Bàn về lợi ích và hứng thú của việc tự học

Đề bài: Bàn về lợi ích và hứng thú của việc tự học

[toc:ul]

Bài mẫu số 1: Bàn về lợi ích và hứng thú của việc tự học

Cuộc sống hiện đại ngày nay rất thích hợp và thuận lợi cho việc tự học. Bạn có thể tự học mọi lúc mọ nơi. Tự học qua sách vở tài liệu, tự học qua mạng Internet. Rất nhiều người tự học thêm ngoại ngữ thêm các kĩ năng hữu ích qua mạng. Ngay từ ngày xưa, Bác Hồ cũng đã tự học thành thạo hơn hơn hai mươi thứ tiếng trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước.

Bài làm

Thành công là đích đến mà rất nhiều người hướng tới trong cuộc sống. Mỗi người lại có một lựa chọn riêng về con đường đi đến thành công. Đặc biệt, trong thời đại mới, phương pháp rèn luyện để thành công lại càng nhiều hơn. Song, dù cho ở thời điểm nào đi nữa, tự học vẫn là một trong những biện pháp tích cực nhất.

Học tập là quá trình tất yếu để sống và thành công, như vị lãnh tụ vĩ đại Lênin từng khẳng định: "Học, học nữa, học mãi". Không ai có thể thành công mà không học tập. Học là tiếp thu tri thức, nâng cao vốn hiểu biết của bản thân mình bằng nhiều phương pháp. Bạn có thể học ở trường, học từ những người thân thiết, gần gũi nhất, từ những người xung quanh...và tự học. Tự học là chủ động và độc lập tìm hiểu, lĩnh hội tri thức, hình thành kỹ năng cho bản thân. Tự học là tự mình tìm hiểu nghiên cứu, thu nhặt các kiến thức, tự luyện tập mà không cần sự hướng dẫn, nhắc nhở hay ép buộc của người khác. Tự học là hoàn toàn chủ động cố gắng.

Có rất nhiều người tự học mà trở nên thành đạt, thành công. Vậy vì sao cần tự học? Tự học sẽ tác động đến chúng ta như thế nào?

Trước tiên, cần hiểu rằng kho tàng tri thức của nhân loại trải qua hàng nhiều thập kỉ tích lũy là vô cùng vô tận, không phải 1 thời gian ngắn có thể lĩnh hội được. Việc học tập tại môi trường sư phạm, trường học chi cung cấp cho chúng ta một lượng tri thức rất nhỏ trong kho tàng ấy. Muốn tiếp thu được nhiều hơn, đầy đủ hơn, chúng ta phải chủ động. Tự học chính là phương pháp hữu ích nhất dể nhanh chóng tiếp cận được nhiều tri thức hơn.

Tự học có thể mang đến cho chúng ta rất nhiều giá trị tích cực, bao gồm lợi ích và hứng thú của nó. Tự học rèn luyện tính chủ động, chủ động tìm hiểu, học tập, nghiên cứu. Tự học giúp bản thân khám phá thêm nhiều tri thức mới đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn kiến thức đã tiếp thu. Từ đó giúp chúng ta phát triển khả năng độc lập trong tư duy, hành động. Người chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức sẽ thích nghi cao, linh hoạt trong mọi tình huống, hoàn cành, tự làm chủ được suy nghĩ và cuộc sống của chính mình.

Không những thế, so với việc tiếp thu một cách bị động, chủ động tìm hiểu tri thức, bản thân sẽ ghi nhớ lâu hơn và vận dụng được tri thức đó vào thực tiễn thành thạo ích hơn. Đặc biệt, tự học còn giúp con người trở nên năng động, sáng tạo, không ỷ lại, không phụ thuộc vào người khác. Người có ý thức tự học sẽ tự nhận biết, tự ý thức ưu nhược điểm của mình, tự khắc phục và tự hoàn thiện bản thân.

Cuộc sống hiện đại ngày nay rất thích hợp và thuận lợi cho việc tự học. Bạn có thể tự học mọi lúc mọ nơi. Tự học qua sách vở tài liệu, tự học qua mạng Internet. Rất nhiều người tự học thêm ngoại ngữ thêm các kĩ năng hữu ích qua mạng. Ngay từ ngày xưa, Bác Hồ cũng đã tự học thành thạo hơn hơn hai mươi thứ tiếng trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước. Các nhà khoa học vĩ đại trong văn minh nhân loại như Edison, Faraday đều là tấm gương sáng cho tinh thần tự học. Nhờ tự học, họ đã cống hiến cho nhân loại rất nhiều phát minh vĩ đại.

Một trong những lợi ích lớn nhất của tự học là chúng ta có thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng, sâu sắc những vấn đề mình tâm đắc, phát triển khả năng phát hiện và tư duy lô-gic sáng tạo. Trong quá trình tự mình chiếm lĩnh tri thức, bạn có thể nhanh chóng tìm thấy đam mê của mình đối với lĩnh vực nào đó. Hứng thú sẽ được tạo ra khi con người ta làm thứ mà mình yêu thích. Việc học tập nhờ vậy cũng trở nên hấp dẫn và thú vị hơn rất nhiều.

Tự học thực sự là phương pháp hữu ích cho phát triển bản thân, đưa đường dân lối đam mê đến thành công. Người có tinh thần tự học luôn chủ động trong cuôc sống, sẵn sàng linh hoạt ứng phó những trở ngại, bất lợi và tự tin thể hiện, tự tin khẳng định bản thân.

Tuy vậy, tự học không phải việc ai cũng làm được. Làm thế nào để tự học hiệu quả nhất? Ta cần hiểu rằng tự học là cả một quá trình lâu dài, muốn tự học tốt thì trước tiên phải xác định mục tiêu, kiên trì và nỗ lực với mục tiêu đó. Rèn tính chủ động, tự giác trong mọi hoàn cảnh, không chờ đợi, phụ thuốc vào người khác. Nhưng chủ động không có nghĩa là sống tách biệt, từ chối sự giúp đỡ của mọi người. Vừa tự giác chủ động vừa phải lắng nghe và tiếp thu những điều bản thân chưa biết, chưa rõ, sẵn sàng đón nhận thất bại và sửa chữa bản thân để trở nên tốt đẹp hơn.

Tri thức quan trọng nhưng không phải toàn năng, lý thuyết phải đi đôi với thực hành. Chủ động với tri thức cũng phải chủ động thực hành, ứng dụng vào thực tiễn. Nếu chỉ tự học mà không vận dụng, việc tự học sẽ trở nên vô nghĩa.

Có rất nhiều cách để thành công xong tự học chính là con đường ngắn nhất. Học tri thức, học cách sống và cách làm người, học mọi lúc mọi nơi nhưng phải có chọn lọc. Kiên trì và quyết tâm tự học, thành công nhất định sẽ mỉm cười với bạn.

Bài mẫu số 2: Nghị luận về lợi ích và hứng thú của việc tự học

Trong nhà trường, đó là những học sinh lười biếng, không cố gắng chăm lo học tập, kiến thức nông cạn, dở dang. Trong xã hội còn có những kẻ tự kiêu, tự mãn khi đã đạt được bằng cấp mà không chịu tiếp tục học hỏi. Và đương nhiên những kẻ dó đáng bị chê trách vì đã không nghe theo lời khuyên bảo tốt đẹp này. Ngoài ra, thực tế ngày nay cho thấy nhiều cách học chưa mang lại hiệu quả cao

Bài làm

Học hỏi là quyển sách không trang cuối cùng, đồng thời là một việc rất quan trọng đối với cả nhân loại từ ngàn xưa cho đến nay. Nó giúp con người mở mang kiến thức, giúp cho đất nước văn minh, tiến bộ. Chính vì vậy con người đã sáng tạo ra rất nhiều cách học nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho bản thân, trong đó tự học là cách học tốt nhất đem lại lợi ích và hứng thú, giúp ta tiến bộ hơn trong quá trình học tập.

Vậy học là gì? Học là việc học sinh tiếp thu kiến thức của nhân loại dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo... Học là quá trình con người tiếp thu những kiến thức, kĩ năng do người khác truyền lại về khoa học tự nhiên như toán, lí, hoá... và khoa hoaxã hội như văn, sử, địa... Còn tự học là gì? Tự học là việc con người tự mình tiếp thu những kiến thức, kĩ năng đã được truyền lại bằng chính sức lực, khả năng của riêng mình. Tự học là không ai bắt buộc mà tự mình tìm tòi, học hỏi để hiểu biết thêm.

Trạng nguyên lừng danh Mạc Đĩnh Chi, lúc nhỏ nhờ biết chủ động tự học, sáng tạo cách học bằng việc bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để lấy ánh sáng đọc sách mà sau đỗ Trạng, đi sứ làm rạng danh nước nhà, được phong “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên”, được ghi vào sử sách nhân loại về những tấm gương tự học sáng ngời. Lịch sử khoa học - nghệ thuật thế giới đã có những tấm gương tự học vĩ đại: nhà bác học Ê-đi-xơn, tác giả của hàng ngàn phát minh khoa học có ích cho nhân loại; đại văn hào Nga Mácxim Gorki, người coi cuộc sống là “những trường đại học của tôi”...

Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng là tấm gương tự học tập và học tập suốt đời. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Bác viết: “Lấy tự học làm cốt”.Ngày 21/7/1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khoá I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lí luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, tr. 215). Bác phê phán nghiêm khắc tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cho mình là giỏi nhất thiên hạ.Năm 1957, Người nói với lớp lí luận chính trị khoá I trường Nguyễn Ái Quốc: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết.Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập” (Sđd, tập 8, tr. 499). Trước khi ra đi tìm đường cứu nước (1911), Bác đã học lớp trung đẳng (lớp nhì) tại Trường Quốc học Huế và lớp cao đẳng (lớp nhất) ở Trường Tiểu học Quy Nhơn với thầy Phạm Ngọc Thọ. Nhưng Bác chỉ nhận mình tự học và trên thực tế, cả cuộc đời Bác vẫn tự học là chính. Năm 1935, dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Người ghi vào phiếu lí lịch của mình như sau: Trình độ học vấn: tự học; ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Đức, Ý, Trung Quốc. Bác học ngoại ngữ, học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại, đặc biệt là văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây. Người biết và sử dụng thông thạo trên mười ngoại ngữ nhờ tự học chứ không qua một trường đào tạo chính quy nào. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân. Người học từ thực tiễn sinh động ở các nước đế quốc, nước thuộc địa, ở phong trào cách mạng trên thế giới. Đại tướng Hoàng Văn Thái kể rằng, năm 1969, mỗi lần đến làm việc, ông thường thấy trên chiếc bàn con bên giường của Bác để đầy sách báo đang xem. Ông lo lắng đến sức khoẻ của Bác, nên đề nghị: “Thưa Bác, Bác mệt, Bác nên đọc ít, để nhiều thời gian nghỉ ngơi thư thả cho lại sức”. Bác trả lời, giọng như tâm sự mà rành rẽ, dứt khoát từng lời: “Chú bảo Bác không đọc sách báo ư? Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết và nhất là để nắm vững tình hình chứ!”. Những cuốn sách Người đọc ở thời gian cuối đời là các cuốn: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông, Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, The truth about Vietnam (Sự thật về vấn đề Việt Nam, NXB Green Leaf Classic, 1966). Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

“Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể

Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mĩ, châu Phi

Những đất tự do những trời nô lệ

Những con đường cách mạng đang tìm đi...”.

Vì sao tự học lại bổ ích? Bởi vì kiến thức của nhân loại bao la mênh mông như biển cả, còn sự hiểu biết của mỗi người trong chúng ta chỉ nhỏ như giọt nước. Hơn thế nữa, mỗi giây phút trôi qua, trên hành tinh của chúng ta lại có một phát minh mới ra đời, vì thế không bao giờ chúng ta học được hết những kiến thức đó và cũng vì thế mà chúng ta phải luôn luôn học tập không ngừng.Ởbất cứ bộ môn nào, lĩnh vực nào, kiến thức cũng liên tục thay đổi theo những kết quả nghiên cứu mới, đáp ứng yêu cầu do cuộc sống đặt ra. Trong khi đó, kiến thức ở trường học phải theo mộtkhung chương trình nhất định, phù hợp với nhiều đối tượng, nên có khì không bắt kịp sự thay đổi đó, không đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người học.Tự học giúp chúng ta bổ khuyết nền giáo dục ở trường, bắt kịp những thức phong phú, mới mẻ, đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Dù làm ngành gì, nghề gì cũng cần tự học thường xuyên. Nếu không kiến thức của chúng ta sẽ trở nên lạc hậu, cũ mòn.

“Nhà bác học không có nghĩa là ngừng học”.

(Đác-uyn)

Vì sao tự học lại hứng thú? Bởi vì cũng giống như V. Huy-gô từng ca tụng thú di chơi bộ: “Người ta được tự chủ, tự do, người ta vui vẻ. Người ta đi, người ta ngừng, người ta lại di, không có gì bó buộc, không có gì ngăn cản”. Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian. Ta cũng được tự do, muốn đi đâu thì đi, ngừng đâu thì ngừng. Tóm lại, tự học là một thú vui rất thanh nhã, nó nâng cao tâm hồn ta lên. Ta thấy như tự bắc được một cái cầu giữa tâm hồn ta và tâm hồn của các danh nhân trong muôn thuở.

“Sự học xua đuổi sự chán ngán, khuây khoả được nỗi buồn rầu, tiêu tan được niềm đau đớn. Nó làm vui vẻ và đông đúc cái cảnh cô tịch”.

(Lê-guy)

Nhưng thật đáng tiếc là có những người làm ngược lại với tinh thần tự học. Trong nhà trường, đó là những học sinh lười biếng, không cố gắng chăm lo học tập, kiến thức nông cạn, dở dang. Trong xã hội còn có những kẻ tự kiêu, tự mãn khi đã đạt được bằng cấp mà không chịu tiếp tục học hỏi. Và đương nhiên những kẻ dó đáng bị chê trách vì đã không nghe theo lời khuyên bảo tốt đẹp này. Ngoài ra, thực tế ngày nay cho thấy nhiều cách học chưa mang lại hiệu quả cao. Học sinh ngày nay đã quá phụ thuộc vào các bài giảng của thầy cô trên lớp, thầy cô dạy như thế nào thì hiểu và học như thế ấy dẫn đến quá trình thụ động, thiếu suy nghĩ và sáng tạo trong lúc học để đào sâu kho tàng kiến thức còn ẩn sâu trong các bài giảng của thầy cô. Việc học thêm tràn lan càng khiến học sinh không chịu tự học, càng thêm phụ thuộc vào việc học thêm. Thêm vào đó, ngày nay, việc học được nâng cao, có quá nhiều sách tham khảo, văn mẫu, hướng dẫn... dẫn đến việc học sinh lười suy nghĩ trong khi làm các bài tập. Hậu quả của những điều đó rất nặng nề vì như vậy sẽ dễ dẫn đến hiện tượng “học vẹt”, học thuộc bài nhưng không hiểu nội dung, vấn đề được nêu ra trong bàinên học xong là quên ngay, kiến thức không bền, sẽ không làm được các bài tập thực hành, chỉ học lí thuyết suông, kiến thức sẽ ngày càng rỗng, thành tích học tập sẽ càng sút kém khiến học sinh nản chí. Kiến thức đã trang bị không chắc chắn thì kết quả học tập sẽ không bao giờ cao.

“Sự học như con thuyền đi ngược dòng nước, không tiến ắt phải lùi.”

Vậy chúng ta sẽ tự học như thế nào? Chính những thực tế dược nêu trên lại càng khẳng định việc tự học cho bản thân là rất quan trọng. Nó chính là một chiếc chìa khoá đưa ta đến kho tàng tri thức, là điều kiện giúp ta thành công trong học tập. Nếu chúng ta biết tự học cho bản thân thì chúng ta chắc chắn sẽ thành công và nâng cao được tri thức của chính mình. Tự học giúp con người có được ý thức tốt nhất trong quá trình học: chủ động suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, nghiên cứu và nắm được bản chất vấn đề, từ đó, tự học giúp ta tiếp thu được kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau như sách báo, truyền hình, bạn bè hoặc từ những người xung quanh, những kinh nghiệm sống của nhân dân. Tự học giúp ta có thể chủ động ghi nhớ các bài giảng trên lớp, tiết kiệm được thời gian, có thể tiếp thu một lượng kiến thức lớn mà vẫn hiểu và nắm chắc bài học. Và qua tự học, từ lí thuyết, chúng ta biết chủ động luyện tập thực hành, giúp ta có thể nhanh chóng hình thành kĩ năng, củng cố và nâng cao kiến thức đã học. Vì vậy, chủ động tự học sẽ giúp ta tìm ra được phương pháp học tốt nhất, mang lại hiệu quả cao cho chính bản thân mình.

Tóm lại, tự học là cách tốt nhất đem lại lợi ích và hứng thú, mang lại một kết quả học tập cao nhất. Nếu chúng ta biết nỗ lực tự học, chúng ta sẽ thành công, sẽ có một tương lai rộng mở cho chính mình. Nếu học tập thành công, chúng ta sẽ trở thành những người có ích cho xã hội, cho đất nước. “Cần phải học thường xuyên. Nghĩa là việc học tập không chỉ là công việc ở nhà trường. Nhà trường chỉ cho ta chiếc chìa khoá đểta có học thức. Học ở ngoài trường là một việc suốt đời! Con người phải suốt đời trau dồi cho mình có kiến thức ngày càng rộng thèm”.

Bài mẫu số 3: Văn mẫu bàn về lợi ích và hứng thú của việc tự học

Tự học luôn có một sức mạnh kì diệu cho những ai thực sự biết trân trọng việc tự rèn quý giá đó. Một con người từ tuổi lên mười là Maxim Goorki đã sớm chịu cảnh đắng, cay, chua chát của cuộc đời kiếm sống, rồi cũng từ chí lớn của tinh thần tự học mà vươn lên trở thành một văn hào vĩ đại của nước Nga và thế giới. Hồ

Bài làm

Tự học là một quá trình tự rèn luyện đầy gian khổ nhưng cũng vô cùng quý giá vì người tự học luôn là người có ý thức tự lập, tự chủ cao và trưởng thành nhanh chóng. Đó là người biết đem lời giảng dạy của Bác Hồ: “Lấy tự học làm gốc” đế’ thử thách bản thân rất nghiêm khắc. Đó cũng là người biết tâm niệm rằng: “văn hóa không nhận được từ ngoài vào mà là kết quả của việc làm bên trong, một việc làm của mình với mình”. Thực tế cuộc sống cũng đã chứng minh có rất nhiều tấm gương tự học của các danh nhân chính trị, nhà văn hóa hay khoa học lớn thành nhân và thành danh phần quan trọng là nhờ con đường tự học.

Như chúng ta đều biết: Tự học là để tự bổ túc kiến thức và cập nhật hóa thông tin phong phú trong cuộc sống xã hội. Tự học là để phát triển chính mình.

Tự học luôn có một sức mạnh kì diệu cho những ai thực sự biết trân trọng việc tự rèn quý giá đó. Một con người từ tuổi lên mười là Maxim Goorki đã sớm chịu cảnh đắng, cay, chua chát của cuộc đời kiếm sống, rồi cũng từ chí lớn của tinh thần tự học mà vươn lên trở thành một văn hào vĩ đại của nước Nga và thế giới. Hồ Chủ Tịch kính yêu của non sông Việt Nam cũng là một tấm gương điển hình của nghị lực phi thường vươn lên từ những sóng gió tàn nhẫn của cuộc sống để nuôi chí lớn cứu nước, cứu dân. Con đường tự học của Bác thực sự là bài học giáo dục lớn cho mọi thế hệ người Việt Nam noi theo.

Chí lớn lập nghiệp của tuổi trẻ được biểu hiện bằng con đường tự học, từ đó, dễ dàng hội nhập cộng đồng văn minh, tiến bộ. Bởi để chiếm lĩnh trí thức nhiều mặt thì với vốn văn học nghèo nàn, tiến bộ, con người sẽ không bao giờ có được tài sản văn hóa quý báu. Vì vậy, noi gương những tấm gương mẫu mực, sáng ngời đã và đang có rất nhiều trong sử sách xưa và trong cuộc sông thực tế hôm nay, ta hãy coi tự học như một con đường thử thách rèn luyện ý chí đi lên của mình trên con đường lập nghiệp.

Kiến thức tự học bao giờ cũng bền vững, lâu dài. Vì tự học bao giờ cũng diễn ra theo một quá trình hoạt động của nhận thức. Nhận thức đó càng chủ động càng nhiều sáng tạo và cụ thể. Tri thức của người tự học thực chất là tri thức của quá trình tư duy bên trong của mỗi cá thể tự học. Ngày nay, không có nền giáo dục hiện đại nào lại không chú ý đề cao sự nỗ lực tự học của mỗi cá nhân. Như vậy, sự đòi hỏi của xã hội dành cho mỗi cá thế cũng rất rõ rệt: đó là hãy tự học để nhanh chóng hoà nhập cộng đồng văn hóa dân tộc. Thời đại thông tin siêu tốc ngày nay lại càng đặc biệt cần những đỉnh cao trí tuệ của mỗi thành viên trong thời đại đó.

Vậy, tự học cuối cùng vẫn là một con đường sống, con đường thành đạt tốt nhất của con người hội nhập. Xét đến cùng: tự học luôn là vấn đề then chốt của giáo dục, đào tạo. Việc đề cao quá trình tự học trong bối cảnh hiện nay của nước nhà của nhân loại hoàn toàn mang ý nghĩa chiến lược vô cùng thiết thực và sâu sắc.

Bài mẫu số 4: Bài mẫu bàn về lợi ích và hứng thú của việc tự học

Tự học là phương pháp học tập cần thiết đối với mỗi người. Nhưng phải làm thế nào để phương pháp này đạt được hiệu quả tối ưu? Trong quá trình học tập, việc xác định mục đích, xây dựng động cơ, lựa chọn phương pháp, hình thức tự học hợp lí là cần thiết

Bài làm

Trong quá trình học tập bao giờ cũng có tự học, nghĩa là tự mình lao động trí óc để chiếm lĩnh kiến thức. Đây là hình thức học tập không thể thiếu của người học. Tự học một cách hợp lí và khoa học thường mang lại những hiệu quả học tập rất lớn. Chất lượng và hiệu quả giáo dục được nâng cao khi và chỉ khi tạo ra được năng lực sáng tạo của người học, khi biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Tất nhiên, trong tự học, bước đầu thường có nhiều lúng túng nhưng chính những lúng túng đó lại là động lực thúc đẩy sinh viên tư duy để thoát khỏi “lúng túng”, nhờ vậy mà thành thạo lên, từ đó biết tự phát hiện và đi vào nghiên cứu các vấn đề.
 
Tại sao chúng ta lại cần phải tự học?
 
Ai cũng biết rằng những kiến thức trong cuộc sống là vô cùng, vô tận. Do yêu cầu của cuộc sống, chúng ta càng tiếp cận nhiều với những tri thức ấy càng tốt. Nhưng nhà trường chỉ cung cấp được một phần nào, trong đó phần lớn khối lượng còn lại là do chúng ta tự chiếm lĩnh. Và để chiếm lĩnh được chúng thì cách duy nhất là tự học. Tự học để làm phong phú thêm những kiến thức đã được trang bị; tự học khám phá thêm những tri thức mới, làm tăng vốn sống và khả năng hiểu biết. Bên cạnh đó, tự học còn là phương pháp mà ta có thể chủ động trong việc học tập nghiên cứu, chủ động trong việc quản lí thời gian cá nhân, có thể đi sâu vào khai thác những vấn đề mà bản thân có khả năng hoặc cảm thấy tâm đắc... Tự học mang lại hứng thú và lợi ích rất lớn.
 
Phương pháp tự học có tác dụng bồi dưỡng năng lực tự học, kĩ năng tự học làm cầu nối giữa học tập và nghiên cứu. Trước hết, tự học có ý nghĩa lớn đối với bản thân người học để hoàn thành nhiệm vụ học tập của họ đối với chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy học - đào tạo trong nhà trường. Tự học là sự thể hiện đầy đủ nhất vai trò chủ thể trong quá trình nhận thức của sinh viên.

Trong quá trình đó, người học hoàn toàn chủ động và độc lập, tự lực tìm tòi, khám phá để lĩnh hội tri thức dưới sự chỉ đạo, điều khiển của giáo viên. Như thế mà phát triển khả năng độc lập trong tư duy, làm việc, khỏng dựa dẫm vào người khác của học sinh. Sau khi đã chiếm lĩnh một cách chủ động những tri thức trong nhà trường, tự học giúp học sinh mở rộng thêm khả năng và tầm hiểu biết của mình từ những kiến thức ngoài nhà trường và trong xã hội. Cùng với những nhu cầu đổi mới của xã hội, mỗi người học cần phải là người tự mình chiếm lĩnh hệ thống tri thức, kĩ năng để nắm vững những cơ sở nghề nghiệp tương lai và có tiềm năng vươn lên thích ứng với những yêu cầu trước mắt và lâu dài do thực tiễn xã hội đặt ra, tự học không chỉ đòi hỏi năng lực nhận thức thông thường mà còn cần tiến hành hoạt động nhận thức mang tư duy độc lập, sáng tạo, phát triển tư duy. Một người có phương pháp và chủ động trong việc chiếm lĩnh tri thức sẽ có khả năng thích nghi cao trong mọi hoàn cành, thành công trong cuộc sống.
 
Tự học có thể diễn ra moi lúc, mọi nơi. Trong quá trình tự học, chúng ta có thể tự lên kế hoạch, sắp xếp thời gian một cách hợp lí. Tự học, người học có thể dành thời gian cho việc ôn lại những kiến thức đã học ở trường, ở những khía cạnh chưa hiểu thấu đáo có thể tìm hiểu thêm cho hiểu rõ ràng hơn. Không chỉ có vậy, nhờ có thể chủ động trong việc lựa chọn tri thức để tiếp nhận nên người học cũng có thể dành thời gian để đào sâu tìm hiểu những vấn đề mà mình cảm thấy tâm đắc, những vấn đề gây nhiều tranh luận, từ đó phát triển khả năng phát hiện và tư duy lô-gic sáng tạo. Niềm đam mê và hứng thú học tập cũng được tạo ra từ đó vì tất nhiên, làm một việc gì đó theo sở thích sẽ đem lại cho con người ta sự vui thích.
 
Việc học tập nhờ thế mà trở nên hấp dẫn và thú vị hơn rất nhiều, ở các nước phát triển, việc giáo dục dựa trên cơ sở thực tiễn, phát huy khả năng tự học và tự nghiên cứu của học sinh rất được chú trọng. Giờ lên lớp, học sinh được thoải mái trao đổi, thảo luận, phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan đến bài học. Nội dung bài học được cung cấp dưới dạng các tài liệu và sách tham khảo cho học sinh tự tìm hiểu. Việc kiểm tra lại lượng kiến thức học sinh đã tiếp thu thường thực hiện dưới hình thức các bài luận, là kết quả của quá trình tự nghiên cứu, tìm hiểu của học sinh cũng như chính kiến của riêng họ. Có thể nói, phương pháp này đã phát huy được một cách tối đa khả năng sáng tạo của học sinh đồng thời bắt họ thực sự làm việc, tụ học, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu, để cuối cùng có thể tự tin hơn trong việc thể hiện mình trước đám đông. Đó là điều không hề đơn giản và góp phần quan trọng vào việc tự học.
 
Tự học là phương pháp học tập cần thiết đối với mỗi người. Nhưng phải làm thế nào để phương pháp này đạt được hiệu quả tối ưu? Trong quá trình học tập, việc xác định mục đích, xây dựng động cơ, lựa chọn phương pháp, hình thức tự học hợp lí là cần thiết. Song điều quan trọng là người học phái có hệ thống kĩ năng tự học. Tùy theo từng người sẽ có những phương pháp tự học khác nhau. Thông thường, một chu trình tự học nên gồm ba giai đoạn: Đâu tiên là giai đoạn tự nghiên cứu: Người học tự tìm tòi, quan sát, mô tả, giải thích, phát hiện vấn đề, định hướng, giải quyết vấn đề, tự tìm ra kiến thức mới.

Sau đó cần phải biết cách tự thể hiện mình, tức người học tự thể hiện những điều mình đã tìm hiểu ra bằng vãn bản, bằng lời nói, tự trình bày, bảo vệ những gì mình đã học và tìm tòi được. Các kiến thức đã học được cần phải trải qua một giai đoạn nữa để tự kiểm tra, điều chỉnh. Vì khi tự học, người học tự chủ động trong việc tìm kiếm tri thức và các nguồn tư liệu. Bởi vậy cần phải có giai đoạn tự kiểm tra xem mức độ đúng, sai, phù hợp, không phù hợp và tự điều chỉnh cho tri thức trở thành tri thức đúng. Vận dụng một cách phù hợp, đây sẽ không chỉ là một phương pháp nâng cao hiệu quả học tập mà còn là mục tiêu quan trọng của học tập.
 
Bên cạnh đó, để thành công trong phương pháp này bạn phải có một thòi gian biểu chi tiết và hợp lí; phải cân bằng giữa việc học ở trường, học thêm, tự học ở nhà với các lịch sinh hoạt khác. Sách tham khảo cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Tự học cũng đồng nghĩa với việc khối lượng kiến thức phải tự giải quyết rất lớn, cần phải biết lựa chọn những tài liệu tham khảo phù hợp, chính xác, tránh để bị loãng về kiến thức. Đồng thời cũng không vì tự học mà để mình quá sa đà vào một lĩnh vực nào đó. Điều này cùng đồng nghĩa với việc tuy hiện nay, tự học là một phương pháp học cần thiết nhưng hiệu quả và chất lượng của nó như thế nào thì vẫn phụ thuộc rất lớn là ở người học.
 
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, của những tri thức mới, sự tăng lên gấp bội của sáng tạo công nghệ và kĩ thuật, sự mở rộng của các ngành nghề... đòi hỏi con người phải có năng lực tự học, tự đào tạo để thích ứng. Hãy lựa chọn cho mình một hình thức tự học phù hợp để có thể có được những kết quả học tập tốt nhất.

Bài mẫu số 5: Bài văn bàn về lợi ích và hứng thú của việc tự học

Tự học giúp mọi người trở nên chủ động hơn, tiếp nhận kiến thức một cách sâu và cặn kẽ hơn rất nhiều. Nó cũng đồng thời kích thích não chúng ta tư duy và tránh tình trạng ỉ lại. Thế nhưng trên thực tế hiện nay việc tự học cũng trở nên khó khăn với rất nhiều bạn trẻ. Do có quá nhiều thứ đang cám dỗ và vây lấy khiến các bạn không còn cảm hứng dành cho việc nghiên cứu.

Bài làm

Trong xã hội ngày nay khi đời sống ngày càng phát triển thì ngẫu nhiên cũng có rất nhiều phương pháp học tập để mọi người sử dụng. Ngoài việc tiếp thu kiến thức một cách thụ động thông qua thầy cô hoặc bố mẹ truyền dạy. Thì vấn đề tự học cũng được rất nhiều gia đình quan tâm. Tự học sẽ giúp con người trở nên chủ động và tiếp thu những kiến thức sâu hơn rất nhiều.

Tự học tức là việc học sinh hoặc cá nhân mỗi người tự động tìm hiểu những kiến thức xã hội hoặc khoa học. Để trau dồi thêm hiểu biết của bản thân mà không cần bất cứ ai truyền dạy. Tự học có thể dưới rất nhiều biện pháp như học qua sách vở, qua internet, hoặc qua sách báo….

Vậy nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao phải tự học trong khi học sinh bây giờ đã có giáo viên truyền giải kiến thức? Xin thưa với mọi người rằng tự học là việc làm vô cùng có ích và lí thú nó xuất phát từ thôi thúc muốn tìm hiểu và nắm trọn thế giới trong tay, từ đó con người muốn mở mang thêm kiến thức cho bản thân, cũng như hiểu rõ căn nguyên cốt lõi của một vấn đề mà không cần phải thông qua chỉ dẫn của bất cứ ai.

Trên thực tế kiến thức vốn là một biển cả bao la mà chúng ta dành cả đời cũng không thể nào học hết được. Chẳng vì thế mà V.lê nin đã từng nói “Học, học nữa và học mãi”. Có những người dành cả sự nghiệp, cuộc đời của mình để học nhưng thực chất những thứ ta thu lượm được so với núi kiến thức đồ sộ kia chẳng khác nào muối bỏ bể.

Việc học sinh đến trường mỗi ngày cũng chỉ đang chinh phục một vốn kiến thức vô cùng nhỏ bé. Vốn kiến thức đó chỉ giúp các em biết được những thứ sơ đẳng trong cả ngàn công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới mà thôi. Mà nếu để tìm hiểu những thứ ngoài sách vở, cao xa hơn thì không còn cách nào ngoài cách các em phải tự học và tự tìm hiểu.

Nhiều học sinh phàn nàn về việc giáo viên yêu cầu đọc thuộc một bài thơ thế nhưng các em loay hoay mãi vẫn không thể thuộc được.Tất nhiên cũng có những trường hợp học sinh chỉ cần đọc qua và nhớ rõ đó là bởi sự yêu thích hứng thú dành cho môn học quá lớn. Thông thường kiến thức sẽ đi vào đầu ta dưới hai dạng tiếp nhận: Hoặc qua chỉ dẫn của người khác hoặc qua sự tìm hiểu độc lập của cá nhân. Việc được truyền giảng không phải không tốt nhưng nó chỉ giúp chúng ta tiếp nhận vấn đề một cách nhanh và tiết kiệm thời gian hơn mà thôi.

Thế còn việc tự học thì sao? Bạn băn khoăn về cách giải đáp một bài toàn thế nhưng không muốn phiền đến cha mẹ thầy cô thay vào đó bạn tự tìm cách giải đáp nó. Điều này có thể làm bạn mất thêm nhiều thời gian hơn một chút, khiến bạn thất bại đôi lần thậm chí rất nhiều lần thế nhưng nó lại là cách ghi nhớ vấn đề một cách nhanh nhất. Lần sau bạn sẽ chẳng còn phải băn khoăn nhớ cách giải nữa mà chỉ cần động vào ngay lập tức cung phản xạ của bạn đã phản hồi và giải quyết vấn đề một cách nhanh gọn rồi.

Tự học giúp mọi người trở nên chủ động hơn, tiếp nhận kiến thức một cách sâu và cặn kẽ hơn rất nhiều. Nó cũng đồng thời kích thích não chúng ta tư duy và tránh tình trạng ỉ lại. Thế nhưng trên thực tế hiện nay việc tự học cũng trở nên khó khăn với rất nhiều bạn trẻ. Do có quá nhiều thứ đang cám dỗ và vây lấy khiến các bạn không còn cảm hứng dành cho việc nghiên cứu. Thay vì tự đọc một cuốn sách, hay giải một bài toán thì các bạn lại tận dụng các phương tiện hỗ trợ như mạng internet… Đành rằng nó khiến các bạn tiết kiệm thời gian thế nhưng về lâu về dài tốt nhất nên chủ động rèn cho mình một thói quen luôn sẵn sàng tìm hiểu khám phá những điều mới mẻ.

Kiến thức là vô cùng, là biển cả không bao giờ cạn. Hằng ngày xung quanh chúng ta có cả trăm cả ngàn nghiên cứu, phát minh công trình khoa học ra đời. Nếu không tự động tìm hiểu khám phá thì mãi mãi chúng ta sẽ là những người thụt lùi so với xã hội.

Nhất là học sinh chúng ta việc tự học sẽ khiến chúng ta tiếp cận vấn đề, thế giới bên ngoài một cách nhanh nhất. Thay vì sử dụng điện thoại để vào mạng giải trí, đọc tin tức tại sao chúng ta không dùng nó để mở mang kiến thức cho bản thân mình để trở thành những người tri thức hơn? Không chỉ thế nhà trường cũng nên tạo cho các em một môi trường học chủ động, rèn cho chúng em cách tự học hiệu quả để làm chủ kiến thức của mình.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài văn mẫu 11


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com