Vầng trăng luôn là cảm hứng bất tận trong thơ ca, luôn gắn bó mật thiết với đời sống của con người. Bài thơ Ánh trắng của Nguyễn Duy là một trong những tác phẩm như thế. Trăng trong "Ánh trăng" mang đậm dấu ấn của tình cảm qua từng chặng đường khác nhau của thời gian, là hình ảnh sống động của quá khứ, là những gì tốt đẹp của một thời đã qua: tình cảm bạn bè, lý tưởng chiến đấu,... và là biểu tượng của nghĩa tình. Trong khoảng thời gian ấy con người đã có những phút giây sống chan hòa với thiên nhiên. Vầng trăng xuất hiện trong ký ức tuổi thơ là những tháng ngày hồn nhiên, vui vẻ hòa mình với thiên nhiên, lớn lên với ruoojng đồng. Rồi trăng theo sát bước chân người lính đồng hành cùng nhau những ngày tháng gian khổ chiến đấu. Tình cảm ấy, nghĩa tình ấy chỉ có thể gọi với nhau bằng hai từ "tri kỷ". Thế nhưng tình bạn ấy tưởng chừng không thể kéo dài mãi mãi khi con người đã quen với ánh điện, cửa gương. Để rồi cho tới một ngày khi thành phố mất đi ánh đèn điện, vầng trăng đột ngột trở lại khiến con người như bừng tỉnh. Trăng với người đối mặt như đang tìm kiếm sự đồng điệu trong tâm hồn và trong những dòng ký ức ùa về như thác lũ, để rồi "cái gì đó rưng rưng" ấy chính là những kỷ niệm chất chứa bấy lâu rồi trào dâng "rưng rưng" nơi khóe mắt theo hồi ức ngày xưa. Vầng trăng đánh thức tất cả dậy, tất cả kí ức tươi đẹp bỗng chốc ùa về. Sự thức tỉnh của người thơ và cũng là thức tỉnh mọi người về một thái độ sống. Đó là lời nhắc nhở của vầng trăng đối với con người về quá khứ, về tình nghĩa thuỷ chung, về thái độ tình cảm của con người. Với chúng ta, ánh trăng tình nghĩa của Nguyễn Duy là một ánh sáng thắp lên, soi rọi tâm hồn để mỗi người sống ngày càng đẹp hơn với truyền thống của dân tộc mình.