Soạn chi tiết Ngữ văn 9 Cánh diều bài 2: Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Hướng dẫn giải chi tiết bài 2: Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)bộ sách mới Ngữ văn 9 tập 1 cánh diều. Lời giải chi tiết, chuẩn xác, dễ hiểu sẽ giúp các em hoàn thành tốt các bài tập trong chương trình học. Baivan.net giải chi tiết tất cả các bài tập trong sgk. Hi vọng sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng các em trong suốt quá trình học tập.

ĐỌC HIỂU

Câu 1:  Dự cảm tương lai thể hiện qua hình ảnh nào ?

Bài làm chi tiết:

Dự cảm tương lai được thể hiện qua hình ảnh:

- “Gió cuốn mặt duềnh”: Tiếng sóng gió ấy, tiếng gầm gào của sóng biển ấy dâng lên trong lòng khiến cho Kiều có một dự cảm chẳng lành về đoạn đường đời phía trước của nàng. Chắc hẳn nó cũng giông bão và thật khủng khiếp biết bao.

- “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”: Trong lòng Kiều là tiếng sóng của buồn đau sợ hãi, dự cảm sóng gió dường như đang tiến đến rất gần Kiều. Câu thơ thể hiện dự cảm của Thúy Kiều về cuộc đời mình nhiều gian truân sóng gió.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

Câu 1:  Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích có thể chia làm mấy phần? Trình bày nội dung chính của mỗi phần.

Bài làm chi tiết:

Bố cục 3 phần:

- 6 câu đầu: Hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp của Thúy Kiều

- 8 câu tiếp: Nỗi nhớ thương Kim Trọng và nhớ thương cha mẹ của Kiều

- 8 câu cuối: Tâm trạng đau buồn và dự cảm trước tương lai sóng gió.

Câu 2:  Khung cảnh được miêu tả ở sáu dòng thơ đầu có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện tâm trạng của Thuý Kiều?

Bài làm chi tiết:

Sáu câu thơ đầu đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" vẽ nên một bức tranh ngoại cảnh đẹp nhưng buồn, có tác động sâu sắc đến tâm trạng của Thúy Kiều. Đọc đoạn trích, ở ngay những câu đầu tiên, người ta đã nhận ngay ra cái hoàn cảnh và tâm trạng đầy đau khổ của Kiều hiện lên trong từng câu chữ, từng chút cảnh vật xung quanh:

"Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng"

Những người thân yêu với Kiều giờ đây đang ở một nơi phương xa, chỉ còn mình Thúy Kiều sống giữa bầy lang sói Tú Bà, Sở Khanh, ... thế nên với nàng, một cảnh núi xa, một tấm trăng gần cũng trở thành người bạn tri kỉ, chia sẻ nỗi niềm cùng nàng. Cảnh vật ở lầu Ngưng Bích hiện lên thật rõ ràng chỉ bằng vài nét miêu tả chấm phá tài hoa của Nguyễn Du. Trước lầu ấy có núi non bát ngát, có trăng, có bụi hồng, cồn cát, ... Cảnh đẹp là thế nhưng ngôi lầu như chiếc lồng son đã khóa chặt bước chân của Kiều. Lầu Ngưng Bích đã "khóa xuân" tức là khóa chặt tuổi xuân của Kiều, khóa chặt những nỗi thương nhớ, tình yêu, hy vọng, thanh xuân của nàng. Cảnh vật hiện lên thật đẹp, thật mênh mông rộng lớn, thế nhưng, giữa mênh mông đó chỉ có mình Kiều. Chỉ có mình nàng cô đơn giữa chốn đây, đìu hiu, hoang vắng. Nguyễn Du đã mượn cảnh vật để Kiều nói lên tâm trạng của mình:

"Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia"

Có cảnh vật đấy, có cảnh sắc đấy, "bát ngát" mênh mông đấy, thế nhưng lại chẳng có ai cho nàng thổ lộ, chia sẻ nỗi niềm trong lòng. Cảnh vật càng tĩnh lặng lại càng làm nổi bật lên nỗi cô đơn đau xót của nàng khi phải ở một mình nơi đất khách. Gần là núi, là trăng, xa xa là cồn cát vàng đang tung lên những bụi phấn hồng, thế nhưng sao mà lạnh lẽo, thê lương tới nhường ấy! Mọi cảnh vật ở đây đều ngổn ngang, đều mù mịt như chính tâm trạng và tương lai của nàng vậy. Bút pháp tả cảnh ngụ tình đã phát huy tối đa tác dụng của mình khi miêu tả cảnh vật nhưng lại giấu trong đó bao nhiêu là nỗi niềm của người con gái xa quê tội nghiệp. Tả cảnh xung quanh nhưng cũng là tả những phút giây tâm trạng cô đơn, ngổn ngang suy nghĩ của Kiều. Cô đơn, đau xót là vậy, nghĩ tới thân phận của mình, cõi lòng của Kiều lại càng thêm xót xa hơn:

"Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng"

Bị giam lỏng ở đây, hết tối lại sáng, rồi lại lặp lại vòng xoay ấy, Thúy Kiều chỉ có thể ở lại đây, thui thủi, lẻ loi một mình. Không gian vắng lặng xung quanh bủa vây lấy nàng, vây hãm nàng. Nhìn chung, khung cảnh được miêu tả ở sáu câu thơ đầu đã góp phần gợi lên tâm trạng buồn tủi, cô đơn, lạc lõng của Thúy Kiều. Đồng thời, nó cũng khơi gợi những suy nghĩ sâu sắc về kiếp người và số phận.

Câu 3:Thuý Kiều lần lượt nhớ tới những ai? Theo em, trình tự nỗi nhớ đó có hợp lí không? Vì sao? 

Bài làm chi tiết:

Trong cảnh ngộ của mình, Thuý Kiều đã nhớ đến cha mẹ và người yêu Kim Trọng. Nàng nhớ tới Kim Trọng trước rồi mới nhớ tới cha mẹ. Nỗi nhớ hoàn toàn hợp lý với tâm lý con người bởi vì với cha mẹ, trước lúc đi xa nàng đã được gặp. Và nàng cũng đã làm tròn trách nhiệm bán thân chuộc cha và em, nên nàng đã an tâm. Duy chỉ có với chàng Kim, người nàng vô cùng thương yêu lại chưa được gặp, chưa biết tin về gia đình Kiều. Đặc biệt, nàng cảm thấy vô cùng day dứt, đau đớn và cảm thấy tội lỗi khi không giữ được lời thề nguyện ước với chàng Kim.

Câu 4: Theo em, tám dòng thơ từ dòng 7 đến dòng 14 trong đoạn trích là lời của ai? Vì sao em biết điều đó? Những lời này có tác dụng gì trong việc thể hiện nội tâm nhân vật?

Bài làm chi tiết:

Tám dòng thơ từ dòng 7 đến dòng 14 trong đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là lời của Thúy Kiều.

Dấu hiệu cho thấy điều này:

Ngôi kể: Đoạn trích được viết theo ngôi thứ nhất, sử dụng đại từ "tôi" để xưng hô. Đây là ngôi kể thường được sử dụng để thể hiện trực tiếp suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật.

Nội dung: Những lời thơ thể hiện tâm trạng buồn tủi, cô đơn, tuyệt vọng của nhân vật. Đây là tâm trạng đặc trưng của Thúy Kiều trong hoàn cảnh bị giam lỏng nơi lầu Ngưng Bích.

Giọng điệu: Giọng điệu thơ buồn bã, thê lương, thể hiện sự tuyệt vọng cùng cực của nhân vật.

Tác dụng của những lời thơ này trong việc thể hiện nội tâm nhân vật:

Khắc họa tâm trạng: Những lời thơ đã khắc họa thành công tâm trạng buồn tủi, cô đơn, tuyệt vọng của Thúy Kiều. Nàng cảm thấy lạc lõng giữa không gian mênh mông, rộng lớn, không biết tương lai sẽ ra sao. Nỗi buồn ấy càng được tô đậm bởi khung cảnh hoang sơ, lạnh lẽo nơi lầu Ngưng Bích.

Thể hiện sự đồng cảm: Những lời thơ thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của tác giả đối với số phận bi kịch của Thúy Kiều. Bốn câu thơ nói về cha mẹ không có gì đặc biệt với cách nói ước lệ, sách vở rất quen thuộc về đạo hiếu thời xưa. Có chăng theo cách nói của người khác như thế, nhưng tâm trạng thổn thức là của riêng nàng, nó mới xót xa, thấm thía đến rưng rưng. Thành công của Nguyễn Du là làm mới lại một cái gì tưởng như đã cũ. Qua đó, tác giả cũng lên án xã hội phong kiến bất công, tàn bạo đã đẩy người phụ nữ tài sắc vẹn toàn như Thúy Kiều vào bước đường cùng.

Tạo hiệu ứng nghệ thuật: Những lời thơ sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng, tạo nên hiệu ứng nghệ thuật cao.

Câu 5: Kiều ở lầu Ngưng Bích được coi là một trong những đoạn trích thể hiện tài năng của Nguyễn Du trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Hãy phân tích tám dòng thơ cuối để làm sáng rõ điều đó.

Bài làm chi tiết:

Nguyễn Du đã khắc họa thành công tâm trạng bi thương của người con gái tài sắc vẹn toàn thông qua tám câu thơ cuối đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích". Qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du, những hình ảnh thơ được miêu tả một cách tinh tế, kết hợp với biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh đã khắc họa thành công tâm trạng bi thương của người con gái tài sắc vẹn toàn. Đoạn thơ là minh chứng cho tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh thơ để thể hiện tâm lý nhân vật.

Sau nỗi nhớ gia đình, người yêu là niềm đau, nỗi buồn tê tái khi chợt thức nhận về hoàn cảnh hiện tại của mình. Những tháng ngày bão tố, sóng gió vừa qua, chặng đường phía trước mịt mờ, đầy chông gai ! Bao bất hạnh, bao xót xa bủa vây, xiết chặt hồn Kiều:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm…

….Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

Tám câu thơ chất chứa nỗi buồn đau tê tái, sự hoang mang lo sợ. Điệp từ “buồn trông” lặp lại bốn lần ở những câu thơ lục vừa diễn tả trọn vẹn tâm thế của Kiều trong tình cảnh ấy vừa góp phần tạo nên âm hưởng, nhịp điệu da diết cho toàn đoạn thơ. Trong cảnh ngộ đơn độc, bơ vơ nơi chân trời, góc bể, Thuý Kiều đã tìm đến với thiên nhiên như một người bạn tri âm, một điểm tựa tinh thần. Thiên nhiên đến với nàng để sẻ chia, để sát cánh. Vì vậy mà dưới con mắt của Kiều, mỗi hình ảnh thiên nhiên lại gợi ra biết bao chua xót về thân phận bơ vơ, về số kiếp bất hạnh:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?”

Cánh buồm thấp thoáng, như thực như ảo giữa “cửa bể chiều hôm” gợi ra hành trình lưu lạc, nổi chìm của Kiều. Khung cảnh chiều hôm gợi nhớ, gợi sầu cho kẻ li hương. Cánh buồm “thấp thoáng” vô định cộng hưởng kì lạ với tâm trạng của nàng trước lầu Ngưng Bích. Thân phận nàng giờ đây đâu khác gì cánh hoa, lắt lay trước sóng gió cuộc đời:

“Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

Câu hỏi này cũng là lời tự vấn, tự thương cho thân phận mình của Kiều. Giữa đời nước vô định, cánh hoa mong manh biết bao trước sóng dập gió vùi, như thân phận người con gái chuẩn bị bước vào cuộc hành trình đằng đẵng của số kiếp đoạn trường, oan khổ lưu li. Người con gái “Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai” ấy phải chịu kiếp “cỏ nội hoa hèn” bạc bẽo, sầu đau:

“Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.”

Nội cỏ mang tâm trạng “rầu rầu", héo úa, cô đơn, lạc lõng giữa “chân mây", “mặt đất” hay là thân phận của Kiều giữa mênh mông cuộc đời:

“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

Cả thiên nhiên vắng lặng hoà theo tâm hồn lạnh lẽo, cô đơn, hoang mang lo sợ của Kiều. Thanh âm duy nhất vang vọng lại là tiếng sóng “ầm ầm”, như nói lên nỗi lo âu, khiếp sợ của Kiều.

Tám dòng thơ chất chứa tâm trạng. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của đại thi hào Nguyễn Du đã đạt đến độ tuyệt bút. Mỗi hình ảnh, mỗi yếu tố ngoại cảnh đều như một ẩn dụ cho tâm trạng khổ đau và cảnh ngộ ngang trái của Kiều. Nàng đang ngập chìm trong bể khổ trầm luân. Hệ thống từ láy được tác giả sử dụng đắc địa đã tạo nên cho đoạn thơ âm hưởng hắt hiu, trầm buồn, diễn tả tinh tế tâm trạng của Kiều.

“Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích đặc sắc nhất của Truyện Kiều. Từ bức tranh cảnh, Nguyễn Du đã thổi hồn vào đó, xây dựng nên chân dung tâm hồn của Kiều trong cơn bĩ cực, từ đó mang đến cho người đọc những cảm xúc chân thành, xúc động trước một cô Kiều tài hoa mà bạc phận có tâm hồn cao quý. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng xúc động thốt lên:

“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc

Sắc tài sao mà lắm truân chuyên.”

(Chế Lan Viên – Đọc “Kiều”)

Tình cảm của nhà thơ cũng là tiếng lòng chung của triệu triệu trái tim những người đã, đang và sẽ thổn thức cùng Kiều.

Câu 6: Dựa vào 14 dòng thơ đầu, em hãy chuyển thành một đoạn văn xuôi.

Bài làm chi tiết:

Bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều vừa buồn tủi, vừa ngượng ngùng, vừa ê chề, vừa cay đắng, xót xa. Không những thế nàng còn bắt gặp cảnh vật bên ngoài làm cõi lòng như càng thêm quặn thắt. Thiên nhiên không còn là những sự vật vô tri, vô giác nữa mà như sống động, có hồn bởi nó là tấm gương phản chiếu tâm trạng cô đơn, sầu tủi của nàng Kiều. Từ trong nỗi cô đơn, phiền muộn, nàng hướng về quê hương, gia đình, những người thân quý. Nỗi nhớ đầu tiên, nàng dành cho Kim Trọng. Có lẽ bởi trước đó nàng bán mình chuộc cha để làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, chỉ có chữ duyên với Kim Trọng, nàng phải trao lại cho em, nên hẳn trong lòng còn nhiều băn khoăn, day dứt khi để duyên ai phải lỡ làng. Nỗi nhớ ấy thật thiết tha, nồng cháy. Nàng tưởng tượng chàng Kim vẫn ngày ngóng đêm trông tin nàng trong đau khổ, tuyệt vọng. Nghĩ đến chàng, rồi lại nghĩ đến thân phận của mình, bơ vơ, lưu lạc nơi chân trời góc bể, đất khách quê người, biết bao giờ tấm lòng son sắt, chung thủy của nàng dành cho chàng Kim phai nhạt đi thì lúc ấy, có lẽ nàng mới bớt đau khổ, dằn vặt. Sau nỗi nhớ người yêu đến quặn thắt, nàng càng xót xa khi nghĩ về cha mẹ. Không xót xa sao nổi khi nghĩ đến cảnh cha già, mẹ héo tựa cửa nhìn xa, ngóng trông tin con mòn mỏi. Nỗi nhớ đầy vơi nàng dành cho những người thân yêu nhất, rồi nàng lại quay về với cảnh ngộ của chính mình. 

Mỗi cảnh vật đang hiện hữu trước mắt đều như khơi lên trong lòng nàng một nỗi buồn thê lương. Cùng với nỗi buồn ấy, nàng hướng nhìn tới ngọn nước mới đổ xuống, một cánh hoa rụng, mỏng manh, yếu đuối bị sóng gió đưa đẩy dập dồn, không biết sẽ trôi dạt về phương nào. Hình ảnh cánh hoa rụng, trôi dạt theo con con nước dữ hay là hình ảnh người con gái bị quăng vào cuộc đời khi còn quá trẻ, quá yếu đuối. Rồi nội cỏ cũng nhuốm màu xanh ảm đạm, u buồn, héo hắt trải dài ra mênh mông, rợn ngợp đến hòa sắc xanh ấy vào sắc của mây trời. Màu không gian hay màu tâm trạng đang hắt hiu, tàn lụi, hết khát khao, hi vọng sống. Những cơn gió thủy triều trào lên mặt biển, tiếng sóng vỗ từ xa bỗng vang dội lên ầm ầm. Tiếng sóng gió ngoài biển xa mà đổ dội vào chân nàng thì có lẽ nỗi sợ hãi, lo lắng về thân phận, cuộc đời mình không còn là nỗi lo lắng mơ hồ, nỗi buồn quạnh vắng mênh mang nữa mà nó đã biến thành nỗi kinh hoàng khiến tâm hồn nàng hoảng loạn. Tiếng sóng gầm lên như muốn nhấn chìm con thuyền lẻ loi, nuốt chửng cánh hoa mỏng manh, bé nhỏ, muốn cuốn phăng đi nội cỏ, và dập vùi nàng xuống tận đáy sâu đau khổ, tuyệt vọng. Bức tranh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ càng tô đậm sự nhỏ bé, mong manh của Kiều trước số phận nghiệt ngã.

Tìm kiếm google:

soạn ngữ văn 9 cánh diều tập 1, soạn văn 9 cánh diều bài 2: Kiều ở lầu Ngưng Bích (Trích, soạn bài [,,]

Xem thêm các môn học

Soạn ngữ văn 9 tập 1 Cánh diều mới


Copyright @2024 - Designed by baivan.net