Đề bài: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất.

Đề bài: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất.. Theo đó, Baivan gửi đến các bạn 3 dàn bài + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất (bà nội)

Đề bài: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất.

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Giới thiệu người thân mà em yêu quý nhất: Bà nội.

2. Thân bài:

  • Những lúc rảnh rang, nội lại kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. 
    •  Sau mỗi lần như thế, nội lại khuyên tôi: sau này lớn lên cháu phải chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng. 
  • Nội thường nhờ một anh hàng xóm sang dạy chữ cho tôi.
  • Tôi yêu nội lắm, hình ảnh nội luôn hiện lên trong tâm trí của tôI.
  • Tôi không giấu nổi sự vui mừng vì được sống trong vòng tay thương yêu của nội.

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về bà.

Bài văn

Mỗi lần trời trở rét là nội của tôi lại đau. Như những lần còn ở dưới quê, lần này cũng thế, tôi ngồi cạnh vừa kể chuyện vừa bóp chân cho nội. Thỉnh thoảng, nội mở mắt nhìn tôi cười rất hiền từ.

Năm tuổi, từ thành thị tôi về quê sống với nội theo yêu cầu của bố. Bố tôi nói, nội ở quê một mình buồn lắm, không ai trò chuyện lúc rảnh rỗi, cũng tội. Thế là tôi chuyển hẳn về sống ở quê. Căn nhà nhỏ tự dưng có hai bà cháu. Những lúc đi chợ xa, nội gửi tôi sang bên nhà hàng xóm. Tuy là con gái nhưng tính tôi thì nghịch hệt con trai nên mỗi khi tôi tung tăng, chạy nhảy cùng với lũ bạn trong làng về là nội lại phải lôi ngay tôi đi tắm. Tôi ghét tắm thế nên mỗi lần như vậy chẳng khác nào tôi đang hành nội. Những lúc rảnh rang, nội lại kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Chuyện cô Tấm hiền lành, Thạch Sanh dũng cảm, chuyện thằng Lý Thông ở ác... Sau mỗi lần như thế, nội lại khuyên tôi: sau này lớn lên cháu phải chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng. Có vậy, cháu mới được nhiều người yêu mến.

Những ngày tháng ở quê, nội thường nhờ một anh hàng xóm sang dạy chữ cho tôi. Buổi tối, tôi thường sợ ma, trốn không học bài đi ngủ sớm. Nội kiên nhẫn thắp đèn thức cùng tôi. Nội nói: rèn nét chữ cũng là rèn nết người cháu ạ! Thế là tôi lại cặm cụi ngồi tập viết. Nhưng chính vì thế mà giờ đây tôi phải cảm ơn bà bởi nếu không có những hôm như vậy thì chữ tôi chắc bây giờ xấu lắm. Và quan trọng hơn là nhân cách tôi sẽ ra sao?

Năm ấy, mẹ tôi sinh thêm em bé. Khi em cứng cáp, bố về quê nội. Bố ở lại thăm bà mấy bữa, sửa lại hàng rào, lợp lại ngói cho bà. Tới ngày chuẩn bị lên thành phố, bố bảo tôi lên trên ấy mấy bữa để giúp mẹ tôi chăm sóc em khi bố đi công tác. Tôi không muốn rời xa nội, nhưng nội cứ dỗ dành tôi lên trên ấy với mẹ ít ngày rồi trở lại. Thế là tôi lại về thành phố. Lúc bố đi công tác vừa xong cũng là lúc tôi đến tuổi phải bước chân đến lớp. Ở quê nội trường học rất xa, nội lại già và yếu nên bố quyết định tôi không về quê nữa. Tôi sẽ ở lại và học ở đây. Tôi đành chấp nhận. Tôi yêu nội lắm, hình ảnh nội luôn hiện lên trong tâm trí của tôi – một người bà hiền từ, nhân hậu. Suốt những năm xa nội tôi luôn tự hỏi: không biết nội có thay đổi nhiều không? Tôi muốn đặt cho nội hàng loạt câu hỏi để nói lên niềm khao khát được về thăm nội của tôi.

Tôi học ở thành phố đến năm lớp bảy thì bố đón hẳn nội ra sống với nhà tôi. Ngày đón nội, tôi theo bố mãi ra ga. Tôi vui mừng lắm. Tôi cứ mơ màng hình dung về nội. Nhưng khi nội bước ra khỏi toa tàu, tôi không thể cầm được hai dòng nước mắt. Nội đã già hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của tôi. Lưng nội đã còng rạp xuống, da mặt nhăn nheo, duy chỉ có ánh mắt và nụ cười của nội là không thay đổi. Nó vẫn gợi sự hiền từ và nhân hậu như xưa.

Những ngày sau đó, tôi không giấu nổi sự vui mừng vì được sống trong vòng tay thương yêu của nội. Nhưng nội thì có vẻ khó khăn để làm quen với cuộc sống mà tôi biết là nội không hoàn toàn mong muốn. Bố cũng như tôi rất hiểu điều này nên thường xuyên an ủi nội. Lâu dần, nội đã quen và sống vui hơn.

Giờ đây, tôi thực sự vô cùng hạnh phúc vì không phải xa nội nữa. Nội ơi! Giờ con đã lớn, con đã học Trung học phổ thông. Con đã dần hiểu được những lời dạy của nội khi xưa về việc rèn giũa nết người. Con sẽ làm cho nội vui trong suốt quãng đời từ đây của nội. Mong sao những việc làm của con sẽ làm vơi đi những nhọc nhằn của nội khi xưa.

Bài mẫu 2: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất (bố)

Đề bài: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất.

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu nhân vật: bố.

2. Thân bài:

  • Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. 
  • Bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.
  • Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh.
    • Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngả bóng từ lâu.
  • Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.
  • Tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. 
  • Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại.

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về bố.

Bài văn

Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.

    Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.

    Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.

    Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.

    Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngả bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dày của bố lại tái phát.

    Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.

Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?

    Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.

    Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu, chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài. Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng…

    Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong TS của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.

    Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi.

    Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.
Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.

    Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.

    Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.
Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.

Bài mẫu 3: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất (mẹ)

Đề bài: Ghi lại những cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về một người thân yêu nhất.

Dàn bài

1. Mở bài:

  • Giới thiệu người thân mà em yêu quý nhất: nói về mẹ
  • Nêu cảm nghĩ về người đó.

2. Thân bài:

  • Ngoại hình:
    • Mẹ em có dáng người dong dỏng, dịu dàng.
    • Khuôn mặt thanh tú, đôi mắt dài và ấm áp yêu thương.
    • Mái tóc mẹ dài, đen nháy trông rất duyên dáng.
    • Nụ cười êm dịu, đằm thắm, rất duyên.
  • Tính cách:
    • Mẹ ưa sự ôn hòa, điềm tĩnh, cân đối.
    • Mẹ rất dịu dàng và nhân hậu, hay giúp đỡ những người xung quanh.
    • Mẹ là người phụ nữ rất chu đáo và cần mẫn.
  • Kỉ niệm:
    • Mẹ luôn dạy bảo, chăm sóc em ân cần.
    • Sáng sáng mẹ luôn dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.
    • Hồi còn bé, mẹ hay đan khăn, đan áo cho em.

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về mẹ.

Bài văn

Suốt cuộc đời mình tôi sẽ gặp gỡ, làm quen với biết bao người. Và cũng sẽ có biết bao người tôi trân trọng, yêu quý. Nhưng có một điều không thể nào khác được: chẳng có ai thay thế được người mẹ yêu quý của tôi. Với tôi mẹ là người sinh thành, nuôi nấng, chở che... mẹ là niềm vui, niềm hạnh phúc và lẽ sống của đời tôi.

    Mẹ tôi đã gần bốn mươi tuổi. Mẹ có dáng vẻ cao gầy và mảnh dẻ. Làn da mẹ nâu màu rám nắng. Mái tóc rất dài nhưng luôn được mẹ búi gọn sau gáy. Nhưng ở mẹ, tôi yêu nhất là đôi mắt. Đôi mắt mẹ sâu và lắng đọng biết bao tình cảm yêu thương. Bố tôi thường nói rằng đó chính là quà tặng quý giá mà cuộc sống đã ban cho bố con tôi. Tôi không biết bố tôi cảm nhận thế nào về đôi mắt của mẹ nhưng với tôi, khi nhìn vào đôi mắt ấy tôi luôn hiểu mẹ yêu tôi biết nhường nào. Lúc tôi buồn, con tôi - đôi mắt mẹ trũng sâu hằn lên những nỗi lo lắng, suy tư. Ngày tôi vui, đôi mắt mẹ lại ánh lên những tia sáng hy vọng. Cũng có khi tôi mắc lỗi, đôi mắt mẹ tôi chẳng dám nhìn vào nhưng cũng hiểu nó u sầu và thất vọng đến nhường nào. Đôi mắt là cánh cửa tâm hồn mà mẹ luôn dang rộng để đón tôi bước vào.

    Nhưng tôi yêu mẹ không chỉ vì ánh mắt của mẹ mà còn bởi những điều tốt đẹp nhất mẹ đã mang đến cho gia đình. Bố kể rằng mẹ rất thích công việc của mình ở công ti - đó là một công việc liên quan đến lĩnh vực ngoại giao - nhưng sau khi sinh tôi, để chăm sóc cho hai anh em tôi và thu xếp công việc gia đình tốt nhất, mẹ đã quyết định nghỉ việc ở công ti. Mẹ hy sinh tất cả chỉ để cho gia đình mình có những phút giây vui vẻ. Mẹ dạy anh em tôi học bài trên lớp, cách nói năng, cư xử với mọi người.

    Những anh bạn của anh tôi hầu hết đều khá vụng về, lóng ngóng và lại hay nóng nảy nữa. Nhưng anh tôi không rõ mẹ rèn thế nào mà anh biết nấu ăn rất ngon, biết tự giặt đồ cho mình, biết giúp đỡ các bạn gái cùng lớp (nên anh được các chị quý lắm, tôi cũng được quý theo - các chị ấy hay gửi kẹo cho tôi lắm!). Đến lượt tôi, mẹ nói rằng tôi là con gái càng cần cẩn thận, khéo léo hơn nữa. Mẹ thường cho tôi đi chợ cùng, dạy tôi cách chọn rau quả, thịt cá. Lúc nấu ăn mẹ cùng để tôi phụ cùng, vừa nấu mẹ vừa giảng giải hướng dẫn tôi chuyện bếp núc. Đặc biệt là chuyện học hành của anh em tôi không hiểu sao mẹ cũng hướng dẫn tất cả các môn được.

    Tôi đem thắc mắc ấy hỏi bố, bố cười bảo: “Mẹ ngày xưa là học sinh xuất sắc đấy!”. Cứ thế, bao lo toan, vất vả mẹ đã âm thầm thu xếp vẹn tròn. Mẹ đã cho tôi bao bài học quý giá trên đời.

    Với tôi, mẹ là người mẹ, người phụ nữ hoàn mỹ nhất thế gian. Và như một nhà thơ nào đó đã từng viết:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con...”

thì cuộc đời này tôi sẽ vững bước đi vì có mẹ luôn luôn theo suốt.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 10


Copyright @2024 - Designed by baivan.net