[toc:ul]
Cuộc sống của con người từ xưa đến nay luôn chịu rất nhiều tác động từ yếu tố xung quanh, đặc biệt là môi trường. Trong thời điểm hiện tại, nhiều vấn đề về môi trường đang vang lên hồi chuông báo động, nhắc nhở chúng ta phải bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Trước tiên ta cần hiểu thế nào là môi trường? Môi trường bao gồm tất cả các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo, có quan hệ mật thiết với nhau bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. “Xanh” ở đây là màu xanh tươi mát của cây cối, ý chỉ sắc xanh của thiên nhiên. “Sạch” là một môi trường trong lành không có sự xuất hiện của rác bẩn hay bị ô nhiễm do những tác động xung quanh. “Đẹp” là vẻ đẹp hình thức của cả bên ngoài và bên trong. “Xanh – sạch – đẹp” là ba yếu tố tiêu chuẩn của môi trường sống thân thiện và nhiều thuận lợi cho cuộc sống con người.
Môi trường sống giữ vai trò hết sức quan trọng đối với sự sống con người. Đó là nơi cung cấp ô xi - yếu tố quan trọng để duy trì sự tồn tại của tất cả chúng ta. Nguồn nước chúng ta uống mỗi ngày lấy từ thượng nguồn của môi trường tự nhiên. Ngôi nhà chúng ta đang sinh sống cũng được dựng lên từ đất mẹ của môi trường sống. Không những thế, môi trường còn là nơi để chúng ta học tập, rèn luyện và phát triển bản thân.
Một hiện thực đáng lo hiện nay là môi trường sống của chúng ta đang bị tàn phá hết sức nặng nề. Vì sự ích kỉ cá nhân và vô ý thức của nhiều người, môi trường sống chung đang ở trong tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Những dòng sông xanh dần bị nhuộm đen và nổi trôi đầy rác thải. Rác có ở mọi nơi, từ những địa điểm công cộng đến cả những nơi trường học, những địa danh thiêng liêng của đất nước. Ngay cả bầu không khí cũng trở nên ô nhiễm khi bên trong chứa đầy những hạt bụi nguy hại. Sức khỏe của con người cũng ngày càng suy giảm khi số người mắc bệnh về phổi, hô hấp và ung thư gia tăng từng ngày. Đất đai ngày càng xấu đi, núi rừng bị tàn phá trơ trụi, hiện tượng thiên tai xảy ra bất thường và nhiệt độ Trái đất đang nóng dần lên.
Tình trạng trên nhắc nhở chúng ta cần bảo vệ và giữ gìn một môi trường xanh - sạch - đẹp. Thực hiện điều đó, việc đầu tiên là trồng và bảo vệ cây xanh - cỗ máy lọc không khí khổng lồ của Trái Đất. Cây xanh làm đẹp cho môi trường xung quanh, hút khí cacbonic, thải ra khí oxi, thanh lọc không khí trong lành. Cây xanh trên những cánh rừng cũng tạo thành bức tường bảo vệ, ngăn giảm sự tấn công của thiên tai. Nhà nước và cả xã hội cần chung tay bảo vệ tài nguyên quý giá đó, nghiêm khắc xử lý những hành động phá hại rừng, chặt đốn cây xanh để vụ lợi cá nhân.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có ý thức và biện pháp giảm thiểu, loại bỏ rác thải khỏi môi trường. Điều quan trọng nhất là ở ý thức cá nhân, hãy nhận biết tầm quan trọng của môi trường và có ý thức bỏ rác vào đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi. Môi trường nhà mình cần sạch sẽ, môi trường sống chung càng cần điều đó hơn. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung, bảo vệ vẻ đẹp của tự nhiên trong môi trường sống. Hãy nghiêm khắc lên án, phê phán và có biện pháp xử phạt với những hành động phá hoại môi trường sống.
Môi trường sống là món quà tuyệt vời mà chúng ta được tạo hóa ban tặng. Nhưng “Trái đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi người”. Hãy sống có trách nhiệm và cùng chung tay bảo vệ môi trường sống, vì một môi trường sống xanh - sạch - đẹp và cuộc sống tươi đẹp của tất cả chúng ta.
Môi trường sống có vai trò cực kì quan trọng đối với con người và xã hội. Bởi lẽ nó tác động trực tiếp đến đời sống của chúng ta. Thế nhưng có một thực trạng vô cùng đáng lo ngại đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang ngày một trầm trọng và trở thành một vấn đề cấp bách với toàn cầu. Vậy làm thế nào để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp?
Môi trường sống đầu tiên cần phải hiểu đó là một quần thể vô cùng rộng lớn xung quanh con người. Nó bao gồm có hai yếu tố chính là : môi trường sống tự nhiên và môi trường sống xã hội. Môi trường tự nhiên là tất cả các yếu tố như nước, không khí, thức ăn, ánh sáng, cây cối, động vật…. Còn môi trường xã hội là tổng thể những mối quan hệ cá nhân, cộng đồng thể hiện bằng những nội quy quy định, pháp chế…. Tuy nhiên trong bài viết này chúng ta chỉ bàn đến môi trường sống tự nhiên mà thôi.
Có một thực trạng vô cùng đáng lo ngại đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ngày một nặng nề hơn. Đó là việc không khí bị nhiễm bụi, nguồn nước bị nhiễm độc, thủng tầng ozon, cháy rừng, bão lũ liên tiếp xảy ra…. Có thể nói những việc này đã gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với đời sống cũng như sức khỏe của con người. Nếu như mối quan hệ xã hội công việc mang đến lí tưởng, mục đích sống thì môi trường tự nhiên là nơi cung cấp thức ăn nước uống duy trì sự sống. Ngày nay cùng với việc phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật, của công nghệ thì đi liền với nó chính là việc ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Và những nước đang phát triển như Việt Nam lại càng trở nên quan ngại hơn. Chúng ta dường như đang phải hứng chịu những biến đổi không ngừng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Khi mà những cơn bão, trận lũ quét diễn ra ngày càng nhiều. Nó không chỉ lấy đi của cải mà còn cướp đi sinh mạng sống của rất nhiều người. Mỗi năm số người tử vong vì bệnh tật ngày càng gia tăng. Nó chính là những con số biết nói để cho thấy môi trường tự nhiên đang có dấu hiệu bị suy giảm nặng nề.
Vậy nguyên nhân của việc ô nhiễm môi trường là gì? Đầu tiên nó là do việc nhiệt độ trái đất tăng cao, dẫn đến băng tan lũ quét sạt lở ngày càng nhiều. Thế nhưng sâu sa hơn nó là do ý thức của con người. Chúng ta sống trong môi trường tự nhiên tác động vào tự nhiên để lấy công cụ sản xuất. Thế nhưng lại không biết tái tạo và sử dụng nó đúng cách. Thậm chí còn gây nên nhiều tổn hại vô cùng nghiêm trọng cho thiên nhiên. Nhiều người nhiều tập thể chỉ vì lợi ích trước mắt mà lỡ dẫm đạp lên sự sống của đồng loại mình một cách trắng trợn. Rác thải công nghiệp không quá xử lí thải ra môi trường khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm, không khí nhiễm độc, đất bị khô cằn… ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống con người.
Vậy chúng ta phải làm gì để giữ gìn môi trường sống của mình ngày một xanh sạch đẹp? Trong thời gian qua con người đã ý thức được tầm quan trọng của môi trường sống tự nhiên đối với sự phát triển xã hội. Bằng chứng là những cuộc họp quan trọng cấp thế giới về môi trường đã được diễn ra. Tổng số kinh phí các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển để khắc phục những hậu quả nghiêm trọng về môi trường ngày càng gia tăng. Trong nước, Đảng và chính phủ đưa ra nhiều biện pháp để tái tạo môi trường tự nhiên như trồng cây, gây rừng, xử lí nghiêm các trường hợp tổ chức, công ty gây nguy hại cho môi trường sống.
Tất nhiên đó là những bằng chứng vô cùng cụ thể và cứng rắn. Song thực tế nó phải dựa chính trên sự nhận thức cũng như ý thức của con người. Chúng ta phải tuyên truyền giáo dục và hiểu biết về tác hại khôn lường của biến đổi khí hậu. Từ đó thay đổi ý thức và hành vi của bản thân. Tích cực lên án những cá nhân tập thể tác động xấu đến môi trường. Mỗi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường hãy thể hiện việc yêu môi trường tự nhiên bằng cách trồng cây gây rừng, hạn chế dùng túi bóng thay bằng túi giấy, túi vải, tuyên truyền cho người thân của mình bảo vệ không gian sống ngày một tốt đẹp hơn.
Cuộc sống của con người chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào môi trường sống tự nhiên. Nếu không có môi trường con người sẽ chết dần chết mòn bởi bệnh tật. Chính vì thế bảo vệ tự nhiên chính là cách chúng ta bảo vệ chính cuộc sống cũng như thế hệ tương lai của mình.
Bài làm
Nếu đặt ra câu hỏi: Ai là người tác động lên môi trường tự nhiên nhiều nhất?. Câu trả lời sẽ là con người. Không thể phủ nhận một điều rằng tất cả những ô nhiễm trên Trái Đất này đều do bàn tay con người và tất nhiên con người cũng là nạn nhân của những ô nhiễm đó do mình tạo ra.
Tất cả là ở con người. Vậy chúng ta cũng hoàn toàn có thể thay đổi, cải thiện tại môi trường, làm cho nó ngày càng sạch đẹp, vấn đề là ở chỗ phải thực hiện tất cả những điều đó như thế nào?.
“GDP tăng 1%. chất thải tăng 3%. Nếu tiếp tục tình trạng này, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt trong hiện tại cũng như mai sau… Đó là những ý kiến của Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nghiêm Vũ Khải. Ô nhiễm môi trường đã là vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu chứ không còn nằm ở riêng quốc gia nào. Con người đang đứng trước những hiểm họa vô cùng lớn liên quan đến môi trường. Nạn cháy rừng, kéo theo sự suy thoái và tuyệt chủng của các loại động thực vật.
Trái Đất đang nóng lên, nguy cơ thiên tai và lũ lụt ngày càng tăng. Nguồn nước sạch bị ô nhiễm, ô nhiễm bầu không khí.,. Sức khỏe con người đang bị đe dọa. Ô nhiễm không khí gây nên các căn bệnh về hô hấp, da liễu. Ô nhiễm nguồn nước gây nên các bệnh chủ yếu về đường ruột. Điều đáng nói là những hậu quả lâu dài của nó. Những năm gần đây, tỉ lệ người bị mắc bệnh ung thư tăng cao. Và tất nhiên, nguyên nhân chủ yếu không phải gì khác chính là do những ảnh hường của môi trường. Sự kiện nhà máy bột ngọt Vê-dan xả thẳng trực tiếp nước thải ra sông Thị Vải tạo nên làn sóng bất bình trong dư luận.
Kéo theo đó là việc phanh phui hàng loạt các doanh nghiệp khác vị phạm tương tự. Một vấn đề trước nay vẫn bị né tránh khi nói đến hoặc nói đến một cách chừng mực là ô nhiễm môi trường do chất thải từ các khu công nghiệp nay đã được đưa ra ánh sáng. Trong khi đó, bên cạnh chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, nước thải công nghiệp, chất thải rắn đang là vấn đề gây ô nhiễm nghiêm trọng. Và thường mức độ ô nhiễm do mặt trái của tăng trưởng kinh tế đặc biệt là từ lĩnh vực công nghiệp gây ra bao giờ cũng nghiêm trọng, khó giải quyết và gây hậu quả lâu dài hơn cả.
Tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng này có lẽ cũng nên bắt đầu từ vấn đề ý thức của con người trong việc bảo vệ môi trường. Ăn xong một cái kẹo, tiện tay ném thẳng xuống đường mặc dù cách đó không xa có một thùng rác đang “mòn mỏi” đứng chờ đợi. Một chậu nước bẩn tiện tay hất thẳng ra đường… Tất cả đều bắt nguồn từ cái “tiện tay”, cái “ngại” nhưng hậu quả lại là khôn lường. Nó đã trở thành thỏi quen xấu của người Việt Nam, thậm chí nếu ai có phá vỡ thì cũng dễ bị coi là… gàn dở. Sự thiếu ý thức gây ra ô nhiễm đã đành, tại có những kẻ mặc dù ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nhưng vì lợi ích cá nhân mà bất chấp tất cả.
Đó chính là những trường hợp vi phạm ở các khu công nghiệp như đã nói ở trên. Bên cạnh đó là do sự quản lí thiếu chặt chẽ của nhà nước. Nhà nước chưa thực sự mạnh tay trong việc xử phạt các trường hợp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường. Thế nên mới có chuyện các doanh nghiệp thà trả 70 triệu đồng (mức phạt tối đa cho các vi phạm về môi trường) để tiếp tục được xả chất thả trực tiếp ra môi trường thay vì đầu tư vốn lớn cho công nghệ xử lí rác thải. Các chính sách và pháp luật nhà nước còn nhiều chỗ hỗng với những điều bất cập, khiến cho những kẻ chủ nghĩa cơ hội có điều kiện lách luật, vi phạm luật bảo vệ môi trường. Việc tuyên truyền, tổ chức các cuộc vận động vì môi trường vẫn chưa thực sự phát huy được hết vai trò của mình…
Trước những nguyên nhân và thực trạng đó đòi hỏi nhà nước và toàn xã hội phải tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế ô nhiễm từ đó góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Chiến dịch 3R thu gom và phân loại rác tuy mới được đưa vào áp dụng nhưng đã tỏ ra là một biện pháp khá hữu hiệu nhằm cải thiện môi trường. Đó không chỉ là một hình thức tuyên truyền cổ động mà còn là một hành động hết sức thực tế. Nhờ phong trào này, rác không chỉ được thu gom mà còn được tái sử dụng, mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định. Bảo vệ môi trường nên bắt đầu từ những điều hết sức đơn giản như vậy.
Cùng với các hoạt động mang tính thường nhật, nhà nước và các địa phương nên tăng cường hơn nữa việc tổ chức các ngày hoạt động vì môi trường như tham gia quét dọn vệ sinh khu dân cư vào các ngày cuối tuần, tổ chức thi đua giữ gìn vệ sinh chung giữa các khu vực, tổ chức các đợt kiểm tra và giám sát lẫn nhau, tổ chức các hoạt động chào mừng ngày Môi trường thế giới… thu hút sự quan tâm tham gia của cả cộng đồng, cần phải đưa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vào hoạt động bảo vệ môi trường, nghiêm chỉnh trong việc thực hiện các hình thức xử lí chất thải trước khi thải ra môi trường tự nhiên. Tăng trưởng kinh tế nếu không kèm theo các giải pháp tích cực về môi trường sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng không thể lường hết.
Nhà nước cần nghiêm khắc hơn nữa trong việc đưa ra các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt các trường hợp vi phạm. Đồng thời phải tìm kiếm và đưa ra các giải pháp tích cực và mang tính khả thi nhằm cải thiện môi trường, môi sinh, trả lại màu xanh cho trái đất, sự trong sạch cho bầu không khí và nguồn nước. Nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là việc giáo dục ý thức của mỗi con người khi hoạt động trong môi trường, tham gia và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống.
Ăn một chiếc kẹo, trước khi tiện tay thả xuống đường, hãy nghĩ đến việc nó có thể làm ảnh hưởng như thế nào đến môi trường. Hãy là những con người hiểu biết, để tự bảo vệ cuộc sống của mình và những người xung quanh. Bạn đã làm được những gì?…
Mỗi con người sinh ra và phát triển hầu hết đều phụ thuộc phần lớn vào môi trường xung quanh. Môi trường tốt cho ta một con người tốt, một cuộc sống lành mạnh và hạnh phục. Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển , máy móc sản xuất hiện đại kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến môi trường. Vậy chúng ta cần phải làm thế nào để môi trường ngày càng xanh sạch đẹp? Đó là một vấn đề nóng đối với chúng ta hiện nay.
Như các bạn biết môi trường là tất cả mọi yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất xung quạn con người. Nó tồn tại như một quần thể to lớn. Môi trường là sông, là núi, là gió, là rừng, là thiên nhiên, là không khí,.... Môi trường cho ta những điều kiện sống tốt đẹp để phát triển bền vững. Vậy mà giờ đây, môi trường đang khẩn thiết kêu lên rằng con người ngưng làm ô nhiễm chúng. Có lẽ con người và những hành động của con người là tác nhân to lớn nhất gây ra ô nhiễm. Không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi các khí thải nhà máy sản xuất, khí thải từ ô tô xe máy hàng ngày phải lên đến hàng nghìn tấn. Ở thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đang bị ô nhiễm không khí nặng nề và người dân đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do chính họ gây ra. Mỗi người ra đường phải bịt khẩu trang kín mít, thậm chí phải mua bình ô xi để hô hấp, nhiều người dân đã nhập viện bởi các bệnh về đường hô hấp và nhiều bệnh liên quan khác,... Và chúng ta hãy nhìn ra những dòng sông, biển, ao, hồ. Chúng bị ô nhiễm nặng nề bởi các hóa chất, nước thải nhà máy, chất thải của chính con người. Hàng tấn cá chết nổi trên mặt nước vì chất độc, váng dầu,.. Hàng loạt hành động gây ô nhiễm môi trường của con người. Môi trường đa reo lên những hồi chuông báo động. Nếu chúng ta không khắc phục và bảo vệ môi trường thì con người sẽ không có một cuộc sống tốt thậm chí sẽ không thể tồn tại. Môi trường bị ô nhiễm sẽ dẫn tới sức khỏe của con người bị suy giảm, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp và các bệnh khác,...
Không chỉ có vậy, khi môi trường bị ô nhiễm, bị phá hoại dần dần mất đi những tài nguyên quý giá khiến con người không thể khai thác và phát triển.
Vậy mỗi con người trong xã hội chúng ta cần làm gì để bảo vệ môi trường? Ta không được xả rác thải ra môi trường đồng thời tiến hành phân loại rác và xử lí rác thải hợp lí bởi các nhà máy có quy mô và được nhà nước kiểm duyệt. Vả lại, ta nên thu gom túi nilon, giác khó phân hủy, hạn chế sử dụng túi nilon có màu,..Quan trọng hơn hết, con người bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm nước mọi lúc mọi nơi, không nên thực hiện lấp quá nhiều sông hồ để xây các dự án, nhà cao tầng,.. Mỗi con người hãy rèn luyện cho mình thói quen đi bộ và đi xe đạp tránh ô nhiễm không khí bởi khí thải từ bô xe máy, ô tô,.. Tổ chức và phát động nhiều phong trào bảo vệ môi trường, tình nguyên viên đi thu gom giác thải,... Nhất là học sinh đang ngôi trên ghế nhà trường- thế hệ tương lai của đất nước nên được giáo dục sự quan trọng của môi trường và cách bảo vệ môi trường, từ cách trồng thêm cây xanh trong khuôn viên trường, dọn rác sau giờ học..
Mỗi con người, mỗi công dân đều cần có trách nhiệm với môi trường. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, dù bất cứ ai, người lớn hay trẻ nhỏ đều phải nhận thức được rằng môi trường là nơi chúng ta phát triển, chỉ khi môi trường xanh, sạch, đẹp cuộc sống của con người mới trở nên tốt đẹp và phát triển bền vững.
Con người đã sống trên Trái đất hàng triệu năm, trải qua một thời gian dài, môi trường sống của chúng ta ngày càng bị đe dọa. Đã đến lúc con người cần phải hành động để bảo vệ môi trường, bởi bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu môi trường sống là gì. Tất cả sự sống trên Trái Đất này và mọi thứ xung quanh ta đều là nhân tố tạo nên môi trường sống. "Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên." (Theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam). Môi trường bao gồm: môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Môi trường tự nhiên bao gồm: đất đai, sông ngòi, không khí, cây cối, động thực vật,……Môi trường nhân tạo là do con người tạo nên như đường xá, nhà máy, xí nghiệp,… Tất cả những vấn đề trên đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người.
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là chủ đề nóng trên các mặt báo và nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn. Ô nhiễm môi trường bao gồm 3 loại chính là: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Trong ba loại ô nhiễm đó thì ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề là nghiêm trọng nhất, mức độ ô nhiễm vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân ô nhiễm hầu như đều xuất phát từ lý do chủ quan của con người: Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân. Nhiều người cho rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của các cấp chính quyền...trong khi số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng "chẳng ăn thua", và ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng đến mình nhiều. Và chính những suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cũng như tư duy bảo vệ môi trường của các thế hệ trẻ về sau. Việc phá hoại môi trường của một người chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng nếu gọp nhiều người lại thì rất lớn. Một tờ giấy, vỏ hộp sữa, túi ni-lông,... tuy nhỏ nhưng tích tụ lại lâu ngày sẽ gây ô nhiễm, mất mỹ quan, rác thải đọng lại trong các lô-cốt gây ra tình trạng cống thoát nước bị nghẹt mỗi khi mưa lớn hay thủy triều lên. Nguyên nhân thứ hai gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải tại một số khu công nghiệp chưa hoạt động hiệu quả, nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm được thải liên tục ra sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên. Hầu hết lượng nước thải bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm,... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên. Một ví dụ đã từng được dư luận quan tâm là trường hợp sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hóa chất thải ra từ nhà máy của công ty bột ngọt Vedan suốt 14 năm liền.
Chúng ta có nhiều lý do để bảo vệ môi trường. Môi trường là không gian sống của con người và sinh vật. Trong quá trình tồn tại và phát triển con người cần có các nhu cầu tối thiểu về không khí, độ ẩm, nước, ánh sáng,... cũng như các hoạt động vui chơi giải trí khác. Tất cả các nhu cầu này đều do môi trường cung cấp. Tuy nhiên khả năng cung cấp các nhu cầu đó của con người là có giới hạn và phụ thuộc vào trình độ phát triển của từng quốc gia và ở từng thời kì. Môi trường còn là nơi cung cấp các nhu cầu về tài nguyên cho con người như đất, đá, tre, nứa, tài nguyên sinh vật. Tất cả các tài nguyên này đều do môi trường cung cấp và giá trị của tài nguyên phụ thuộc vào mức độ khan hiếm của nó trong xã hội. Môi trường là nơi chứa đựng, đồng hóa các chất thải của con người trong quá trình sử dụng các tài nguyên thải vào môi trường. Các tài nguyên sau khi hết hạn sử dụng, chúng bị thải vào môi trường dưới dạng các chất thải. Các chất thải này bị các quá trình vật lý, hóa học, sinh học phân hủy thành các chất vô cơ, vi sinh quay trở lại phục vụ con người. Tuy nhiên chức năng là nơi chứa đựng chất thải của môi trường là có giới hạn. Nếu con người vượt quá giới hạn này thì sẽ gây ra mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường.
Để môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh, sạch, đẹp; mỗi người cần phải hành động từ bây giờ. Chúng ta cần nhớ rằng bảo vệ môi trường không hề khó khăn. Nó không hề phức tạp, và thậm chí một vài thay đổi nhỏ cũng có thể tạo ra ảnh hưởng lớn. Việc đầu tiên góp phần bảo vệ môi trường đó là nâng cao nhận thức để mọi người cùng hiểu, biết, và hành động vì môi trường cùng chúng ta. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng, và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường. Đối với cá nhân, chúng ta có thể trồng cây xanh, sử dụng túi giấy hoặc bao nilong tự hủy thay cho những chiếc túi nilong phải mất nhiều năm mới phân hủy được. Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay cho xăng, dầu nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên hiện nay.
Có thể nói, bảo vệ môi trường là một công việc cấp bách, nhưng nó đòi hỏi một quá trình lâu dài để vừa bảo vệ, vừa khắc phục những tổn hại mà con người đã gây nên. Nhưng tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng nhau sẻ chia, đóng góp những hành động dù là nhỏ nhất, thì ngày mà môi trường chúng ta trở nên xanh, sạch, đẹp sẽ không phải là một điều không thể.