yếu phân bố ở miền Đông, đặc biệt là vùng duyên hải như: Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải, ...
2. Nông nghiệp
Câu hỏi: Đọc thông tin, quan sát hình 26.2 và dựa vào các bảng 26.4 và 26.5, hãy:
- Xác định một số cây trồng, vật nuôi chính của Trung Quốc.
- Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành nông nghiệp Trung Quốc.
Hướng dẫn trả lời:
* Một số cây trồng, vật nuôi chính của Trung Quốc:
Cây trồng: lúa gạo, lúa mì, ngô, khoai tây, mía,...
Vật nuôi: lợn, bò, gà,...
* Tình hình phát triển và phân bố của ngành nông nghiệp Trung Quốc:
- Trồng trọt: Trồng trọt là ngành chủ yếu trong nông nghiệp, phát triển mạnh ở các đồng bằng Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung, ...
- Chăn nuôi: ngày càng được hiện đại hoá và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tập trung ở các đồng bằng phía đông và vùng Đông Bắc, Hoa Bắc;...
- Lâm nghiệp: được chú trọng phát triển do có nhiều tiềm năng.
- Thuỷ sản: Trung Quốc là nước sản xuất thuỷ sản lớn, tổng sản lượng thuỷ sản đứng hàng đầu thế giới.
3. Dịch vụ
Câu hỏi: Đọc thông tin, quan sát hình 26.1 và dựa vào bảng 26.2, hãy:
- Xác định trên bản đồ một số sân bay, cảng biển.
- Trình bày tình hình phát triển và phân bố ngành dịch vụ Trung Quốc.
Hướng dẫn trả lời:
* Một số sân bay, cảng biển Trung Quốc:
Sân bay: Hồng Kông, Đài Bắc, Vũ Hán,...
Cảng biển: Thượng Hải, Đại Liên, Thiên Tân,...
* Tình hình phát triển và phân bố ngành dịch vụ của Trung Quốc:
- Ngành dịch vụ Trung Quốc phát triển nhanh, tỉ trọng đóng góp của ngành này cao nhất trong GDP, cơ cấu ngành rất đa dạng.
- Giao thông vận tải: đang được nâng cấp, mở rộng và hiện đại hoá.
- Bưu chính viễn thông: mạng lưới phủ kín rộng khắp đất nước. Các trung tâm viễn thông lớn của Trung Quốc là: Bắc Kinh, Thượng Hải,...
- Du lịch phát triển nhanh và ngày càng chiếm một vị trí quan trọng.
- Thương mại: ngoại thương phát triển mạnh, Trung Quốc đứng đầu thế giới về tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu. Phát triển mạnh ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu,...
- Tài chính ngân hàng phát triển nhanh và có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng. Các trung tâm tài chính, ngân hàng lớn hàng đầu ở Trung Quốc là: Bắc Kinh, Thượng Hải, ...
Luyện tập
Bài tập 1: Dựa vào hình 26.1, hãy nhận xét sự phân bố các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc.
Hướng dẫn trả lời:
* Nhận xét về sự phân bố các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc:
- Công nghiệp của Trung Quốc phân bố chủ yếu ở miền Đông lãnh thổ, khu vực ven các con sông lớn và ven biển. Công nghiệp kém phát triển ở phía Tây.
Bài tập 2: Dựa vào bảng 26.6, hãy vẽ biểu đồ tròn thể hiện cơ cấu giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc năm 2000 và năm 2020. Rút ra nhận xét.
Hướng dẫn trả lời:
* Nhận xét:
- Giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc năm 2000 và năm 2020 tăng nhanh, năm 2020 tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2000, tỉ trọng xuất khẩu và nhập khẩu vẫn giữ ở vị thế cân bằng
Vận dụng
Bài tập 3: Tìm kiếm các thông tin và liên hệ thực tế, hãy nêu các biểu hiện về mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam
Hướng dẫn trả lời:
- Đến nay, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trên thế giới, sau Hoa Kỳ.
- Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, lớn thứ tám trên thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm và thị trường nhập khẩu lớn thứ chín của Trung Quốc trên thế giới.
Về xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.
Về nhập khẩu, đây cũng là thị trường cung cấp nhiều các mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.