Nêu những suy nghĩ và cảm xúc riêng của anh (chị) về một bài thơ (hoặc một thiên truyện ngắn) đã học

Đề bài: Nêu những suy nghĩ và cảm xúc riêng của anh (chị) về một bài thơ (hoặc một thiên truyện ngắn) đã học

[toc:ul]

Bài mẫu số 1: Nêu những suy nghĩ và cảm xúc riêng về một bài thơ (hoặc một thiên truyện ngắn) đã học

Những sự việc ấy khiến cho cuộc sống của họ thêm tù túng, ngột ngạt, không lối thoát... Trước mắt họ dường như không có tương lai tươi sáng mà chỉ có thực tại u buồn, quẫn bách. Bức tranh ấy lần thứ 2 xoáy lên một nỗi đau trong tâm hồn độc giả, bật lên thành những tiếng kêu uất ức mà không có lời giải đáp.

Bài làm

Văn học là nhân học. Hành trình của văn học thực ra chính là hành trình đi từ trái tim đến những trái tim. Chính vì thế thiên chức của nhà văn là nâng niu và trân trọng những giá trị tốt đẹp ở đời. Tích Lam chính là cây bút tiêu biểu cho sự nâng niu những số phận. Điều đó được thể hiện sâu sắc trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của ông.

Ngòi bút Thạch Lam đã hòa cùng cuộc sống, lách vào sâu những ngõ ngách tâm hồn con người để từ đó chắt lọc ra cả một bức tranh đời sống nơi phố huyện nghèo.

Bức tranh nơi phố huyện bắt đầu với cảnh nhá nhem tối và kết thúc bằng cành chờ tàu của chị em Liên và mọi người. Bóng tối đã bao phủ toàn bộ bức tranh, tạo nên bầu không khí nặng nề, u uất. Bóng tối ớ rặng tre, bóng tối ở góc quán, bóng tối ở ánh sáng lập lòe của đom đóm. Tất cả, tất cả đều chìm vào bóng tối. Cuộc sống con người nơi phố huyện vốn tẻ nhạt, nay bị màn đêm bao trùm càng trở nên côi cút, lẻ loi đến tội nghiệp. Vài đứa trẻ nhặt nhạnh nơi góc chợ hoang vắng lúc vào đêm. Chị em Liên quanh quẩn cùng quán hàng xén vốn đã vắng khách. Hàng phở của bác Siêu lặng lẽ lăn bánh.. Tất cả tháng lẻ loi với thứ ánh sáng nhỏ nhoi, heo hắt. Bức tranh ấy chợt gợi lên trong lòng người bao nỗi xót xa.

Nhưng dưới ngòi bút của Thạch Lam, truyện dừng lại trong bóng tối. Bóng tối đáng sợ song cuộc sống quẩn quanh nơi phố huyện còn đáng sợ hơn. Những người ở đây đều ở tầng lớp nghèo nàn của xã hội. Chị em Liên do túng quẫn mà bỏ thành phố về đây. Bà cụ Thi hơi điên, gia đình bác Xẩm, gánh hàng chị Tí, quán phở của bác Siêu... Những mảnh đời nghèo khó nơi phố huyện cùng tụ họp lại, nhưng chẳng thể khiến nơi đây cất lên một tiếng ồn ào. Tất cả chỉ là sự tẻ nhạt đến kinh khủng. Bao năm tháng qua đi, những con người nơi phố huyện này chỉ một lặp đi lặp lại công việc của mình, nhàm chán và tẻ nhạt như chính cuộc đời họ.

Những sự việc ấy khiến cho cuộc sống của họ thêm tù túng, ngột ngạt, không lối thoát... Trước mắt họ dường như không có tương lai tươi sáng mà chỉ có thực tại u buồn, quẫn bách. Bức tranh ấy lần thứ 2 xoáy lên một nỗi đau trong tâm hồn độc giả, bật lên thành những tiếng kêu uất ức mà không có lời giải đáp.

Tuy nhiên, tấm lòng nhân đạo của Thạch Lam đã đem đến thứ ánh sáng rực rỡ hiếm hoi. Đó là ánh sáng của đoàn tàu. Tất cả mọi người nơi đây đều chờ mong chuyến tàu cuối ngày. Con tàu là hiện thân của ước vọng, của tương lai đối với mọi người. Họ chờ đợi nó, tìm đến với ánh sáng của nó không phải chỉ để buôn bán mà thực ra là đón chờ một cái gì lạ lẫm đối với cuộc sống chung quanh đơn điệu của mình. Con tàu mang theo ánh sáng và âm thanh huyên náo, gợi nhớ về kí ức Hà Nội xa xăm trong tâm trí chị em Liên và xua đi sự u uất, tẻ nhạt nơi phố huyện.

Nó mang theo ánh sáng chói lọi, rực rỡ xé toang màn đêm rồi lại đi vào tối tăm như cũ. Hình ảnh con tàu cũng chính là sự đỡ nâng của Thạch Lam với những số phận không may mắn.

Không giống như các nhà văn khác trong Tự lực văn đoàn thường thi vị hóa cuộc sống và xã rời thực tại, Thạch Lam đã gắn chặt ngòi bút với đời sống. Ông nhẹ nhàng và lặng lẽ đến với tình người. Ân cần nâng niu và trân trọng ước mơ của con người ngay cả khi hi vọng của họ chỉ như 1 tia sáng lóe lên.

Với sự kết hợp hài hòa giữa phong cách lãng mạn và hiện thực, ngòi bút Thạch Lam đã thực sự xuất sắc khi viết về cuộc sống con người nghèo khổ, cùng những nỗi đau âm thầm, nhẹ nhàng mà day dứt, ám ảnh. Bằng những trang văn nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng, Thạch Lam đã lột tả hết cuộc sống phố huyện và cũng là cuộc sống của xã hội Việt Nam tù túng, ngột ngạt đương thời, đem đến cho người đọc những tình cảm thương xót đầy tính nhân bản.

Với ý nghĩa "Văn chương không phải là một cách để thoát li hay lãng quên, mà trái lại, văn chương "phải thực sự là thứ vũ khí thanh cao và đắc lực”, là tiếng kêu thương thoát ra những kiếp lầm than, khổ cực", Thạch Lam đã tạo cho Hai đứa trẻ niềm xúc động khôn nguôi trong trái tim người đọc.

Bài mẫu số 2: Suy nghĩ và cảm xúc riêng về một bài thơ (hoặc một thiên truyện ngắn) đã học

Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ dù đã kết thúc nhưng ám ảnh về thân phận của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa vẫn còn trong tâm trí tôi. Tôi vẫn chưa thể lí giải nổi những con người hết lòng vì chồng, con, vì gia đình tại sao lại bị đối xử một cách tàn nhẫn, bị chà đạp và khinh rẻ đến mức ấy?

Bài làm

Văn học không chỉ mang tới cho con người ta những câu chuyện về cuộc đời mỗi con người mà quan trọng hơn nó khiến cho người đọc phải suy ngẫm, nhận định, đánh giá và tự rút ra cho mình một bài học. Có lẽ chính vì những điều ấy mà các sáng tác văn học mới còn tồn tại mãi với thời gian dù có trải qua biết bao biến cố và thăng trầm. Mỗi tác phẩm mang tới một cảm nhận khác nhau và với tôi, ấn tượng mạnh mẽ nhất có lẽ chính là tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ - một tác phẩm tôi đã học trong chương trình Ngữ Văn lớp 9.

Không hề nói quá nếu khẳng định rằng Vũ Nương là một người phụ nữ có tài đức vẹn toàn. Bởi nàng không chỉ là người phụ nữ thùy mị, nết na mà ngay cả tư dung của nàng cũng tốt đẹp. Có lẽ vì thế mà Trương Sinh - con trai của một địa chủ, đã xin với mẹ đem trăm lượng vàng cưới về. Vàng được kể một cách rõ ràng, cụ thể như một cách để khẳng định giá trị của Vũ Nương với tất cả mọi người. Vì trong xã hội phong kiến xưa, địa vị của con người trong xã hội là một điều vô cùng quan trọng. Nếu môn không đăng thì hộ không đối. Người nhà giàu, có quyền thế sẽ không đời nào hạ mình nhìn xuống và cưới về một người phụ nữ kém cỏi, vô đức, bất tài. Thế nhưng chính cuộc hôn nhân không bình đẳng giữa Trương Sinh và Vũ Nương đã hé lộ những biến cố sau này trong cuộc đời của Vũ Nương. Vẫn biết là hôn nhân muốn bền vững phải dựa trên tình yêu từ hai phía, nhưng thời ấy, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Và người phụ nữ thì không có tiếng nói trong gia đình, trong xã hội. Họ như một con rối bị giật dây bởi hết thảy những người đàn ông. Lấy chồng với họ giống như đánh một canh bạc lớn, may mắn thì sẽ được yêu thương, trân trọng nhưng nếu không thì cuộc sống cũng sẽ chẳng khác địa ngục là bao nhiêu.

Đọc Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, ta sẽ thấy Vũ Nương hiện lên với những phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam truyền thống dưới chế độ xã hội phong kiến vô cùng hà khắc với họ. Vũ Nương không chỉ là một người mẹ thương con, một người con dâu hiếu thảo mà nàng còn là một người vợ hết lòng vì chồng. Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu từ xưa đến nay vốn dĩ là một mối quan hệ rất khó có thể dung hòa. Bởi những bà mẹ chồng quan niệm, con dâu là người ngoài, là kẻ khác máu tanh lòng nên hay để ý, soi mói, tìm cách dạy dỗ, ra uy với cô con dâu. Nhưng Vũ Nương thì khác, nàng được mẹ chồng hết mực yêu thương và trân trọng. Chỉ bằng một câu nói "trời xanh kia quyêt chẳng phụ con, như con đã chẳng phụ mẹ" của bà mẹ chồng trước lúc lâm chung cũng đã đủ để ta thấy bà mẹ yêu quý Vũ Nương đến nhường nào. Với Trương Sinh, Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép của một người vợ, chưa bao giờ để chồng nghi ngờ. Đặc biệt tôi ấn tượng sâu sắc với lời nói của Vũ Nương lúc tiễn chồng ra trận: "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi". Hoàn toàn khác với người ta, Vũ Nương không mong mỏi được làm bà lớn, phu nhân, cũng không mong được sống trong nhung lụa, vinh hoa phú quý mà nàng chỉ mong mỏi Trương Sinh được trở về bình yên mà thôi. Thì ra, với người phụ nữ ấy, mà có thể là tất cả những người phụ nữ giống như Vũ Nương trong thời loạn lạc lửa binh ấy, niềm khao khát lớn nhất đối với họ không gì khác chính là hạnh phúc gia đình và sự bình yên của người chồng. Chí làm trai của người đàn ông trong xã hội xưa luôn là điều lớn lao. Thêm vào đó, đạo vua tôi - một trong ba mối quan hệ để duy trì trật tự của xã hội phong kiến, khiến Trương Sinh không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước lời triệu tập của đất nước. Chiến tranh phong kiến phi nghĩa làm tan nát biết bao gia đình. Và chính nó cũng là nguyên nhân sâu xa cho số phận đau khổ và cái chết thương tâm của Vũ Nương sau này.

Những tưởng, sau tất cả những nỗ lực và cố gắng suốt ba năm Trương Sinh không ở nhà, Vũ Nương sẽ được hưởng một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc, trong tình yêu thương và trân trọng của chồng. Nhưng nghiệt ngã thay, chỉ vì lời nói ngây ngô của đứa con cùng chiếc bóng oan nghiệt, bao nhiêu tủi hờn, đau khổ của Vũ Nương phút chốc bị đạp đổ hết. Dù nàng đã cố gắng biện bạch, giày bày lòng mình để chồng hiểu và thông cảm, nhưng Trương Sinh gạt đi, bỏ hết ngoài tai những lời bênh vực Vũ Nương, khăng khăng kết tội nàng. Kết quả tất yếu của điều ấy là cái chết oan khuất của Vũ Nương. Cái chết của nàng là lời tố cáo đanh thép chế độ phong kiến với cái nhìn hà khắc với người phụ nữ - một chế độ nam quyền độc đoán, chà đạp lên nhân phẩm và danh dự của những người phụ nữ. Chiến tranh phi nghĩa cũng tạo nên bức tường ngăn cách trong mối quan hệ vợ chồng Trương Sinh - Vũ Nương. Tất cả những điều ấy đẩy Vũ Nương vào bước đường cùng, không có lối thoát. Và nàng buộc phải lựa chọn cái chết để bảo vệ cho danh dự và trinh tiết của mình.

Tôi ám ảnh nhất với chi tiết kết thúc truyện, khi Vũ Nương trở về ẩn hiện trên mặt sông và nói vọng vào bờ với Trương Sinh rồi biến mất. Điều ấy cho thấy, khi Trương Sinh biết được sự thật, hiểu được nỗi oan khiên của Vũ Nương thì sự thật đau đớn là nàng đã không còn trên thế gian này nữa. Nàng phải trả một cái giá quá đắt cho hạnh phúc mà nàng đã cất công gìn giữ. Đọc tới đây, tôi bỗng thấy thương cảm cho số phận của Vũ Nương nói riêng, của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa nói chung.

Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ dù đã kết thúc nhưng ám ảnh về thân phận của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa vẫn còn trong tâm trí tôi. Tôi vẫn chưa thể lí giải nổi những con người hết lòng vì chồng, con, vì gia đình tại sao lại bị đối xử một cách tàn nhẫn, bị chà đạp và khinh rẻ đến mức ấy? Kết cục của họ không còn cách nào khác ngoài việc lấy cái chết để chứng minh tấm lòng sắt son của mình.

Bài mẫu số 3: Bài mẫu nêu những suy nghĩ và cảm xúc riêng về một bài thơ (hoặc một thiên truyện ngắn) đã học

Giọng thơ của Bác vừa giản dị lại hồn nhiên, đôi chỗ còn có chút hóm hỉnh, mà sâu trong đó là tinh thần lạc quan, yêu đời, đầy nghị lực đã vượt qua mọi khó khăn để tiến đến những lý tưởng thật cao đẹp. Đó là tấm lòng trung thành với cách mạng, với dân tộc, là tấm lòng yêu mến thiên nhiên thật thủy chung sâu sắc của một người chiến sĩ cách mạng vĩ đại

Bài làm

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, là người Cha già kính yêu của cả dân tộc Việt Nam. Dù Người đã đi xa gần tròn 50 năm, nhưng Người vẫn sống mãi trong trái tim của từng người con Việt Nam cho dù có qua bao nhiêu năm tháng cũng không hề thay đổi. Hồ Chí Minh ngoài là một nhà chính trị, quân sự xuất sắc Người còn là một người nghệ sĩ có tâm hồn văn chương lãng mạn, lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên tha thiết mà ẩn sâu trong đó là nỗi lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Có thể nói văn chương của Bác viết nhờ hoàn cảnh mà cũng không phụ thuộc hoàn cảnh. Bởi những ngày ở Pác Bó gian khổ, Bác lại viết Tức cảnh Pác Bó với giọng thơ thật hồn nhiên, giản dị, pha chút hài hước. Những ngày tù đày trong ngục giam của quân Tưởng, tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, nhưng riêng Bác thì không, Bác vẫn viết tập thơ Nhật ký trong tù với một giọng thơ thật lạc quan, yêu đời, còn pha chút hóm hỉnh. Và trong tập thơ này có lẽ ấn tượng nhất là bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng)Bác viết trong những ngày tù giam khổ ải ấy.

Phiên âm

"Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia."

Dịch thơ:

"Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ."

Câu thơ đầu tiên đã cho thấy hoàn cảnh của người thi nhân, đó là hoàn cảnh tù túng, bốn bên là vách từng xi măng, kín mít, bẩn thỉu, trước mặt có một khung cửa thông gió, song sắt ở cao tít, tưởng chừng chỉ bằng hai bàn tay. Và trong hoàn cảnh ấy, những thú vui của người thi sĩ thường thấy là hoa thơm, là rượu nồng lại càng chẳng thể có được. Tuy thiếu thốn, đơn bạc vậy nhưng tâm hồn yêu cái đẹp của tác giả chưa bao giờ bị dập tắt bởi những cảnh khó khăn, tù túng. Tâm hồn của người thi sĩ vẫn thoát ra khỏi cái nhà tù tối tăm chật hẹp và bức bối ấy để xao xuyến với cảnh đẹp trần gian, vẻ đẹp tri kỷ của thi nhân. Bác vẫn ngắm trăng với một tâm hồn rất đỗi hồn nhiên, lạc quan, dường như Bác đang tự do chứ chẳng phải đang trong kiếp tù đày, trói buộc.

Đó là cảnh đẹp như thế nào mà lại khiến nhà thơ "khó hững hờ"? Hóa ra đó là một vầng trăng sáng dịu hiền, tỏa ra cái ánh vàng nhàn nhạt, trông thật trong trẻo êm đềm. Người thi nhân phóng tầm mắt, đưa cái tâm hồn yêu cái đẹp, yêu thiên nhiên tha thiết qua song sắt, để thấy được ánh trăng xinh đẹp ấy. Trăng đến với Bác thật tự nhiên, bất ngờ, đôi lúc làm Bác phải bối rối, bởi xưa nay cái thú vui ngắm trăng đầy tao nhã vốn là của những thi nhân nhàn nhã, lại phóng túng. Nay Bác gặp được ánh trăng đẹp, nhưng lại đương buổi cách biệt lao tù, chẳng thể nào giao hòa cùng với ánh trăng, thứ mà Bác vẫn thường xem là tri kỷ. Tuy thế nhưng dường như mọi ngăn cách cũng chẳng thể nào trói chặt tâm hồn lãng mạn, bay bổng của Bác, Người vẫn ngắm trăng say sưa, vẫn tận hưởng cái ánh trăng đang vằng vặc soi trên nền trời thăm thẳm. Trăng cũng như đáp lại cái lòng yêu, lòng thưởng thức của Bác mà len lỏi qua song sắt để đến cùng tâm tình với thi nhân.

Có người ví vui rằng Bác đã có một cuộc vượt ngục tinh thần, đúng với câu "Thân thể ở trong lao/Tâm hồn ở ngoài lao" của Bác. Tuy thế nhưng ta cũng chớ nên hiểu lầm rằng, Bác xem nhẹ và dường như không cảm nhận được cái khổ ải, rét mướt, ghẻ lở khi trong nhà lao ấy. Bởi trước khi là một thi nhân, Bác cũng là một con người có da thịt cũng biết khổ ải, đau đớn. Nhưng nhờ cái tinh thần thép, tấm lòng lạc quan, yêu đời, lại trong buổi tù đày, bỗng bắt gặp ánh trăng thật đẹp, Hồ Chủ tịch đã tạm quên những gian khổ vây quanh. Để cho tâm hồn được bay bổng, được lãng mạn, tạm gỡ bỏ cái thân thế tù nhân, để làm một thi nhân sánh bạn với ánh trăng. Điều ấy chứng minh ở Bác một tâm hồn thật thanh cao, giản dị, lại hết lòng trân trọng những vẻ đẹp của thiên nhiên, của tạo hóa. Ở Bác là sự hòa quyện sâu sắc giữa hai nhân cách thật cao cả, trước hết là người chiến sĩ cách mạng hết lòng hi sinh vì sự tự do của dân tộc của đất nước, sau là một thi nhân với tâm hồn cao quý, yêu tha thiết thiên nhiên tươi đẹp, cùng tấm lòng khao khát tự do cháy bỏng.

Giọng thơ của Bác vừa giản dị lại hồn nhiên, đôi chỗ còn có chút hóm hỉnh, mà sâu trong đó là tinh thần lạc quan, yêu đời, đầy nghị lực đã vượt qua mọi khó khăn để tiến đến những lý tưởng thật cao đẹp. Đó là tấm lòng trung thành với cách mạng, với dân tộc, là tấm lòng yêu mến thiên nhiên thật thủy chung sâu sắc của một người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, của một người nghệ sĩ tài ba, lãng mạn, sâu sắc.

Bài mẫu số 4: Bài văn nêu những suy nghĩ và cảm xúc riêng về một bài thơ (hoặc một thiên truyện ngắn) đã học

Lão Hạc chết. Cái chết của lão Hạc là cái chết cùng đường, tuy bi thương nhưng sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm.

Bài làm

Chúng ta đã từng học qua những truyện ngắn như Lão Hạc, Tắt đèn và chắc không mấy ai trong số chúng ta lại không trầm trồ thán phục tài năng nghệ thuật của Nam Cao hay Ngô Tất Tố. Với riêng tôi, dù đã đọc đi đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao rất nhiều lần nhưng dường như lần nào tôi cũng lại tìm thấy thêm được một vài điều lý thú. Nó cuốn hút tôi, lay động tôi, khi thì gợi trong tôi sự căm thù, khi lại gọi về chan chứa những yêu thương.

Lão Hạc là sản phẩm của một tấm lòng nhân đạo cao cả. Nó là tình yêu thương, là sự ngợi ca, trân trọng người lao động của Nam Cao. Giống như Ngô Tất Tố cùng nhiều nhà văn thời đó, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh người nông dân Việt Nam trước Cách mạng với những phẩm chất đáng quý, đáng yêu: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương và giàu đức hy sinh.Trước cách mạng, Nam Cao say sưa khám phá cuộc sống và tính cách của người nông dân. Trong các tác phẩm của ông, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật chính thường gắn liền với cái nghèo, cái đói, với miếng ăn và với các định kiến xã hội đã thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ vào cách nhìn của con người ở nông thôn.

Lão Hạc cũng vậy, suốt đời sống trong cảnh nghèo và cái đói. Lão đã dành hầu như cả đời mình để nuôi con mà chưa bao giờ nghĩ đến mình. Lão thương con vô bờ bến: thương khi con không lấy được vợ vì nhà ta nghèo quá, thương con phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi để ôm mộng làm giàu giữa chốn hang hùm miệng sói. Và đọc truyện ta còn thấy lão đau khổ biết nhường nào khi phải bán đi cậu Vàng, kỷ vật duy nhất của đứa con trai. Không bán, lão biết lấy gì nuôi nó sống. Cuộc sống ngày thêm một khó khăn. Rồi cuối cùng, đến cái thân lão, lão cũng không giữ được. Lão ăn củ chuối, ăn sung luộc. Nhưng lão nghĩ, lão "không nên" sống nữa. Sống thêm, nhất định lão sẽ tiêu hết số tiền dành dụm cho đứa con mình. Vậy là, thật đớn đau thay! Lão Hạc đã phải tự "sắp xếp" cái chết cho mình. Cuộc sống của nông dân ta trước cách mạng ngột ngạt đến không thở được. Nhìn cái hiện thực ấy, ta đau đớn, xót xa. Ta cũng căm ghét vô cùng bọn địa chủ, bọn thực dân gian ác.

Lão Hạc chết. Cái chết của lão Hạc là cái chết cùng đường, tuy bi thương nhưng sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm.

Đọc Lão Hạc ta thấy đâu phải chỉ mình lão khổ. Những hạng người như Binh Tư, một kẻ do cái nghèo mà bị tha hoá thành một tên trộm cắp. Đó là ông giáo, một người trí thức đầy hiểu biết nhưng cũng không thoát ra khỏi áp lực của cảnh vợ con rách áo, đói cơm. Cái nghèo khiến ông giáo đã phải rứt ruột bán đi từng cuốn sách vô giá của mình. Nhưng cái thứ ấy bán đi thì được mấy bữa cơm? Vậy ra ở trong truyện tất cả đã đều là lão Hạc. Lão Hạc phải oằn mình mà chết trước thử hỏi những người kia có thể cầm cự được bao lâu?

Vấn đề nổi bật được thể hiện trong Lão Hạc là niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của con người. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà nhà văn muốn nhắn gửi đó là một lời tố cáo. Nó cất lên như là một tiếng kêu để cứu lấy con người. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, tác phẩm nói lên tính cấp bách và yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường sống để cứu lấy những giá trị chân chính và tốt đẹp của con người.

Lão Hạc cho ta một cái nhìn về quá khứ để mà trân trọng nhiều hơn cuộc sống hôm nay. Nó cũng dạy ta, cuộc sống là một cuộc đấu tranh không phải chỉ đơn giản là để sinh tồn mà còn là một cuộc đấu tranh để bảo toàn nhân cách.

Bài mẫu số 5: Văn mẫu nêu những suy nghĩ và cảm xúc riêng về một bài thơ (hoặc một thiên truyện ngắn) đã học

Ông Sáu khi đi kháng chiến, có một đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi. Trong những năm tháng kháng chiến vợ của ông cũng đến thăm ông vài lần và lần nào ông Sáu cũng bảo mang con đến. Tuy nhiên vì chiến trường miền Đông đầy ác liệt nên vợ của ông không dám đưa Thu - tên con gái họ đi. Và ông chỉ được nhìn con qua những tấm ảnh nhỏ mà thôi

Bài làm

Trong cuộc sống có nhiều sự việc đi qua mà không bao giờ trở lại. Tuy nhiên chính bản thân sự việc đó lại để lại trong ta những kỉ niệm khó phai nhòa.

Đọc một tác phẩm cũng vậy, có những câu chuyện ta chỉ đọc một lần nhưng nó lại khắc sâu vào tâm trí mỗi chúng ta mãi mãi, riêng với bản thân tôi, truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã để lại trong tôi những dư ba, ấn tượng mà có thể nói, đến bây giờ tôi vẫn không bao giờ quên. Đặc biệt là qua đoạn trích cùng tên, với nhân vật bé Thu và ông Sáu với những tình cảm cha con đầy tha thiết và xúc động.

Ông Sáu khi đi kháng chiến, có một đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi. Trong những năm tháng kháng chiến vợ của ông cũng đến thăm ông vài lần và lần nào ông Sáu cũng bảo mang con đến. Tuy nhiên vì chiến trường miền Đông đầy ác liệt nên vợ của ông không dám đưa Thu - tên con gái họ đi. Và ông chỉ được nhìn con qua những tấm ảnh nhỏ mà thôi. Và giờ đây, khi trở về thì tình cha con ấy lại trỗi dậy trong lòng ông, ông cảm thấy nôn nao. Ngay lập tức, khi xuống thuyền, ông thấy một đứa bé chừng bảy, tám tuổi, tóc ngang vai thì ông Sáu biết ngay đó là con mình rồi chưa chờ xuồng cập bến, ông đã nhún chân nhảy thót lên bờ, vội vàng bước những bước dài rồi kêu: "Thu! con". Điều đó thể hiện một tình cảm của người cha một cách tự nhiên, quá xúc động. Chính điều này đã làm cho tôi cảm thấy dường như chính lúc này đây trái tim của người cha tội nghiệp reo lên đầy sung sướng khi sau tám năm trời mới được nhìn thấy mặt con và dường như ông cũng mong sự đáp lại tình cảm của con. Nhưng con bé lại đầy ngơ ngác, lạ lùng, không biết đó là ai. Còn ông Sáu thì vẫn đầy xúc động miệng nói không thành lợi, giọng lặp bặp: "Ba đây con"! Lúc đó chính là lúc tình cảm của người cha trào lên đến đỉnh điểm và không thể toát ra bằng lời vì ông đã quá xúc động. Sau đó ngay lập tức Thu đã chạy vào nhà còn ông Sáu thì đứng sững lại đó có lẽ do quá bất ngờ trước hành động của con. Tuy nhiên theo tôi thấy, thái độ, cách cư xử của Thu là hoàn toàn hợp lý vì Thu là một đứa trẻ và Thu cũng chưa bao giờ gặp người đó. Còn ông Sáu thì đầy thất vọng, ngỡ ngàng trước cách cư xử của con.

Sau đó, ông Sáu vẫn cố gắng để con nhận ra mình là cha. Cả ngày ông chẳng đi đâu xa, suốt ngày ở bên con, săn sóc, vỗ về con. Tuy nhiên càng gần gũi để kéo gần khoảng cách cha con bao nhiêu thì con bé lại càng đẩy ra bấy nhiêu. Ông chỉ mong có một điều là được gọi mình một tiếng "ba". Chỉ một tiếng "ba" mà thôi! Đó là một mong muốn mà với người khác có thể là điều hoàn toàn bình thường, nhưng với ông Sáu điều đó thật khó khăn. Những hành động của ông Sáu giúp đỡ con hay vỗ về nó đều bị con bé phản ứng lại. Nhưng chính cái tình cha đó đã giúp ông kiên trì vượt qua. Đến một bữa cơm, khi ông gắp trứng cá to, vàng bỏ vào bát nó thì bất thần con bé hất ra, cơm văng tung toé và không kịp suy nghĩ gì ông đã đánh một cái vào mông nó. Chính điều này đã làm ông hối hận và theo tôi thì dường như lúc đó ông muốn lại nói với nó: "Ba xin lỗi con, thực tình ba không muốn đánh con". Còn Thu thì có lẽ hơi hối hận vì việc làm của mình.

Trong ba ngày nghỉ ngắn ngủi, ông đã ở bên con nhưng con không nhận. Giờ đây ngày chia tay bà con làng xóm ông định mang theo nỗi buồn đó. Nhưng trong lúc không ai ngờ đến đó, một tiếng kêu đã xé lòng ông: "Ba... a...a... ba". Đó là tiếng "ba" đầy xót xa nghe sao mà xé lòng ta đến thế! Tiếng "Ba" đó là sự dồn nén trong Thu tám năm nay và bây giờ nó vỡ tung ra từ ngay trong sâu thẳm đáy lòng con bé. Tiếng "ba" với nó là điều khát khao hơn mọi đứa trẻ khác vì ngay từ nhỏ nó đã không có tình yêu thương của cha. Giờ đây tiếng "ba" vang lên đầy tự nhiên, ngỡ ngàng trong giây phút cuối cha con chia tay. Và bây giờ nó muốn có ba, nó bật khóc vì hạnh phúc, nó hôn tóc, hôn cổ và hôn với vết theo dài trên má của ba nó nữa. Thành ra lí do nó không nhận ba là do vết thẹo đó, nó thấy ra lí do nó không nhận ba là do vết thẹo đó, nó thấy trong ảnh ba nó khi đánh Tây thì nó mới hiểu ra. Nhưng vừa nhận ra thì cũng là lúc phải chia tay. Sung sướng và có lẫn sự xúc động ông ôm con và tạm biệt nhưng con bé không muốn ba phải đi. Cho đến khi ông hứa mua cho nó một chiếc lược thì nó mới để cho ba nó đi.

Ở chiến trường tuy chiến tranh đầy ác liệt nhưng anh vẫn cố công làm bằng được chiếc lược ngà.

Trong khi làm, anh cảm thấy vui vui như đứa trẻ nhận được quà. Anh cố gắng làm tỉ mỉ, thận trọng cố công như người thợ bạc. Khi chiếc lược được làm xong anh cảm thấy sung sướng vì mình như đã thực hiện được phần nào lời hứa. Sau đó anh lại khắc trên sống lưng chiếc lược "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Hàng đêm nhớ con anh lại đem lược ra ngắm chải lên đầu cho lược thêm bóng, mượt. Điều đó đã làm cho tôi xúc động về tình cảm đầy thiêng liêng của người cha dành cho con. Rồi một chuyện không may xảy ra, đó là anh Sáu hi sinh. Trong giờ phút cuối cùng, tuy không đủ sức trăng trối, nhưng phải chăng tình cha con vẫn sống và trỗi dậy trong con người anh. Anh đưa chiếc lược cho Ba - một người đồng đội thân thiết và nhìn Ba hồi lâu như trăng trối rằng: "Hãy đưa chiếc lược này đến cho Thu". Cái nhìn đó có thể nói rằng đó là cái nhìn của sự nhờ cậy, tin cậy, gửi gắm cả tâm hồn anh qua đó. Đọc đến đây, tôi cảm thấy như mình đang sống cùng nhân vật, trong cùng một hoàn cảnh và tôi cảm thấy có một cái gì đó bức bối, ngột ngạt trong tôi. Phải chăng tôi quá xúc động? Đó là sự xúc động trước tình cha con đầy thiêng liêng, cao quý, nó có thể trỗi dậy ngay cả khi con người ta đang đối mặt giữa sự sống và cái chết. Khi nhân vật Ba nhận lời thì anh mới nhắm mắt tức ước nguyện xem như được chấp nhận.

Sau này, bác Ba đã gặp Thu - giờ đây là cô gái giao liên đầy dũng cảm và bác đã trao lại kỉ vật đó cho Thu.

Qua tác phẩm chúng ta có thể thấy vì hạnh phúc của con người cha sẵn sàng làm tất cả và ngay khi chúng ta sắp chết thì tình phụ tử nó luôn trỗi dậy. Nó giúp cho tôi nhận thấy tình phụ tử là một tình cảm đầy thiêng liêng và đáng trân trọng. Đồng thời qua đây tôi cũng muốn gửi gắm một bức thông điệp: Chúng ta cần phải giữ gìn và quý trọng tình phụ tử vì đó là tình cảm đầy thiêng liêng.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 11


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com