[toc:ul]
Những gì đầu tiên đến trong cuộc đời con người ta đều sẽ luôn để lại những ấn tượng khó phai mờ. Ngày đầu tiên bước vào trường trung học phổ thông với tôi cũng để lại những kỉ niệm và cảm xúc khó có thể quên.
Lần đầu tiên đặt chân tới trường trung học phổ thông của tôi là một ngày trời không đẹp cho lắm. Ngay từ sáng sớm, bầu trời đã âm u, xám xịt. Những đám mây đen vần vũ, phủ kín không gian, che lấp cả mặt trời. Tiết trời mùa thua - mùa của buổi lễ khai giảng, mùa của tựu trường, mùa của những sự khởi đầu mới, vậy mà đúng hôm ấy, trời lại trở gió, có vẻ muốn mưa. Chẳng bao lâu, những hạt mưa tí tách rơi xuống, rồi lớn dần lên, tạo thành những tiếng lộp độp trên mái hiên. Chim chóc vì thế cũng không còn hứng khởi cất tiếng hót, tạo nên bản tình ca của buổi sáng như mọi ngày nữa, chúng trốn đi đâu hết cả rồi.
Không gian mờ mịt vì hơi nước và những hạt mưa. Mưa không to nhưng mưa dày và dai dẳng. Cổng trường hiện ra với tôi lúc ấy không được rõ ràng lắm, bởi nước mưa tấp vào kính, khiến tôi chả nhìn thấy gì. Tôi chỉ nhìn thấy dòng chữ mờ mờ, đỏ rực tên trường qua cái kính dày cộp, mờ ảo ấy mà thôi. Nhưng giờ nghĩ lại, chính khoảnh khắc ấy, ngôi trường này đã khắc sâu vào tâm trí và trở thành một phần kí ức không thể nào quên trong cuộc đời của tôi.
Ngày đầu đến trường, cảm giác thật lạ. Đây không phải lần đầu tiên tôi được đến một ngôi trường mới. Tính cả trường trung học phổ thông thì đây đã là lần thứ ba tôi phải làm quen với môi trường mới rồi. Đã là lần thứ ba, lẽ ra tôi phải cảm thấy tự nhiên, quen thuộc lắm chứ, vì đã được luyện tập từ hai lần trước rồi cơ mà. Nhưng không, sự hồi hộp, lo lắng vẫn còn nguyên vẹn trong tôi giống hệt lần đầu tiên đi học lớp 1, lần đầu tiên bước chân vào lớp 6 vậy. Thế nhưng, hình như cảm xúc của tôi khi ngày đầu tiên đến trường trung học phổ thông có gì đó khang khác. Vẫn là hồi hộp, vẫn là lo lắng, vẫn là sự sợ hãi nhưng còn có cả sự háo hức và mong chờ, cả niềm mong mỏi người lớn hơn chút xíu của những cô gái mới lớn, sự rung động đầu đời. Tất cả những điều ấy hòa quyện với nhau tạo nên một tâm trạng rất phức tạp...
Không quá khó khăn để tôi có thể giới thiệu bản thân và làm quen với những bạn khác trong lớp. Tôi có cảm giác mình gần gũi với tập thể này nhiều hơn. Đây là những bước chập chững đầu đời của tôi trên bước đường trưởng thành. Trong cả cuộc đời con người ta, có mấy lần thanh xuân được trở lại đẹp như thế này nữa? Đến một ngôi trường mới, một tập thể lớp mới, một phương pháp học tập mới, mọi thứ đều thay đổi nên tôi thấy hơi sợ hãi. Mọi thứ có tiếp diễn một cách tốt đẹp không? Hay tôi sẽ bị tụt lại ở phía sau? Dù thế nào, tôi cũng tin tưởng bản thân mình có thể làm được. Thời gian vẫn còn, đủ để cho tôi cố gắng. Ngôi trường này sẽ là bệ phóng để tôi hoàn thành được ước mơ của mình: trở thành một bác sĩ tài ba.
Ngoài kia, trời vẫn mưa. Những hạt mưa đập vào cửa kính tạo ra những hình thù kì quái. Trong lớp, các bạn đang chia sẻ với nhau về mình, về những điều xung quanh mình. Hi vọng trong những con người ấy, những gương mặt ấy, tôi có thể tìm được người bạn thân cho những ngày tháng sắp tới này.
Ngày bé, tôi luôn háo hức mỗi khi năm mới đến. Nhưng bất chợt một hôm, tôi nhận ra mái tóc cha đã thoáng điểm một vài sợi trắng. Từ đó, tôi hiểu rằng bước đi của thời gian không phải chỉ tính bằng năm. Tôi bắt đầu chú ý hơn đến tháng, đến mùa. Khoảnh khắc chuyển mùa bỗng trở thành một mốc thời gian lắng đọng trong tôi. Tôi yêu và thích những khi trời đất giao mùa, nhất là khi trời chuyển từ mùa hạ sang mùa thu mát mẻ.
Những hạt mưa xuân lất phất bay, những chồi biếc trên cành cây đã điểm hay những cơn mưa ào ào, xối xả gọi mùa hè… tất cả những đổi thay nhiệm màu của trời đất ấy đều khiến lòng tôi xao động. Và hơn tất cả, thời khắc giao mùa giữa hạ và thu bao giờ cũng làm tôi phấp phỏng đến lạ lùng! Có lẽ bởi tôi yêu mùa thu nhất trong năm, tôi đợi thu về như đợi một người bạn đi xa quay trở lại…
Thu sang thật là dịu nhẹ khi bỗng một ngày ai đó nhận ra, bầu trời dường như trong hơn, cao và xanh hơn. Cái nắng rát bỏng, đổ lửa của mùa hè đã dịu đi nhiều lắm. Bên kia, vài đốm lửa thoắt ẩn hiện giữa nền lá xanh sẫm của những bác phượng già. Có phải phượng đã chắt chiu bao nhiêu gió, bao nhiêu nắng, bao nhiêu mưa của hạ để chưng lọc nên những bông phượng rực đỏ cuối mùa ấy mà tạm biệt hạ và để đón thu sang? Dọc theo hai dãy phố, sắc bằng lăng cũng đã nhạt màu. Nó không còn ngăn ngắt tím đến nao lòng nữa. Con sông trước nhà không còn cuộn lên ngầu đỏ. Dòng sông trở nên dịu dàng, e ấp như cô bé tuổi mười lăm. Tất cả giăng giăng xung quanh ngôi nhà quen thuộc một không khí êm êm, dịu mát, mềm mại, khiến ta mỗi khi thức dậy đều mang một cảm giác bâng khuâng.
Mới mấy hôm trước đây thôi ai cũng ngại ra đường vì nắng gắt, vì những cơn mưa bất chợt ập xuống không báo trước bao giờ, vì sấm chớp thình lình, nhưng hôm nay ta lại thèm được thong dong đạp xe dưới những hàng cây tán rộng. Ta bắt gặp những cô bé, cậu bé ngồi sau lưng mẹ xúng xính, hân hoan. Thì ra bé con đang được mẹ dẫn đi chuẩn bị đồ dùng cho năm học mới. Ôi! Cái ngày đầu tiên tôi đi học thoáng vậy mà đã đến cả chục năm. Thời gian trôi qua nhanh thật! Miên man trong dòng ký ức, tôi nghe trong hơi gió thoang thoảng hương hoa sữa chưa kịp nồng, mới chỉ đủ gợi ra những vương vấn dịu êm.
Thu đến, dường như ai cũng gượng nhẹ hơn. Nhịp sống chùng chình hơn, không còn quá ồn ào, hối hả. Những công sở, những ngôi trường sau lúc tan ca lặng ngắt, trầm tư. Những bến đò, những bờ sông, buổi chiều cũng bắt đầu hoang vắng.Trời chiều hơi se lạnh. Phải chăng vì thế mà mọi người chỉ mong sớm quây quần ấm cúng bên bữa cơm chiều. Một thoáng bâng khuâng, tôi nhớ tới lời cha: thời gian chảy trôi, mọi sự cũng đổi thay, cuộc sống sẽ có thêm ngã rẽ, hãy tự tìm lấy hạnh phúc cho mình. Tôi vẫn băn khoăn “thế nào là hạnh phúc”. Chợt tôi nhìn sang bên kia con phố, một cụ bà dừng đẩy xe lăn, lấy ra chiếc ghế con, ngồi xuống ngay bên cạnh. Ông đang nghiêng đầu về phía bà. Bà giở quyển sách khá dầy, giấy màu nâu xỉn, chậm rãi đọc và ông lim dim mắt lắng nghe. Tôi bỗng hiểu thế nào là hạnh phúc. Hạnh phúc ấy là khi ta được mãi bình yên bên những người yêu quý. Hạnh phúc giản đơn và bình dị thế thôi.
Trời đất chuyển mùa, lòng ta cũng nao nao bao nhiêu cảm xúc. Ta nhớ nhung, nuối tiếc, ta hí hửng, vui tươi… Ta thấy mình mỗi ngày thêm mỗi lớn, thấy mình phải sống sao cho có ý nghĩ hơn với bước đi của nhịp thời gian.
Mỗi lần trời trở rét là nội của tôi lại đau. Như những lần còn ở dưới quê, lần này cũng thế, tôi ngồi cạnh vừa kể chuyện vừa bóp chân cho nội. Thỉnh thoảng, nội mở mắt nhìn tôi cười rất hiền từ.
Năm tuổi, từ thành thị tôi về quê sống với nội theo yêu cầu của bố. Bố tôi nói, nội ở quê một mình buồn lắm, không ai trò chuyện lúc rảnh rỗi, cũng tội. Thế là tôi chuyển hẳn về sống ở quê. Căn nhà nhỏ tự dưng có hai bà cháu. Những lúc đi chợ xa, nội gửi tôi sang bên nhà hàng xóm. Tuy là con gái nhưng tính tôi thì nghịch hệt con trai nên mỗi khi tôi tung tăng, chạy nhảy cùng với lũ bạn trong làng về là nội lại phải lôi ngay tôi đi tắm. Tôi ghét tắm thế nên mỗi lần như vậy chẳng khác nào tôi đang hành nội. Những lúc rảnh rang, nội lại kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Chuyện cô Tấm hiền lành, Thạch Sanh dũng cảm, chuyện thằng Lý Thông ở ác... Sau mỗi lần như thế, nội lại khuyên tôi: sau này lớn lên cháu phải chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng. Có vậy, cháu mới được nhiều người yêu mến.
Những ngày tháng ở quê, nội thường nhờ một anh hàng xóm sang dạy chữ cho tôi. Buổi tối, tôi thường sợ ma, chốn không học bài đi ngủ sớm. Nội kiên nhẫn thắp đèn thức cùng tôi. Nội nói: rèn nét chữ cũng là rèn nết người cháu ạ! Thế là tôi lại cặm cụi ngồi tập viết. Nhưng chính vì thế mà giờ đây tôi phải cảm ơn bà bởi nếu không có những hôm như vậy thì chữ tôi chắc bây giờ xấu lắm. Và quan trọng hơn là nhân cách tôi sẽ ra sao?
Năm ấy, mẹ tôi sinh thêm em bé. Khi em cứng cáp, bố về quê nội. Bố ở lại thăm bà mấy bữa, sửa lại hàng rào, lợp lại ngói cho bà. Tới ngày chuẩn bị lên thành phố, bố bảo tôi lên trên ấy mấy bữa để giúp mẹ tôi chăm sóc em khi bố đi công tác. Tôi không muốn rời xa nội, nhưng nội cứ dỗ dành tôi lên trên ấy với mẹ ít ngày rồi trở lại. Thế là tôi lại về thành phố. Lúc bố đi công tác vừa xong cũng là lúc tôi đến tuổi phải bước chân đến lớp. Ở quê nội trường học rất xa, nội lại già và yếu nên bố quyết định tôi không về quê nữa. Tôi sẽ ở lại và học ở đây. Tôi đành chấp nhận. Tôi yêu nội lắm, hình ảnh nội luôn hiện lên trong tâm trí của tôi – một người bà hiền từ, nhân hậu. Suốt những năm xa nội tôi luôn tự hỏi: không biết nội có thay đổi nhiều không? Tôi muốn đặt cho nội hàng loạt câu hỏi để nói lên niềm khao khát được về thăm nội của tôi.
Tôi học ở thành phố đến năm lớp bảy thì bố đón hẳn nội ra sống với nhà tôi. Ngày đón nội, tôi theo bố mãi ra ga. Tôi vui mừng lắm. Tôi cứ mơ màng hình dung về nội. Nhưng khi nội bước ra khỏi toa tàu, tôi không thể cầm được hai dòng nước mắt. Nội đã già hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của tôi. Lưng nội đã còng rạp xuống, da mặt nhăn nheo, duy chỉ có ánh mắt và nụ cười của nội là không thay đổi. Nó vẫn gợi sự hiền từ và nhân hậu như xưa.
Những ngày sau đó, tôi không giấu nổi sự vui mừng vì được sống trong vòng tay thương yêu của nội. Nhưng nội thì có vẻ khó khăn để làm quen với cuộc sống mà tôi biết là nội không hoàn toàn mong muốn. Bố cũng như tôi rất hiểu điều này nên thường xuyên an ủi nội. Lâu dần, nội đã quen và sống vui hơn.
Giờ đây, tôi thực sự vô cùng hạnh phúc vì không phải xa nội nữa. Nội ơi! Giờ con đã lớn, con đã học Trung học phổ thông. Con đã dần hiểu được những lời dạy của nội khi xưa về việc rèn giũa nết người. Con sẽ làm cho nội vui trong suốt quãng đời từ đây của nội. Mong sao những việc làm của con sẽ làm vơi đi những nhọc nhằn của nội khi xưa.
Thời gian qua chẳng nói với hàng me
Ta cũng vô tình lật từng trang vở
Khi hoa gạo hết thời rực rỡ
Ta chợt hiểu mình đánh mất thời gian
Không biết hai khổ thơ trên đã đi vào tâm trí tôi tự lúc nào mà mỗi lần chứng kiến học sinh lớp 10 nhập học tôi lại bâng khuâng nhớ về mình của 2 năm trước đây. Cảm xúc của ai cũng vậy, khi đứng trước cánh cổng trường, ai cũng cảm thấy trăn trở, lo lắng cho những gì sắp đến.
Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, ai cũng sẽ có riêng cho mình những khoảnh khắc khó quên của cuộc đời. Và đối với tôi cũng vậy, những ngày tháng chia tay với mái trường cũ để bước vào ngôi trường mới – một cánh cửa mới của cuộc đời thật sự là giây phút khó quên.
Chia tay với chiếc khăn quàng đỏ, với ngôi trường THCS, ngưỡng cửa trường THPT đã đến, một cảm giác bồi hồi, mới lạ tràn về trong tôi: Tôi ngỡ như mình được trở về với những ngày đầu bước vào lớp 1, ngỡ như những ngày đầu bước vào cánh cổng trường THCS. Cái cảm giác ấy vẫn khó tả như ngày nào!
Tháng 8 – tháng giao mùa từ cuối hạ đến đầu thu – tháng mà những chùm phượng vĩ chỉ còn thưa thớt vài nhánh nở muộn và cũng là tháng đầu tiên tôi bước vào trường THPT với những bài học đầu tiên.
Cánh cửa THPT đã mở ra sau ba tháng hè ôn luyện. Nơi đây với tôi xa lạ hoàn toàn. Mọi thứ quả thật đều rất mới từ quang cảnh, ngôi trường và cả những con người: trường mới, bạn mới, thày cô mới, cách học mới và cả một môi trường mới, thế nhưng tất cả lại lưu lại cho tôi những kí ức đẹp về buổi đầu. Tôi sẽ phải thích nghi dần, làm quen dần vì ba năm ở đây gần như sẽ quyết định cuộc đời tôi. Đây sẽ là quãng đường thật sự gian nan thử thách.
Ngày đầu tiên đến trường đó là một ngày nắng ấm, khí trời dìu dịu êm ái, theo sự thông báo của nhà trường tôi đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Nhưng trong lòng tôi vẫn cứ xôn xao một cảm xúc khó tả. Bởi trước mắt tôi lúc này là một khung trời mới. Trong những năm học trước, sau ba tháng hè nghỉ học, chúng tôi lại trở về mái trường thân quen với những hàng cây, ghế đá,… in đậm bao kỉ niệm của những lần nô đùa cùng bè bạn. Còn năm nay, tôi đã bước chân vào ngưỡng cửa trường THPT - một chân trời hoàn toàn mới lạ. Ngôi trường tôi học năm nay rất khang trang với không gian thoáng đãng. Từ cổng trường dẫn vào các dãy nhà ba tầng uy nghi là con đường trải bê tông nhẵn nhụi. Nào là hàng cây, cột cờ, phòng học,… thu vào tầm mắt tôi khiến lòng tôi dấy lên bao cảm xúc ngỡ ngàng và vui sướng.
Sau đó, chúng tôi được phân công về các lớp. Tôi thầm ước sao mình có thể học cùng với các bạn cũ. Nhưng trong lớp tôi hoàn toàn là những người bạn xa lạ. “Nhưng dần dần mình cũng sẽ quen với các bạn ấy thôi”- tôi tự an ủi mình như thế. Sau mấy phút bỡ ngỡ, tôi thấy cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp. Hình ảnh của cô làm tôi nhớ về cô giáo chủ nhiệm hồi lớp 9. Vẫn dàng người thon thả, đôi mắt hiền từ. Chính hình ảnh đó của cô đã làm cho tôi phần nào bớt đi sự lo lắng. Những lời đầu tiên cô nói là những lời dạy bảo ân cần về ý thức trách nhiệm đối với bản thân, với trường, với lớp trong học tập cũng như rèn luyện trong những năm học THPT. Đó là bài học đầu tiên tôi nhận được ở ngôi trường mới này.
Ấn tượng nhất trong lòng tôi là ngày khai giảng. Trong trang phục áo trắng quần sẫm màu, tôi ra dáng là một nữ sinh THPT thực sự. Tôi cảm thấy mình như người lớn hẳn lên. Tiếng trống trường do thày hiệu trưởng gióng lên như vội vã thúc giục chúng tôi học thật tốt. Tôi biết từ lúc đó tôi đã chính thức hòa nhập vào môi trường mới.
Trước đây khi còn nhỏ, tôi đã từng mơ ước được trở thành học sinh THPT, giờ đây ước mơ ấy đã thành hiện thực. Được mặc đồng phục mới mà trước đây tôi chưa từng mặc, ngồi gần những người bạn mới mà trước đây tôi chưa từng quen và học những thày cô giáo mà bây giờ tôi mới biết đến. Khi giấc mơ bé nhỏ đã thành hiện thực thì trong tôi lại nhen nhóm, ấp ủ những ước mơ hoài bão lớn hơn( tốt nghiệp THPT, thi đỗ đại học …). Những cảm xúc khó tả lại trào dâng xen lẫn niềm vui nhưng hòa vào đó là nỗi nhớ. Vui vì tôi đã như trưởng thành hơn và biết thêm được nhiều điều mới mẻ từ những bài học mới, thày cô mới, những người bạn mới…. Những hình ảnh thày cũ, trường xưa cứ dâng trào trong tôi, và cả những lời khuyên, những lời chúc chân thành của mọi người dành cho tôi vào ngày thi THPT.
Nhưng thời gian có bao giờ dừng lại, nó sẽ lặng lẽ trôi, trôi mãi không bao giờ ngừng. Và tôi sẽ phải cố gắng để nắm giữ từng giây từng phút ấy. Phải biết tận dụng quãng thời gian 3 năm tuy ít ỏi nhưng vô cùng quan trọng để phấn đấu. Được học trong một ngôi trường THPT có bề dày truyền thống và thành tích, bản thân tôi có biết bao niềm vui sướng và tự hào xen lẫn cả nỗi lo lắng. Nhưng điều quan trọng đối với tôi lúc này là tôi hứa sẽ quyết tâm học tập và rèn luyện tốt sao cho xứng đáng với truyền thống của nhà trường.
Ngôi trường này- Trường THPT Trần Hưng Đạo- là nơi tôi chỉ “dừng chân” lại ba năm học- ba năm tuy không phải là quãng thời gian dài nhưng cũng đủ để chúng tôi lưu giữ những kỉ niệm đẹp về ngôi trường này, về những người bạn và thày cô nơi đây. Và có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được những ngày này- những ngày đầu tiên tôi bước vào trường THPT – những ngày giữa tháng 8 êm dịu.
Sáng sớm,nhìn qua khung cửa sổ, tôi bỗng nhận thấy sự khác lạ của bầu trời,của những cơn gió, của những hàng phượng già bên góc phố... và cả thái độ của những người qua đường nữa,họ vui vẻ lạ thường. Vài cơn gió miên man “lạc bước” vào phòng tôi qua khung cửa, mang đến tôi một cảm giác mới mẻ. Nó không phải là gió của ngày hôm qua, ngày hôm qua, gió vẫn còn oi nồng lắm, vẫn còn nóng bức lắm, đâu có được mát mẻ như thế này. Và khi đó, tôi chợt nhận ra sự đổi khác của đất trời, đây chính là thời khắc chuyển mùa từ hạ sang thu.
Có lẽ là, tiết trời đã bắt đầu chuyển mùa từ cuối tháng 6. Cái oi nồng, nóng bức của mùa hạ đã bắt đầu dịu xuống, thay vào đó là một bầu trời trong xanh, lộng gió thu sang. Những cây phượng già đã bắt đầu rụng lá, ngập đỏ cả một con đường. Trên kia, từng tia nắng ấm đã dần dần nhuộm vàng lên từng hàng cây, hay nền gạch tạo nên một khung cảnh mùa thu như trong thơ ca vẫn thường nói đến. Một khung cảnh tuyệt đẹp và rất hiếm thấy!... Và cảm giác mát mẻ của sự chuyển mùa ấy bắt đầu len lỏi vào tâm hồn tôi, xóa tan cái nóng bức và khó chịu của mùa hạ... Thu đã sáng nhưng dư âm của mùa hạ vẫn còn vương. Những đám mây trắng lãng đãng như vẫn còn ấm màu nắng của mùa hạ. Đâu đó màu hoa cúc nở rộ bỗng nhuốm đầy không gian hòa vào với khung cảnh thơ ca êm đềm, thơ mộng.
Trên những tán cây, từng đàn chim bắt đầu ríu rít những tiếng kêu cùng hòa vào với sự râm ran của đàn ve sầu. Tôi có cảm giác không gian quanh tôi bắt đầu trải rộng hơn, bao la hơn. Tôi ngước nhìn một lần nữa những đám mây xa, những đàn chim ríu rít rời tán cây phượng bay về tận phương nào mà như thể chúng hiện diện ngay trước mắt tôi. Bất chợt,âm vang của một bài thơ mà thi sĩ Hữu Thỉnh viết về thời khắc chuyển mùa lại vang lên trong lòng tôi:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Khi đọc bài thơ ấy, tôi chưa có một cảm giác gì cụ thể nhưng khi đứng trước thời khắc chuyển mùa thực sự, tâm hồn tôi lại không khỏi bâng khuâng, xao xuyến lạ thường!
Mùa hạ dần qua đi, và thu sang thế chỗ. Những cơn mưa ào ạt bắt đầu vơi dần, nhường chỗ cho mưa thu mát mẻ, trong lành. Dòng sông ngoài xa cũng không còn sục sôi như trong những ngày lũ hạ mà bỗng trở nên hiền hòa, màu nước trở nên trong hơn, êm dịu hơn. Dưới đường,những người đi đường ai nấy đều cười nói vui vẻ như thể họ cũng nhận ra cái dễ chịu của thời khắc giao mùa hạ sang thu. Tiếng cười nói, tiếng chim ríu rít, tiếng đàn ve râm ran, tiếng lá khô xào xạc, gió khe khẽ... tất cả tạo nên những âm thanh quen thuộc trong cuộc sống nhưng mang một cảm giác man mác, khó tả thấm dần vào lòng người.
Rảo bước nhanh qua con đường quen thuộc sau hồi cảm nhận,nhìn lại tôi vẫn thấy khung cảnh chuyển mùa vẫn vậy, vẫn tuyệt đẹp và rất xứng đáng đi vào thơ ca như trong bài thơ của thi sĩ Hữu Thỉnh. Về đến nhà nhưng cảm giác man mác trong lòng tôi vẫn còn vương lại. Cơn gió thu lại miên man “lạc bước” vào phòng tôi qua khung cửa sổ. Thật dễ chịu! Và tôi chợt nhận ra rằng: tôi yêu thích sự chuyển mùa này, thời khắc chuyển mùa từ hạ sang thu.
“Mùa thu đến lá trong vườn đã rụng.
Lá vàng bay, bay theo gió. Ngoài đồng
Phía xa xa, ngay sát rìa thung lũng.
Đang khoe mình, đỏ rực cả hàng phong.”
Mùa thu đến, mang theo những ngọn gió mát lành và những tia nắng nhẹ nhàng ấm áp. Mùa thu đến còn mang cho tôi một cảm giác nôn nao lạ kì, bởi nó báo hiệu một năm học nữa sắp đến. Nhưng ngày tựu trường năm nay với tôi lại đặc biệt hơn mọi năm, bởi năm nay là năm đầu tiên tôi bước vào ngôi trường trung học phổ thông.
Những ngày đầu tiên, ngay từ buổi sáng, tôi đã tự giác dậy sớm hơn hẳn mọi ngày. Mẹ tôi đang chuẩn bị bữa sáng, trông thấy tôi mà cứ cười tủm tỉm mãi. Ba tôi thì khen : “Con gái mặc áo dài đẹp quá!” Tôi đã hồi hộp chờ cảm giác được mặc áo dài từ lâu, chiếc áo dài trắng mà từ khi còn học cấp hai, tôi đã nhìn theo các chị nữ sinh đầy ngưỡng mộ. Sau khi chuẩn bị xong, ba chở tôi đến trường. Trước khi tôi xuống xe, ba còn nháy mắt: “Chúc con một ngày vui vẻ nhé!”
Trường của tôi rất đẹp. Những hàng phượng vĩ được trồng dọc lối đi, màu đỏ của hoa vẫn chưa tàn hết, dường như cây phượng cũng còn lưu luyến chút dư âm mùa hạ. Bên cạnh thư viện có một tảng đá được khắc chữ lên: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.” Nó nhắc nhở tôi rằng, mình phải học thật giỏi để có thể dựng xây đất nước. Không chỉ vậy, trường còn có một sân bóng đá lớn cho các bạn nam chơi với nhau, tôi rất thích cảm giác những buổi chiều mát, sân bóng không có ai, tôi ngồi một mình trên chiếc ghế đá góc sân để đọc sách dưới bóng mát cây bàng.
Những ngày đầu tiên, tôi gặp gỡ những người bạn mới của mình. Các bạn cũng giống như tôi, rụt rè, bỡ ngỡ trước những điều mới mẻ. Chẳng hiểu sao, tôi cảm thấy một cái gì đó thật xao xuyến. Chúng tôi đã trải qua những ngày tháng ôn luyện, đã cùng bước qua kì thi quan trọng để rồi giờ đây có thể gặp được nhau, trở thành những người bạn chung lớp. Chắc hẳn ba năm tiếp theo, chúng tôi sẽ cùng nhau tạo ra thật nhiều những kỉ niệm đẹp. Bạn cùng bàn của tôi tên là Luân, thật tình cờ là bạn ấy học cùng trường cấp hai với tôi. Luân giỏi Tự nhiên, trái hẳn với tôi, thích các môn Xã hội. Tôi còn gặp những người bạn cũ của mình, các bạn đều mặc áo dài trông thật trưởng thành và lạ lẫm. Chúng tôi đi đứng khép nép và dịu dàng hơn trước, không còn thoải mái và vô tư như trước nữa. Thật lạ, dường như chúng tôi ý thức được rằng mình đã lớn rồi!
Cô chủ nhiệm của tôi là cô Hoa, cô dạy môn Vật lý. Ngày đầu tiên khi nhận lớp, cô mặc một chiếc áo dài tím đẹp vô cùng. Cô còn rất tâm lý nữa, cô cho chúng tôi điền vào một tờ giấy với những câu hỏi về sở trường, sở thích và ước mơ; cô nói rằng cô muốn hiểu chúng tôi hơn, cũng như có thể giúp đỡ cả lớp trong quãng thời gian sắp tới. Không chỉ cô Hoa, những thầy cô giáo khác tuy rằng mỗi người một tính cách, nhưng đều quan tâm và ân cần với lớp. Tôi ấn tượng nhất là với cô giáo dạy Sử, buổi học đầu tiên, cô đã nói rằng: “Lịch sử không chỉ là môn học, đó còn là tất cả những gì mà một đất nước đã đi qua. Hãy học lịch sử với tất cả niềm tự hào về truyền thống, về những gì mà cha ông ta đã hi sinh cho chúng ta.” Các thầy cô cũng đưa ra nhiều yêu cầu chúng tôi nhiều hơn thời cấp hai, chúng tôi đều ý thức được rằng mình phải chú tâm đến việc học hành, bởi cấp ba là giai đoạn chuẩn bị cho kì thi quan trọng nhất cuộc đời.
Tôi cũng rất thích giờ chào cờ sáng thứ Hai của trường. Hồi cấp hai, chúng tôi thường ngồi giữa sân trường dưới ánh nắng chói chang. Nhưng giờ đây, tôi được ngồi trong một hội trường rộng lớn, có cả sân khấu, máy lạnh... Các tiết mục văn nghệ được biểu diễn bởi các anh chị lớp trên, mọi người múa thật là đẹp. Khi thầy Hiệu trưởng phát biểu, những học sinh mới chúng tôi ai cũng cảm động. Thầy không nói những điều cao siêu, mà chia sẻ cho chúng tôi về những cố gắng đã qua để vào được cấp ba, tương lai của chúng tôi còn dài, và hãy sống thế nào để khi nhìn lại, chúng ta sẽ không phải hối hận. Lời của thầy đã chạm vào trái tim tôi, chạm vào trái tim của tất cả mọi người trong hội trường ngày hôm ấy.
Bước vào lớp 10, tôi hiểu rằng mình đang bước những bước trên con đường trưởng thành. Con đường cuộc đời thì rất dài, nhưng mỗi bước ta đi đều là hành trang quý báu giúp chúng ta hiểu hơn nhiều điều về cuộc sống, cũng như học được cách trân trọng cuộc đời này. Không có ước mơ nào là dễ thực hiện, không có hoài bão nào là đơn giản, nhưng nếu không cố gắng đạt được, làm sao ta có thể thành công? Bởi cuộc sống này không chỉ có một mình ta, mà còn có gia đình, bạn bè, thầy cô... những người đã yêu thương và tin tưởng ta. Tôi của hiện tại, đang bước qua cánh cổng trường để hướng đến tương lai phía trước.
Thời gian trôi qua, sẽ không bao giờ trở lại. Đó là điều tôi đã học được khi ôm người bạn thân nhất trong ngày bế giảng cấp hai của tôi. Tôi vẫn còn ba năm trung học phổ thông ở phía trước, tôi biết con đường sắp tới, tôi sẽ phải cố gắng thật nhiều để học tốt, tạo nên những kỷ niệm đẹp với bạn bè, và để thực hiện những ước mơ của mình. Những ngày đầu tiên bước vào ngôi trường trung học phổ thông, tôi nhận ra mình đang dần trưởng thành!
Cứ mỗi độ xuân qua hạ đến, những kỉ niệm về trường lớp, về bạn bè lại ùa về trong tôi. Đã trải qua biết bao nhiêu mùa hạ, bao nhiêu lần chia tay những người yêu thương thế nhưng, khi nhành phượng hồng hé nở, đóa hoa bằng lăng rực tím khung trời, lòng tôi lại bâng khuâng xúc động trước phút giây mùa hạ giao thời.
Những ngày tháng tư được mở đầu bằng cái nắng gay gắt, chói chang. Người ta vẫn đùa Sài Gòn chỉ có hai mùa: mùa nắng và mùa nắng hơn. Thế nhưng, đối với tôi, cái nắng tháng tư, cái nắng mùa hạ có sự khác biệt rõ rệt. Nó oi và nồng như cuốn hết tất cả khói bụi của trần gian. Chúng tôi là những đứa trẻ lớn lên ở thành phố, chỉ biết đến tiếng ve qua câu chuyện kể, qua lời bài hát vì thế, đôi khi lại cảm thấy ghen tị vô cùng đối với những bạn ở thôn quê. Mùa hạ của chúng tôi, à không, bốn mùa của chúng tôi chỉ có tiếng còi xe vội vã ngoài phố mà thôi.
Dù nói vậy, mùa hạ vẫn thật đẹp với những màu hoa. Màu đỏ của nhành phượng sân trường mới đó còn thấp thoáng thế mà hôm sau đã rực cháy cả một góc trời. Lúc đó, tôi lại được nghe lời tâm sự buồn tênh của những anh chị cuối cấp, họ hát về một màu hoa học trò, hát về một màu hoa vĩnh viễn. “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phương/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu…” tưởng chừng đã rất xa nhưng hóa ra, trong khoảnh khắc này nó lại trở nên gần gũi và thân thương hơn bao giờ hết. Đã bao lần tôi bâng khuâng tự hỏi: Có phải vì mùa hạ - mùa của những cuộc chia tay, mùa của thanh xuân khép lại mà ai ai cũng vội vã hơn? Màu hoa bằng lăng cũng buồn không kém. Người ta đã viết về nó quá nhiều, từ thơ cho đến nhạc, viết hay đến nỗi tôi không dám đặt bút vì sự vụng về trong ngôn từ của mình. Tôi chỉ dám cảm nhận mùa hạ bằng tất cả các giác quan. Sự rực rỡ và chói chang của ánh nắng, nó cũng như tuổi trẻ của mỗi con người vậy. Sự oi nồng của tất cả các mùi khắp không gian, mùi hoa, mùi nắng,… Tiếng khóc sụt sùi của học trò lúc chia tay, tiếng rao khản đặc của những cô bán hàng rong trên phố, tiếng chuông điểm những bài kiểm tra cuối cùng trong năm… tự bao giờ trở thành những kí ức đẹp nhất trong tôi.
Mùa hạ với thiên nhiên là nắng giòn tan, là màu hoa rực rỡ nhưng với con người dường như là một nỗi ám ảnh. Lũ trò nhỏ trước khi tung tăng với một kỳ nghỉ dài phải xót xa nói lời tạm biệt trường lớp, phấn trắng, bảng đen… Người lao động vất vả hơn trong cuộc mưu sinh. Nhìn những tấm lưng mỏng gầy phơi mình dưới nắng cho mỗi cuốc xích lô lòng tôi lại xốn xang khôn tả. Những cụ ông cụ bà bán vé số ánh mắt nhọc nhằn, lau vội mồ hôi để đi xa hơn, bán được nhiều hơn. Tuy vậy, mùa hạ lại là niềm tin cho những hàng nước. Mấy cô bán quán vỉa hè được dịp đắt khách, kẻ qua người lại nườm nượp, li nước mía, nước cam được trao tay thoăn thoắt. Mọi người tụ năm tụm bảy tránh nắng, ngồi nói đủ thứ chuyện trời đất gió mưa dưới những tán cây. Mấy chú xe ôm ế khách cũng nhập cuộc vui, tạo nên một đặc sản có một không hai của đất Sài Gòn.
Những khu công viên nước là nơi phải kể đến mỗi mùa hạ về. Dường như ai ai muốn trốn cái nắng rát ra rát thịt này. Dù chỉ mới những ngày đầu tiên của mùa hạ nhưng thời tiết đã “khó chịu” vô cùng. Từ người trẻ đến người trưởng thành, ai cũng gắn bó với công viên nước như một người bạn cực kì thân thiết. Họ đến một mình có, cùng người yêu, bè bạn có. Lại có người dắt cả thú cưng ra cùng. Có thể nói, những khu công viên nước như là thiên đường nghỉ dưỡng cho những người không muốn rời xa thành phố trong mỗi mùa hè!
Mùa hạ đối với gia đình tôi thật nhiều ý nghĩa. Đó là dịp thứ hai trong năm (sau Tết) đại gia đình cùng ngồi lại bên nhau và kể những câu chuyện nhỏ to. Dì tôi ở Hà Nội vẫn hay kể về những ngày giao mùa từ xuân sang hạ ở đất Bắc. Dì tả về những cây thay lá, sắc đỏ sắc vàng khoác áo mới cho những cung đường. Bước đi trên phố Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Hồ Hoàn Kiếm…người ta cảm nhận như đang đi trong khu vườn cổ tích đầy mộng mơ. Cũng giống như Sài Gòn, tiết giao mùa đôi khi được đánh dấu bằng những cơn mưa vội vàng, phảng phất bất chợt. Những bông hoa sưa trắng tinh khôi điểm xuyến trên nền trời vàng nắng. Thì ra, ở đâu trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này, khoảnh khắc giao mùa đều đẹp đẽ và tuyệt diệu đến thế. Vạn vật như có tiếng nói riêng, âm thầm nhưng tinh tế. Con người cũng âm thầm cảm nhận sự chuyển giao đó, lòng bồi hồi xao xuyến trước sự thay đổi mong manh. Có thể yêu hơn, có thể bực hơn, có thể tự dưng vui cũng có thể tự dưng buồn vô hạn trong phút giây ngắn ngủi đó. Từ xuân sang hạ, tôi thấy sự chuyển biến từ thiên nhiên sang đến lòng mình. Gương mặt của cô bạn thân đến rước đi học đẫm mồ hôi hơn, nhưng cũng có lẽ vì thế mà rạng rỡ hơn biết bao!
Khoảnh khắc giao mùa cũng là lúc mẹ tôi thường bảo: “Hè đến rồi, chắc bố tụi bây sẽ vất vả lắm đây!” Thật vậy, công việc làm công trình khó mà chịu nổi cái thời tiết dở dở ương ương của những ngày tháng tư, tháng năm, tháng sáu. Nhưng biết làm sao hơn! Mẹ tôi thì ngược lại, hồ hởi đem chăn bông màn cửa ra giặt như muốn lấy trọn những ánh nắng đầu tiên để “ướp hương” cho gia đình mình.
Những giây phút đầu tiên mùa hạ đến cũng là lúc tâm hồn tôi nghe nhiều lắng đọng nhất. Cảm nhận từng chi tiết của thiên nhiên và con người, tôi mới thấy cuộc sống này nhiều màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc biết bao. Thế mới thấy Thượng Đế thật diệu kì, Thượng Đế ban tặng cho chúng ta biết bao cơ hội để cảm nhận cuộc sống và quan trọng là chúng ta phải thật tinh tế để hưởng thụ. Cũng giống như Xuân Diệu – nhà thơ luôn lắng nghe tâm hồn mình để giật mình trước mỗi sự đổi thay, giật mình khi nhận ra quả sấu non trên cao: “Ôi từ không đến có - Xảy ra như thế nào”?