Đề bài: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.

Đề bài: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (tình thầy trò)

Đề bài: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.

Dàn bài

1. Mở bài: Dẫn dắt vào vấn đề.

2. Thân bài:

  • Từ bé tôi đã luôn bị mọi người xung quanh khinh miệt, giễu cợt là "đồ con hoang". 
  • Trong mắt tôi, loài người thật xấu xa và độc ác - trừ người mẹ hiền lành.
  • Trong giờ văn:
    • Cô giáo giảng đề "Lá lành đùm lá rách". 
    • Tôi gân cổ lên trả lời cô: Em không làm vì em không thèm làm chứ không phải không hiểu. 
    • Cô giáo thì mặt tái xanh, tôi thấy cô giận đến run người.
    • Tôi thoáng ân hận vì quá lời với cô nhưng tôi không thấy mình sai.
  • Cuối giờ, cô gọi tôi lên gặp riêng cô.
    • Cô ngồi đó vẻ mặt buồn rười rượi.
    • Nhẹ nhàng phân tích cho tôi thấy rằng tôi nghĩ như thế là lệch lạc.

3. Kết bài: rút ra bài học cho bản thân.

Bài văn

 Trong cuộc sống, mỗi chúng ta không ít lần mắc lỗi nhưng có những lỗi lầm đã gây ra không bao giờ chúng ta quên được. Bây giờ, cứ mỗi lần nhớ đến cô giáo dạy văn năm lớp bảy, tôi lại thấy trong lòng mình ray rứt vì đã vô lễ với cô.

       Tôi vốn là một đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời - tôi luôn nghĩ về bản thân mình như vậy. Mẹ tôi sinh ra tôi nhưng tôi không có bố. Từ bé tôi đã luôn bị mọi người xung quanh khinh miệt, giễu cợt là "đồ con hoang". Nhiều bà mẹ không cho con họ chơi với tôi. Tôi sống thui thủi như thế với mẹ trong căn nhà nhỏ tồi tàn cuối xóm. Từ bé, tôi không thấy ai tốt bụng và thương tôi ngoài mẹ tôi. Hai mẹ con tôi sống trơ trọi không họ hàng trong sự khinh miệt của mọi người xung quanh. Trong mắt tôi, loài người thật xấu xa và độc ác - trừ người mẹ hiền lành mà tôi hết lòng thương yêu và kính trọng. Đến tuổi đi học, tôi không chơi với bạn nào trong lớp, luôn lãnh đạm, thờ ơ với mọi người xung quanh.

       Năm ấy, tôi học lớp bảy. Trong giờ văn, hôm nay lớp học văn nghị luận chứng minh. Cô giáo giảng đề "Lá lành đùm lá rách". Cô đã dùng nhiều lập luận và dẫn chứng gần gũi, cụ thể, thiết thực để cho chúng tôi thấy đấy là lòng nhân ái của người Việt Nam ta. Giảng xong, cô cho lớp viết bài, tiết sau cô sẽ sửa. Tiết học sau, cô gọi một số bạn nộp bài cho cô sửa - trong đó có tôi. Cô gọi tôi lên và hỏi: "Toàn, tại sao em lại không làm bài mà để giấy trắng? Em không hiểu bài à? Không hiểu chỗ nào cô sẽ giảng lại cho?"

       Phản ứng của tôi bất ngờ đến mức làm cả lớp sững sờ nhìn tôi. Tôi gân cổ lên trả lời cô: "Em không làm vì em không thèm làm chứ không phải không hiểu. Toàn là nói dối, bịa đặt, trên đời này làm gì có lòng nhân ái, người yêu thương người. Tại sao em lại chứng minh điều dối trá như thế là đúng cơ chứ?" Tôi nói mà không biết mình đang nói gì. Có lẽ đó là những điều uất ức dồn nén từ lâu hôm nay bộc phát. Cả lớp đổ dồn những cặp mắt ngỡ ngàng về phía tôi. Còn cô giáo thì mặt tái xanh, tôi thấy cô giận đến run người. Cô không nói lời nào mà bước nhanh ra khỏi lớp. Tôi biết cô rất giận. Cô sợ không kìm chế được cảm xúc nên bước ra ngoài chăng? Tôi thoáng ân hận vì quá lời với cô nhưng tôi không thấy mình sai. Lớp trưởng đến bên tôi nhẹ nhàng: "Tại sao cậu vô lễ như thế? Đi theo xin lỗi cô đi!" Tôi giận dữ: "Tớ không nói sai. Tớ không có lỗi!".

       Sau sự việc trên, tôi đinh ninh mình sẽ bị đuổi học hoặc chí ít là mời phụ huynh. Tôi chỉ lo mẹ sẽ buồn. Cuối giờ, cô gọi tôi lên gặp riêng cô. Tôi biết mình sẽ bị khiển trách rất nặng. Tôi bước vào phòng giáo viên, cô ngồi đó vẻ mặt buồn rười rượi. Trên đôi mắt đen lay láy của cô còn ngân ngấn nước. Tôi đoán cô vừa khóc và thấy ngạc nhiên. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi cô không trách mắng tôi mà nhẹ nhàng phân tích cho tôi thấy rằng tôi nghĩ như thế là lệch lạc. Các bạn đã luôn gần gũi và giúp đỡ tôi, cô đã luôn quan tâm và yêu thương tôi,... Tôi vô cùng ân hận. Tôi lí nhí xin lỗi cô. Cô dịu dàng xoa vào đầu tôi và bảo: "Em hiểu được như thế là tốt và đừng nên mất niềm tin vào tình người như thế! Cô không giận em đâu". Dù cô nói vậy nhưng tôi vẫn thấy mình thật có lỗi khi vô lễ với cô.

       Tôi thật biết ơn cô vì đã dạy tôi bài học về tấm lòng độ lượng và giúp tôi lấy lại niềm tin về tình người.

Bài mẫu 2: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (tình mẹ con)

Đề bài: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.

Dàn bài

1. Mở bài: giới thiệu thời gian, địa điểm diễn ra kỉ niệm.

2. Thân bài:

  • Trong các môn học, em sợ nhất môn chính tả vì chữ em rất xấu.
  • Mẹ thường xuyên theo dõi việc học tập của em.
  • Biết chuyện, mẹ không rày la trách mắng mà ân cần khuyên nhủ.
  • Em tự đề ra cho mình kế hoạch mỗi ngày dành ra một tiếng đồng hồ tập chép.
  • Lần đầu tiên được cô giáo cho điểm mười chính tả, em vô cùng sung sướng.

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em.

Bài văn

Năm nay, em đã là học sinh lớp 10 nhưng những kỉ niệm hồi còn thơ ấu em không bao giờ quên. Trong những kỉ niệm ấy có chuyện rèn luyện chữ viết hồi em học lớp 3. Em trở thành học sinh giỏi Văn cũng là nhờ một phần vào những ngày rèn luyện gian khổ ấy.

Trong các môn học, em sợ nhất môn chính tả vì chữ em rất xấu. Mỗi khi đến giờ chép chính tả theo lời cô đọc, em thấy khổ sở vô cùng. Chưa bao giờ em đạt điểm cao môn này. Nhiều buổi tối, em giở tập, lặng nhìn những điểm kém và lời phê nghiêm khắc của cô giáo rồi buồn và khóc. Mẹ thường xuyên theo dõi việc học tập của em. Biết chuyện, mẹ không rày la trách mắng mà ân cần khuyên nhủ:

- Con lớn rồi, phải cố tập viết sao cho đẹp. Ông bà mình bảo nét chữ là nết người đấy con ạ!

Em ngẫm nghĩ và thấy lời khuyên của mẹ rất đúng. Vì thế em quyết tâm tập viết hằng ngày, đến bao giờ chữ em trở nên sạch đẹp mới thôi.

Em tự đề ra cho mình kế hoạch mỗi ngày dành ra một tiếng đồng hồ tập chép. Trước hết, em chép lại những bài tập đọc trong sách giáo khoa. Sau đó, tập chép những bài thơ ngắn. Mẹ dạy em cách cầm bút sao cho thoải mái để viết lâu không bị mỏi tay. Em học theo và đã quen dần với cách cầm bút ấy. Mỗi bài, em viết nhiều lần ra giấy nháp, khi nào tự thấy đã tương đối sạch đẹp thì mới chép vào vở. Xong xuôi em nhờ mẹ chấm điểm. Những bài đầu, mẹ chỉ cho điểm 5, điểm 6 vì em viết còn sai Chính tả và nét chữ chưa đều. Em không nản chí, càng cố gắng hơn.

Đến bài thứ chín, thứ mười, em đã có nhiều tiến bộ. Những dòng chữ đều đặn, ngay hàng thẳng lối hiện dần ra dưới ngòi bút của em. Mẹ không ngừng động viên làm cho em tăng thêm quyết tâm phấn đấu.

Lần đầu tiên được cô giáo cho điểm mười chính tả, em vô cùng sung sướng. Cô giáo khen em trước lớp và khuyên các bạn hãy coi em là gương tốt để học tập.

Em luôn nhớ lời mẹ và thầm cảm ơn mẹ. Em cầm quyển vở có điểm 10 đỏ tươi về khoe với mẹ. Mẹ xoa đầu em nói:

- Thế là con đã chiến thắng được bản thân. Con đã trở thành người học sinh có ý chí và nghị lực trong học tập. Mẹ tự hào về con. Ba con biết tin này chắc là vui lắm!

Từ đó, cái biệt danh Tuấn gà bới mà các bạn tinh nghịch trong lớp đặt cho em không còn nữa. Tuy vậy, em vẫn kiên trì tập viết để nét chữ ngày một đẹp hơn. Sau Tết, em sẽ tham gia hội thi Vở sạch chữ đẹp do trường tổ chức.

Đúng là có chí thì nên, có công mài sắt có ngày nên kim, phải không các bạn?

Bài mẫu 3: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất (tình bạn)

Đề bài: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của anh (chị) về tình cảm gia đình hoặc tình bạn, tình thầy trò theo ngôi kể thứ nhất.

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Giới thiệu một kỉ niệm đáng nhớ
  • Ấn tượng của bạn về kỉ niệm đó

2. Thân bài:

  • Miêu tả sơ nét về người mà làm nên kỉ niệm với bạn
  • Hình dạng
  • Tuổi tác
  • Đặc điểm mà bạn ấn tượng
  • Tính cách và cách cư xử của người đó
  • Giới thiệu kỉ niệm
    • Đây là kỉ niệm buồn hay vui
    • Xảy ra trong hoàn cảnh nào, thời gian nào
    • Kể lại tình huống, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.
    • Kỉ niệm đó liên quan đến ai
    • Người đó như thế nào?
    • Diễn biến của câu chuyện
    • Nêu mở đầu câu chuyện và diễn biến như thế nào
    • Trình bày đỉnh điểm của câu chuyện
    • Thái độ, tình cảm của nhân vật trong chuyện
    • Kết thúc câu chuyện
    • Câu chuyện kết thúc như thế nào
    • Nêu suy nghĩ và cảm nhận của bạn qua câu chuyện.

3. Kết bài:

  • Câu chuyện là một kỉ niệm đẹp thời cắp sách đến trường. Nó đã cho em một bài học qui giá và em sẽ không bao giờ quên kỉ niệm này.

Bài văn

Người ta thường nói, sống ở trên đời không thể nào không có bạn bè. Tôi nghĩ đúng là như thế. Nếu như tôi không có bạn bè, có lẽ bản thân cũng chỉ là một hạt cát cô đơn giữa lòng sa mạc, sẽ cảm thấy cô đơn và nhỏ bé đến chừng nào. Tôi may mắn hơn khi không biến mình thành một hạt cát, vì tôi biết bên cạnh tôi lúc nào cũng có Lan – cô bạn thân từ thuở còn thơ bé. Chơi với nhau đã lâu, kỉ niệm cũng đã nhiều nhưng có một kỉ niệm hồi lớp 5 làm tôi mãi không thể nào quên...

Lan và tôi vốn gần nhà nhau, cho nên chúng tôi quấn quýt với nhau ngay những ngày đầu khi còn thơ bé. Chúng tôi chơi cùng nhau, học cùng nhau, đòi mẹ mua quần áo giống nhau. Người ngoài nhìn vào còn tưởng chúng tôi là hai chị em sinh đôi nữa. Chơi với Lan rất vui, bạn ấy hay nhường nhịn tôi, có gì cũng mang đến cho tôi. Tôi quý Lan nên có gì hay ho đều giấu rồi mang đến nhà Lan để hai đứa cùng thử.

Đi qua hết những ngày lớp mẫu giáo, rồi qua hết cả những năm tháng Tiểu học, tôi với Lan gắn bó với nhau như hình với bóng. Thế mà rồi vào một ngày kia, tôi phát hiện ra mình bị mất cái bút máy màu đỏ - quà tặng của bố mẹ tôi trước lúc vào Nam công tác. Từ nhỏ, bố mẹ tôi đã đi làm ăn xa, cho nên tất cả những món quà bố mẹ tặng tôi đều rất trân trọng và coi như báu vật. Cây bút này cũng thế, Tôi cất kĩ nó vào hộp bút nhưng chẳng bao giờ dùng đến. Nó như một vật bất li thân, là bùa hộ mệnh của tôi vậy. Tôi choáng váng. Rõ ràng chiều qua sau khi lôi ra tôi đã cất vào hộp bút rồi cơ mà? Sao giờ lại không thấy đâu chứ? Tôi lục lọi khắp nơi cũng không thấy. Chẳng lẽ... Là Lan? Chiều qua chỉ có bạn ấy sang chơi với tôi...Ngày trước tôi khoe, Lan cũng thích cái bút ấy lắm. Nhưng...sao Lan lại làm thế? Lan biết rõ tôi quý cây bút ấy như nào mà?

Thế nhưng tôi vẫn chạy sang nhà Lan và hỏi cho ra nhẽ. Lan một mực phủ nhận nhưng tôi không tin. Tôi không tìm thấy cây bút, mà Lan lại là người cuối cùng biết đến sự tồn tại của nó. Tôi đau lòng chứ, nhưng làm sao mà không giận cho được. Tôi nức nở chạy về nhà, bỏ mặc lời gọi của Lan phía sau lưng...

Ngày hôm sau, tôi không chờ Lan cùng đi học nữa. Cả mấy ngày sau, vài tuần sau cũng vậy. Trên lớp, tôi tránh mặt Lan. Về đến nhà, tôi cũng không muốn gặp Lan nữa. Có lúc tôi bất chợt nhìn thấy ánh mắt buồn buồn của Lan đang nhìn mình. Tôi chợt mủi lòng. Nhưng nghĩ về bố mẹ, về cây bút mà tôi hằng yêu quý, tôi không thể nào tha thứ cho Lan...

Mưa mấy ngày rồi mà không dứt. Tôi cám thấy mệt mỏi, đầu lại âm ấm sốt, thân thể rã rời. Tôi viết đơn xin nghỉ học rồi nhờ ngoại đưa cho bạn nộp giúp. Cả sáng hôm ấy tôi ê ấm trên giường không thể nào ăn uống được gì. Khát nước, tôi cố vực mình dậy với lấy cốc nước trên bàn. Quyển tập của tôi rơi xuồng, tôi cúi xuống nhặt và bất chợt thấy có cái gì đó sáng lóe lên trong tít cái gầm tủ quần áo bên cạnh. Tôi khều ra. Là cây bút màu đỏ! Đã vài tuần trôi qua rồi, cây bút vương đầy mạng nhện, thân đã hơi gỉ ra làm xước lớp sơn đỏ bao bên ngoài. Cây bút mà tôi đã đổ cho Lan lấy cắp đây ư? Chỉ vì...chỉ vì sự trẻ con của tôi...Chỉ vì không tìm kĩ mà tôi đã hiểu lầm người bạn đã gắn bó với mình suốt mấy năm trời. Tôi òa khóc nức nở rồi lịm đi vào giấc ngủ lúc nào không biết.

Khi tôi tình giấc thì trời đã xế trưa. Tôi khó nhọc mở đôi mắt, đập vào mắt tôi là cô bạn thân bé nhỏ, đầu tóc vẫn còn vương nước mưa. Thấy tôi tỉnh, ánh mắt Lan reo lên sự mừng rỡ. Lan ôm chầm lấy tôi.

- Hôm nay cậu nghỉ, cậu làm mình lo quá. Thấy cái Ngọc bảo cậu bị ốm mưa mà tớ lại không biết gì. Tớ có lỗi quá.

Tôi òa khóc nức nở. Không biết tôi khóc vì xúc động hay xấu hổ nữa. Chỉ biết rằng tôi khóc rất to, rất lâu sau mới nín được. Tôi cầm chiếc bút, đưa cho Lan.

- Mình xin lỗi...Do mình, do mình đã đổ lỗi cho cậu... Mình có lỗi nhiều lắm.

Lan nhìn tôi âu yếm. Lan chẳng nói gì, nhưng tôi thấy bàn tay cậu ấy như đang siết mạnh vào bàn tay tôi.

Thấm thoát đã mấy năm trôi qua. Từ bấy đến nay, tôi và Lan vẫn luôn là một đôi bạn thanh mai trúc mã thân thiết. Chúng tôi cùng nhau thi đỗ vào trường chuyên của Tỉnh, cùng nhau trọ một phòng trong kí túc xá, cùng nhau lóc cóc đạp xe lên phố đi học, cùng nhau trải qua những năm tháng cấp ba đẹp nhất. Cảm ơn trời đất đã ban phát cho tôi một người bạn quý giá như vậy. Cảm ơn Lan vì đã luôn bên cạnh và chăm sóc cho tôi!

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 10


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com