Bài làm
Có một thời vang bóng xưa kia, người ta gọi là thời của những nhà nho chân chính. Thời đại đó đã trở thành niềm tự hào của thế hệ cha ông ta. Thời đại ấy đã qua đi nhưng người ta vẫn còn nhắc nhớ mãi, đặc biệt là qua thơ văn. “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” của Cao Bá Quát là tác phẩm tiêu biểu viết về nhân cách nhà nho chân chính.
Nhân cách là phẩm chất, phẩm giá của mỗi con người. Nhà nho là những người có tri thức thời xưa, đọc sách thánh hiền và có vị trí rất cao trong xã hội. Họ rất am hiểu lễ giáo, giúp ích cho nước nhà.
Trong tác phẩm, nhân cách của nhà nho chân chính được thể hiện đầu tiên ở quan điểm về con đường danh lợi. Cao Bá quát chán ghét thốt lên rằng:
“Bãi cát dài bãi cát dài ơi
Đi một bước như lùi một bước”
Ta nhận ra ở đây một niềm bi quan từ nhà thơ. Dường như sự nghiệp đậu đạt làm quan với ông quá gập ghềnh, trắc trở nên ông không còn khao khát khi nhắc đến nó nữa. Cao Bá Quát vốn là người tài cao học rộng nhưng có lẽ xã hội suy tàn mục ruỗng đã đánh mất nhân tài như ông. Bức tranh sa mạc mênh mông cát trắng với bóng người nhỏ bé đang bước đi từng bước khó nhọc hiện ra trước mắt ta. Đó là một hình ảnh rất thực và cũng bao hàm ý nghĩa ẩn dụ. Bãi cát dài là hình ảnh tượng trưng được sử dụng khéo léo để biểu đạt cho con đường danh lợi. Con đường danh lợi đầy vất vả và chông gai, khó khăn.
“Mặt trời đã lặn chưa dừng được
Lữ khách trên đường nước mắt rơi”
Ông đã đi mãi, đi mãi mà chưa tìm được cho mình chỗ đứng trong xã hội, chưa thỏa mãn ý chí lập nên công danh. Đến đây, Cao Bá Quát đã gợi nhắc sự chảy trôi liên tục của thời gian, những yếu tố thiên nhiên vũ trụ dường chính là lực cản, ngăn trở những bước đi vốn đã đầy khó nhọc trên cát. Ông thấy mình trơ trọi trênbãi cát hoang vu và rơi nước mắt – giọt nước mắt xót xa cho bao năm đèn sách, cho một xã hội đã suy tàn. Và rồi, cảm xúc dâng trào mãnh liệt hơn:
“Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non, lội suối giận khôn vơi.”
Ông đang giận ai hay giận chính bản thân ông. Có lẽ bởi vì trước những cảnh đời khổ cực của nhân dân và thời thế thay đổi, ông hết mực yêu nước thương dân nhưng vẫn chưa thể làm để đem tài năng ra giúp dân giúp nước. Ông tự trách bản vẫn thân chưa làm tròn nhiệm vụ với giang sơn xã tắc. Ông hổ thẹn vì dù đeo đuổi con đường thi cử rất lâu mà vẫn chưa có được chức danh xứng đáng để cho người đời thán phục. Lòng ông càng trở nên bế tắc. Thế nên lòng người càng trở nên bế tắc, oán hận và bi phẫn.
Ông đã nghĩ đến cách giải thoát, nghĩ mình có thể lơ đi nhưng với lí tưởng cao cả, chí khí ngoan cường, ông không thể làm điều trái với đạo lí của bản thân. Do đó thơ càng cho ta thấy được nhân cách cao quý của ông giá biết bao.
Cái nhìn của Cao Bá Quát trước cảnh xã hội mưu cầu danh lợi tiếp tục được tái hiện trong các câu thơ:
Xưa nay, phường danh lợi,
Tất tả trên đường đời.
Đầu gió hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người?
Giống như chén rượu ngon, mấy ai tránh được sự cám dỗ của danh lợi? Nhiều người lựa chọn con đường ấy, nhưng Cao Bá Quát thì không. Ông không chọn cách bon chen trên con đường ấy mà suy nghĩ khác. Sẽ có một lối rẽ nữa không nhất thiết phải là con đường ấy. Cao Bá Quát đã thể hiện quan điểm hết sức tiến bộ của mình, ông vượt qua thời đại để hướng con người tới một cuộc sống hạnh phúc hơn. Cao Bá Quát vì thế đã trở thành một biểu tượng của nhà nho chân chính, rất khác biệt so với các thế hệ trước.
Song đáng buồn thay, ông vẫn đang đi theo con đường này. Ông tự hỏi mình đang "tỉnh" hay "say"? Để rồi trút tiếng thở dài vô vọng:
Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,
Đường ghê sợ còn nhiều đâu ít.
Hãy nghe ta hát khúc "đường cùng",
Phía Bắc núi Bắc, núi muôn trùng,
Ông đứng giữa bế tắc phân vân. Không muốn đi tiếp con đường vô định ấy. Nhưng nợ nước nhà chưa thể trả, còn nợ công danh cuộc đời. Không còn một con đường nào khác ngoài sự nghiệp công danh. Bi kịch ấy không của riêng ông mà là bi kịch của thời đại, một thời đại sắp đi đến phút cáo chung.
Anh đứng làm chi trên bãi cát?
Câu hỏi vang lên vô vọng trả lời cho mâu thuẫn nội tâm của Cao Bá Quát. Ông tiếp tục khẳng định sự vô nghĩa của con đường ấy, thể hiện cái nhìn của mình: sáng suốt và đạo đức: từ bỏ cái cũ lỗi thời để đến với cái mới. Câu hỏi tu từ: "Anh đứng làm chi trên bãi cát?" như lời thúc giục, tiếng gọi khai phá lối đi mới tiến bộ.
Có thể nói, "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" là bài thơ vừa mang tính hiện thực vừa đậm tính tượng trưng, với ý thơ hàm súc, đa nghĩa. Với việc kết hợp khéo léo các biện pháp nghệ thuật, bài thơ đã tái hiện sâu sắc nhân cách của một nhà nho chân chính, thể hiện tài năng và khí phách của Cao Bá Quát. Để rồi từ đó, nó trở thành một tác phẩm tiêu biểu, có giá trị mãi với thời gian.