[toc:ul]
1.1. Đặc điểm bệnh
- Bệnh cúm gia cầm (cúm gà, cúm A/H5N1) là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở gia cầm. Các loài gia cầm ở mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, chết nhanh và với tỉ lệ chết rất cao 90 – 100%.
- Biểu hiện đặc trưng của bệnh:
+ Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày. Con vật sốt cao, mệt mỏi, ủ rũ, đi loạng choạng, quay cuồng, khó thở, chảy nước mắt, nước mũi. Sau từ 1 đến 3 ngày thì con vật chết do suy hô hấp và ngạt thở. Mào sưng tích nước, đỏ sẫm. Da chân có xuất huyết đỏ là biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh.
+ Khi mổ khám có thể thấy xuất huyết tràn lan ở phổi, tim, gan, lách, thận và đường tiêu hoá. Chẩn đoán bệnh căn cứ vào các biểu hiện đặc trưng của bệnh và kết quả xét nghiệm chuyên sâu xác định mầm bệnh.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh
- Mầm bệnh là virus cúm nhóm A thuộc họ Orthomyxoviridae, có 2 kháng nguyên bề mặt là H (Haemagglutinin) và N (Neuraminidase).
- Mầm bệnh tồn tại vài tuần trong chất hữu cơ ở môi trường tự nhiên và bị diệt bởi các chất sát trùng thông thường.
- Mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi theo 2 đường chính là hô hấp và tiêu hoá.
1.3. Phòng và trị bệnh
- Điều trị: Không có thuốc đặc trị bệnh cúm gia cầm. Khi nghi ngờ gia cầm bị bệnh cần:
(1) Báo ngay cho cán bộ thú y để được hướng dẫn.
(2) Cách li triệt để: không giết mổ hoặc di chuyển con vật ra khỏi khu vực chăn nuôi, cũng không chuyển gia cầm từ nơi khác về.
(3) Tiến hành các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y, bao gồm: tiêu huỷ con vật chết và con vật bị bệnh; vệ sinh khử trùng triệt để chuồng trại và phương tiện, dụng cụ bằng biện pháp thích hợp.
2.1. Đặc điểm bệnh
- Cầu trùng gà là bệnh kí sinh trùng rất nguy hiểm đối với ngành chăn nuôi gia cầm bởi vì nó có thể lây lan rộng và gây thiệt hại lớn về kinh tế.
- Bệnh có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi và bất kì mùa nào trong năm. Tuy nhiên, gà từ 6 đến 60 ngày tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.
- Biểu hiện bệnh:
+ Thời kì ủ bệnh kéo dài từ 4 đến 6 ngày.
+ Bệnh có 3 thể là cấp tính, mạn tính và ẩn tính (mang trùng) tuỳ thuộc vào tuổi gà, loài và số lượng cầu trùng.
+ Lúc đầu gà uống nhiều nước, tiêu chảy với phân chứa thức ăn không tiêu, sau đó vài ngày thì chuyển sang dạng sáp nâu, phân sống, lẫn máu và cuối cùng phân toàn máu.
+ Con vật gầy rộc, thiếu máu, mào, da nhợt nhạt, xù lông, sẽ cánh, mắt nhắm nghiền, bỏ ăn, chết do mất máu và kiệt sức.
+ Khi mổ khám có thể thấy xác gầy, ướt, thiếu máu; manh tràng và ruột non xuất huyết tràn lan và chứa nhiều máu.
2.2. Nguyên nhân gây bệnh
- Bệnh cầu trùng gà do một loại động vật nguyên sinh có tên là trùng bào tử hình cầu (họ Eimeria), trong đó có 6 loài thường gặp nhất, gây ra biểu hiện bệnh ở các phần khác nhau trong đường tiêu hoá.
- Các loài cầu trùng này là các kí sinh trùng đơn bào trong tế bào niêm mạc ruột, phá huỷ cấu trúc ruột, gây chảy máu và tạo điều kiện cho các vi khuẩn khác xâm nhập, phát triển và gây bệnh thứ phát.
2.3. Phòng và trị bệnh
- Phòng bệnh:
+ Giữ cho chuồng nuôi luôn khô ráo, sạch sẽ.
+ Đảm bảo chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc phù hợp.
+ Dùng một trong các loại thuốc đặc trị cầu trùng với liều lượng bằng 1/2 liều điều trị để phòng bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ thú y và nhà sản xuất.
- Điều trị:
+ Áp dụng phác đồ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ thú y.
+ Trong đơn thuốc thường có một loại thuốc đặc trị bệnh cầu trùng cho gia cầm kết hợp với các chất bổ trợ khác như glucose, vitamin,...
+ Nên dùng loại thuốc đặc trị khác với loại đã dùng khi phòng bệnh để đảm bảo cho hiệu quả tốt hơn.