Bài soạn lớp 12: Tiếng hát con tàu

Hướng dẫn soạn bài: Tiếng hát con tàu - Trang 142 sgk ngữ văn 12 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp.

[toc:ul]

Tìm hiểu chung tác phẩm

Tác giả:

  • Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23 tháng 10 năm 1920 tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
  • Làm thơ từ lúc 12, 13 tuổi.
  • Sau khi tốt nghiệp trung học: dạy học ở trường tư, làm báo ở Sài Gòn, tham gia cách mạng ở Quy Nhơn…
  • Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu” của Bình Định.
  • Sau năm 1945: về Hà Nội tiếp tục hoạt động văn học, nhiều năm tham gia lãnh đạo Hội Nhà Văn Việt Nam.
  • Sau năm 1975: Vào Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động cho đến lúc qua đời.
  • Năm 1996, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
  • Các tập thơ: Điêu tàn (1937), Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường, Chim báo bão (1967), Những bài đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hái theo mùa (1977), ...

Tác phẩm:

  • Bài thơ "Tiếng hát con tàu" được Chế Lan Viên sáng tác vào năm 1960. Bài thơ được lấy cảm hứng từ một sự kiện kinh tế, xã hội trong những năm 1958 - 1960 : phong trào vận động người miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi (đặc biệt là vùng núi Tây Bắc). 
  • Bài thơ được in trong tập Ánh sáng và phù sa( xuất bản năm 1960 ). 
  • Nhan đề và lời đề từ: Hình ảnh “Con tàu” và “Tây Bắc” mang ý nghĩa biểu tượng trong suốt bài thơ.
  • Ý nghĩa nhan đề:
    • Bài thơ ra đời khi thực tế chưa có đường tàu lên Tây Bắc. Hình ảnh “con tàu” thực chất là hình ảnh biểu tượng thể hiện khát vọng lên đường và niềm mong ước của nhà thơ được đến với mọi miền đất nước. 
    • Tây Bắc là vùng đất xa xôi của Tổ quốc cần được xây dựng lại sau chiến tranh
    • “Tiếng hát con tàu”: Là tiếng hát của tâm hồn nhà thơ – một tâm hồn tràn ngập niềm tin vào lí tưởng, vào cuộc đời. Tâm hồn nhà thơ đã hóa thân thành con tàu, hăm hở làm cuộc hành trình đến với Tây Bắc, đến với cuộc sống lớn của nhân dân. Đến với đất nước, nhân dân cũng là đến với cội nguồn của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, trong đó có thơ ca.

Câu 1: Hình ảnh con tàu và Tây Bắc ngoài ý nghĩa cụ thể còn có ý nghĩa biểu tượng...

Hình ảnh con tàu và Tây Bắc ngoài ý nghĩa cụ thể còn có ý nghĩa biểu tượng. Hãy đọc kĩ bài thơ để hiểu được ý nghĩa biểu tượng đó. Căn cứ vào nội dung bài thơ, hãy cắt nghĩa nhan đề và bốn câu thơ đề từ.

Trả lời:

  • Ý nghĩa biểu tượng: bài thơ ra đời khi thực tế chưa có đường tàu lên Tây Bắc. Hình ảnh “con tàu” thực chất là hình ảnh biểu tượng thể hiện khát vọng lên đường và niềm mong ước của nhà thơ được đến với mọi miền đất nước. Đó là con tàu của tâm hồn nhà thơ khao khát về với ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật. "Tây Bắc" ngoài ý nghĩa cụ thể chỉ miền đất vùng cao phía Tây Bắc của tổ quốc, nó còn biểu tượng cho mọi miền xa xôi của đất nước, nơi có cuộc sống gian lao mà sâu nặng tình nghĩa, khắc ghi kỉ niệm một thời kháng chiến. Tây Bắc chính là Tổ quốc.
  • “Tiếng hát con tàu”: Là tiếng hát của tâm hồn nhà thơ – một tâm hồn tràn ngập niềm tin vào lí tưởng, vào cuộc đời. Tâm hồn nhà thơ đã hóa thân thành con tàu, hăm hở làm cuộc hành trình đến với Tây Bắc, đến với cuộc sống lớn của nhân dân. Đến với đất nước, nhân dân cũng là đến với cội nguồn của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, trong đó có thơ ca.
  • Bốn câu thơ đề từ là những cuộc hóa thân kì diệu trong tâm hồn nhà thơ, nói lên được sự gắn bó máu thịt giữa thi sĩ với Tổ quốc, với cuộc đời – nơi tạo ra nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca.

Có sự đồng nhất:
Tâm hồn ta là con tàu
Tâm hồn ta là Tây Bắc

  • Con tàu là biểu tượng của khát vọng lên đường khát vọng đi xa đến những vùng đất xa xôi của Tổ Quốc.
  • Năng lượng để chạy con tàu lên Tây bắc không phải những nguyên liệu như đời thực hay dùng như than đá, xăng 

Câu 2: Bài thơ có thể chia làm được mấy đoạn? Nêu ý chính của từng đoạn...

Bài thơ có thể chia làm được mấy đoạn? Nêu ý chính của từng đoạn. Bố cục đó thể hiện sự vận động tâm trạng của chủ thể trữ tình như thế nào?

Trả lời:

Bố cục bài thơ:

  • 2 khổ đầu: Là sự trăn trở, giục giã lên đường 
  • 9 khổ giữa: Kỉ niệm về Tây Bắc trong những ngày kháng chiến gian khổ . Khát vọng về với nhân dân, nơi khắc ghi nhiều kỉ niệm nghĩa tình trong kháng chiến.
  • 4 khổ cuối: Khúc hát lên đường say mê, tin tưởng. Hướng về Tây Bắc trong công cuộc xây dựng đất nước

Bố cục 3 phần đã thể hiện sự vận động tâm trạng chủ thể trữ tình: phần đầu có sự day dứt, trăn trở. Đoạn giữa là dòng hoài niệm với cảm xúc thiết tha, biết ơn. Đoạn cuối sôi nổi, háo hức.

Câu 3: Niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân được nhà thơ thể hiện trong khổ thơ nào?...

Niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân được nhà thơ thể hiện trong khổ thơ nào? Phân tích đặc sắc về nghệ thuật của khổ thơ đó.

Trả lời:

Niềm hạnh phúc lớn lao khi gặp lại nhân dân được nhà thơ thể hiện trong khổ thơ sau:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

  • Tác giả đã tạo ra những hình ảnh giàu tính tượng trưng, mỗi cặp một sắc thái khác nhau để so sánh làm nổi bật niềm hạnh phúc lớn lao của (mình) khi từ bỏ thế giới nhỏ hẹp của cá nhân để về với nhân dân. Đối với con người ở đây, nhân dân là nơi chứa chan tình yêu thương, che chở, cưu mang, là nguồn sống, là bầu không khí, tiếp sức cho anh.
  • Nhớ về Tây Bắc bằng niềm khao khát được trở về với nhân dân, với cảm xúc như được trở về cội nguồn, về với niềm hạnh phúc lớn lao. Nhà thơ sử dụng những hình ảnh so sánh cụ thể mang vẻ đẹp thơ mộng, niềm vui sướng, hạnh phúc (Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ. Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa. Như đưa trẻ thơ đói lòng gặp sữa. Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa). Cách sắp xếp hàng loạt hình ảnh so sánh cùng hướng tới một ý nghĩa tạo sự nồng nàn, tha thiết.

Câu 4: Hình ảnh nhân dân trong kỉ niệm của nhà thơ được gợi lên qua hình ảnh...

Hình ảnh nhân dân trong kỉ niệm của nhà thơ được gợi lên qua hình ảnh những con người cụ thể nào? Phân tích những khổ thơ nói về những kỉ niệm đó để làm rõ sự nghiệp gắn bó và lòng biết ơn sâu nặng của nhà thơ với nhân dân.

Trả lời:

Nhân dân Tây Bắc trong hoài niệm của tác giả là những người dân lao động nghèo nhưng giàu lòng yêu nước, gắn bó nghĩa tình với kháng chiến.

  •  Hình ảnh con người cụ thể đại diện cho nhân dân Tây Bắc trong nỗi nhớ của nhà thơ:
    •  Người anh du kích: đã hi sinh trong một trận công đồn, trước lúc ra đi còn nhường lại chiếc áo đang mặc cho người kháng chiến
    • Thằng em liên lạc: một em thiếu nhi Tây Bắc sớm có lòng yêu nước, tận tụy, đầy ý thức trách nhiệm với công việc
    • Người “mế” ân cần chăm sóc người kháng chiến khi họ bị bệnh không phải một ngày, một tháng mà cả "mùa dài". Tình mẹ đối với người kháng chiến chẳng khác tình ruột thịt. Hình ảnh mẹ càng đẹp hơn trong sự phản chiếu lung linh của "lửa hồng soi tóc bạc".
    • Hình ảnh cô gái Tây Bắc đọng lại trong cử chỉ ấm áp, tình quân dân lâu dần thành tình đôi lứa. Nỗi nhớ được so sánh bằng những hình ảnh bất ngờ, mới lạ, gợi lên được những tưởng tượng phong phú (Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét, Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng…)

=> Đây là những hình ảnh khái quát, tượng trưng cho con người Tây Bắc trong kháng chiến
Tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn của nhà thơ đối với nhân dân được thể hiện qua những câu chuyện, những kỉ niệm cụ thể, sâu sắc với người anh du kích, thằng em liên lạc, với mế và người con gái Tây Bắc. Cách xưng hô thân tình, ruột thịt (anh con, em con, mế…) hình ảnh chân thực, từ ngữ gợi cảm, so sánh độc đáo… Đoạn thơ thể hiện lòng biết ơn, tình yêu sâu nặng đối với Tây Bắc. Nhân dân Tây Bắc như một đại gia đình ruột thịt của người kháng chiến.

Câu 5: Hãy tìm những câu thơ thể hiện rõ nhất chất suy tưởng và triết lí của thơ Chế Lan Viên.

Trả lời:

Từ những câu thơ bày tỏ tình cảm cụ thể, riêng tư đối với thiên nhiên, đất nước, con người Tây Bắc, nhà thơ đã nâng lên thành những câu thơ có chất suy tưởng khái quát giống như châm ngôn nhưng chứa chan tình cảm, xúc cảm về quê hương đất nước:

Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.
 
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Thể hiện niềm nhớ thương đằm thắm, sâu nặng với những mảnh đất mình đã đi qua. Những câu thơ triết lí nhưng không khô khan bởi vì nó dựa vào quy luật của tình cảm. Những miền đất lạ theo thời gian và nghĩa tình sẽ âm thầm bồi đắp tình yêu cho con người. Để rồi khi đi xa, những mảnh đất đó vẫn mãi theo người.
Từ những cảm xúc suy tư về những chuyển hóa kì diệu của tâm hồn của người đúc kết thành triết lí đó chính là nét độc đáo trong phong cách thơ Chế Lan Viên.

Câu 6: Nhận xét và đánh giá nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của Chế Lan Viên trong bài thơ.

Trả lời:

Bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên hấp dẫn người đọc một phần là ở nghệ thuật sáng tạo hình ảnh. Biểu hiện ở:

  • Hình ảnh thơ mới lạ, phong phú, có giá trị thẩm mĩ cao, tạo nên những liên tưởng so sánh bất ngờ.
    • Hình ảnh thực với chi tiết cụ thể (hình ảnh “mế”, hình ảnh người du kích, em liên lạc…)
    • Hình ảnh biểu tượng (con tàu, vầng trăng, mặt hồng em, suối lớn mùa xuân…)
    • Hình ảnh tưởng tượng (con tàu mộng tưởng, mỗi đêm khuya uống một vầng trăng…)
    • Hình ảnh thường được tổ chức thành từng chuỗi liên kết, tiếp nối, bổ sung nhằm khắc sâu.
  • Sử dụng đa dạng các phương thức sáng tạo hình ảnh:
    • Tả thực (khổ 6, 7, 8)
    • So sánh (khổ 5 và 10).
    • Ẩn dụ (con tàu, vầng trăng…)
  • Lời thơ có nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, giàu chất trí tuệ, bộc lộ cách thể hiện riêng tài hoa, độc đáo, tạo ấn tượng thẩm mỹ cho người đọc.
  •  Sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật với giọng điệu tha thiết, chân thành.
Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 12


Copyright @2024 - Designed by baivan.net