Soạn văn 12 siêu ngắn bài: Viết bài làm văn số 5 nghị luận văn học

Soạn văn 12 siêu ngắn bài: Viết bài làm văn số 5 nghị luận văn học - sgk ngữ văn lớp 12 tập 2. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được soạn ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đầy đủ ý.

[toc:ul]

Đề 1: Trong một bức thư luận bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: “Văn chương […] có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loai chuyên chú ở con người”. Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên.

Trả lời

Mỗi người nghệ sĩ tùy theo phong cách nghệ thuật cá tính sáng tạo và tư tưởng thẩm mĩ mà có những quan niệm riêng về văn chương. Có người cho rằng văn chương không phải từ người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, mà văn chương phải là sự khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có. Hay có người lại cho rằng văn chương phải là sự thoát ly hay lãng sự lãng quên, nhưng cũng có người cho rằng văn chương phải là những sự thật ở đời,phải là những tiếng đau khổ phát ra từ những kiếp lầm than. Với Nguyễn Văn Siêu, ông cho rằng “Văn chương […] có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loai chuyên chú ở con người”. Nguyễn Văn Siêu đã bày tỏ quan điểm của mình về văn chương. Theo ông thì văn chương có hai loại là văn chương đáng thờ và văn chương không đáng thờ. Văn chương không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú văn chương, còn văn chương đáng thờ là loại chuyên chú ở con người.

    Vậy chúng ta hiểu như thế nào về văn  chương chỉ chuyên chú ở  văn chương? Văn chương chuyên chú ở văn chương là loại văn chương không có nhiều ý nghĩa đối với con người. Những tác phẩm kiểu này giống như một bài hát nghe thì có vẻ dễ nghe, bắt tai nhưng ngôn từ của nó thì lại chẳng có ý nghĩa gì, chỉ một vài ba câu chữ ghép hết sức giản đơn và tẻ nhạt.  Sức mạnh của văn chương đã được rất nhiều người khẳng định, Thạch Lam từng nói văn chương là “một thứ khí giới thanh cao mà đắc lưc” nó khiến cho tâm hồn con người thanh lọc và cũng vạch trần xã hội giả dối. Thế nhưng khi văn chương không chuyên chú đến con người thì đó không còn là văn chương thực sự nữa. Vì văn chương có chức năng giáo dục, nhận thức mà thẩm mỹ đối với con người. Thực tế cho thấy, khi xã hội phát triển những câu chuyện ngắn trên mạng được đăng tràn lan. Ở đó ta có thể bắt gặp những câu chuyện về tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình. Nhưng với cách viết chú trọng vào hình thức văn bản mà không chú trọng đến nội dung ý nghĩa của nó. Vả lại trước khi viết một tác phẩm hay làm bất cứ một việc gì việc đầu tiên chúng ta cần xác định chính là đối tượng của tác phẩm ấy là ai. Nếu không xác định được điều đó thì một tác phẩm văn chương viết ra chẳng dành cho ai, chẳng biết là dành cho độ tuổi nào thì đó không phải là loại văn chương đáng để con người ta tôn thờ.Thể loại văn chương này chỉ chạy theo thị hiếu của con người, nó sáo rỗng vô cùng.

Ngược lại chúng ta có thể hiểu rằng văn chương đáng được tôn thờ là văn chương chuyên chú ở con người. Đó là những tác phẩm thực sự có giá trị nghệ thuật , giá trị nhân văn sâu sắc.  Nguyễn Văn Siêu đã rất đúng đắn khi đặt ra một yêu cầu cho văn chương  chân chính đó phải là tiếng nói hơi thở của cuộc sống đời thường đưa ra nhiệm vụ phản ánh hiện thực cho văn chương. Yêu cầu này đòi hỏi ở nhà văn một sự tinh tế nhạy cảm thức nhận  các giác quan rất cao để có thể quân sự cuộc sống nhập thân vào cuộc sống để khám phá tìm tòi. Một tác phẩm ưu tú "không đem đến một cách cho người đọc sự thoat ly hay sự quên" nó đem đến cho người đọc hơi thở nhịp đạp của chính cuộc đời cho người đọc những "bài học trông nhìn và thưởng thức" (Theo dòng). "Tác phẩm văn nghệ phải thể hiến sự sống thật hơn là sự sống bình thường cô đọng hơn khái quát hơn cao hơn cuộc sống mà văn là cuộc sống" (Trường Chinh). Người nghệ sĩ phải nhận thức phản ánh cuộc sống có lý tưởng chứ không phải mình họa lý tưởng cuộc sống. Lý tưởng nằm ngay trong cuộc sống chứ không tách ra khỏi cuộc sống không khiến người ta toát ly  hay quên lãng. Văn chương chân chính không phải là công thức sao chép nô lệ hiện thực mà phải thể hiện sự sáng tạo độc đáo nghiêm túc của ngời nghệ sĩ. Quá trình sáng tạo ấy là quá tình nhà văn gom góp nhặt nhạnh chắt chiu những mảnh đời những số phận thu nhận vào mình muôn vẻ của cuộc sống ngoài kia để trải nghiệm chúng. Chỉ có công phu và sáng tạo như vậy tác phẩm văn chương mới chở đi được linh hồn của cuộc sống bắt người đọc phải hướng về cuộc đời mà tìm kiếm khám phá say mê. Văn chương chân chính nhất định không phải là thứ  văn dễ dãi người đọc không hiểu gì. Trong nền văn học Việt Nam ta có biết bao nhiêu tác phẩm văn chương đáng tôn thờ vì nó luôn chú trọng đến con người. Ví dụ như Vợ Nhặt của Kim Lân là văn chương đáng tôn thờ vì  tác phẩm ca ngợi được vẻ đẹp tình thương mến lá lành đùm lá rách của nhân dân ta luôn tỏa sáng kể cả trong hoàn cảnh khó khăn của nạn đói. Đó còn là vẻ đẹp đất nước, sự tự hào về truyền thống văn hóa, về tinh thần yêu nước và căm thù giặc, về tự tôn dân tộc, chủ quyền lãnh thổ trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Từ thời Nguyễn Trãi, Nguyễn Du với tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều cho đến Hồ Chí Minh, Nam Cao, Tố Hữu… đều lấp lánh những áng văn chương đáng tôn thờ đến ngàn đời.

           Như vậy, có thể thấy Nguyễn Văn Siêu thật tinh tế và đưa ra được quan điểm đúng đắn về văn chương. Để rồi, người viết cũng như người đọc biết cách sáng tạo, lựa chọn những tác phẩm văn chương thực sự hữu ích, có ý nghĩa, những tác phẩm văn chương đáng được tôn thờ. 

Đế 2: Buy- phông, nhà văn Pháp nổi tiếng có viết :”phong cách chính là người”. Anh chị hiểu ý kiến đó như thế nào?

Trả lời

Con người sinh ra không phải ai cũng giống nhau, mỗi người đều có những khác biệt  tạo nên cái riêng của mình cái riêng đó  thường được gọi là phong cách. Như nhà văn Pháp nổi tiếng Buy -phông có viết:"phong cách chính là người" 

           Đúng vây! Phong cách là người, phong cách của một người phản ánh chính con người đó. Vậy chúng ta hiểu phong cách là gì? Theo nghĩa hẹp, phong cách là là cách thức riêng của một tác giả, một nghệ sỹ thể hiện trong sáng tạo một tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật. Đó là những biểu hiện mang tính chất hệ thống về tư tưởng nghệ thuật, các đặc trưng mang tính thẩm mỹ, ổn định về nội dung và hình thức thể hiện tạo nên giá trị độc đáo của tác giả. Theo nghĩa rộng, Phong cách là phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nề nếp ổn định của một  người hoặc một  lớp người được thể hiện trong tất cả hoạt động sống của chủ thể, tạo nên những giá trị riêng, những đặc trưng của họ. Phong cách được hiểu như một nguyên tắc điều chỉnh hành vi con người và trở thành thói quen, nề nếp ổn định khi suy nghĩ, diễn đạt và hoạt động thực tế. Đối với mỗi người thì phong cách của họ gần với đặc điểm truyền thống, thói quen, hoàn cảnh sống quy định, đồng thời mang dấu ấn cá nhân rất rõ. Mỗi người, từ bé thơ lớn lên đã có phong cách của mình. Phong cách nào cũng có sự tự tin của mình. 

         Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta được  nghe rất nhiều về phong cách, nào là phong cách thời trang, phong cách sống, phong cách nghệ thuật,...  Nói về trang phục, chúng ta cũng thường nghe thấy rất nhiều người nghe đến việc nhận xét phong cách ăn mặc của một người chẳng hạn như phong cách babadoll, phong cách bánh bèo,.. Theo những lời nhận xét đó ta có thể thấy, mỗi người hoặc mỗi lớp người đều chọn cho mình một phong cách ăn mặc riêng mà họ cảm thấy yêu thích. Có người chọn phong cách sexy gợi cảm, có người lại thích phong cách dễ thương, có người lại thích phong cách giản dị, trong sáng…Không chỉ trong trang phục thường ngày ta còn thường bắt gặp phong cách của những ca sĩ. Phong cách của ca sĩ được thể hiện trong những bài hát của họ. Người ca sĩ hát nhạc ballad trữ tình sẽ khác với người hát nhạc rock hay nhạc cách mạng…Mỗi người ca sĩ ngoài gu ăn mặc, người ta sẽ nhớ đến họ theo một dòng nhạc nào đó. Mà chính những điều đó làm nên phong cách riêng của một người ca sĩ.

        Trong văn học cũng vậy, phong cách phong cách của nhà văn được thể hiện trên cả hai phương diện: nội dung và nghệ thuật. Trong nội dung, phong cách nhà văn in đậm trong quan niệm về cuộc sống con người, việc lựa chọn đề tài, xây dựng chủ đề, cách lí giải vấn đề về cuộc sống con người… Có thể thấy rõ điều này ở nhiều nhà văn như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Hồ Chí Minh… Nguyễn Tuân thường nhìn mọi sự vật, sự việc dưới góc độ của sự tài hoa. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà văn tìm thấy sự tài hoa của những nhà Nho hết thời trong những thú chơi tao nhã của họ: thả thơ, uống trà, ngâm vịnh… Sau Cách mạng, nhà văn lại say mê với sự tài hoa của những con người Việt Nam trong lao động, sản xuất… Nam Cao lại khác. Trước Cách mạng, ông đau đáu với đề tài về những người nông dân Việt Nam nô lệ bị tha hóa về tinh thần, nhân phẩm hay những nhà trí thức Việt Nam quằn quại trong nỗi đau vì bị “áo cơm ghì sát đất”… Về nghệ thuật, phong cách nhà văn cũng được thể hiện đa dạng ở nhiều phương diện: phương thức biểu hiện, lựa chọn thủ pháp nghệ thuật, cách tổ chức kết cấu, tổ chức ngôn ngữ… Điều này cũng rất dễ nhận biết đặc biệt ở những tác giả lớn. Nhà thơ Tố Hữu thường chọn thể thơ lục bát, giọng điệu tâm tình ngọt ngào để thể hiện tình cảm tha thiết, chân thành của nhân vật trữ tình. Nhà văn Nam Cao lại rất dễ “bị” nhận ra bởi lối kể chuyện đảo trình tự tuyến tính hiện đại hay cách liên kết đoạn văn rất tài tình… Mỗi nhà văn lại có những ý tưởng độc đáo khác nhau trong cách thể hiện tác phẩm của mình. Và với độc giả, khi đọc một truyện ngắn, thưởng thức một bài thơ… không gì thích thú là việc phát hiện ra những nét đặc sắc về  phong cách của các tác giả. Những nhà văn, nhà thơ có tài năng thực sự mới có thể định hình phong cách riêng của mình. Và giữa phong cách của mỗi tác giả lại có mối quan hệ chặt chẽ tới bản thân cá tính mỗi nhà văn. Trong văn học, phong cách được thể hiện sinh động như một thực thể bộc lộ những quan niệm cá nhân về văn học. Trong truyện ngắn của mình, Nam Cao luôn có vẻ khách quan, hờ hững với nhân vật. Ông gọi họ là “y”, là “thị”, miêu tả họ với những hình hài xấu xí, thậm chí là ghê rợn (đặc biệt là những người nông dân). Nhưng đằng sau những trang văn tưởng như lạnh lùng, khinh thị ấy là tấm lòng đồng cảm thấu suốt là tình thương đến nhói buốt của một tấm lòng đồng ái, đồng chủng. Ngoài đời, con người Nam Cao cũng có dáng vẻ giống như giọng điệu văn chương của ông trong truyện ngắn. Nhắc đến Nam Cao, những người bạn văn nhớ đến một dáng vẻ trầm lặng, ít nói, nhưng thực chất, ẩn đằng sau dáng vẻ phẳng lặng, im ắng ấy là một tinh thần sôi nổi, quyết liệt. Chỉ có những tính cách mạnh mẽ mới có thể phát biểu thế này: “Sống đã rồi hãy viết”! Phong cách của nhà văn in đậm lên từng trang viết. Đến lượt mình, phong cách văn học của mỗi tác giả lại in sâu vào lòng người đọc tạo nên mối đồng cảm sâu sắc giữa những nhà văn, nhà thơ và những độc giả chân thành.

            Tất cả những phong cách trong các lĩnh vực, khía cạnh đời sống con người đều nói lên một điều rằng, phong cách chính là con người. Phong cách nó phản ánh một con người, nó tạo nên sự khác biệt giữa con người với nhau, tạo nên sự đa dạng của cuộc sống. Điều đó một lần nữa khẳng định ý kiến của nhà văn Pháp Buy -phông là đúng và có ý nghĩa. 

Đề 3: Anh chị hãy bày tỏ quan điểm của  mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy –e:” Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một người nghệ sĩ viết ra"

Trả lời

Có rất nhiều ý kiến khác nhau bàn về cách đánh giá giá trị của văn chương. Có người chú trọng nghệ thuật, có người chú trọng nội dung. Nhà văn Pháp La Bơ -ruy -e cũng đã đưa ra được một cách đánh giá giá trị tác phẩm văn học của mình. Ông viết " Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và cân đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay do một nghệ sĩ viết ra" 

        Đúng vậy!  Nhà văn La Bơ-ruy-e cũng bày tỏ ý kiến về cách đánh giá một tác phẩm văn chương và một nghệ sĩ chân chính. Theo ông, tác phẩm nào có ảnh hưởng lớn lao tới đời sống tinh thần của con người theo chiều hướng tích cực thì đó là một cuốn sách hay, đích thực là văn chương và người viết ra nó xứng đáng được gọi là nghệ sĩ.  Câu nói của nhà văn Pháp Labơ ruy e có ý khẳng định giá trị của một tác phẩm văn học. Một tác phẩm văn học viết ra có nhiều người đọc thưởng thức, không phải ai cũng thấy được tác phẩm này hay vì mỗi người có một sở thích khác nhau. Bỏ qua những nguyên tắc đánh giá một tác phẩm giá trị hay không, chúng ta chỉ cần biết rằng đó là một tác phẩm khiến cho tinh thần ta được nâng cao và gợi lên cho ta những tình cảm cao quý thì nó là một tác phẩm giá trị do một người nghệ sĩ tài ba viết ra. Bởi khi ấy, nó có giá trị tinh thần vô cùng lớn đối với ta rồi.

       Văn học đến với con người bằng con đường tình cảm, cảm xúc. Nó mang tạt cho con người những rung cảm sâu xa trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước, trước cuộc sống phong phú, đa dạng muôn màu muôn vẻ và nhất là trước chiều sâu của thế giới tâm hồn. Mục đích trước tiên và quan trọng của văn học là giúp con người đối chiếu, liên tưởng, suy ngẫm về cuộc đời và về chính bản thân, nâng cao niềm tin vào bản thân để từ đó có nhận thức đúng đắn hơn, có khát vọng hướng tới chân lí, dám đấu tranh chống cái xấu, cái ác; biết tìm tòi và hướng tới cái Đẹp, cái Thiện của cuộc sống. Đó chính là văn học chân chính có khả năng cảm hóa, nhân đạo hóa, xứng đáng là bạn tốt của con người. Tư tưởng này của ông gần giống với tư tưởng của hai nhà văn, hai nhà hiện thực văn học lớn của Việt Nam là Thạch Lam và Nam Cao. Thạch Lam cho rằng: Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại, văn chương là một thứ khi giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn. Còn Nam Cao đã thông qua nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa để bày tỏ quan điểm của mình về tác phẩm văn chương, về nhà văn chân chính. Là một nhà văn, Hộ từng ấp ủ một hoài bão lớn về sự nghiệp văn chương của mình. Anh mong ước sẽ sáng tạo ra những tác phẩm thật sự có giả trị, vượt lên tất cà bờ cõi và giới hạn. Quan điểm về văn chương của Hộ cũng hết sức tiến bộ : Một tác phẩm văn chương đích thực phải chứa đựng được một cải gì lớn lao, mạnh mẽ vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn. Nhà văn phải là những người nghệ sĩ vừa có tâm vừa có tài, trong sáng tác phải tạo cho mình một phong cách riêng, một dấu ấn riêng không thể lẫn với bất cứ ai khác; vì: Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có (Nam Cao).

         Chúng ta có thể thâý có những tác phẩm được coi là kinh điển, hay những tác phẩm mang giá trị  nội dung, giá trị nghệ thuật to lớn- những tác phẩm ấy không viết về những cái cao siêu, mà chỉ đơn thuần viết những cái gì giản đơn, thân thuộc gần gũi với con người. Bởi những cái đó, nó gắn bó với cuộc sống của con người, khiến người đọc  như cảm nhận được mình trong chính tác phẩm, thấy tiếng lòng của mình được nói ra. Ví dụ  như tác phẩm hai đứa trẻ trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam ngày nào cũng ngồi đợi chuyến tàu đêm. Hay tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân kể về anh cu Tràng nhặt được vợ giữa ngày đói, rồi tác phẩm Chí Phèo, Đời thừa của Nam Cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tác phẩm văn học thế giới kinh điển cũng đã chững minh điều này ví dụ như bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô là bài ca tuyệt vời về tình thương yêu con người, về đức vị tha, hi sinh đến quên mình. Nhân vật Giăng Van-giăng là “nhân vật tư tưởng” tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân đạo của nhà văn. Người thợ làm vườn nghèo khổ này vì thương đàn cháu mồ côi nheo nhóc, đói khát nên đã liều đập vỡ cửa kính tiệm bán bánh mì để lấy cắp một ổ bánh. Bị kết án khổ sai, Giăng Van-giăng mấy lần tìm cách vượt ngục nhưng không thành nên thời gian ngồi tù cứ kéo dài ra mãi. Sau khi được trả tự do, vì hoàn cảnh ngặt nghèo, Giăng Van-giăng lại phạm tội cướp đồng xu của một đứa trẻ và lấy cắp bộ đồ ăn bằng bạc của giám mục Mi-ri-en. Sự độ lượng và lòng bác ái của vị giám mục nhân từ đã cứu Giăng Van-giăng thoát vòng lao lí và nó tác động rất lớn tới tư tưởng, tình cảm của con người tội nghiệp này. Nó đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi cuộc sống và tính cách của Giăng Van-giăng...

           Như vậy, ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ -ruy -e hoàn toàn đúng, góp phần trong việc khẳng định vai trò quan trọng của chức năng giáo dục trong văn chương và nêu lên cách đánh giá đúng đắn về – tài năng người nghệ sĩ. Văn chương đem lại cho con người những giá trị tinh thần cao quý, giúp con người hướng tới Chân, Thiện, Mĩ trong cuộc sống. Những tác phẩm văn học có giá trị nội dung, tư tưởng ; giá trị nghệ thuật cao sẽ vượt qua thử thách khắc nghiệt của dư luận, của thời gian, không gian để trở thành kiệt tác muôn đời của nhân loại. Đúng như La Bơ-ruy-e khẳng định: …đó là một cuốn sách hay và người viết ra nó xứng đáng là một nghệ sĩ đích thực.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn lớp 12 siêu ngắn


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com