Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Theo anh (chi) truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiên nay?

Đề bài:Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Theo anh (chi) truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiên nay?

[toc:ul]

Bài mẫu số 1: Nghị luận về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc

Ngay từ những hành động nhỏ nhất trong đời sống giáo dục hiện nay cũng thể hiện điều này, hiện tượng học sinh không làm bài tập, nói dối thầy cô để bao biện cho sự lười biếng của bản thân hiện nay rất phổ biến, ở ngôi trường nào chúng ta cũng có thể bắt gặp.

Bài làm

“Có những nghề bụi phấn bám đầy tay

Người ta gọi là nghề trong sạch nhất

Có những người không trồng hoa vào đất

Mà mang lại cho Đời đầy “trái ngọt hoa tươi”!”

Đó là những lời thơ ngợi ca nghề giáo – nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, đồng thời nhắc nhở chúng ta về công ơn của người thầy người cô, về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.

Bốn chữ “Tôn sư trọng đạo” ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sa, tư tưởng tình cảm tốt đẹp. “Sư” nghĩa là thầy, “tôn sư” nghĩa là tôn trọng, tôn kính người thầy. “Đạo” có nghĩa là đạo học, cũng có nghĩa là đạo lý làm người: “trọng đạo ” là coi trọng, trân trọng, quý trọng đạo học, đạo làm người. Câu nói có nghĩa là biết trọng đạo học, đạo làm người thì mới biết tôn kính người thầy; hay biết kính trọng, tôn trọng người thầy thì mới coi trọng đạo học, đạo lý làm người.

Vì sao phải “tôn sư trọng đạo”? Trước tiên tư tưởng tôn sư trọng đạo bắt nguồn từ Nho giáo. Nho giáo ảnh hưởng tới nước ta từ sớm và đặc biệt đề cao sự học, đề cao vai trò của người thầy. Thầy là người truyền dạy tri thức, bài học đạo đức cho chúng ta từ những ngày thơ bé. Bậc học chia làm nhiều cấp, nhiều giai đoạn hoàn cảnh khác nhau song người thầy luôn là người ở bên đồng hành, đưa chúng ta cập bến bờ tri thức. Người thầy đại diện cho những gì tôn kính nhất; đạo thầy trò là một trong những mối đạo đức quan trọng nhất của xã hội.

Tôn sư trọng đạo từ lâu đời đã trở thành một truyền thông văn hóa, đạo đức quý giá của người Việt. Trong xã hội xưa, người thầy đã giữ vai trò vô cùng quan trọng, nhờ coi trọng việc học tôn kính người thầy, nền văn hiến lâu đời mới được hình thành. Thời đại nào cũng có nhiều tấm gương hiếu học, nhiều người thầy mẫu mực và những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Có những học trò đỗ đạt, làm quan to nhưng khi trờ về thăm thấy cũ nơi làng quê hẻo lánh vẫn lễ phép, khiêm nhường như người trò ngày xưa…

Trong cuộc sống hiện đại, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được tiếp nối, phát huy. Gia đình, xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục. Cá nhân người học cũng luôn kính trọng người thầy của mình. Có những học sinh trân trong thầy cô như cha mẹ ruột, dù bao lâu sau khi ra trường vẫn luôn ghi nhớ và tìm về thăm thầy thăm cô. Hành động tri ân vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm chính là biểu hiện rõ nhất cho truyền thống tốt đẹp đó. Tôn trọng người thầy, con người cũng biết trân trọng những bài học của thầy bao gồm những bài học tri thức và những bài học đạo lí làm người. Nhiều người luôn ghi nhớ lời thầy cô dạy dỗ và thành công thành đạt, tôn trọng công sức và tấm lòng người thầy.

Tuy nhiên, truyền thống nào cũng vậy, có biểu hiện tích cực đồng thời cũng có nhiều biểu hiện tiêu cực. Ngay từ những hành động nhỏ nhất trong đời sống giáo dục hiện nay cũng thể hiện điều này, hiện tượng học sinh không làm bài tập, nói dối thầy cô để bao biện cho sự lười biếng của bản thân hiện nay rất phổ biến, ở ngôi trường nào chúng ta cũng có thể bắt gặp. Học sinh nói chuyện riêng, làm việc riêng trong giờ học cũng là sự thiếu tôn trọng thầy cô hay những hành động gian lận trong thi cử đều là hành động đi ngược lại truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thậm chí có những học sinh còn không tôn trọng, vô lễ với thầy cô của mình. Đây thực sự là thực trạng đáng buồn.

Có thể khẳng định tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước thực trạng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa. Đảng và Nhà nước cần có chính sách phát triển giáo giục, coi trọng giáo dục và vị trí người thầy. Nhà trường cũng như gia đình cần phối hợp giáo dục con em mình về thái độ cư xử vởi người thầy. Chính bản thân người học cũng cần ý thức được vai trò, giá trị của người thầy và tri thức thầy truyền tải. Hãy luôn nhớ rằng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”.

Bài mẫu số 2: Nêu suy nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc

Như vậy, dù ở thời đại nào, tôn sư trọng đạo vẫn là một truyền thống quý giá cần được giữ gìn, tiếp nối. Đạo thầy trò có thể tồn tại ở những trạng thái khác nhau nhưng mãi mãi vẫn là tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng, không thể thiếu trong hành trang tinh thần của mỗi con người.

Bài làm

ân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học và coi trọng người thầy. Ca dao tục ngữ Việt Nam có nhiều câu nhắc nhở con người về thái độ Tôn sư trọng đạo: "ăn vóc, học hay", "Không thầy đố mày làm nên", "Muốn sang thì bắc Cầu kiểu - Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"... Ngày nay, đặt trong bối cảnh của xã hội hiện đại, truyền thống ấy cần được nhìn nhận, đánh giá một cách thấu đáo.

Tôn sư trọng đạo là tư tưởng bắt nguồn từ Nho giáo, Nho giáo đặc biệt đề cao sự học và vai trò của người thầy. Người thầy đại diện cho những gì tôn kính nhất; đạo thầy trò là một trong những rường mối đạo đức quan trọng nhất của xã hội phong kiến (quân, sư, phụ)... ông cha ta đã tiếp thu tư tưởng này theo tinh thần "thiết thực, linh hoạt, dung hòa"; lược bớt các nghi lễ mang tính hình thức khắt khe, rườm rà, chú trọng đến nội dung nhân bản của thái độ coi trọng tri thức và mối quan hệ thầy trò. Tôn sư trọng đạo đã trở thành một truyền thông văn hóa, đạo đức quý giá của người Việt. Nhờ coi trọng việc học tôn kính người thầy, nhân dân ta đã góp phần tạo dựng nền văn hiến của đất nước. Thời đại nào cũng có nhiều tấm gương hiếu học, nhiều người thầy mẫu mực và những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy trò. Có những người thầy đã xa khuất mà tài năng, nhân cách vẫn tỏa sáng cho bao nhiều thế hệ mai sau. Có những học trò đỗ đạt, làm quan to nhưng khi trờ về thăm thấy cũ nơi làng quê hẻo lánh vẫn lễ phép, khiêm nhường như người trò ngày xưa...

Ngày nay, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được tiếp nối, phát huy. Nhà nước, xã hội luôn có sự quan tâm đến giáo dục và đời sống vật chất, tính thần của người thầy. Giáo dục được coi là quốc sách: tăng ngân sách giáo dục, tăng lương giáo viên và tích cực tu bổ, xây dựng hệ thống trường lớp. Các gia đình cũng luôn chú trọng đến việc học hành của con em mình. Không khí dân chủ giúp mối quan hệ thầy - trò gần gũi, chan hòa hơn, tạo điều kiện để thây giúp trò phát huy vai trò chủ động trong học tập. Ở cấp học nào, tiếng nói của thầy giáo, cô giáo vẫn có tác động vô cùng lớn đến sự hình thành, phát triển nhân cách của mỗi con người. Nhiều khi, học trò có thế tâm sự, chia sẻ với thầy, có nhiều điều không nói được vói cha mẹ và người thân. Phụ huynh học sinh tin cậy gừi gắm con em cho nhà trường và thầy cô...

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hiện tượng tiêu cực đang tác động không tốt đên truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Tiền lương nhận được chưa đi đảm bảo cho người thầy một mức sống trung bình. Thực trạng này khiến không ít các thầy, cô phải làm thêm để kiếm sống - vừa mất đi thời gian, sức lực lẽ ra phải dành cho việc giảng dạy, vừa làm suy giảm hình ảnh người thầy. Đây đó, cũng có những giáo viên không đứng vững trước “cơn bão thị trường” đã làm giảm sút sự trân trọng của xã hội đối với người thầy... Đồng thời mức lương thực tế được tạo nên sự so sánh với các ngành, nghề khác, khiến học sinh giỏi có tâm lí ngại làm nghề dạy học. Chẳng hạn, một sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương có thể dễ đàng tìm việc làm với mức lương khởi điểm từ ba đến năm triệu đồng một tháng; trong khi một sinh viên Trường Đại học Sư phạm ra trường chỉ có thể nhận hơn một triệu đồng một tháng. Mà cơ hội tìm việc làm lại khó khăn rất nhiều... Thầy Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường PTTH Dân lập Lương Thế Vinh, khi chúc mừng các học trò thi đỗ đạt đã có mấy lời "cảm tác" đáng để suy ngẫm: "Các em vào đại học, thầy vui - Duy chút băn khoăn, thoáng ngậm ngùi - ít em mong muốn vào sư phạm - Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi?". Mặt khác, sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh còn mang tính thực dụng cũng làm giảm nhiệt tâm của không ít thầy,cô. Không hiếm học trò chăm chỉ đến thăm, tặng quà thầy, cô trong ngày lễ nhưng lại chểnh mảng, lười biếng trong giờ học. Có những học trò ra trường, khi thành đạt không hề nhớ đến người thầy đã tận tụy dạy dỗ mình. Có lẽ, họ không biết rằng, chỉ một lời thăm hỏi qua điện thoại cũng khiến thầy, cô hạnh phúc và yêu nghề hơn. Thậm chí, có cả những hiện tượng phụ huynh hoặc học sinh xúc phạm nặng nề đến thân thể và nhân phẩm của thầy, cô giáo... Đó là những biểu hiện hoàn toàn xa lạ đối với nếp sống, nếp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Những biến đổi phức tạp cùa đời sống trong xã hội hiện đại ngày càng đòi hỏi mỗi chúng ta góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc và bổ sung cho truyền thống này những nội dung mới. Về phía nhà nước và xã hội. Tôi nghĩ cần có sự quan tâm hơn nữa để nâng cao mức sống cho giáo viên, đặc biệt là các thầy, cô giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa. Cần phải có những chính sách ưu tiên - không chỉ khi học mà cả sau khi ra trường : thu hút nhân tài cho các trường sư phạm. Phải có các thế hệ thầy giỏi thì mới có trò giòi; mới tạo đà cho "sự học" ở Việt Nam hội nhập cùng thế giới, về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần chú ý hơn đến việc giáo dục con em mình thái độ thực sự tôn trọng đối với các thầy giáo, cô giáo. Mỗi học sinh cũng cần biết thế hiện tình cảm với thầy, cô một cách chân thành, đúng đắn.Theo tôi, tình cảm đó không thể "gói ghém" trong một bó hoa, một chiếc phong bì hay túi quà nhân ngày lễ, tết. Trái lại, nó phải được thể hiện trước hết là sự nghiêm túc trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng của người trò; ở thái độ

tôn trọng tình nghĩa thầy trò. Bởi vì, đối với người thầy, niềm vui lớn nhât vẫn là được truyền thụ tri thức; được nhìn thấy các lứa học trò trường thành như người làm vườn được thấy cây cối xanh tươi, đơm hoa kết trái. Yêu kính thầy, cô cũng không chỉ là biết vâng lời mà còn phải là say mê với môn học, khao thát hiểu biết và noi theo chí hướng, nhân cách của thầy...

Những năm gần đây, bên cạnh những thành tựu, ngành Giáo dục của đất nước chúng ta cũng không ít hiện tượng tiêu cực. Có những thầy, cô đứng trên bục giảng mà không dành cho sự nghiệp trồng người tình yêu và trách nhiệm. Có nhiểu học trò đã không tìm thây ở thầy giáo, cô giáo của mình chồ dựa tinh thần. Bản thân tôi cũng có lúc buổn khổ, thất vọng vì sự thiếu công bằng, thiếu nhiệt tình cùa một vài thầy, cô nhưng tôi hiếểu rằng đó chi là thiểu số. Nhìn lại con đường học tập của mình, tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết công ơn dạy dỗ của thấy, cô. Các thầy giáo, cô giáo đã lặng lẽ vượt lên bao khó khăn về vật chất, thiệt thòi về tinh thần để miệt mài bên trang giáo án, say sưa bên tấm  bảng đen, tìm nguồn hạnh phúc từ những đôi mắt và gương mặt học trò. Trong lớp học nào tôi cũng thấy những thầy, cô được học trò yêu quý, kính trọng. Các thầy, cô đã cho chúng tôi không chỉ tri thức mà cả niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao quý, bền vững của cuộc đời Trong lớp 12 của tôi, có đến 6 bạn đăng kí thi vào các truòng sư phạm. Mỗi người xuất phát từ những lí do riêng, nhưng tất cả giống nhau ở một điếm: đều mang trong trái tim mình hình ảnh của những thầy, cô mà họ yêu quý, ngưỡng mộ. Các bạn ấy muốn được trờ thành người như thế muốn tiếp nóì con đường của thầy, cô...

Như vậy, dù ở thời đại nào, tôn sư trọng đạo vẫn là một truyền thống quý giá cần được giữ gìn, tiếp nối. Đạo thầy trò có thể tồn tại ở những trạng thái khác nhau nhưng mãi mãi vẫn là tình cảm đẹp đẽ, thiêng liêng, không thể thiếu trong hành trang tinh thần của mỗi con người.

Bài mẫu số 3: Bài mẫu nghị luận về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách nhằm ưu tiên cho phát triển giáo dục, coi trọng giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cho phép đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Chủ trương đưa đất nước phát triển tiến lên bằng nền kinh tế tri thức

Bài làm

Khổng Tử, bậc thầy vĩ đại, hơn 2500 năm trước sáng lập ra học thuyết Nho giáo chứa đựng tư tưởng giáo dục sâu sắc. Ông nói: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên” – tức “Trong ba người cùng đi, ắt có người là thầy của ta ở đó”.

Suốt nghìn năm phong kiến, giáo dục Việt Nam trên đại thể được coi là nền giáo dục Nho giáo. Giá trị nhân bản tốt đẹp của nền giáo dục này thể hiện rất rõ ở “hằng số văn hóa” thầy – trò. Xưa đến nay, nhân vật quan trọng nhất của trường học là người thầy. Truyền thống ngàn đời trong thế ứng xử của người Việt được cô lại và đúc kết bằng bốn chữ: “Tôn sư trọng đạo”.

Câu nói: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là những lời cửa miệng của người Việt nhắc nhở nhau mỗi khi đề cập tới vai trò của người thầy. Ở dân tộc Việt Nam, “tôn sư trọng đạo” thấm sâu trong tâm thức mỗi người dân. Để tỏ lòng tôn kính với thầy, người Việt có quan niệm: “Sống tết, chết giỗ”. Chính vì thế mà dưới thời phong kiến, người thầy được xếp thứ hai sau vua, theo cách gọi: Quân – Sư – Phụ (Vua – thầy – cha).

Thế ứng xử dân chủ linh hoạt của người Việt Nam rất đề cao vai trò của thầy trong sự nghiệp dạy và học. Vậy mới có câu: “Trò hơn thầy đức nước càng dày”, “học thầy không tầy học bạn” – ý nói bạn cũng có thể là thầy.

Ngày trước, thời phong kiến, không phải ai cũng có tiền đi học. Nhiều gia đình nghèo khó con em không thể đến trường. Tuy nhiên, cơ hội theo học vẫn có. Họ chỉ cần theo những phép tắc nhất định – những phép tắc biểu hiện đậm nét của sự tôn sư trọng đạo mà không quá câu nệ vào vật chất.

Chẳng hạn, trước khi cho con đến theo học, cha mẹ sắm một mâm lễ bái lạy tổ tiên, mong con học hành sáng dạ, đỗ đạt. Sau đó, gia đình có một “lễ mọn”, mang tính chất “lòng thành” dâng lên thầy. Tỏ lòng thành kính “tôn sư trọng đạo”, nhiều gia đình còn gửi gắm con mình theo học và ở luôn bên nhà thầy. Một năm chỉ về thăm nhà vài lần. Thỉnh thoảng, gia đình trò lại gửi biếu thầy ít gạo nếp, hoặc mớ rau, con cá như một thông điệp bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới công lao to lớn của thầy.

Thời gian ở nhà thầy, học trò không chỉ học chữ nghĩa mà quan trọng phải tu dưỡng bản thân, rèn nhân cách sống. Có thể nói, đạo trò xưa không chỉ rất khiêm nhường, tôn kính người thầy của mình, mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ rất lớn lao. Khi ra đường, gặp thầy phải ngả mũ nón và vòng tay chào; lúc thầy già yếu, các đồng môn phải lo sắm cỗ thọ đường (áo quan)…

Phải thừa nhận nền giáo dục phong kiến có nhiều điểm còn hạn chế, nhưng do lấy tư tưởng đạo đức của Nho giáo làm nền tảng cơ bản nên đã tạo ra một lớp học trò trọng nhân nghĩa và sống có đạo lý, rất “tôn sư trọng đạo”.

“Tôn sư trọng đạo” còn thể hiện ở việc kính thầy. Kính thầy là một phong tục có giá trị nhân văn sâu sắc. Kính thầy thường vào dịp đầu xuân – Tết nguyên đán. Học trò xa gần náo nức rủ nhau tới chúc tết, thăm hỏi sức khỏe gia đình thầy. Dân gian có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” cũng vì lẽ đó.

Mối quan hệ thầy – trò tượng trưng cho nét đẹp văn hóa ứng xử của nhân dân Việt Nam. Người thầy như điểm sáng trí tuệ sưởi ấm tâm hồn học trò. Tìm trong lịch sử dân tộc ta có biết bao bậc thầy vĩ đại, cả đời tận trung vì dân vì nước. Cuộc sống của họ thanh bần mà được người đời ca tụng, lưu danh muôn thuở.

Vậy mới có một thầy Chu Văn An (1370), sẵn sàng từ bỏ áo mũ, quan tước, dâng sớ lên triều đình xin chém đầu 7 kẻ quyền thần. Một thầy Đồ Chiểu mù hai mắt nhưng cả đời kiên trung, không chịu khuất phục trước sức mạnh xâm lược của ngoại bang…

Ý thức “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta thật đa dạng, chứa đựng tính nhân bản tình người. Minh chứng cho điều này, chúng ta ngược thời gian trở về các làng nghề truyền thống. Nhiều phường nghề, phố nghề ở Thăng Long được bắt đầu từ một số thợ thủ công trong các làng nghề ở nông thôn. Họ di cư lên đô thị lập thương điếm, cửa hiệu làm ăn, dần dà hình thành nên những phường nghề, phố nghề nơi kinh thành.

Tuy sống và làm việc tại thành thị, nhưng họ vẫn có quan hệ mật thiết với quê hương. Ngày giỗ tổ, không ước hẹn nhưng tất cả cùng đồng tâm tụ họp về chốn cũ quê xưa để tưởng nhớ tới vị thầy đã truyền nghề cho họ. Trong sâu thẳm tâm thức mỗi người, đó là việc làm ghi lòng tạc dạ công ơn của lớp hậu sinh tới bậc tiền bối – người thầy sáng lập ra nghề và truyền lại cho hậu thế.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách nhằm ưu tiên cho phát triển giáo dục, coi trọng giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cho phép đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Chủ trương đưa đất nước phát triển tiến lên bằng nền kinh tế tri thức. Nền giáo dục của Nhà nước ta đã chọn lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây có thể xem như là một biểu tượng đẹp cho truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam .

Bài mẫu số 4: Văn mẫu nghị luận về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc

Ngày xưa, với truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” mà những tên tuổi bất tử như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm như những vì sao tỏa sáng. Ngày nay, truyền thống “Tôn sư trọng đạo “, đã và đang được nối tiếp và phát huy mạnh mẽ. Vai trò ông thầy càng trở nên quan trọng trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ trí thức

Bài làm

Dân tộc ta có biết bao truyền thống tốt đẹp như nhân ái “Thương người như thể thương thân “, cần cù trong lao động, có lòng yêu nước nồng nàn,… Con người Việt Nam rất hiếu học. Tôn sư trọng đạo là một trong những truyền thống cao đẹp ngày một phát huy rực rỡ.

Chỉ có bốn chữ “Tôn sư trọng đạo” nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa sâu xa, bao tư tưởng tình cảm tốt đẹp. “Sư” nghĩa là thầy, “tôn sư” nghĩa là tôn trọng, tôn kính ông thầy. “Đạo” có nghĩa là đạo học, cũng có nghĩa là đạo lý làm người: “trọng đạo ” là coi trọng, trân trọng, quý trọng đạo học, đạo làm người. Thật là giản dị, dễ hiểu: có biết trọng đạo học, đạo làm người thì mới biết tôn kính ông thầy; hay có biết tôn trọng ông thầy thì mới coi trọng đạo học, quý trọng đạo làm người.

Trong xã hội phong kiến, ông thầy là một trong ba giềng mối lớn: quân, sư, phụ. Cổ nhân đã dạy: “Nhất tự vi sư, bán tự VI sư”. Tục ngữ, ca dao có nhiều câu ca ca ngợi người thầy với tất cả lòng kính yêu, biết ơn sâu sắc:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”

Hay:

“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”

Đọc “Quốc âm thi tập ”, ta thấy tâm hồn Nguyễn Trãi không chỉ canh cánh vì “ưu ái” mà còn trằn trọc thao thức bởi “nợ cũ” đeo nặng hai vai:

“Nợ cũ chước nào báo bổ,
Ơn thầy, ơn chúa, liễn ơn cha”

( Tự thân – 24)

Ngày xưa, kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân ta còn nhiều thiếu thốn khó khăn, số người được nấu sử sôi kinh nơi của Khổng sân Trình rất ít ỏi. Thế mà truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã in sâu vào tâm hồn triệu triệu con người. Ông thầy và đạo học được tôn vinh, được bồi đắp ngày thêm tốt đẹp.

Sau Cách mạng tháng Tám, nạn mù chữ được thanh toán trong một thời gian ngắn. Việc học hành được mở mang và phát triển. Dân trí được nâng cao không ngừng. Phổ cập Tiểu học, phổ cập Trung học cơ sở là mục tiêu phấn đấu của nhiều địa phương. Các trường Đạị học, trường Cao đẳng, trường Dạy nghề mở ra khắp mọi nơi. Cứ 3 người dân là có một người đi học. Thành tựu vĩ đại ấy, một phần to lớn là có sự đóng góp tâm hồn, trí tuệ, công sức của hàng triệu thầy giáo, cô giáo từ các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học, đến Cao đẳng, Đại học. “Vì hạnh phúc mười năm: trồng cây; vì hạnh phúc trăm năm: trồng người “Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Những câu nói ấy đã thể hiện sự tôn vinh vị thế ông thầy trong cộng đồng, coi trọng giáo dục là quốc sách. Hàng vạn thầy cô giáo đã được phong tặng danh hiệu cao quý: “Nhà giáo nhân dân “, “Nhà giáo ưu tú”. Ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày: “Nhà giáo Việt Nam”. Trò kính thầy, thầy mến trò. Phong trào “dạy tốt, học tốt” trong các trường học ngày một đơm hoa kết trái.

Ngày xưa, với truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” mà những tên tuổi bất tử như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm như những vì sao tỏa sáng. Ngày nay, truyền thống “Tôn sư trọng đạo “, đã và đang được nối tiếp và phát huy mạnh mẽ. Vai trò ông thầy càng trở nên quan trọng trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ trí thức để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bài mẫu số 5: Bài văn nghị luận về truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc

Tôn sự trọng đạo và đang là một truyền thống trường tồn của dân tộc ta, được tiếp nối và phát triển một cách vững mạnh trên mọi phương diện. Là người học sinh, là nhân tố trực tiếp của mối quan hệ giữa thầy và trò, chúng ta cần có tình cảm yêu mến, quý trọng thầy cô giáo của mình, đồng thời, chính bản thân các thầy cô cũng cần tôn trọng ý kiến của học trò để cùng hoàn thiện

Bài làm

Tôn sư trọng đạo vẫn luôn là một truyền thống tốt được lưu truyền từ đời này sang đời khác của dân tộc Việt Nam. Từ những câu ca dao, tục ngữ truyền miệng hay những bài hát, bài thơ nổi tiếng, tinh thần hiếu học và tình thầy trò luôn là đề tài bất hủ. Truyền thống ấy đến ngày nay vẫn luôn có giá trị tiếp nối trường tồn, là thước đo chuẩn mực cho giá trị nhân văn của mỗi con người.

Tôn sư trọng đạo có thể hiểu là tôn trọng thầy cô, đạo lý. "Tôn" là "tôn trọng", "sư" là thầy, là bậc tiền bối, "đạo" là đạo lý, đạo thầy trò, kính trên nhường dưới. Tôn sự trọng đạo chính là quý trọng bậc làm thầy và những quy tắc chuẩn mực, đúng đắn. Câu nói đã nêu ra một bài học cũng như là lời khuyên răn về cách đối nhân xử thế giữa bậc hậu bối, lớp đàn em, học sinh đối với người thầy, người đi trước, bậc tiền bối của mình. Có tôn trọng thầy cô giáo, nhận biết được điều hay lẽ phải, uốn nắn mình theo khuôn khổ đạo lý thì mới có thể thành tài. Truyền thống ấy đã và đang được lưu giữ, bảo tồn, phát huy trong mọi phương diện cuộc sống cũng như tất cả các thế hệ, tầng lớp người dân Việt Nam.

Truyền thống tôn sư trọng đạo được thể hiện trên nhiều phương diện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Từ thời xa xưa, những câu ca dao, tục ngữ như "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", "Không thầy đố mày làm nên", "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" luôn được truyền tải và trở thành bài học vỡ lòng đầu tiên trên con đường rèn luyện nhân cách. Tôn trọng, kính yêu thầy cô và biết trân quý những bài giảng bổ ích là những bước chân đầu tiên trên con đường trở thành người có học. Hình ảnh ông đồ ngồi trên phản cao, áo the khăn xếp, tay sách tay thước, bên dưới là đám học trò ngoan ngoãn, ngây ngô thể hiện tinh thần hiếu học và sự chuẩn mực, cao quý của nghề giáo. Những cái tên bất tử như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành tấm gương đạo đức sáng ngời về học vấn. Như vậy, ngay từ khi đất nước còn sơ khai, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được đề cao, nghề giáo luôn được trọng dụng và được coi là sự hoàn thiện về học vấn và cung cách làm người.

Trong thời kì Việt Nam đang dần bước sang giai đoạn quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, giáo dục trở thành nòng cốt trong xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, nghề giáo luôn được tôn kính và trọng dụng. Sau Cách mạng tháng Tám, đứng trước tình trạng "giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm", chính quyền đương thời đã đề ra chính sách "Bình dân học vụ", người biết chữ dạy cho người không biết chữ, không phân biệt già trẻ, gái trai, con cái dạy cho cha mẹ, phổ cập chữ viết đến toàn thể nhân dân, mở các lớp học buổi tối cho những người có nhu cầu học tập. Khi ấy, tầng lớp trí thức được coi là người dẫn đường chỉ lối, truyền bá tư tưởng và hiểu biết đến với dân chúng.Tuy không được coi là người thầy chính quy, nhưng họ luôn nhận được sự tôn trọng từ người dân, trở thành công cụ đắc lực trong việc hoàn thiện và cải tổ đất nước.

Ngày nay, tôn sư trọng đạo càng được thể hiện rõ nét.Không chỉ gói gọn trong khuôn khổ thầy trò trong những bài giảng, tiết học, học trò có nghĩa vụ kính yêu thầy cô mà ngay cả trong những nếp sinh hoạt thường nhật, truyền thống ấy cũng được bộc lộ. Có rất nhiều những bài hát, bài thơ được chính những học sinh sáng tác dành tặng cho giáo viên của mình, hay những bức ảnh thể hiện sự gần gũi, yêu quý giữa thầy và trò. Tình cảm kính yêu được người học trò gửi gắm qua những bài văn cảm động, thiêng liêng. Trong những dịp lễ tết, những cô cậu học sinh cũ nay đã thành đạt, trưởng thành vẫn quay trở lại thăm cô thầy, người đã dìu dắt những bước chân chập chững đầu tiên trên con đường làm người có ích. Khái niệm người thầy cũng được mở rộng, không chỉ là thầy cô giáo trên nhà trường, giảng đường mà ngay cả người thầy trong cuộc sống, trong công việc, trong tu tập, rèn luyện cũng luôn được tôn kính. Tình cảm thầy trò trở nên gần gũi, thân thuộc, người thầy giống như người mẹ thứ hai, đưa thế hệ trẻ đến bến bờ của sự hiểu biết, còn học trò là những người con ngây thơ, trong trắng cần được dạy dỗ và bao bọc.

Truyền thống tôn sư trọng đạo được tiếp nối và phát triển như vậy dựa trên nhiều lý do. Bắt nguồn từ truyền thống nhân nghĩa, hiếu học, tôn trọng người có học thức và luôn làm theo đạo lý đúng đắn nhằm hoàn thiện bản thân. Tinh thần hiếu học khiến mỗi người luôn có xu hướng muốn mở rộng kiến thức, muốn tìm đến những bậc tiền bối để học hỏi kinh nghiệm.Từ đó, giá trị giáo dục đươc đề cao.Mọi nhà nước, lãnh thổ trên thế giới đều coi giáo dục là quốc sách, tôn trọng người có năng lực học vấn, trọng dụng hiền tài là cách duy nhất để kiến thiết đất nước.Vì thế, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn đúng đắn và có tính thời đại cao.Trong bất kì hoàn cảnh nào, quốc gia nào, giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu, tôn trọng thầy cô giáo chính là chuẩn mực đạo đức của mỗi cá thể con người.

Hiểu được và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo giúp con người hoàn thiện nhân cách, biết kính trọng bề trên, hướng tới chân thiện mĩ. Tôn trọng thầy cô chính là tôn trọng chính bản thân, tôn trọng những kiến thức mình được truyền tải, từ đó không ngừng cố gắng trau dồi bản thân. Một người khi hiểu được lẽ phải, biết kính trên nhường dưới, khiêm tốn và nể phục những người có học thức thường sẽ thành công vang dội.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, không thiếu những hành vi, những trường hợp làm trái với quy tắc đạo đức và quan điểm tôn sự trọng đạo. Cách đây không lâu, sự việc học sinh thiếu tôn trọng thầy cô, bị phạt tát 231 cái vào mặt đã làm rúng động xã hội, đặt ra một câu hỏi lớn về nhân tính cũng như cách đối xử của thầy cô đối với học trò. Ngược lại, với sự bùng nổ của mạng xã hội ngày nay, chúng ta dễ dàng tìm thấy những lời nói xúc phạm, miệt thị, thiếu tôn trọng thầy cô được các bạn trẻ chia sẻ trên trang cá nhân vì bức xúc với giáo viên.đó là những sự thật đau lòng, một hồi chuông cảnh tỉnh cho nền giáo dục nước nhà hiện nay. Khi lỗi không chỉ thuộc về riêng ai, chính quyền cần có những động thái nghiêm khắc nhằm khắc phục và triệt để sự tha hóa đạo đức trầm trọng này.

Tôn sự trọng đạo và đang là một truyền thống trường tồn của dân tộc ta, được tiếp nối và phát triển một cách vững mạnh trên mọi phương diện. Là người học sinh, là nhân tố trực tiếp của mối quan hệ giữa thầy và trò, chúng ta cần có tình cảm yêu mến, quý trọng thầy cô giáo của mình, đồng thời, chính bản thân các thầy cô cũng cần tôn trọng ý kiến của học trò để cùng hoàn thiện. Những kỉ niệm tuổi học trò cắp sách đến trường luôn là những dấu ấn được lưu giữ mãi mãi trong kí ức mỗi con người, hãy để cho những kí ức ấy luôn tươi đẹp và trong sáng, để cho truyền thống quý báu mà cha ông đã dày công xây dựng ấy luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 10


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com