Soạn chi tiết Ngữ văn 9 Cánh diều bài 4: Làng (Kim Lân)

Hướng dẫn giải chi tiết bài 4: Làng (Kim Lân) bộ sách mới Ngữ văn 9 tập 1 cánh diều. Lời giải chi tiết, chuẩn xác, dễ hiểu sẽ giúp các em hoàn thành tốt các bài tập trong chương trình học. Baivan.net giải chi tiết tất cả các bài tập trong sgk. Hi vọng sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng các em trong suốt quá trình học tập.

ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

Câu 1: Thông tin nào ông lão nghe được tác động mạnh đến ông? Tác động như thế nào?

Bài làm chi tiết:

Thông tin ông nghe rằng làng Chợ Dầu của ông đi theo Tây, làm Việt gian.

 Thông tin đó làm “cổ họng ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân… không thể không tin”.

Câu 2: Đây là lời đối thoại hay độc thoại?

Bài làm chi tiết:

Đây là lời độc thoại.

Câu 3:  Điều gì diễn ra trong tâm trạng của ông Hai?

Bài làm chi tiết:

Tâm trạng của ông Hai là tâm trạng đau đớn, tủi nhục, xót thương cũng như căm giận những bè lũ Việt gian bán nước.

Câu 4. Đây là lời dẫn trực tiếp hay gián tiếp?

Bài làm chi tiết:

Đây là lời dẫn gián tiếp.

Câu 5: Điều gì khiến ông Hai sợ nhất?

Bài làm chi tiết:

Điều làm ông Hai sợ nhất chính là việc mụ chủ nhà chèn ép làm vợ chồng ông khổ.

Câu 6: Hình dung tâm trạng ông Hai khi nghe những lời nói của bà chủ nhà.

Bài làm chi tiết:

Ông Hai rơi vào bế tắc, và quanh quẩn trong lựa chọn đi hay ở cũng như lo sợ tương lai không biết nên đi đâu, làm gì.

Câu 7: Hãy dự đoán ông Hai sẽ trả lời như thế nào trước câu hỏi này?

Bài làm chi tiết:

Ông Hai sẽ gạt phăng đi và nói rằng : “Không, tôi không thể quay về được nữa”.

Câu 8: Ông Hai khoe điều gì? Điều ông khoe có gì khác thường không?

Bài làm chi tiết:

Ông Hai khoe nhà ông bị đốt nhẵn, nhưng trên hết là làng ông không hề đi theo giặc như lời mọi người đồn thổi.

Điều ông khoe là vô cùng khác thường, bởi lẽ khi tài sản bị mất thì con người ta thường sẽ buồn và tiếc vô cùng; nhưng ông Hai thì không.

Câu 9: Vì sao bà chủ nhà thay đổi với gia đình ông Hai?

Bài làm chi tiết:

Vì mụ biết tin làng Chợ Dầu của ông lão không hề đi theo Việt gian như lời đồn.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

Câu 1: Tóm tắt cốt truyện và xác định nhân vật chính của truyện.

Bài làm chi tiết:

Ông Hai là người làng Chợ Dầu. Ông yêu cái làng Chợ Dầu ấy như máu thịt của mình. Ông luôn tự hào khoe rằng làng của ông đẹp, bề thế; làng của ông tinh thần kháng chiến dữ lắm. Thực hiện lệnh tản cư của Ủy ban kháng chiến, ông Hai miễn cưỡng đưa gia đình đi tản cư. Ở nơi tản cư, lúc nào ông cũng nhớ làng và luôn dõi theo tin tức cách mạng. Khi nghe tin đồn làng Chợ Dầu theo giặc, ông vô cùng đau khổ, cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vô cùng. Ông không đi đâu, không gặp ai, chỉ sợ nghe đồn về làng ông theo giặc. Nỗi lòng buồn khổ đó càng tăng lên khi có tin người ta không cho những người làng ông ở nhờ vì là làng Việt gian. Ông không biết bày tỏ với ai,không dám đi ra ngoài. Thế là ông đành nói chuyện với thằng con út cho vơi nỗi buồn, cho nhẹ bớt những đau khổ tinh thần. Đấu tranh trong tư tưởng khiến ông Hai đi đến suy nghĩ đứng về phía cách mạng, ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cụ Hồ, làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù. Những chuyển biến trong tư tưởng của ông Hai cũng là những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính, ông hai mừng lắm. Vẻ mặt ông tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Ông chia quà cho các con, và tất bật báo tin cho mọi người rằng nhà ông bị Tây đốt, làng ông không phải là làng Việt gian. Ông thêm yêu và tự hào về cái làng của mình. Từ một người nông dân yêu làng, ông Hai trở thành người công dân nặng lòng với kháng chiến.Tình yêu làng, yêu nước đã hòa làm một trong ý nghĩ, tình cảm, việc làm của ông Hai. Tình cảm ấy thống nhất,hòa quyện như tình yêu nước được đặt cao hơn, lớn rộng lên tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Nhân vật chính: Ông Hai

Câu 2: Hãy nêu tình huống truyện và chỉ ra tác dụng của tình huống trong việc khắc hoạ nhân vật và chủ đề của tác phẩm.

Bài làm chi tiết:

Trước hết, truyện ngắn “Làng” đã được Kim Lân xây dựng trên tình huống gay cấn để bộc lộ tình yêu làng, tình yêu đất nước sâu sắc ở nhân vật ông Hai. Đó là tin làng ông theo giặc lập tề mà chính ông nghe được từ miệng của những người tản cư dưới xuôi lên. Tình huống ấy đã đẩy câu chuyện vào chỗ thắt nút khi mà ông Hai – một con người vốn yêu làng, luôn khoe và hãnh diện về làng thì nay lại hay tin là theo giặc. Vì thế ông đau đớn, xót xa và cảm thấy tủi hổ, bẽ bàng.

Trong thế giới nội tâm nhân vật có sự đấu tranh xung đột giữa tình yêu làng và tình yêu nước mà tình cảm nào cũng mãnh liệt, song tình yêu nước, tinh thần kháng chiến rộng lớn, bao trùm lên tình yêu làng. Nhưng cuối cùng, cũng từ tình huống ấy đã mở nút cho câu chuyện khi mà ông nhận được tin cải chính về làng. Tình huống này đã khẳng định ông Hai và làng chợ Dầu luôn trung thành tuyệt đối với kháng chiến với cụ Hồ, với dân tộc.

Cũng qua tình huống truyện, người đọc còn nhận ra tài năng khắc họa, miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo của nhà văn Kim Lân qua nhân vật ông Hai. Có thể nói, dưới tác động của tình huống, sự việc khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, tâm lý nhân vật ông Hai đã có những diễn biến phức tạp và nhà văn đã trực tiếp nhập vai vào nhân vật để nói bằng tiếng nói nhân vật, mô tả sự giằng xé trong thế giới nội tâm với những mâu thuẫn, xung đột gay gắt, dữ dội.

Trong hoàn cảnh giặc giã thì tinh thần yêu nước, tinh thần kháng chiến là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp; còn phản bội là điều xấu xa ô nhục nhất. Vì thế từ khi nghe tin làng mình theo giặc, nó đã trở thành nỗi ám ảnh, day dứt trong tâm trí của ông, khiến ông ba bốn hôm nay không dam bước chân ra đến ngoài. Suốt ngày chỉ quanh quẩn ở trong cái gian nhà chật chội ấy mà nghe ngóng binh tình.

Niềm vui sướng, hạnh phúc dâng trào khiến ông cứ múa tay lên mà khoe. Và lạ thay, câu đầu tiên ông khoe không phải là việc làng ông không theo giặc mà là “Tây nó đốt nhà tôi rồi… đốt nhẵn!”. Với người nông dân, căn nhà là cả cơ nghiệp của họ mà cả đời họ làm lụng vất vả mới có được.

Nhưng ông Hai không hề tiếc căn nhà của mình bởi nó là minh chứng khẳng định làng ông không theo giặc và trên hết là nó như là sự “đóng góp” của gia đình ông với kháng chiến. Điều đó, một lần nữa càng khẳng định rõ ràng hơn tình yêu làng, tình yêu nước và sự trung thành với kháng chiến ở ông Hai. Đến đây, chúng ta thấy được sức sáng tạo độc đáo của Kim Lân trong nghệ thuật tạo tình huống, thực sự gay cấn, kịch tính với những thử thách của nội tâm nhân vật, từ đó bộc lộ chiều sâu đời sống bên trong, tình cảm, tư tưởng của nhân vật.

Tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế, rất cụ thể, gợi cảm qua thế giới nội tâm với các ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ. Đặc biệt, nhà văn đã diễn tả rất đúng, rất ấn tượng về sự ám ảnh day dứt trong tâm trạng nhân vật. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc con người và những nét tâm lí vôn có của người nông dân Việt Nam sau lũy tre làng.

Thông qua tác phẩm, người đọc còn nhận ra ngôn ngữ của truyện rất đặc sắc, nhất là ngôn ngữ nhân vật ông Hai. Ngôn ngữ mang đậm chất khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói hằng ngày của người nông dân. Lời trần thuật và lời nhân vật có sự thống nhất về sắc thái, giọng điệu do truyện được trần thuật chủ yếu theo điểm nhìn của ông Hai, dù vẫn dùng cách trần thuật ở ngôi thứ ba. Ngôn ngữ nhân vật ông Hai vừa có nét chung của người nông dân, lại vừa mang đậm cá tính của nhân vật, rất sinh động, chân thực, gần gũi.

Câu 3: Tìm những chi tiết thể hiện diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai trong truyện. Qua đó, hãy nêu nhận xét của em về nhân vật ông Hai và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của nhà văn Kim Lân.

Bài làm chi tiết:

Khi đang vui mừng tin thắng trận ở khắp nơi thì ông Hai nghe tin dữ: làng chợ Dầu theo giặc làm Việt gian, ông bất ngờ, choáng váng “cổ ông lão nghẹn ắng lại. Da mặt tê rân rân", "tưởng như đến không thở được"

- Về tới nhà ông tủi hổ, lo lắng khi thấy đàn con. Niềm tin, sự ngờ vực giằng xé mạnh trong tâm trạng ông Hai. “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?".

- Nghe thấy tiếng chửi bọn Việt gian “ông cúi gằm mặt xuống mà đi”, nỗi tủi hổ khiến ông không dám ló mặt ra ngoài

- Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, thấy đám đông tụ tập nhắc tới hai chữ Cam nhông, Việt gian ông lại chột dạ.

- Tình yêu làng quê và tình yêu làng trong ông có cuộc xung đột lớn, gay gắt. Ông Hai dứt khoát chọn theo cách mạng “Làng yêu thì yêu thật, nhưng làng theo giặc thì phải thù”.

- Ông Hai chỉ biết tâm sự nỗi lòng mình với đứa con chưa hiểu sự đời. Lời nói của ông với con thực chất là lời nói để ông tỏ lòng mình: nỗi nhớ, tình yêu làng, sự thủy chung với kháng chiến, cách mạng.

- Khi nghe tin cải chính, ông Hai vui mừng biết bao. Ông mua quà cho con, chạy đi khắp nơi khoe “ Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đối nhẵn".

Nhận xét:

  • Ông Hai là đại diện cho những người nông dân yêu làng, yêu nước. Dù có đi tản cư, nhưng trong ông vẫn một lòng nhớ về ngôi làng thân yêu của mình.
  • Qua nhân vật ông Hai, tác giả đã ca ngợi tình yêu quê hương, lòng yêu nước, đồng thời khẳng định niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Câu 4: Em có ấn tượng gì về ngôn ngữ của các nhân vật trong truyện? Vì sao?

Bài làm chi tiết:

Ngôn ngữ trong truyện ngắn "Làng" của Kim Lân đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa hình ảnh nhân vật và thể hiện chủ đề, ý nghĩa của tác phẩm. Ngôn ngữ của các nhân vật đều mang đậm tính chất dân dã, mộc mạc, gần gũi với đời thường, phù hợp với hoàn cảnh và tính cách của từng người.

Ví dụ như nhân vật ông Hai, một lão nông dân chất phác, yêu làng, yêu nước, có lòng tin mãnh liệt vào cách mạng, được thể hiện qua ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng đầy sức biểu cảm. Khi vui vẻ, hồ hởi, ông Hai nói năng rôm rả, sôi nổi. Khi buồn rầu, đau khổ, giọng điệu ông trầm ngâm, uể oải. Từ ngữ ông sử dụng chủ yếu là những từ ngữ bình dị, gắn liền với cuộc sống lao động hàng ngày, nhưng cũng không kém phần sinh động, thể hiện tình yêu quê hương, lòng yêu nước, niềm tin vào cách mạng.

Câu 5: Theo em, tại sao nhà văn đặt tên cho tác phẩm là Làng mà không phải Làng Chợ Dầu?

Bài làm chi tiết:

Tác phẩm "Làng" của Kim Lân mang một nhan đề ngắn gọn nhưng vô cùng ý nghĩa. "Làng" không chỉ là tên gọi một địa danh cụ thể mà còn là biểu tượng cho nhiều giá trị tinh thần sâu sắc.

Làng là đơn vị hành chính nhỏ nhất ở nước ta, hình ảnh làng gợi nhắc đến cuộc sống nông thôn và những người nông dân. Trong tác phẩm Làng của Kim Lân, làng ở đây cũng chính là làng chợ Dầu mà ông yêu như máu thịt của mình, nơi ấy với ông là niềm tin, là tình yêu và niềm tự hào vô bờ bến, là quê hương đất nước thu nhỏ, ý nghĩa hơn là tình cảm yêu làng, yêu nước không chỉ là tình cảm riêng của ông Hai mà còn là tình cảm chung của những người dân Việt Nam thời kỳ ấy.

Đặt tên “Làng” mà không phải là “Làng chợ Dầu” vì vấn đề tác giả đề cập tới không chỉ nằm trong phạm vi nhỏ hẹp của một làng cụ thể. Truyện đã khai thác một tình cảm bao trùm, phổ biến trong con người thời kì kháng chiến. Tình yêu làng thống nhất bền chặt với lòng yêu nước. Đó là một tình cảm mới xuất hiện trong tâm hồn và tình cảm người nông dân Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám, trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Câu 6: Hãy tưởng tượng: Nếu nhân vật ông Hai trong tác phẩm của Kim Lân sống ở làng Chợ Dầu trong bối cảnh cuộc sống hôm nay thì em nghĩ ông sẽ chia sẻ với mọi người điều gì về làng quê của mình?

Bài làm chi tiết:

Ông Hai có thể chia sẻ với mọi người về sự thanh bình, bình dị và gắn kết trong cuộc sống ở làng quê. Ông có thể kể về cách mà cộng đồng làng Chợ Dầu tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ trong công việc nông nghiệp và các hoạt động hàng ngày. Ông Hai có thể chia sẻ về những truyền thống, phong tục và văn hóa đặc trưng của làng quê. Ông có thể kể về những lễ hội, nghi lễ và các hoạt động gắn liền với đời sống làng quê, như lễ hội đền làng, văn hóa lễ hội, và các nét văn hóa truyền thống như ca trù, hát xẩm, trò chơi dân gian,…

Nếu ông Hai sống trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, với những đổi thay to lớn về mặt kinh tế - xã hội, ông sẽ có nhiều điều thú vị để chia sẻ về làng quê của mình.

Làng Chợ Dầu ngày nay đã có những đổi thay vượt bậc so với thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của người dân, làng quê đã trở nên khang trang, hiện đại. Đường sá rộng rãi, nhà cửa khang trang, điện nước đầy đủ. Nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất ngày càng hiệu quả, đời sống người dân được nâng cao.

Tìm kiếm google:

soạn ngữ văn 9 cánh diều tập 1, soạn văn 9 cánh diều bài 4: Làng (Kim Lân), soạn bài [,,]

Xem thêm các môn học

Soạn ngữ văn 9 tập 1 Cánh diều mới


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com