Câu hỏi tu từ cuối bài thơ “Hồn ở đâu bây giờ?”cất lên như một nỗi niềm xót xa khôn nguôi. Nhạc điệu buồn đầy dư ba ám ảnh khiến tâm tưởng người đọc như cũng rưng rưng. Đó là một lời tự vấn, như tiếng gọi hồn. ''Những người muôn năm cũ" không còn nữa. Cảm nhận về bài thơ ông Đồ trong những lời thơ này, ta cảm thấy trào dâng những nồi niềm tiếc nuối. Cảnh cũ năm nào vẫn còn đó mà đã vắng bóng người xưa. Nhớ thương này biết thủa nào nguôi? Ông Đồ già nay đâu? Phải chăng ông Đồ đã thành người thiên cổ và lùi vào dĩ vẵng? Phải chăng những cái gọi là Tây hóa đầy nhố nhăng trong xã hội thực dân phong kiến đương thời đã làm lụi tàn biết bao nét đẹp tinh thần cùng giá trị văn hóa dân tộc?
Ôi, những giá trị tinh thần, những linh hồn đã làm phong phú cho văn hoá đất nước thì bây giờ ở đâu? Câu hỏi tiềm ẩn sự ngậm ngùi day dứt. Đó là nỗi niềm trắc ẩn, xót thương cho những người như ông đồ đã bị thời thế khước từ. Tất cả những gì của một thời hoàng kim giờ chỉ còn là một sắc màu nhạt phai, ngập ngừng, quấn quanh, đầy tê tái. Bài thơ đã gợi lên "mối sầu vạn kỉ", cái ra đi của ngày hôm qua khiến hôm nay chúng ta phải nao lòng.