Phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học mà anh (chị) yêu thích

Cho đề bài như sau: Phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học mà anh (chị) yêu thích. Dưới đây baivan.net sẽ đưa ra một số bài văn mẫu hay nhất của đề bài. Mời quý phụ huynh và các bạn cùng tham khảo.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học.... - "gió lạnh đầu mùa" - Thạch Lam

Dù Thạch Lam viết rất nhiều đề tài, nhưng chủ yếu ông vẫn dành nhiều sự ưu ái cho phụ nữ và trẻ nhỏ. Trẻ em trong văn chương của ông có nhiều gương mặt, nhiều hoàn cảnh, nhiều cách cư xử khác nhau nhưng lúc nào cũng thật đáng yêu, đáng mến với những cảm xúc quá đỗi trong trẻo, non tơ, ngọt ngào.

Bài làm:

   Thạch Lam được biết đến như là một cây bút có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thể loại văn xuôi trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Truyện ngắn Thạch Lam không hấp dẫn bạn đọc bằng những chi tiết xung đột gay cấn, mà gây xúc động độc giả một phong cách giản dị, trong trẻo và giàu cảm xúc. Đối với tôi, tác phẩm gợi nên những xúc cảm mãnh liệt nhất chính là truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của Thạch Lam.

   Dù Thạch Lam viết rất nhiều đề tài, nhưng chủ yếu ông vẫn dành nhiều sự ưu ái cho phụ nữ và trẻ nhỏ. Trẻ em trong văn chương của ông có nhiều gương mặt, nhiều hoàn cảnh, nhiều cách cư xử khác nhau nhưng lúc nào cũng thật đáng yêu, đáng mến với những cảm xúc quá đỗi trong trẻo, non tơ, ngọt ngào. Truyện “Gió lạnh đầu mùa” mở đầu vào một buổi sáng khi thức dậy, Sơn bỗng thấy cái rét mướt tràn ngập khắp đất trời. “Mùa đông đột nhiên đến, không báo trước” khiến cái sân đất trước nhà Sơn khô trắng, gió lạnh thổi vi vu như muốn “rót” cái buốt giá vào da thịt con người. Sau khi đã ấm áp trong hai chiếc áo rét cùng chiếc áo áo vải thâm dài mặc phủ bên ngoài, Sơn rủ chị Lan ra ngoài chợ chơi. Nơi đây có những đứa trẻ con nhà nghèo đang chờ nó ra để chơi đánh khăn, đánh đáo. Lũ trẻ vẫn tập trung ở cuối chợ, nô nghịch như mọi khi, chỉ có điều trong mắt Sơn hôm nay những thằng Cúc, con Xuân, con Tý, con Túc: “Môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau”. Thê thảm nhất trong đám trẻ con nhà nghèo là cái Hiên. “Con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay”. Tuy rách rưới nhưng đó lại là chiếc áo duy nhất của Hiên để chống lại mùa đông giá rét. Nhà nó nghèo, mẹ nó chỉ có nghề mò cua, bắt ốc thì làm gì có tiền may áo ấm. Sơn thầm nghĩ vậy và thế là trong đầu đứa trẻ thơ ngây bỗng thoáng qua một ý nghĩ tốt đẹp và nhân văn biết bao. Không chút lưỡng lự Sơn bàn với chị Lan về nhà lấy chiếc áo bông cũ vốn là kỷ vật của đứa em gái đã mất cho Hiên: “Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui”…

   Tác giả đã vẽ nên trong tác phẩm hai mảnh đời đối lập, đó là Sơn - một đứa trẻ may mắn khi được thức dậy trong cái chăn ấm áp, được sưởi tay trong hỏa lò, được mẹ và chị chăm sóc kỹ lưỡng, khi lo cho từng “chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm”. Sơn có đến những hai chiếc áo rét cực dày, “một cái áo vệ sinh màu nâu sẫm và một cái áo dạ khâu chỉ đỏ”, tuy đã mặc từ năm ngoái, năm kia nhưng khi cầm chúng giơ lên Sơn vẫn “thấy mát lạnh cả tay”. Trong khi đó, những đứa trẻ kia vì nghèo khó phải vẫn phải đem da thịt trần trụi trong “bộ quần áo nâu bạc, đã rách vá nhiều chỗ” căng sức chống chọi với giá rét. Những chiếc áo rét năm ngoái, năm kia tưởng chừng như xưa cũ với Sơn nay lại là một niềm mơ ước, một món hàng xa xỉ với lũ trẻ. Chúng bỏ dở những trò chơi con trẻ, chỉ để được ngắm, được sờ và được ao ước, mộng tưởng về những chiếc áo của Sơn.

   Tình yêu thương của Sơn đã xua tan đi mùa đông lạnh giá, những tưởng câu truyện kết thúc ở đó. Nhưng một ngày, mẹ cái Hiên đã đem cái áo bông đến trả cho bà mẹ của chị em Sơn và nói: “Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông, tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ...” Hành động này giúp ta cảm nhận được sự tự trọng của mẹ Sơn, tuy nghèo nhưng vẫn giữ cho mình một tâm hồn đẹp đẽ. Còn đối với mẹ của Sơn thì cái áo bông cũ là di vật thiêng liêng. Và rồi, mẹ của Sơn cho mẹ cái Hiên vay năm hào bạc để mua áo rét cho con như một cách giúp đỡ nhưng không hề có ý khinh thường người mẹ nghèo. Cuối cùng, mẹ của Sơn âu yếm ôm con vào lòng và bảo: “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?” Lời trách móc này lại là lời trách yêu, và có gì đó tự hào lẫn yêu thương trong lời nói của người mẹ: Tự hào vì con mình đã có một tấm lòng thật đẹp đẽ.

   Dù viết về cái nghèo, cái đói, cái khổ cùng quẫn, văn chương Thạch Lam vẫn thật đẹp. Giữa những sự khổ đau, giữa những tầng lớp xã hội khác nhau, vẫn luôn có những con người tốt bụng xóa mờ đi khoảng cách đó, tạo nên tình thương giữa người với người, sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá.

   Trong sáng tác, Thạch Lam luôn quan niệm: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp ở chính chỗ mà người ta không ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức.” Và cái đẹp ấy, đã được nhà văn thể hiện trong tác phẩm “Gió lạnh đầu mùa”, đó là cái đẹp của tâm hồn con người. Với ý nghĩa sâu sắc ẩn sâu bên trong tác phẩm, chắc chắn “Gió lạnh đầu mùa” sẽ mãi là một truyện ngắn gợi nên trong lòng độc giả bao cảm xúc mãnh liệt.

Bài mẫu 2: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học... -"Những tấm lòng cao cả" - Edmondo De Amicis

Những nhân vật trong tác phẩm đi vào lòng người đọc với những nét tính cách riêng biệt, họ đại diện cho những mảnh đời trong cuộc sống hiện thực ngoài kia, nơi cái tốt, cái xấu đan xen vào nhau, nơi những khó khăn gian khổ dạy cho ta những bài học về cách làm người. Những nhân vật ấy thể hiện nét tính cách của mình thông qua những sự kiện với các nút thắt, mâu thuẫn, nhưng rồi, mọi thứ được giải quyết bằng tình người, bằng những tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ. 

Bài làm:

   Nếu tác giả J. K. Rowling đã đưa ta đến với thế giới phù thủy đầy huyền ảo với những chiếc chổi bay, những câu thần chú mầu nhiệm trong tác phẩm Harry Potter, thì nhà văn người Ý Edmondo De Amicis lại đưa ta đến với những dòng nhật ký của Enrico Bottini, một cậu học trò 10 tuổi học tiểu học ở Ý. Enrico đã kể lại những sự kiện trong cuộc sống của cậu bằng một văn phong giản dị và trong sáng, thấm đẫm tình người, từ đó, giúp tôi nhận ra những bài học sâu sắc trong cuộc sống, nhận ra những điều mình cần thay đổi trên hành trình trưởng thành của bản thân.

   Trong cuốn nhật ký của mình, Enrico đã ghi lại những bức thư của bố, mẹ, những truyện đọc hằng tháng, những kỉ niệm sâu sắc, cảm động về thầy cô giáo, bạn bè, những mảnh đời bất hạnh, đáng thương mà cậu tình cờ chứng kiến... Cốt truyện diễn ra theo thứ tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của Enrico. Ở đó Enrico đã được tiếp xúc với những cậu bé đủ mọi tính cách như Garone là một người bạn to lớn, hào hiệp, luôn giúp đỡ mọi người, bênh vực kẻ yếu; De Rossi là một chú bé rất thông minh, luôn dẫn đầu lớp nhưng không hề kiêu căng; trong khi đó Votini lại luôn đố kị với De Rossi. “Từ biệt” là trang nhật kí cuối cùng ghi lại cảnh thầy giáo đọc danh sách những học sinh được lên lớp. Cảnh từ biệt thầy, cô giáo, từ biệt bạn bè và ngôi trường tuổi thơ được nói đến thật xúc động. Enrico ôm hôn các bạn. Bố cậu nhìn ngôi trường, giọng run run nói: “Vậy thì xin từ biệt!”. Mẹ cậu cũng nhắc lại: “Xin từ biệt!”. Còn Enrico thì quá xúc động, không thể nói lên được một lời, cậu đã 12 tuổi.

   Qua những trang nhật ký của mình, không chỉ Enrico học được nhiều điều, mà độc giả cũng nhận ra được rất nhiều bài học trong cuộc sống. Những khi Enrico phạm một sai lầm nào đó, bố mẹ cậu không trách mắng, mà lại viết một bức thư nhắn nhủ, giải thích để con mình có thể tự nhận ra những lỗi lầm. Chẳng hạn bố Enrico đã viết bức thư động viên cậu học tập, nói cho cậu biết cậu đã may mắn thế nào khi được đến trường, bức thư cảnh cáo của bố khi cậu trả lời thiếu lễ độ với mẹ, ông nghiêm khắc viết: “Thà rằng bố phải thấy con chết đi, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ con…”, hay bài học mẹ hiền từ của cậu dạy khi thấy cậu thờ ơ với người nghèo khó. Không chỉ dừng lại ở đó, tác phẩm còn kể về bài học về sự quả cảm quên mình của cậu bé lớp hai Robetti liều mình cứu một em bé ở lớp vỡ lòng thoát chết, cậu đã bị xe đè lên nát bàn chân nhưng khi vừa tỉnh dậy chỉ hỏi một câu“ cặp sách của cháu đâu rồi? ” Hay như chuyện các em nữ sinh đã cùng nhau gom tiền và hoa để giúp đỡ cậu bé nạo ống khói nghèo khổ, đáng thương khi cậu trót làm rơi toàn bộ số tiền mà phải vất vả lắm cậu mới kiếm được.

   Trường học đối với Enrico là một thế giới thu nhỏ, nơi cuộc sống của bạn bè xung quanh hiện ra như những bài học trên đường đời. Đó là Coretti vác củi từ năm giờ sáng, vào lớp ngủ thiếp đi, thầy Pecboni để đến hết giờ mới đánh thức dậy, rồi ôm đầu cậu trong hai tay, hôn vào tóc cậu và nói. “Thầy không mắng đâu. Thầy biết là trước khi đến lớp con đã phải làm lụng nhiều.” Những người bạn như Precossi, Crossi, Coretti thì sinh ra trong gia đình nghèo nhưng luôn cố gắng vươn lên trong học tập và lao động. Ngoài ra còn có những nhân vật có tính cách đặc biệt như Stacdi lầm lì, ít nói, thậm chí bố cậu đã nói với thầy phải rất kiên nhẫn vì con ông "đầu đất", vậy mà cuối cùng Stacdi trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp; lại còn có tên Franti hư đốn luôn bắt nạt các bạn khác, thậm chí hỗn cả với thầy.

   Tuyến nhân vật người lớn cũng được xây dựng ở nhiều tính cách như thầy chủ nhiệm thì không bao giờ cười nhưng rất thương yêu học sinh, thầy Coatti dạy lớp 2 thì rất vui tính, bố mẹ Enrico thì luôn chăm sóc con hết mực, dạy cho con nhiều bài học qua những lá thư, trong khi đó bố Precossi thì luôn say rượu và đánh đập con, phải đến khi cậu bé nhận huy chương xuất sắc của lớp ông mới tỉnh ngộ,... Các thầy cô trong tác phẩm đã nuôi dưỡng những đứa trẻ của mình bằng tất cả tình yêu thương, lòng yêu nghề, và học sinh cũng không quên những gì mà thầy cô đã hi sinh để dạy dỗ cho mình. Như trong ngày phát phần thưởng, ông bồi thẩm kết thúc buổi lễ, nhắc học sinh: “Ra khỏi đây các cháu không được quên gửi một cái chào và một lời cám ơn đến những người đã vì các cháu mà không quản bao mệt nhọc, những ngươi đã hiến tất cả sức mạnh của trí thông minh và lòng dũng cảm cho các cháu, những người sống chết vì các cháu, và họ đây này” Rồi ông chỉ tay về phía các cô giáo, thầy giáo. Những nhân vật trong tác phẩm đi vào lòng người đọc với những nét tính cách riêng biệt, họ đại diện cho những mảnh đời trong cuộc sống hiện thực ngoài kia, nơi cái tốt, cái xấu đan xen vào nhau, nơi những khó khăn gian khổ dạy cho ta những bài học về cách làm người. Những nhân vật ấy thể hiện nét tính cách của mình thông qua những sự kiện với các nút thắt, mâu thuẫn, nhưng rồi, mọi thứ được giải quyết bằng tình người, bằng những tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ. Không phải lúc nào cuộc sống cũng là màu hồng, nhưng trên hết, ta phải giữ cho bản thân trong sạch giữa cuộc đời, phải biết yêu thương bạn bè, cha mẹ, thầy cô, những người thân quen, những người lạ ngoài kia, và yêu thương chính bản thân mình.

   Khép cuốn sách lại, ta vẫn còn một cuộc đời ở phía trước, dẫu rằng cuộc đời ngoài kia có quá nhiều khó khăn, hành trình trưởng thành có nhiều chông gai ta phải vượt qua; nhưng không vì thế mà ta ngần ngại không dám bước tiếp, ta sợ hãi thất bại. Tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” đã dạy cho tôi nhiều bài học sâu sắc, nhưng có một bài học mà tôi chắc chắn sẽ không bao giờ quên: Tình yêu sẽ hóa giải tất cả.

Bài 3: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học.... - "lão hạc" - Nam Cao

Lão Hạc chết. Cái chết của lão Hạc là cái chết cùng đường, tuy bi thương nhưng sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng.

Bài làm:

   Chúng ta đã từng học qua những truyện ngắn như Lão Hạc, Tắt đèn và chắc không mấy ai trong số chúng ta lại không trầm trồ thán phục tài năng nghệ thuật của Nam Cao hay Ngô Tất Tố. Với riêng tôi, dù đã đọc đi đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao rất nhiều lần nhưng dường như lần nào tôi cũng lại tìm thấy thêm được một vài điều lý thú. Nó cuốn hút tôi, lay động tôi, khi thì gợi trong tôi sự căm thù, khi lại gọi về chan chứa những yêu thương.

   Lão Hạc là sản phẩm của một tấm lòng nhân đạo cao cả. Nó là tình yêu thương, là sự ngợi ca, trân trọng người lao động của Nam Cao. Giống như Ngô Tất Tố cùng nhiều nhà văn thời đó, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh người nông dân Việt Nam trước Cách mạng với những phẩm chất đáng quý, đáng yêu: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương và giàu đức hy sinh.Trước cách mạng, Nam Cao say sưa khám phá cuộc sống và tính cách của người nông dân. Trong các tác phẩm của ông, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật chính thường gắn liền với cái nghèo, cái đói, với miếng ăn và với các định kiến xã hội đã thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ vào cách nhìn của con người ở nông thôn.

   Lão Hạc cũng vậy, suốt đời sống trong cảnh nghèo và cái đói. Lão đã dành hầu như cả đời mình để nuôi con mà chưa bao giờ nghĩ đến mình. Lão thương con vô bờ bến: thương khi con không lấy được vợ vì nhà ta nghèo quá, thương con phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi để ôm mộng làm giàu giữa chốn hang hùm miệng sói. Và đọc truyện ta còn thấy lão đau khổ biết nhường nào khi phải bán đi cậu Vàng, kỷ vật duy nhất của đứa con trai. Không bán, lão biết lấy gì nuôi nó sống. Cuộc sống ngày thêm một khó khăn. Rồi cuối cùng, đến cái thân lão, lão cũng không giữ được. Lão ăn củ chuối, ăn sung luộc. Nhưng lão nghĩ, lão "không nên" sống nữa. Sống thêm, nhất định lão sẽ tiêu hết số tiền dành dụm cho đứa con mình. Vậy là, thật đớn đau thay! Lão Hạc đã phải tự "sắp xếp" cái chết cho mình. Cuộc sống của nông dân ta trước cách mạng ngột ngạt đến không thở được. Nhìn cái hiện thực ấy, ta đau đớn, xót xa. Ta cũng căm ghét vô cùng bọn địa chủ, bọn thực dân gian ác.

   Lão Hạc chết. Cái chết của lão Hạc là cái chết cùng đường, tuy bi thương nhưng sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm.

   Đọc Lão Hạc ta thấy đâu phải chỉ mình lão khổ. Những hạng người như Binh Tư, một kẻ do cái nghèo mà bị tha hoá thành một tên trộm cắp. Đó là ông giáo, một người trí thức đầy hiểu biết nhưng cũng không thoát ra khỏi áp lực của cảnh vợ con rách áo, đói cơm. Cái nghèo khiến ông giáo đã phải rứt ruột bán đi từng cuốn sách vô giá của mình. Nhưng cái thứ ấy bán đi thì được mấy bữa cơm? Vậy ra ở trong truyện tất cả đã đều là lão Hạc. Lão Hạc phải oằn mình mà chết trước thử hỏi những người kia có thể cầm cự được bao lâu?

   Vấn đề nổi bật được thể hiện trong Lão Hạc là niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của con người. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà nhà văn muốn nhắn gửi đó là một lời tố cáo. Nó cất lên như là một tiếng kêu để cứu lấy con người. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, tác phẩm nói lên tính cấp bách và yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường sống để cứu lấy những giá trị chân chính và tốt đẹp của con người.

   Lão Hạc cho ta một cái nhìn về quá khứ để mà trân trọng nhiều hơn cuộc sống hôm nay. Nó cũng dạy ta, cuộc sống là một cuộc đấu tranh không phải chỉ đơn giản là để sinh tồn mà còn là một cuộc đấu tranh để bảo toàn nhân cách.

Bài mẫu 4: Phát biểu cảm nghĩ về tác phẩm văn học....- "Bến quê" - Nguyễn Minh Châu

Mỗi con người đều có một bến quê trong lòng mình, nhưng không phải ai cũng nhận ra nó quý trọng và thiêng liêng để mà giữ gìn trân trọng khi còn đủ sức. Nhĩ nuối tiếc khi anh nhận ra cái bến quê ấy hấp dẫn với anh biết nhường nào và anh đã gửi gắm cả niềm khao khát ấy vào đứa con trai.

Bài làm:

   Trong những tác phẩm văn học đã được học ở cấp hai, truyện ngắn “Bến quê” của nhà văn Nguyễn Minh Châu (chương trình lớp 9) để lại trong tôi một ấn tượng rất mạnh mẽ. Tôi chưa đến tuổi của anh Nhĩ để thấm thía đủ cái triết lí sâu sắc mà nhà văn gửi gắm ở niềm kao khát hướng ra bên quê phía bên kia sông, nhưng tôi đã phần nào cảm nhận được nỗi niềm nuối tiếc của anh khi anh nằm trên giường bệnh đếm những ngày còn lại của cuộc đời mình.

   Thói thường người đời vẫn coi thường hiện tại, mải mê đuổi theo những hư danh phía trước mà không nhận ra những giá trị đích thực của những gì mình đang có. Nhà văn Nguyễn Minh Châu qua Bến quê đã muốn nói với mọi người triết lí sâu xa ấy. Là nhà văn luôn có những phát hiện mới mẻ về những điều quen thuộc và giản dị của cuộc sống, ông đã phát hiện ra những nỗi băn khoăn, day dứt, nuối tiếc của con người khi đứng trước nhưng gì đã qua. Anh Nhĩ đã từng đi rất nhiều nơi, cả cuộc đời anh chạy theo danh vọng mà anh quên mất cái bến quê trước cửa nhà. Anh không có thời gian để ý đến nó. Khi nằm trên giường bệnh, không còn khả năng đi lại, anh mới nhận ra rằng cái bến quê ấy hấp dẫn biết bao nhiêu. Anhbừng ngộ ra rằng anh đã chạy theo hư danh mà bỏ qua mất một điều quan trọng và vô cùng quý giá với mình. Anh ân hận vì cả cuộc đời anh mới chỉ sang cái bến sông ấy có hai lần, và một lần là ngày cưới của anh.

   Mỗi con người đều có một bến quê trong lòng mình, nhưng không phải ai cũng nhận ra nó quý trọng và thiêng liêng để mà giữ gìn trân trọng khi còn đủ sức. Nhĩ nuối tiếc khi anh nhận ra cái bến quê ấy hấp dẫn với anh biết nhường nào và anh đã gửi gắm cả niềm khao khát ấy vào đứa con trai. Anh nhờ nó đi đò sang sông để mua cho anh bất cứ thứ gì phía bên sông ấy. Nhưng thằng bé, cũng như anh khi còn trẻ, không thể nhận ra những tâm sự của cha. Nó lại mải chơi nên bị lỡ chuyến đò ngang cuối cùng trong ngày. Thằng bé không vội vã bởi nó còn quá nhiều thời gian để sống, bởi với nó cái bến sông ấy cũng rất bình thường. Thằng bé sẽ lại giống như cha và như tất cả mọi người, không thể nhận ra sự đáng quý và đáng trân trọng của những gì đang trong tầm tay.

   Một người bệnh nặng, không còn khả năng đi lại, ngắm cái bến sông qua khung cửa sổ, khó khăn nhích từng tí một trên giường để được ngắm cái bến sông. Và nuối tiếc vì mình đã vô tình với quê hương, với những điều bình dị và vô cùng quý giá. Cốt truyện chỉ đơn giản vậy thôi nhưng chứa đựng cả một vấn đề nhân sinh rất lớn. Điều nhà văn nói đến trong tác phẩm này cũng không phải là hoàn toàn mới: Phải biết trân trọng những gì mình đang có và đã có, không nên quá mải mê với những hư danh mà quên mất gí trị của hiện tại. Văn học đã từng nói về điều này. Những Nguyễn Minh Châu đã có một cách thể hiện thật giản dị và sâu sắc. Bến quê là câu chuyện về sự bừng ngộ của một con người ở những ngày cuối cùng củacuộc đời. Vì thế sự bừng ngộ ấy òn có ý nghĩa như một sự thức tỉnh đối với những ai đang sống, hăm hở để tiến đến tương lai và còn tiếp tục bỏ lại phía sau những điều nuối tiếc.

   Cuộc sống không thể không có những tiếc nuối. Song nếu để mình phải nuối tiếc quá nhiều hoặc nuối tiếcnhững điều thiêng liêng nhất mà mình trót đánh mất nghĩa là đã bỏ phí một quãng đời quý giá.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 10


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com