[toc:ul]
Dàn bài
1. Mở bài:
2. Thân bài:
3. Kết bài:
Bài văn
Cây xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sự sống của con người. Vốn được ví như những lá phổi xanh của Trái đất, giúp điều hòa và cung cấp dưỡng khí cho sự sống của muôn loài. Thế nhưng con người đã và đang làm gì với cây xanh?
Quần thể cây xanh rộng lớn nhất phải kể đến rừng, nơi đây có độ đa dạng sinh học cực lớn, với hàng ngàn các loại cây cùng chung sống, tạo nên thảm thực vật dày, độc đáo, tương trợ bảo vệ lẫn nhau. Vậy rừng có vai trò gì trong việc bảo vệ môi trường?
Trước hết, phải kể đến tác động làm sạch khí quyển, điều hòa không khí trên trái đất. Chúng ta đã biết cây xanh có hai quá trình hô hấp và quang hợp, tuy nhiên quá trình quang hợp đóng vai trò lớn nhất trong việc bảo vệ khí quyển. Quá trình này diễn ra bằng cách cây xanh sẽ lấy vào khí các bô níc và trả lại không khí ô xy, góp phần làm giàu ô xy trong không khí. Chúng ta có thể cảm nhận điều này bằng trải nghiệm của bản thân, giữa trưa hè nắng nóng, ngột ngạt chúng ta chỉ cần bước vào một bóng râm có nhiều cây xanh, lập tức chúng ta cảm thấy dễ thở và thoải mái hơn rất nhiều. Không tin các bạn cứ thử xem.
Tiếp theo đó là khả năng lọc sạch bụi bẩn trong không khí, khả năng này tuy chỉ là tương đối nhưng nó vẫn đem lại những hiệu quả nhất định. Đặc biệt là những loại cây có tán lá dày rộng, bề mặt lá thô nhám thì khả năng lọc bụi trong không khí càng tốt. Cơ chế chính là khi gió thổi mang theo bụi trong không khí đi qua những tán cây, thì lá sẽ giữ lại phần lớn bụi bẩn trên bề mặt, khi mưa xuống lớp bụi bẩn này sẽ được gột rửa sạch và trôi xuống đất, tạo thành vòng tuần hoàn tự nhiên. Xung quanh các nhà máy xí nghiệp, và trên các con con đường người ta thường trồng nhiều cây cũng một phần vì lý do này.
Một tác dụng không thể thiếu khi nói về cây xanh trong bảo vệ môi trường đó là khả năng chống xói mòn và sạt lở đất, ở các vùng núi, đồi có độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt. Nếu không có cây xanh đất sẽ liên tục bị xói mòn, tạo thành các khe rãnh lớn, đất màu trôi đi hết để trơ trọi lại lớp đất đá cứng nhắc, không thể canh tác được. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến quá trình canh tác nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Ngoài ra gió và bão cũng là một tác nhân lớn gây mất cân bằng thảm thực vật, những cơn gió mùa mang theo sức nóng, cát, bụi làm vùi lấp đồng rộng, cây trồng, ô nhiễm không khí, giảm khả năng thụ phấn của hoa màu,… Bão tràn đến nếu không có gì che chắn thì nhà cửa, cây trồng vật nuôi cũng sẽ đều bị cuốn phăng. Tuy nhiên nếu chúng ta trồng cây xanh thành rừng, hoặc bãi lớn thì sẽ giảm bớt được đáng kể những tác động kể trên.
Cây xanh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc cải tạo đất, làm tơi xốp, giữ độ ẩm vừa đủ cho bề mặt, giữ nước cùng các chất dinh dưỡng khác trong mặt đất, khi lá rụng xuống phân hủy thành phân hữu cơ cung cấp cho đất một lượng dinh dưỡng khá lớn. Ngoài ra cây xanh cũng cung cấp cho con người thức ăn, cùng nguồn chất xơ vô cùng phong phú đa dạng, không những thế còn cung cấp một lượng lớn vật liệu như gỗ, tre, nứa cho ngành công nghiệp xây dựng, nội thất và sản xuất giấy viết cho chúng ta sử dụng.
Như đã đề cập ở phần đầu, quần thể cây xanh rộng lớn nhất phải kể đến rừng, nơi đây có độ đa dạng sinh học bậc nhất, có các loài cây xanh từ thân gỗ đến thân cỏ, thân leo, tuổi thọ phụ thuộc vào từng loài, chúng cũng được phân tầng theo chiều cao và các đặc tính ưa bóng hay ưa ánh sáng, cùng với các đặc điểm của họ thực vật khác. Sự đa dạng, rậm rạp ấy đã tạo nên một môi trường cư trú vô cùng lý tưởng cho các loài động vật hoang dã như hươu, nai, vượn, sóc, hổ cùng muôn vàn các loài chim và côn trùng khác. Điều này tạo nên sự cân bằng sinh thái, đảm bảo độ đa dạng sinh học của Trái Đất, giúp bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nếu con người biết khai thác một cách hợp lý và hiệu quả thì đây quả thực là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta, bởi từ đây ta có thể khai thác được các vị thuốc quý, các loại gỗ quý như lim, xà cừ, trầm hương, sến, táu,…với một giới hạn cho phép. Ngoài rừng tự nhiên thì con người còn trồng các loại rừng nhân tạo như rừng tre, rừng nứa, rừng keo, hoặc rừng ngập mặn,… để phù phợp với mục đích sử dụng và bảo vệ cuộc sống khỏi tác động nguy hại từ thiên nhiên.
Ngày nay rừng còn là một địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng, thích hợp với các du khách yêu thiên nhiên, ưa thích khám phá. Bởi rừng mang một vẻ đẹp tự nhiên, trong lành, khoáng đạt, đến nơi đây ta như được trở về thời cổ xưa, hoang sơ, bí ẩn, khi chưa có nhà máy xí nghiệp, khói bụi thành phố, được tận hưởng cái không khí ngọt lành, mát mẻ, thật tuyệt vời. Trong khu dân cư, thành phố cây xanh còn tạo cảnh quan, nâng cao thẩm mỹ, làm bóng mát cho đường phố, trường học, nhà ở, giảm bớt nóng bức, ô nhiễm cùng tiếng ồn.
Với những vai trò to lớn như vậy, nhưng ngày nay ý thức giữ gìn và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng của con người càng ngày càng kém. Họ không hề tưởng tượng được những hậu quả đằng sau việc chặt phá cây xanh to lớn đến mức nào, mà chỉ biết ham cái lợi trước mắt. Thỉnh thoảng thời sự lại đưa tin, khu rừng này bị lâm tặc chặt phá, khai thác gỗ trộm, khu rừng kia bị dân đốt để làm nương rẫy, và rừng ngày càng trở nên cạn kiệt, diện tích đất trống đồi trọc tăng chóng mặt, việc trồng cây gây rừng không thể bù đắp kịp cho sự phá hoại một cách vô trách nhiệm của những con người không có ý thức.
Hậu quả là những trận lũ quét, sạt lở đất đá nghiêm trọng tại những vùng núi, bao nhiêu nhà cửa, tài sản thậm chí là tính mạng con người bị thiệt hại. Có những nơi vì không khí quá nóng bức dẫn tới việc cháy rừng, động vật không có chỗ cư ngụ, loài thì tuyệt chủng, loài thì hấp hối, con người thấy vậy lại ra sức săn bắn, vây bắt, dẫn tới việc mất cân bằng hệ sinh thái nghiêm trọng. Tác hại của việc phá rừng quả thực rất lớn mang tính chất dây chuyền, hệ quả chồng hệ quả.
Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vấn nạn chặt phá rừng bừa bãi, Đảng và nhà nước ta đã có những chính sách phù hợp để bảo vệ rừng, tiêu biểu như khoán cho dân trồng rừng, tích cực phủ xanh đất trống đồi trọc, nhà nước hỗ trợ vốn cùng giống cây. Hoặc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò của rừng cùng các tác hại của việc phá rừng, khuyến khích việc trồng cây xanh, phủ xanh thành phố.
Đối với mỗi học sinh, chúng ta cần tích cực tham gia tuyên truyền và khuyến khích việc trồng cây gây rừng, cảnh báo với người thân và mọi người xung quanh về tác hại của việc phá hại cây xanh. Đồng thời phải học tập thật tốt, sử dụng tiết kiệm giấy, nước, không xả rác bừa bãi, bảo vệ và chăm sóc các loại cây xanh xung quanh mình, đó cũng chính là góp một phần lớn vào công cuộc bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp cho chính cuộc sống của chúng ta.
Dàn bài
1. Mở bài:
2. Thân bài:
3. Kết bài:
Bài văn
Cây xanh là lá phổi của Trái Đất. Không phải tự nhiên mà cho đến hôm nay, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đều nhận định như vậy. Từ xa xưa, thiên nhiên nói chung, cây cối nói riêng đã giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sống của con người.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại, thiên nhiên luôn giữ vị trí vô cùng trọng yếu, bởi lẽ sự sống trên Trái Đất bao gồm yếu tố tự nhiên và nhân tạo. Trong đó, cây cối là sinh vật xuất hiện sớm và gắn bó với sự tiến hóa của loài người lâu nhất. Vậy cây cối là gì?
Cây cối là một bộ phận của thiên nhiên, là một bộ phận của hệ thống sinh thái, bao gồm toàn bộ những loài thực vật sinh trưởng trong tự nhiên. Cây cối có quan hệ chặt chẽ với các sinh vật khác, động vật, con người... Nhưng nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của những sinh vật khác.
Cây cối giữ vai trò đặc biệt quan trọng với cuộc sống con người, với môi trường tự nhiên xung quanh. Vai trò thiết yếu nhất là cung cấp ô xi, duy trì sự sống cho tất cả sinh vật trên hành tinh. Qúa trình quang hợp của chúng sẽ hấp thụ cacbonic và cung cấp lượng lớn ô xi, đồng thời điều hòa khí hậu và tạo bóng mát, trở thành thức ăn cung cấp chất đinh dưỡng tốt cho cơ thể, khi phân hủy còn tạo ra phân xanh – một loại phân bón không gây ô nhiễm môi trường.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày kia cây cối không còn tồn tại trong cuộc sống. Khi những thiết bị công nghệ thông tin hiện đại ngày càng phát triển trong thời đại công nghệ số 4.0 mang đến lượng lớn sóng âm tần, sóng điện tử, ... và chúng ta chỉ hàng ngày phụ thuộc vào điều hòa, quạt điện, máy tính, sóng wifi,... Thì liệu cuộc sống sẽ kéo dài được bao lâu khi không khí dần mất đi trong lành. Không có chiếc máy lọc không khí nào lớn hơn cây cối trong tự nhiên. Không khí sẽ dần bị ô nhiễm, nắng mưa vượt khỏi tầm kiểm soát, mưa lũ ngập lụt và hạn hán sẽ xuất hiện nhiều hơn, hiện tượng Trái Đất nóng lên, băng tan, hiệu ứng nhà kính... sẽ tấn công mạnh mẽ cuộc sống của chúng ta.
Cuộc sống của con người không bao giờ hoàn thiện nếu không có tự nhiên. Cây cối tạo lên rừng, rừng là môi trường sống của rất nhiều động vật khác, rừng ngăn xói mòn, sạt lở đất. Cây cối cung cấp chuỗi thức ăn tự nhiên, đảm bảo cân bằng sinh thái, cung cấp những tài nguyên thiên nhiên quý giá để phục vụ cuộc sống con người ngày càng được nâng cao. Rừng là nhà của rất nhiều loài động vật quý hiếm. Mỗi cánh rừng với những loài cây khác nhau được chia ra rất nhiều tầng độ cao thích hợp với những loài sinh vật khác nhau. Những cánh rừng nguyên sinh là mái nhà chung của hàng nghìn động thực vật quý hiếm cần được bảo tồn. Và ngay cả khi những con người ích kỷ, tham lam đêm ngày nghĩ cách phá rừng lấy gỗ, cây cối vẫn kiên trì làm nhiệm vụ trao đổi khí, điều hòa môi trường của bản thân mình. Cây cối tạo nên môi trường trong lành, là nơi khiến tâm hồn ta trở nên thoải mái hơn.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế hiện nay, chuyện gì đang xảy ra? Diện tích rừng ngày càng thu hẹp, ngoài những tác động của tự nhiên như cháy rừng, con người đang chính tay tàn phá môi trường sống của cây cối, chặt cây lấy gỗ, tàn phá nặng nề nhiều khu rừng. Con người mải mê theo những lợi ích nhỏ mọn của bản thân, không hề nghĩ đến thiên tai không trong tầm kiểm soát, hằng năm vẫn đúng dịp tới gây lũ quét, địa chấn. Rừng đã mất, không còn gì ngăn gió chắn bão, xói mòn, sạt lở đất đầu nguồn gây ra những thiệt hại lớn về vật chất, những nỗi đau trong tinh thần con người.
Những ngày trước, đất nước ta tự hào biết bao về “rừng vàng biển bạc” quê hương. Nhưng giờ đây, hàng năm đều có tin hàng trăm hecta rừng bị cháy rụi, những cánh rừng bị chặt phá trái phép. Môi trường sinh thái đang đứng trước nguy cơ bị xáo trộn, đặc biệt vang lên một hồi chuông báo động trong tình trạng Trái Đất đang nóng lên từng ngày.
Hiện nay, không chỉ riêng nước ta mà toàn bộ thế giới đều đang gấp rút thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường mà cây xanh là yếu tố được coi trọng hàng đầu. Những sự kiện được tổ chức, những lời kêu gọi và hội nghị được mở ra khuyến khích trồng rừng phủ xanh đồi trọc, bảo vệ lá phổi của Trái Đất. Đảng và Nhà nước ta cũng không ngừng cố gắng đề và thực hiện những biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng kết hợp với tái tạo rừng.
Hiểu biết về cây xanh, thấy được vai trò và nguy cơ, chúng ta mới nhanh chóng nhận thức được, từ đó điều chỉnh hành vi cho đúng đắn phù hợp. Chung tay bảo vệ và phát triển số lượng cây cối xanh tươi là chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Dàn bài
1. Mở bài: Giới thiệu khái quát: cây cối có tầm quan trọng nhất trong việc bảo vệ môi trường sống.
2. Thân bài:
3. Kết bài: Đánh giá tổng quát hoặc tuyên truyền việc trồng cây, bảo vệ cây, rừng
Bài văn
Từ xa xưa ông cha ta đã dạy rằng thiên nhiên là bạn của con người. Chúng ta sống lao động và nghỉ ngơi đều dựa vào thiên nhiên. Nói như vậy để thấy được tầm quan trọng của thiên nhiên mà nhất là cây cối đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Cây cối không chỉ mang theo cơn gió mát lành thổi bay cái nóng, điều hòa bầu không khí mà nó còn mang đến cho con người một nguồn sinh thái dồi dào.
Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta tự hào là một đất nước “rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu” đó chính là phần quà vô giá mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người.
Trong thành phần để tạo nên thiên nhiên đó thì rừng chính là một trong những quà tặng vô cùng có ý nghĩa đối với cuộc sống. Vậy thì rừng là gì?
Rừng là tập hợp một quần thể sinh địa trong đó có rất nhiều những sinh vật, cây cối, động vật…. Rừng, khí hậu và đất có một mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ với nhau. Chẳng phải thế mà có nhạc sĩ đã từng viết
“Chuyện trăm năm ân tình cây và đất
Cây bám rễ sâu, đất ôm chặt tận đáy lòng”
Cây xanh có vai trò to lớn đối với cuộc sống con người, với môi trường sống xung quanh ta. Không chỉ có vai trò tạo bóng mát, làm đẹp môi trường đô thị mà nó còn giúp điều hòa khí hậu khiến cho bầu không khí trở nên thanh sạch, trong lành.
Bạn hãy thử tưởng tượng nếu một ngày cuộc sống của chúng ta không còn cây xanh thì sẽ ra sao? Cả ngày chỉ biết làm việc với máy điều hòa, với sóng wifi, với máy tính…. Thử hỏi con người sẽ tồn tại thế nào? Với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa chóng mặt như hiện nay có lẽ sẽ chẳng lâu đâu con người sẽ trở nên mệt mỏi và bệnh tật. Cây xanh mất đi đồng nghĩa với việc sẽ chỉ còn không khí bụi bặm, ô nhiễm, nắng mưa thất thường, hạn hán ngập lụt sẽ giày xéo lên cuộc sống của người dân. Và nói một cách khác đi trực tiếp hơn thì cuộc sống của chúng ta sẽ chấm dứt hoàn toàn.
Cuộc sống của con người chưa bao hoàn hảo khi nó chỉ được quyết định bằng yếu tố vật chất mà còn ảnh hưởng bởi những điều kiện khách quan khác. Trong đó cảnh quan môi trường sống chính là một yếu tố cần và đủ. Thế nhưng con người ta chúng ta lại đang tác động nghiêm trọng đến sinh thái mà điển hình là cây cối xung quanh. Khi mà càng ngày số lượng cây xanh chúng ta càng giảm đi rõ rệt do tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, do cháy rừng, …. Và chính những việc làm đó đã gây nên hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà đồng bào ta đang phải oằn mình chống chọi từng ngày.
Chắc hẳn vẫn còn dư âm đâu đó của trận lũ quét lịch sử, của cơn địa chấn xói mòn sạt lở đất đai vùng đầu nguồn… nó không chỉ khiến thiệt hại về vật chất lên tới hàng tỉ đồng mà nó còn mang đến những nỗi đau day dứt về con người. Nguyên nhân là do đâu? Là do việc chặt phá rừng bừa bãi khiến cho đất bị xói mòn, rửa trôi tạo thành khe rãnh khi lũ quét về không có gì chống đỡ mà thành. Những trận bão cát phá hoại mùa màng vì rừng đầu nguồn đã bị chặt phá, đất mặt đã bị rửa trôi khiến cho vùng canh tác trở nên cằn cỗi, khô cằn….
Không chỉ có vai trò bảo vệ đất chống lũ quét, sạt lở rừng còn là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động vật quý hiếm. Mỗi cánh rừng lại được chia ra rất nhiều tầng độ cao thích hợp với những loài sinh vật khác nhau. Nhưng tựu chung lại những động vật như nai, hươu, sóc, chồn, chim uông, hổ, báo, vượn…. đều chọn rừng là nơi trú ngụ cung cấp nguồn sống cho mình. Rồi những loài thực vật quý hiếm trăm tuổi như đinh, lim, sến, táu… hay các loại thuốc quý đều ở rừng mà ra.
Ngoài ra rừng cũng là nơi cung cấp nguồn nhiên liệu dồi dào cho các hoạt động công nghiệp như chế biến gỗ, sản xuất giấy…. Rừng cũng là một trong những khu du lịch sinh thái hấp dẫn mà con người muốn khai thác.
Chúng ta tự hào với những cánh rừng U Minh rộng lớn thì giờ đây cả trăm hecta rừng đã bị cháy rụi thiệt hại không chỉ hàng trăm tỉ đồng về của mà hơn thế nó còn khiến cho môi trường sinh thái của chúng ta bị xáo trộn.
Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đang kêu gọi bảo vệ rừng nguồn tài nguyên vô giá của sự sống. Bằng chứng là hội nghị chống biến đổi khí hậu COP khuyến khích trồng rừng phủ xanh đất trống đòi trọc, bảo vệ rừng đầu nguồn. Hay các hội nghị trong nước Đảng và Chính phủ đã có biện pháp quản lý chặt chẽ việc khai thác rừng kết hợp với tái tạo rừng.
Hiểu biết về rừng chính là cách nhanh nhất để con người thay đổi hành vi của mình giúp bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách tốt nhất. Hãy hành động ngay vì cuộc sống và tương lai thế hệ sau này, bảo vệ rừng chính là bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.