Bài văn mẫu lớp 11: Giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

Đề bài: Cảm nghĩ của anh (chị) về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh (Trích Thượng kinh kí sự) của Lê Hữu Trác.

Bài làm

Người ta biết đến Hải Thượng Lãn Ông là một người thầy thuốc tài đức nhưng không phải ai cũng biết ông còn là một nhà văn. Sự nghiệp văn chương của ông không có nhiều tác phẩm nhưng những tác phẩm để lại đều có giá trị to lớn. Tiêu biểu trong đó là tác phẩm “Vào phủ chúa Trịnh”. Tác phẩm đã thể hiện giá trị hiện thực vô cùng sâu sắc.

“Vào phủ chứa Trịnh” ra đời trong hoàn cảnh triều đình chúa Trịnh Sâm vời Lê Hữu Trác vào khám bệnh cho thái tử Trịnh Cán. Mặc dù bản thân không muốn những ông vẫn phải tuân theo lệnh chúa. Con mắt của ông đã bao quát toàn bộ hiện thực nơi đây và gửi gắm vào tác phẩm của mình. Đoạn trích “ Vào phủ chúa Trịnh” đã vẽ lên bức tranh sinh động về cuộc sống thực của chúa Trịnh.

Mở đầu đoạn trích là một sự kiện cụ thể, chân thực. Với những câu văn ngắn gọn, giàu thông tin, được viết ra một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không một chi tiết thừa, Lê Hữu Trác đã tái hiện cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa. Theo chân ông, người đọc như tận mắt trông thấy quanh cảnh ở phủ chúa cực kì xa hoa, tráng lệ – không ở đâu sánh bằng. Muốn vào phủ phải qua nhiều lần cửa với những hành lang quanh co nối tiếp nhau, ở mỗi cửa đều có vệ sĩ canh giác. Khuôn viên phủ chúa rộng, có trạm dừng chân được kiến trúc thật kiểu cách, với cảnh trí thiên nhiên kì lạ. Trong vườn, chim kêu ríu rít, trăm hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương. Bên trong là những Đại đường, gác tía với kiệu son, võng điều. Đồ dùng của chúa được sơn son thiếp vàng, đồ dùng tiếp khách ăn uống đều là mâm vàng, chén bạc, của ngon vật lạ. Đến nội cung của thế tử phải trải qua sáu lần trướng gấm. Nơi ở của thế tử rất sang trọng, có sập thếp vàng, ghế rồng bày nệm ấm, xung quanh lấp lánh, mùi thơm ngào ngạt. Trước cảnh tượng xa hoa ấy, Lê Hữu Trác đã phải cảm thán: “Cả trời Nam sang nhất là đây!”

Không dừng lại ở đó, tác giả còn miêu tả cung cách trong cung để thể hiện thêm giá trị hiện thực của tác phẩm này. Để vào được trong cung thì phải qua nhiều lần bẩm báo trong phủ. Lê Hữu Trác vào cung vì có thánh chỉ cũng cần phải qua nhiều cửa mới đến nơi. Cứu bệnh như cứu hỏa nhưng ông vẫn phải lui ra vì “thánh thượng đang ngự ở đó”. Trong khi thánh thượng  vẫn say sưa hưởng lạc với các cung tần mỹ nữ.

Gía trị hiện thực còn được thể hiện qua việc tác giả dựng lên trước mắt người đọc chân tướng của một tầng lớp thống trị ốm yếu, thiếu sinh khí, sống sau những lớp màn che tăm tối, xa cách hẳn với cuộc đời lành mạnh, tự nhiên. Đó chính là hình ảnh của thế tử Trịnh Cán. Nơi ở của thế tử phải trả qua năm sáu lần trướng gấm, tối om, ngột ngạt và thiếu sinh khí. Bởi vì thiếu ăn thiếu mặc, người ta ốm đau bệnh tật, còn đây lại vì “ăn quá no, mặc quá ấm”, “tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, tay chân gầy gò vì nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức”. Tác giả chỉ rõ bệnh tình, giúp cho người đọc hiểu rõ căn nguyên cơ thể ốm yếu, héo hon, gầy mòn của thế tử chính là kết quả của lối sống xa hoa, giàu sang kia mà thiếu đi sinh khí.

Có thể nói, bằng tài quan sát tinh tế, tỉ mỉ và ngòi bút ghi chép chi tiết, chân thực kết hợp tài tả cảnh sinh động, trần thuật khéo léo, tác giả đã vẻ lại một bức tranh sinh động, về cuộc sống xa hoa quyền quý của chúa Trịnh. Để rồi cho chúng ta nhận ra diện mạo của một chế độ xã hội phi lí, đáng bị đào thải. Cũng từ bức tranh này, ta nhận thấy thái độ phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía của tác giả, đồng thời dự cảm được sự suy tàn của giai cấp thống trị Lê - Trịnh thế kỉ XVIII đang tới gần. Với những giá trị đó, đoạn trích thực sự có giá trị hiện thực sâu sắc đồng thời góp phần khẳng định tài năng của Lê Hữu Trác.

Nhiều năm qua đi, nhưng với giá trị thực sự của mình, tác phẩm của Lê Hữu Trác vẫn còn nguyên giá trị, xứng đáng là viên ngọc quý của nền văn học trung đại Việt Nam.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 11


Copyright @2024 - Designed by baivan.net