Ôn tập kiến thức ngữ văn 10 CTST bài 3: Hương sơn phong cảnh

Ôn tập kiến thức ngữ văn 10 CTST bài 3 Hương sơn phong cảnh. Nội dung ôn tập bao gồm cả lí thuyết trọng tâm và bài tập ôn tập để các em nắm chắc kiến thức trong chương trình học. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em ôn luyện và kiểm tra. Kéo xuống để tham khảo

[toc:ul]

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả

- Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905), tự Cán Thần, hiệu Trúc Văn, là một danh sĩ thời Nguyễn, người làng Phú Thị, huyện Đông Yên nay là huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

- Từ bé ông đã nổi tiếng thông minh, có tài văn chương. Năm 19 tuổi đỗ tú tài rồi đến xin học với phó bảng Phạm Hy Lượng, mấy năm sau thầy gả con gái cho.

- Ông là người thạo cầm, kì, thi, họa, am hiểu nghệ thuật kiến trúc, đã vẽ kiểu chùa Thiên Trù (Hương Sơn) khi trùng tu.

2. Tác phẩm

- Xuất xứ: Văn bản in trong Việt Nam ca trù biên khảo, Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1995; có tham khảo văn bản Bài ca phong cảnh Hương Sơn, Ngữ Văn 11, tập một, Hoàng Như Mai, chủ biên, NXB Giáo dục, 2005.

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ có thể được sáng tác trong thời gian Chu Mạnh Trinh tham gia trùng tu chùa Thiên Trù trong quần thể Hương Sơn.

3. Đọc văn bản

- Thể loại: Hát nói

- Bố cục:

+ Bốn câu đầu: Cái nhìn bao quát của chủ thể trữ tình khi đặt chân đến Hương Sơn.

+ Mười câu giữa: Miêu tả cụ thể phong cảnh Hương Sơn theo bước chân chủ thể trữ tình nhập vai trong “khách tang hải”.

+ Năm câu cuối: tư tưởng từ bi, bác ái và tình yêu đối với cảnh đẹp đất nước của tác giả.

 - Chủ thể trữ tình  trong bài thơ có hai dạng:

+ Chủ thể ẩn: không xuất hiện trực tiếp, người đọc chỉ cảm nhận được có một ai đó (chủ thể) đang quan sát và rung động trước phong cảnh Hương Sơn.

+ Chủ thể nhập vai: qua cụm "khách tang hải".

Hai chủ thể xuất hiện xen kẽ trong bài thơ, có lúc độc lập, có lúc hoà vào nhau.

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT VĂN BẢN

1. Giới thiệu về Hương Sơn

- Bầu trời cảnh Bụt: cảnh nửa thực, nửa mơ.

- Hương Sơn hiện lên với cảnh sắc thiên nhiên có sự hòa hợp giữa non nước, mây trời vừa trải rộng mênh mang trùng điệp à choáng ngợp, sững sờ khi bao quát vẻ đẹp hùng vĩ của Hương Sơn.

- Câu hỏi tu từ bộc lộ sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng - đẹp đến nỗi chủ thể trữ tình như không tin vào mắt mình à thể hiện thái độ thành kính, ngỡ ngàng, xúc động trước vẻ đẹp như nơi cõi Phật của toàn cảnh Hương Sơn.

=> Cảnh Hương Sơn với ba đặc trưng: thiên nhiên thoát tục, núi non trùng điệp, hùng vĩ và hang động đẹp nhất trời Nam; bao trùm lên đó là tình cảm tràn ngập say mê con người.

 2. Bức tranh thiên nhiên Hương Sơn

- Cảnh vật: Bức tranh thiên nhiên với không gian lắng đọng, thanh tĩnh, sự vật như đang chìm đắm trong thế giới thiêng liêng của đạo Phật.

 - Con người: như cởi bỏ được phiền lụy của thế gian, tâm hồn trở nên trong sáng, thanh khiết và thánh thiện.

=> Nhận xét:

+ Tác giả đã quan sát, miêu tả cụ thể từng chi tiết phong cảnh Hương Sơn.

+ Thể hiện niềm say mê với vẻ đẹp thanh khiết, trong ngần của thiên nhiên cũng như sự hòa quyện của thiên nhiên và những công trình kiến trúc tài hoa, khéo léo của con người. Cái đẹp đạt tới độ thánh thiện, thoát tục, khiến “khách tang hải giật mình...”.

3. Suy niệm của tác giả

-  Sử dụng câu hỏi tu từ: giang sơn dường như có ý đợi chờ ai nên tạo hóa mới xếp đặt cảnh Hương Sơn đến như thế như đợi những người biết thưởng thức cái đẹp của nó, biết trân trọng nâng niu.

- Những từ ngữ mang đậm dấu ấn nhà Phật “lần tràng hạt”, “Nam vô Phật”, “từ bi”, “công đức”

- Kết cấu mở “càng...càng”: dường như tình - cảnh không có dấu chấm hết, cảnh vẫn bay trong không khí thần tiên và cảm xúc của con người đối với Hương Sơn là vô tận, vô biên.

=> Thi nhân quên mình là thi sĩ để sống trong giây phút nỗi niềm của Phật Tử.

 4. Đặc điểm nghệ thuật qua bài thơ

 - Cảm hứng chủ đạo: Ngợi ca thiên nhiên đất nước tươi đẹp, qua đó, gửi gắm tình yêu đối với giang sơn hữu tình được tạo hóa ban tặng.

 - Hiệu quả của từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ: Việc tận dụng sức gợi tả, gợi cảm của từ ngữ, hình ảnh (từ ngữ trực tiếp bộc lộ cảm xúc, từ láy tượng thanh, tượng hình) nghệ thuật sử dụng một cách đa dạng, nhuần nhị các biện pháp tu từ (điệp từ ngữ, so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, câu hỏi tu từ) đã giúp nhà thơ thể hiện được tình cảm, cảm xúc mãnh liệt thiết tha của chủ thế trữ tình và cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.

 - Vai trò của vần, nhịp

+ Vai trò của vần: Tạo nên sự liên kết về mặt âm thanh theo chiều dọc cho bài thơ, vần chân: nay (câu 2), mây mây (câu 3), phải (câu 4), trái (câu 5); kinh (câu 6) kình (câu 7)… vần lưng: mây mây (câu 3),đây (câu 4), kình (câu 7), mình (câu 8).

+ Vai trò của nhịp: Cách ngắt nhịp trong bài thơ theo thể hát nói khá đa dạng. Sự đan xen câu dài, ngắn; cách ngắt nhịp trong mỗi câu thơ, lúc nhanh, lúc chậm, lúc khoan thai, khi gấp gáp như bước chân du khách thưởng lãm phong cảnh núi rừng tươi đẹp, trữ tình, thoát tục, phù hợp với niềm bay bổng của tâm hồn du khách lúc như tỉnh, lại có lúc như mơ.

Yếu tố

Ví dụ

Tác dụng biểu đạt

Từ ngữ

Đệ nhất động

  Mượn từ ngữ của danh nhân, bậc đế vương để bày tỏ tình cảm tôn vinh vị thế đặc biệt của cảnh đẹp Hương Sơn.

Từ ngữ

thú Hương Sơn ao ước..., giật mình trong giấc mộng, ai khéo họa hình...

Trực tiếp thể hiện khao khát mãnh liệt, cảm xúc chân thực, lâng lâng hư thực, "cầu được, ước thấy",...

Từ ngữ (hình ảnh, âm thanh)

thỏ thẻ, lững lờ, long lanh, thăm thẳm, gập ghềnh,...

Từ láy tượng thanh, tượng hình: gợi tả đúng những âm thanh, màu sắc, đường nét, diễm lệ, quyến rũ, mê hoặc của phong cảnh Hương Sơn.

Biện pháp tu từ

non non, nước nước, mây máy

này... này...

này... này...

Điệp từ ngữ: thể hiện vẻ đẹp kì vĩ, hài hoà, muôn hình muôn vẻ, muôn màu sắc bày ra trước mắt.

Biện pháp tu từ

Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt,...

Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây

So sánh, ẩn dụ: cảnh tượng diễm lệ, huyền ảo.

Biện pháp tu từ

cá nghe kinh

Nhân hoá: sự vật có linh hồn, sống động, hoà hợp.

Biện pháp tu từ

... hỏi rằng đây có phải?

Câu hỏi tu từ: bâng khuâng, mơ màng, hư hư thực thực.

III. TỔNG KẾT

1. Nội dung

- Văn bản thể hiện được vẻ đẹp của Hương Sơn với vẻ nên thơ, trầm tĩnh và yên bình

- Cho thấy tâm trạng và nỗi niềm của chủ thể trữ tình hay cũng chính là tác giả:

+ Sự ngạc nhiên, thích thú và thỏa mãn khi đặt chân tới phong cảnh Hương Sơn, qua đó bày tỏ lòng yêu nước, yêu thiên nhiên của mình.

+ Nỗi niềm muốn tránh xa thế sự, lui về ở ẩn tìm bình yên, an nhàn của mình.

2. Nghệ thuật

- Ngôn từ kết hợp sử dụng từ Hán Việt và thuần Việt.

- Sử dụng biện pháp đảo ngữ, câu hỏi tu từ.

- Phong cảnh trong văn bản được miêu tả, quan sát tỉ mỉ.

- Hệ thống vần nhịp kết hợp với ngôn từ trong bài thơ tạo nên tiết tấu, âm hưởng chậm rãi, như một bài ca.

Tìm kiếm google: Giải ngữ văn 10 chân trời sáng tạo bài 3 Hương sơn phong cảnh, giải ngữ văn 10 sách CTST, giải ngữ văn 10 CTST bài 3 Hương sơn phong cảnh

Xem thêm các môn học

Soạn văn 10 tập 1 chân trời sáng tạo


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com