Bài văn mẫu lớp 11: Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua các bài Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) và Thương vợ

Đề bài: Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa qua các bài Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương.

Bài làm

Từ xưa đến nay, người phụ nữ đã trở thành đề tài muôn thuở của thi ca, từ thời kỳ văn học này sang thời kỳ văn học khác. Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương đều là những tác phẩm tiêu biểu viết về người phụ nữ Việt Nam thời xưa. Trong những tác phẩm ấy, hình ảnh người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp đáng trân trọng nhưng lại có số phận nhiều khổ đau, vất vả.

3 bài thơ ra đời ở 3 thời điểm khác nhau nhưng đều mang những giá trị chung. Trước tiên, nó tái hiện hình ảnh những người phụ nữ dưới chế độ xã hội xưa. Thời ấy, chế độ phong kiến suy tàn, mục nát, người phụ nữ luôn bị vùi dập, trói buộc bởi xã hội bất công “trọng nam khinh nữ”, chế độ đa thê, chế độ nam quyền độc đoán,… Họ gặp bao khổ đau, bất hạnh, tình duyên trắc trở, lận đận, gian truân...

Người phụ nữ trong xã hội xưa đều là những người phụ nữ có vừa đẹp người, vừa đẹp nết, rất mực thủy chung:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nỗi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son...”

(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)

Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước và tấm lòng son để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ như vậy, còn trong cảm nhận của nhà thơ Tế Xương, người phụ nữ Việt Nam còn là một người vợ đảm đang, yêu thương gia đình:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng”

Bà Tú là người phụ nữ chịu thương chịu khó hết mực chăm lo cho chồng con. Một tay bà nuôi cả gia đình, không một lời oán trách, thở than. Bà chính là hình ảnh tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam trước kia, tần tảo, vị tha.

Những người phụ nữ xưa kia mang trong mình những vẻ đẹp đáng quý như vậy nhưng xã hội nhiều bất công đã không buông tha mà quyết vùi dập họ. Số phận của họ thật bất hạnh và nhiều xót xa. Người phụ nữ không có quyền lựa chọn hạnh phúc của đời mình, luôn khát khao hạnh phúc lứa đôi. Trước một xã hội bất công, người con gái giàu sức sống và tài hoa cũng rơi vào tình cảnh lận đận gian truân:

“Bảy nỗi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”

(Bánh trôi nước)

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non (…)

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

(Tự tình II)

Câu thơ diễn tả số phận lận đận của người phụ nữ trong những lễ giáo phong kiến khắt khe chèn ép, không được quyền quyết định cuộc sống của riêng mình. Đau đớn hơn lá sự bẽ bàng, tủi hổ cảu kiếp “lấy chồng chung”. Trong màn đêm vắng lặng, một mình phải chịu đựng nỗi cô độc, trống trải. Đó không chỉ là nỗi đau của Hồ Xuân Hương khi phải làm lẽ cho người mà còn là nỗi đau của rất nhiều người phụ nữ Việt Nam. Duyên phận hẩm hiu, hạnh phúc ít ỏi, người con gái đã quá lứa, lỡ thì mà tình duyên vẫn chưa trọn vẹn. Họ chỉ mong có được niềm hạnh phúc trọn vẹn mà không bị chia năm xẻ bảy như  “Mảnh tính san sẻ tí con con”.

Nhưng nỗi vất vả chưa dừng lại ở đó, trong thơ của Tế Xương, dưới góc nhìn một người đàn ông, cảm thông thương xót cho số phận của người phụ nữ thì vợ ông – đại diện cho rất nhiều người phụ nữ thời bấy giờ vất vả gian truân nhưng luôn sống cam chịu, hi sinh cho chồng con:

“Lặn lội than cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Người vợ đáng lẽ được yêu thương, che chở nay lại đóng vai trò là trụ cột gia đình. Vì cuộc sống mưu sinh mà phải lam lũ, vất vả, dãi nắng dầm mưa, lặn lội quanh năm suốt tháng trên sông nước luôn tiềm hiểm nguy mà không ai trợ giúp. Nhưng lấy chồng duyên chỉ “một” mà nợ thì nhiều.

“Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công”

(Thương vợ)

Cuộc đời là chuỗi dài những bất công. Tuy nhiên tiềm ẩn trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam là sức sống và nghị lực vươn lên vô cùng mãnh liệt. Kể cả trong xót xa, tủi nhục, họ vẫn trỗi dậy, bất chấp những áp bức bất công:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Mỗi bài thơ lại được thể hiện bằng một phong cách riêng, thể hiện dấu ấn riêng của từng tác giả. Song với sự kết hợp nhiều nghệ thuật khéo léo, ba bài thơ đều thành công tái hiện cho người đọc hình ảnh người phụ nữ Việt Nam xưa với vẻ đẹp đáng trân trọng nhưng lại có số phận bất hạnh, nhiều khổ đau. Đồng thời vừa ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, thể hiện niềm đồng cảm trân trọng họ vừa phê phán xã hội đương thời nhiều bất công đã nhẫn tâm vùi dập bao số phận người phụ nữ. Ba tác phẩm vì thế cũng trở thành những tác phẩm tiêu biểu viết về người phụ nữ xưa.

Để rồi thời gian qua đi, đến tận hôm nay Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và Thương vợ của Trần Tế Xương vẫn còn nguyên giá trị. Nó sẽ sống mãi cùng nền văn học dân tộc.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 11


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com