Bài soạn lớp 12: Khái quát văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX

Hướng dẫn soạn bài: Khái quát văn học Việt Nam từ cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX - Trang 3 sgk ngữ văn 12 tập 1. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được trả lời rành mạch và dễ hiểu. Với cách soạn sau, các em học sinh sẽ nắm tốt nội dung bài học. Ngoài ra, nếu có câu hỏi nào, các em comment phía dưới để thầy cô giải đáp

[toc:ul]

Câu 1: Nêu những nét chính về tình hình lịch sử, xã hội, văn hoá có ảnh hưởng...

Nêu những nét chính về tình hình lịch sử, xã hội, văn hoá có ảnh hưởngđến sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975.

Trả lời:

Những nét chính về tình hình lịch sử, xã hội, văn hoá có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975:

  • Xã hội Việt Nam đã chuyển sang chế độ mới, vận động và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đường lối văn nghệ của Đảnglà nhân tố quan trọng tạo nên nền văn hóa thống nhất và các nhà văn kiểu mới: nhà văn – chiến sĩ.
  • Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ kéo dài 30 năm, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã tạo nên đặc điểm của giai đoạn này.
  • Chiến tranh kéo dài, liên tục, khiến nền kinh tế nghèo nàn, điều kiện giao lưu với văn hóa nước ngoài hạn chế (chỉ tiếp xúc, ảnh hưởng của văn hóa, văn học các nước trong phe XHCN).

=> Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, văn học giai đoạn 1945 - 1975 vẫn phát triển và đạt được những thành tựu to lớn.

Câu 2: Văn học Việt Nam từ 1945 - 1975 phát triển qua mấy chặng đường?...

Văn học Việt Nam từ 1945 - 1975 phát triển qua mấy chặng đường?Nêu những thành tựu chủ yếu của mỗi chặng đường.

Trả lời:

Các chặng đường

Chủ đề

Thành tựu

Tác giả tiêu biểu

1945 - 1954

Ca ngợi tổ quốc, quần chúng CM, kêu gọi đoàn kết toàn dân, cổ vũ phong trào Nam tiến, biểu dương tấm gương vì nước quên mình

Thành công ở thể loại: Truyện ngắn, đặc biệt là thơ ca kháng chiến.

Kịch và lí luận phê bình cũng được chú ý

Hoài Thanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Hồ Chí Minh, Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Huy Tưởng

1955 - 1964

Ngợi ca những đổi thay của đất nước và con người lao động trong hoàn cảnh XHCN (cảm hứng lãng mạn, giàu chất hiện thực, nhân văn, nhân đạo).

Thành công ở thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ.

Kịch cũng thu hút được sự chú ý của dư luận

Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Khải, Tô Hoài, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Học Phi…

1965 - 1975

Ca ngợi tình thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Văn xuôi, thơ đạt được những thành tựu xuất sắc

Kịch cũng thu hút được những thành tựu đáng ghi nhận.

Xuất hiện nhiều các công trình nghiên cứu, phê bình.

Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Thanh Thảo…

Câu 3: Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ 1945 – 1975

Trả lời:

Văn học Việt Nam từ 1945 – 1975 gồm có những đặc điểm sau:

  • Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước.
    • Văn học nghệ thuật là mặt trận, văn học là vũ khí.
    • Hiện thực đời sống cách mạng đem đến cảm hứng lớn cho văn học.
    • Tác phẩm văn học tập trung vào đề tài tổ quốc và đề tài chủ nghĩa xã hội.
  • Nền văn học hướng về đại chúng
    • Đại chúng nhân dân vừa là đối tượng phản ánh, vừa là đối tượng phục vụ, vừa là lực lượng sáng tác.
    • Văn học quan tâm tới đời sống của nhân dân lao động
    • Tác phẩm ngắn gọn, nội dung dễ hiểu, chủ đề rõ ràng.
  • Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn
    • Khuynh hướng sử thi:
      • Đề tài: Văn học phản ánh những sự kiện, những vấn đề có ý nghĩa lớn lao có ý nghĩa lịch sử và tính chất toàn dân tộc, tập trung thể hiện chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng.
      • Nhân vật chính: Thường là những con người tiêu biểu cho lí tưởng chung của dân tộc, kết tinh phẩm chất cao quý của cộng đồng; gắn bó số phận cá nhân với số phận đất nước; luôn đặt bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ý thức chính trị, tình cảm lớn, lẽ sống lớn lên hàng đầu
      • Lời văn: mang giọng điệu trang trọng, hào hùng, thiên về ngợi ca, ngưỡng mộ.
    • Cảm hứng lãng mạn: Chủ yếu được thể hiện trong việc khẳng định phương diện lí tưởng như:
      • Ca ngợi cuộc sống mới, con người mới
      • Ca ngợi chủ nghĩa anh hùng CM
      • Thể hiện niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.

=> Cảm hứng lãng mạn gắn liền với khuynh hướng sử thi.

Câu 4: Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa, hãy giải thích vì sao...

Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hóa, hãy giải thích vì saovăn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX phải đổi mới.

Trả lời:

Đất nước vừa kết thúc chiến tranh, còn gặp nhiều khó khăn về giải quyết các hậu quả sau chiến tranh. đất nước ta lại gặp những thử thách không nhỏ, nhất là khó khăn về kinh tế do hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài. TÌnh hình đó đòi hỏi đất nước phải đổi mới, đó là “vấn đề có ý nghĩa sống còn” của toàn dân tộc.

  • Đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường: xã hội thay đổi quan điểm, góc nhìn đối với con người và nghệ thuật (cái nhìn của nhà văn không đơn giản, một chiều như trước mà đa diện hơn, linh hoạt, góc cạnh hơn..).
  • Tiếp xúc và giao lưu với văn hoá thế giới.
  • Nhu cầu của bạn đọc phong phú và đa dạng hơn trước.
  • Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều đổi mới trong quan điểm chỉ đạo văn học nghệ thuật.

=> Đất nước bước vào công cuộc Đổi mới thúc đẩy nền văn học cũng phải đổi mới phù hợp với nguyện vọng của nhà văn và người đọc cũng như quy luật phát triển khách quan của nền văn học.

Câu 5: Hãy nêu những thành tựu ban đầu của văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX.

Trả lời:

Thành tựu ban đầu của văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX

  • Từ 1975 đến 1985:
    • Nhìn chung Văn học ở chặng đường chuyển tiếp, trăn trở, tìm kiếm con đường đổi mới.
    • Thơ ca không tạo được sự lôi cuốn, hấp dẫn nhưng vẫn có nhiều tác phẩm tạo được sự chú ý của người đọc.
    • Văn xuôi có nhiều khởi sắc hơn thơ: Nhạy cảm với những vấn đề trong đời sống, có ý thức đổi mới cách viết về chiến tranh, cách tiếp cận hiện thực đời sống.
  • Từ 1986 đến hết thế kỉ XX: Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, văn học chính thức bước vào chặng đường đổi mới. Biểu hiện:
    • Quan điểm đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào hiện thực được coi trọng đã thúc đẩy VH chuyển hướng.
    • Phóng sự điều tra có điều kiện phát triển mạnh mẽ, thu hút người đọc.
    • Văn xuôi khởi sắc với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
    • Kịch nói phát triển khá mạnh mẽ, có tiếng vang lớn.
    • Lý luận, nghiên cứu, phê bình VH cũng có sự đổi mới

[Luyện tập] Trong bài Nhận đường, Nguyễn Đình Thi viết: "Văn nghệ phụng sự kháng chiến,...

Trong bài Nhận đường, Nguyễn Đình Thi viết: "Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta". Hãy bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.

Trả lời:

Các bạn có thể tham khảo dàn ý sau để viết thành bài văn hoàn chỉnh

Mở bài:Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận

Thân bài:

  • Nhận định: "Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta"

=> Nhận định được trích trong bài Nhận đường của Nguyễn Đình Thi, được viết năm 1948 là thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với những khó khăn, gian khổ chồng chất, nối tiếp. Văn học cũng như các loại hình nghệ thuật khác đang hướng tới cuộc cách mạng của dân tộc.

=> Nhận đường nói chung và nhận định trên của Nguyễn Đình Thi nói riêng đã nói lên vai trò của văn học, văn nghệ trong thời chiến. Không chỉ thế, nhận định ấy còn là định hướng cho văn học nước ta suốt thời kì chống Pháp và chống Mĩ sau này.

  • Giải thích và chứng minh nhận định
    • Văn nghệ phụng sự kháng chiến:
      • Văn chương được xem như là thứ vũ khí đắc lực phục vụ cuộc chiến. Ngòi bút chính là vũ khí; nhà văn chính là chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ. Chính vì thế, các tác phẩm văn học viết về cuộc chiến đều xây dựng nên hình tượng những người anh hùng dũng cảm, biểu trưng cho số phận, phẩm chât của cộng đồng. Từ đó, khơi dậy trong lòng nhân dân lòng căm thù giặc sâu sắc, tình yêu nước trong dòng chảy trôi của những trang sử hào hùng.
    • Chứng minh qua các tác phẩm: Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm), Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc),...
  • Nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta:
    • Kháng chiến và hiện thực khốc liệt ngoài chiến trường là chất liệu cho các sáng tác của người nghệ sĩ. Sự hào hùng, hiên ngang, cả những đau thương, mất mát đã hun đúc nên những trang văn, những vần thơ đầy chất thép. Cùng với đó, những tình cảm đẹp, thiêng liêng giữa cán bộ với nhân dân, giữa đồng chí đồng đội với nhau cũng là những hiện thực được phản trong văn học. Bên cạnh hiện thực khốc liệt cúa cuộc chiến đầu với kẻ thù, vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước. con người trong công cuộc lao động để xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng thu hút người nghệ sĩ tìm tòi, khám phá.
    • Chứng minh qua các tác phẩm: Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu), Người lái đò sông Đà (Trích Tùy bút sông Đà, Nguyễn Tuân),...

=> Nhận định của Nguyễn Đình Thi cho thấy mối quan hệ giữa Văn nghệ với Kháng chiến. Chúng có mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại và gắn bó chặt chẽ với nhau: nhiệm vụ của văn nghệ là phục vụ kháng chiến và vai trò của kháng chiến là tạo nên những chất liệu hiện thực cho sự phát triển của văn nghệ.

Kết bài: Khẳng định lại câu nói của Nguyễn Đình Thi

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn 12


Copyright @2024 - Designed by baivan.net