[toc:ul]
Hiện thực xã hội sẽ luôn là chất liệu của thơ ca bởi thơ ca, nghệ thuật là tấm gương phản ánh chân thực nhất sự vận động và phát triển của cuộc sống. Tú Xương và Nguyễn Khuyến đều là những người con sinh ra tại mảnh đất Nam Định và các ông có những nỗi niềm tâm sự giống nhau nhưng trong giọng thơ có điểm khác biệt. Sự khác biệt ấy làm nên màu sắc riêng của hai người, cũng tạo nên sự đa dạng, phong phú cho thơ ca Việt Nam đương thời.
Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hai nhà thơ sống trong cùng một thời đại: vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Đây là thời kì đầy biến động trong lịch sử dân tộc. Từ năm 1858, Pháp đã chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam ở cửa biển Đà Nẵng. Triều đình nhà Nguyễn nhanh chóng đầu hàng để Pháp dễ dàng chiếm được đất nước, lên nắm quyền và thiết lập một chế độ nhà nước nửa thực dân phong kiến. Vua Nguyễn vẫn còn nhưng thực chất chỉ là con bù nhìn để Pháp giật dây, điều khiển mà thôi. Cuối thế kỉ XIX, triều đình càng lúc càng trở nên thối nát. Chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng và đang ở bên bờ vực của sự sụp đổ. Đời sống nhân dân khổ cực bởi thuế má nặng nề, xã hội tăm tối, nửa tây nửa ta, nhiều hệ giá trị lung lay và sụp đổ. Đồng tiền trong xã hội và sự phi nhân tính lên ngôi. Cuộc sống bất công, tàn ác với biết bao điều lố lăng, nực cười trở thành lẽ thường tình diễn ra hàng ngày. Chính vì chứng kiến những điều “trướng tai gai mắt ấy” những nhà nho nhân cách cao đẹp, yêu nước và trăn trở với vận mệnh dân tộc đều mang nặng nỗi đau thế sự. Họ đã mang cái thở dài của mình vào trong thơ: có cả nỗi buồn, chua xót và cả tiếng cười phỉ báng sâu cay.
Tú Xương và Nguyễn Khuyến có nỗi niềm tâm sự giống nhau. Đó chính là hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến đầy rẫy những bất công, bạo ngược và tình cảnh khốn cùng của nhân dân lao động trong sáng tác của các ông. Không khó để người đọc có thể bắt gặp trong thơ hai ông tâm sự về lòng yêu nước, về thời thế và hiện thực xã hội với một sự đau xót, cảm thông trước cảnh lầm than của nhân dân. Càng đau xót bao nhiêu thì sức tố cáo, đả kích lại càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Tú Xương đã viết về tình cảnh khốn khó, cùng cực phải chạy ăn từng bữa, lo toan đủ thứ điều dù đã cố gắng:
“Van nợ lắm khi tràn nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi
Biết thân thuở trước đi làm quách
Chẳng ký, không thông, cũng cậu bồi!”
Còn với Nguyễn Khuyến, ông viết về hiện thực xã hội khi đồng tiền có sức mạnh ghê gớm, mua được cả công lí vào đạo đức của con người, đặc biệt là những kẻ làm quan:
“Nổi tiếng mượn màu son phấn mụ
Đem thân chuộc lấy tội tình cha
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?”
Không chỉ gặp nhau trong nỗi niềm về đất nước, thơ Tú Xương và Nguyễn Khuyến cũng nói lên tình yêu quê hương đất nước và sự trân trọng, nâng niu tình cảm bạn bè và gia đình. Người đọc hẳn vẫn còn nhớ bức tranh thu với không gian quen thuộc ở làng quê Bắc Bộ trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến. Đó là một bầu trời cao rộng với những con ngõ trúc quanh co, vắng lặng, yên tĩnh, chỉ có ông cụ già ngồi bó gối buông cần chờ cá cắn câu:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Ta cũng cảm động trước một tình bạn cao đẹp, thiêng liêng vượt lên trên mọi vật chất tầm thường giữa Nguyễn Khuyến và người bạn của mình:
“Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta”
Còn với Tú Xương hầu hết những bài thơ trữ tình của ông dành cho bà Tú với một sự trân trọng, biết ơn của người chồng khi chứng kiến những gánh nặng đặt cả trên đôi vai gầy của bà Tú. Với Tú Xương, bà Tú không chỉ là vợ, mà đối với ông, bà còn như một người ân nhân ở bên cạnh, tảo tần, vất vả sớm tối trong khi ông luôn trào phúng vì sự bất lực, vô dụng của mình. Tú Xương viết về bà Tú bằng những vần thơ thật đẹp:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Đồng điệu trong nỗi niềm trước cuộc đời, trước cảm xúc là thế, song thơ của hai ông vẫn có sự khác biệt, đặc biệt là khác biệt trong giọng điệu. Nguyễn Khuyến và Tú Xương đều sáng tác thơ trào phúng và thơ trữ tình. Với Nguyễn Khuyến,thơ trữ tình của ông có giọng điệu biến đổi linh hoạt, khi thì đằm thắm lúc lại đau xót. Còn tiếng cười trào phúng trong thơ ông là tiếng cười hóm hỉnh, nhẹ nhàng, thâm trầm đầy ngụ ý. Mặc dù cũng là sự mỉa mai, châm biếm nhưng ta vẫn thấy trong ấy sự tự trào. Trong bài thơ Tiến sĩ giấy, thứ “đồ thật - đồ chơi” được đánh tráo khái niệm với nhau khiến cho người ta mù mờ, không phân biệt được thật giả. Lòng tin về một hình mẫu con người từng được chế độ phong kiến đề cao không còn tồn tại với Nguyễn Khuyến nữa, bởi nạn mua quan bán chức diễn ra quá phổ biến lúc bấy giờ. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc giá trị, thước đo giá trị của kẻ làm quan không gì khác chính là họ có ích gì cho buổi ấy, tức là khả năng đảm trách được những việc lớn của quốc gia đại sự trong khi vận nước đang nguy khốn. Nếu không có được khả năng đó, tất thảy những ông nghè thật cũng chỉ là mộ thứ đồ chơi mà thôi:
“Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi !”
Với Tú Xương thơ trữ tình của ông chỉ yếu viết về bà Tú - người phụ nữ tảo tần, đảm đang, chịu thương chịu khó, với tất cả lòng yêu thương, trân trọng và cảm phục. Còn với thơ trào phúng, tiếng cười trong thơ Tú Xương là tiếng cười suồng sã, sâu cay và dữ dội. Đọc thơ trào phúng của Tú Xương người đọc vừa đau xót với hiện thực, lại vừa hả hê sung sướng vì những bức chân dung châm biếm của những con người đức cao vọng trọng xuất hiện trong tác phẩm của ông. Trong bài thơ Vịnh khoa thi hương quang cảnh trường thi với những sĩ tử, quan trường, giám thị được hiện lên qua những nét vẽ:
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Âm ọe quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra”
Một cuộc thi để lựa chọn người tài phụng sự đất nước nhưng ở đây ta chỉ thấy sự nhốn nháo, ô hợp, lẫn lộn và những hình ảnh hài hước, châm biếm: sĩ tử thì lôi thôi nhếch nhác, quan trường thì ậm ọe, gào thét, trang phục của mụ đầm, vợ quan sứ thì lòe loẹt, nhố nhăng,...Tất cả đã biến trường thi thành một sân khấu tấu hài hợm hĩnh. Bài thơ cũng là sự phẫn uất của Tú Xương trước chế độ thi cử và nỗi lo của ông trước tình cảnh của đất nước.
Sở dĩ có sự khác nhau ấy là bởi Nguyễn Khuyến là người học rộng, tài cao rất thuận lợi trong con đường thi cử. Ông đã đỗ đạt cao. Thi hương, thi hội, thi đình ông đều đỗ đầu nên nhân dân trong vùng gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ. Ông là người tài năng, có cốt cách thanh cao và một tấm lòng yêu nước, thương dân. Ông chỉ làm quan trong khoảng mười năm còn phần lớn cuộc đời là dạy học và sống thanh bạch ở quê nhà. Tú Xương cũng là một người tài giỏi nhưng ông lại không may mắn trong thi cử mà cứ mãi long đong, lận đận. Ông đi thi nhiều lần nhưng cũng chỉ đậu được tú tài. Cuộc sống khó khăn với gánh nặng cơm áo gạo tiền, ông chẳng giúp được gì cho vợ con mà mọi thứ đè lên vai bà Tú. Vì thế mà giọng thơ của ông vừa chua chát, vừa bất lực lại vừa mạnh mẽ, phẫn uất.
Có thể nói, Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hai nhà thơ nổi tiếng của nước ta những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Những sáng tác của hai ông đã góp phần làm nên thanh điệu khác nhau cho nền thơ ca nước nhà. Cả hai ông đều có những nỗi niềm tâm sự về sự căm ghét xã hội thực dân nửa phong kiến thối nát, nhố nhăng với đầy rẫy những bất công và sự đồng cảm, sẻ chia với cuộc sống của nhân dân cũng như trân trọng những tình cảm thiêng liêng, cao quý trong cuộc đời mỗi người. Song đọc thơ hai ông, ta sẽ nhận ra ngay màu sắc, cá tính và cái tôi của hai người. Sự khác biệt trong giọng điệu tạo nên dấu ấn riêng của người nghệ sĩ. Cũng nhờ thế ta cũng hiểu thêm và trân trọng hơn những gì mà họ đã đóng góp cho thơ ca dân tộc.
Như chúng ta đã biết, Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hai người sống trong cùng thời đại, họ đều là những con người rộn ràng, có tấm long yêu nước sâu sắc và tình yêu với thơ văn. Hơn hết, họ đã dùng lời thơ, lời văn của mình để bày tỏ thái độ mỉa mai, châm biếm, đả kích đối với xã hội phong kiến đương thời. Đồng thời, Nguyễn Khuyến và Tú Xương đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và nói lên tâm sự của mình trước tình cảnh của đất nước. Điều này thể hiện rõ qua các tác phẩm như “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến và “Vịnh khoa thi hương” của Trần Tế Xương.
Tuy cả Nguyễn Khuyến và Tú Xương đều có chung nổi niềm, nổi tâm sự, sự căm ghét, phẩn uất đối với xã hội phong kiến nửa thực dân đương thời. Thế nhưng, do hoàn cảnh sống và thân thế, lai lịch của mỗi người là khác nhau nên giọng thơ của mỗi người được lột tả một cách khác nhau, chúng ta có thể thấy rõ qua các bài thơ, văn của hai người.
Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng học giỏi và đổ đầu cả ba kì thi, thi Hương, thi Hội, thi Đình. Ông có thời gian ngắn làm quan nhưng vì bất mãn với triều đình nên đã từ quan, về quê làm nghề dạy học, sống cuộc đời thanh bạch. Ông là người có cốt cách thanh cao và có tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Ông sống một cuộc đời thảnh thơi và không vướng bận chuyện gì, có niềm vui tao nhã. Điều này đã được tô vẽ thành công qua bài thơ “Câu cá mùa thu”. Bài thơ này đã vẻ ra một bức tranh êm đềm của mùa thu Bắc Bộ, đồng thời cho thấy một tình yêu quê hương, đất nước tuy thầm kín, không bộc lộ rõ ràng, nhưng lại chân thật và đơn giản hơn bao giờ hết. Giọng thơ vô cùng thanh thản. thong thả với thú vui tao nhã là câu cá trong một không gian tĩnh lặng êm đềm, với ao nước trong veo, một chiếc thuyền nhỏ. Sóng chỉ hơi gợn tí, lá bay trong gió, mây thì lơ lững trôi còn cá thì đớp động dưới chân bèo. Nguyễn Khuyến kể chuyện câu cá nhưng thực ra là để đón nhận cảnh thu và cõi lòng của mình. Trong không gian tĩnh lặng này càng làm ông cảm thấy cô đơn hơn. Một nỗi niềm lo nghĩ ẩn sâu trong tâm hồn ông. Lời thơ của Nguyễn Khuyến tuy nhẹ nhàng nhưng vô cùng sâu sắc, thâm thúy. Qua đó, ta cũng có thể thấy được cốt cách thanh cao và sự châm biếm đối với xã hội bấy giờ của ông.
Còn về Tú Xương, ông không thuận lợi trong việc thi cử, phải đi thi nhiều lần và chỉ đỗ tứ tài. Không được cử làm quan như Nguyễn Khuyến, tình cảnh thì khốn khổ, túng thiếu đủ đường. Thơ của ông chính là những tâm huyết của ông, đây như là lời nói với dân, với nước, với đời. Tiêu biểu là bài Vịnh khoa thi hương. Bài thơ là cả một sự phẫn uất, thái độ mỉa mai của nhà thơ đối với chế độ thi cử đương thời cũng như con đường thi cử của riêng ông. Đồng thời đã vẽ ra một hiện thực nhốn nháo, ô hợp của xã hội nửa thực dân phong kiến, và nói lên tâm sự bất lực của mình trước tình cảnh đất nước. Trong bài này, lời thơ của ông viết khá mạnh mẽ thể hiện sự căm ghét vô cùng của ông. Nhưng cũng nói lên sự tiếc nuối không cống hiến được gì cho đất nước, không làm gì để giúp dân, cũng như giúp cho gia đình, vợ con mình. Sự bất lực đành phải bỏ mặc, một nổi đau được thể hiện qua từng câu, từng chữ trong bài thơ.
Hai nhà thơ, cùng một nỗi niềm tâm sự, nhưng hai cách thể hiện, hai tâm tư được bộc lộ ra tuy có khác nhau nhưng đều chung một đích, một con đường mong muốn một xã hội khác, một xã hội không có sự bất công, một xã hội mà không phải chịu xiềng xích, không chịu bất kỳ một ách áp bức nào. Hai nhà thơ, là hai màu sắc, cho ta cảm nhận những giá trị nghệ thuật khác nhau, nền tảng khác nhau nhưng tất cả đều chảy chung một mạch.
Từ những gì mà Tú Xương và Nguyễn Khuyến đã thể hiện trong các bài thơ của mình chúng ta có thể thấy tuy hai người đều có chung một tình yêu quê hương, thiên nhiên, đất nước nhưng giọng thơ lại khác nhau đó không chỉ xuất phát từ hoàn cảnh khác nhau, cảm nhận khác nhau mà còn ở sự lựa chọn khác nhau, cuộc sống khác nhau.
Xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỷ XX là xã hội thực dân nửa phong kiến với biết bao những thối nát, nhố nhăng. Đây chính là môi trường để văn thơ hiện thực trào phúng thời kỳ này phát triển thành dòng, thành hướng riêng. Các tác giả của loại văn thơ này phần lớn là những nho sĩ. Ở họ có những nỗi niềm tâm sự giống nhau nhưng cũng có nhiều nét khác biệt. Ta bắt gặp điều này ở hai nhà thơ tiêu biểu nhất là Nguyễn Khuyến và Tú Xương.
“Trên thế giới có hai sức mạnh: thanh gươm và cây bút. Thanh gươm thì đoạt thành chiếm đất, cây bút thì thu phục lòng người”. (Napoleon)
Thời kì văn học trung đại Việt Nam kết thúc với thành tựu cuối cùng rất rực rỡ của hai cây bút đã chinh phục lòng người cho đến tận ngày hôm nay, đó là Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Hai nhà thơ tuy có nỗi niềm tâm sự giống nhau nhưng giọng thơ lại có điểm khác nhau.
Trước hết chúng ta điểm qua hoàn cảnh của hai nhà thơ. Có thể thấy Nguyễn Khuyến (1835, tỉnh Hà Nam) và Tú Xương (1870, tỉnh Nam Định), tuy là hai nhà nho sống cùng thời, một già một trẻ nhưng cuộc đời của hai nhà nho ấy lại hoàn toàn khác nhau. Con đường công danh của Nguyễn Khuyến rất thành đạt (Tam Nguyên Yên Đổ). Ông từng làm quan mười năm, sau đso về sống ở nông thôn. Nguyễn Khuyến là một bậc chân nho, là đại diện khá tiêu biể cho lớp người được xã hội phong kiến đào tạo. Ông được vua Tự Đức ban cờ biển và hai chữ “Tam Nguyên”, tài năng lừng lẫy một thời. Đường công danh mở ra biết bao những vinh quang. Cuộc đời của ông sẽ chẳng có gì để ông có thể tự giễu mình với một giọng điệu chua chát đượm cảm giác ân hận nếu như tài năng ấy của ông thực sự cống hiến được cho dân, cho nước, cho đời. Ấy vậy mà bỗng nhiên Nguyễn Khuyến nhận ra thực chất cái xã hội đã đào tạo và tôn vinh mình. Và khi đạt đến đỉnh cao của vinh quang cũng là lúc ông thừa nhận sự bất lực của tầng lớp nho sĩ trước lịch sử. Nguyễn Khuyến là một trong rất ít những tri thức thời kì ấy sớm nhận ra sự bất lực của giai cấp mình, để rồi ông đã quyết định rời bỏ quan trường về quê để tránh xa sự nhố nhăng của xã hội, sự cám dỗ của đồng tiền.
Ngược lại, Tú Xương từ lúc sinh ra, lớn lên và cho đến lúc mất, ông đều sống ở nơi đô thị. Con đường công danh của Tú Xương mịt mùi, lận đận trong khoa cử để rồi liên tiếp những lần hỏng thi, vỡ mộng, thất vọng chán chường: tám lần thất bại (trừ một lần đậu tú tài). Bao nhiêu năm đèn sách đã vắt kiệt sức lực của nhà thơ. Trong xã hội bấy giờ, cái bằng tú tài thuộc loại dang dở dở dang: tú tài không được thi Hội, cử nhân mới được thi, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ. Tú Xương lại là một người có tài văn chương thật sự. Tài của ông được mọi người công nhận, chỉ có một nơi duy nhất không chấp nhận, đó là quan trường, là hoan lộ.
Điểm giống nhau của Nguyễn Khuyến và Tú Xương là có nỗi niềm tâm sự giống nhau. Lời thơ của hai ông đều mang nặng lòng yêu thương đất nước, dân tộc, quê nhà.
Nguyễn Khuyến qua bức tranh phong cảnh mùa thu với vẻ đẹp thật sự của bầu trời mùa thu ở nông thôn Việt Nam đã gửi vào đó nỗi niềm tâm sự, thể hiện một tinh thần yêu nước sâu xa, yêu nước trong đau đớn, tủi buồn, yêu một cách trầm lắng mà sôi sục, quặn thắt mà quan hoài, trào lộng mà trữ tình, kín đáo mà động vang, cô đơn mà hòa nhập, lạnh lùng mà bỏng cháy, dữ dội mà dịu êm. Bài thơ Thu điếu đã thể hiện được tâm sự này:
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
Cám cảnh thay nỗi “Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được” của nhà thơ! Ông như thể là tù binh của cần câu, là tù binh của chính hồn mình đang ở đâu đây trong trời đất mang mang thiên cổ lụy. Nguyễn Khuyến yêu nước lắm, thương nòi lắm, đau đớn nỗi đời quay quắt lắm, đành giấu kín tình yêu nước vào cảnh thu, ao thu như cá giấu dưới ao bèo. Thi thoảng, ta nghe một tiếng “cá đâu đớp động dưới chân bèo”, như nhà thơ ngầm an ủi mình rằng còn cá tất nhiên còn nước …
Nỗi niềm tâm sự của thi sĩ Tú Xương cũng giống như Nguyễn Khuyến. Tú Xương luôn buồn đau trước vận nước, vận dân. Với giọng văn châm biến sâu cay, ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, thờ ơ với vận mệnh đất nước, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc … Tú Xương đã lên tiếng chất vấn họ trong bài thơ Vịnh khoa thi Hương:
“Nhân tài đất Bắc bào ai đó,
Nghoảnh cổ mà trong cảnh nước nhà”.
Hai bài thơ còn có nhiều điểm giống nhau là cùng ca ngợi hình ảnh người phụ nữ. Nguyễn Khuyến có bài “Mẹ Mốc”. Nhà thơ đã khắc họa hình tượng cảm động của một người đàn bà danh tiết có thật lúc bấy giờ: mẹ Mốc. “Mẹ Mốc” nhan sắc tuyệt trần đã giả vờ điên dại để dành trọn tâm tư cho chồng con đang ở xa:
So danh giá ai bằng mẹ Mốc,
Ngoài hình hài, gấm vóc chẳng thêm ra;
Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà,
Làm thế để cho qua mắt tục.
… Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm,
Giữ son sắt êm đềm một tiết.
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ …
Tú Xương có bài Thượng vợ. Ông chỉ sống được có 37 năm, nhưng học hành thi cử đến 8 lần mới đỗ Tú tài, mọi việc ở nhà đều một tay bà Tú gánh vác. Chính vì vậy, Tú Xương rất trân trọng vợ mình, ông viết về vợ để thể hiện sự tri ân.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không”.
Thơ xưa viết về người vợ đã ít, mà viết về người vợ khi đang còn sống càng hiếm hoi hơn. Thơ Tú Xương lại khác. Trong sáng tác của ông có hẳn một đề tài về bà Tú gồm cả thơ, văn tế, câu đối. Bà Tú từng chịu nhiều vất vả gian truân trong cuộc đời, nhưng bà lại có niềm hạnh phúc là ngay lúc còn sống đã được đi vào thơ ông Tú với tất cả niềm thương yêu, trân trọng của chông.
Điểm khác nhau giữa Nguyễn Khuyến và Tú Xương là giọng thơ. Nguyễn Khuyến, một nhà nho theo những chuẩn mực đạo đức nho giáo mang đến một giọng thơ nhẹ nhành, hóm hỉnh mà thâm thúy. Lời thơ trữ tình của Nguyễn Khuyến thể hiện sự nhẹ nhàng, ý nhị, tinh tế, mộc mạc, đậm chất hình ảnh làng quê, phong tục cổ truyền Việt Nam. Hồn thơ của ông mang tính kinh điển, từ chương, niêm luật rõ ràng của thể thơ Đường luật, thể hiện khá rõ văn phong của một nhà nho.
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lững, trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
Bên cạnh những bài thơ trữ tình, Nguyễn Khuyến còn có một dòng thơ trào phúng của nhà nho, rất đậm nét và sinh động. Giọng điệu tự trào của ông thâm trầm mà kín đáo, nhưng cũng hết sức thâm thúy. Bằng những sáng tác thấm đãm chất trào lộng, Nguyễn Khuyến thực sự đã bộc lộ được tài năng trào phúng bậc thầy của mình. Có khi nhà thơ tự trào một cách trực tiếp trong bài Tự trào:
“Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ,
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”.
Kiểu cười tưởng như nhẹ nhàng nhưng hết sức thâm thúy và có sức công phá mãnh liệt. ông cười về vai trò lịch sử của mình trong chốn quan trường, kiểu cười chua chát, xót xa, ân hận: đại sự thì đã hỏng cả rồi mà mình thì gàn dở vô tích sự.
Còn Tú Xương được xem như một nhà nho thị dân. Ông mang đến cho người đọc những câu thơ trào phúng cay độc, bốp chát. Lời thơ của Tú Xương chua chát, nhằm mục đích mỉa mai, châm biếm xã hội phong kiến. Thơ Đường luật của Tú Xương mang tính phá cách, hiện thực, ngôn từ giản dị mà trau chuốt, dí dỏm mà sâu sắc. Nhà thơ có kiểu tự trào rất ác miệng với mình, tự thóa mạ mình như kiểu ông tự giễu bản thân mình vô tích sự giống như một đứa con lớn của bà Tú:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Nếu như khi cười về hình dáng bản thân mình Nguyễn Khuyến nhẹ nhàng thâm thúy thì Tú Xương bốp chát chế giễu sự vô tích sự của mình:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không”.
Tú Xương hay chữ mà lều chỗng đến tam khoa (từ 1885 đến 1906) chỉ được cái tú tài. Sự từng trải ấy sinh ra cái nhìn hiện thực trào lộng vỗ mặt vào thứ khoa cử cuối mùa, đào tạo tôi tớ cho thực dân xâm lược. Hiện thực ấy là hiện thực của thành Nam, nơi có trường thi lôi thôi sĩ tử. Bài thơ Vịnh khoa thi Hương đã thể hiện thái độ mỉa mai, phẫn uất của nhà thơ đối với chế độ thi cử đương thời và đối với con đường khoa cử của riêng ông. Qua bài thơ này, tác giả vẽ lên một phần hiện thực nhốn nháo, ô hợp của xã hội thực dân nửa phong kiến buổi đầu:
“Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.
Xe kéo rợp trời: quan sứ đến;
Váy lê phết đất, mụ đầm ra .
Vậy chúng ta có nhận xét chung như thế nào về hai nhà thơ Nguyễn Khuyến và Tú Xương? Đoàn hồng Nguyên đã có ý kiến:
“Nếu thơ tự trào của Nguyễn Khuyến là kiểu thơ tự trào mang phong cách của một nhà nho thì kiểu tự trào của Tú Xương là kiểu tự trào thị dân, hiểu hình nhà nho thị dân”.
Nguyễn Khuyến là bậc đại nho với ba lần đỗ đầu vị thế “Tam nguyên” vẻ vang nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Vì lẽ đó mà tiếng cười Nguyễn Khuyến là tiếng cười của bậc bề trên, luôn ý thức cái hơn hẳn người đời về tài, đức; nó mang giọng nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà lại rất thâm thúy, chua cay. Với những điều ông viết ra, người đọc càng nghĩ càng thấm thía cái dụng ý sâu sắc trong lời thơ. Giáo sư Dương Quảng Hàm đã nhận xét về tính trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến:
“Nguyễn Khuyến chỉ trích thói đời một cách nhẹ nhàng kín đáo, rõ ràng bậc đại nhân quân tử muốn dùng lời văn trào phúng để khuyên răn người đời”.
Cũng là người có tài nhưng Tú Xương lại lận đận trong thi cử với “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”, cuối cùng thi đỗ “Tú tài rốt bảng”. Hơn nữa Tú Xương sống ở chốn thành thị - nơi diễn ra rất sớm và rất tập trung lối sống lai căng, lỡm đời của buổi giao thời. Có lẽ vì thế mà giọng thơ trào phúng của Tú Xương gây tiếng cười dữ dội, quyết liệt, sắc sảo đến bốp chát. Từ đó, thơ tự trào của Tú Xương mang một phong cách rất tiêng: ông không phụ thuộc hoàn toàn vào lốn sáng tác khuôn phép của nhà nho xưa. Thơ tự trào của ông có một sự bứt phá, đó là những cảm nhận của một nhà nho thị dân. Ông đã tạo cho mình một giọng điệu trào phúng rất tiêng, đầy ý thức cá nhân mà chúng ta gọi là kiểu trào phúng thành thị. Nhà văn Nguyễn Tuân đã đánh giá Tú Xương là:
“Một người thợ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kì xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam”.
Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hai nhà thơ xuất sắc, hai tài năng kiệt xuất của nền văn học Việt Nam. Trong thẳm sâu tâm hồn, hai nhà thơ vẫn coi trọng tài năng của nhau. Giai thoại sau đây cũng phần nào minh chứng cho suy nghĩ này. Khi Tú Xương mất, Nguyễn Khuyến đã đến viếng với câu thơ đầy xúc động như sau:
“Kìa ai chín suối xương không nát,
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”.
Tóm lại, so sánh hai nhà thơ Nguyễn Khuyến và Tú Xương, không phải xác định ai hơn ai mà để từ đó ta thấy được tài năng cũng như phong cách của từng nhà thơ. Cho dù đã trải qua hơn một trăm năm nhưng Nguyễn Khuyến và Tú Xương luôn để lại trong lòng người đọc sự yêu mến, kính trọng: một cụ Tam Nguyên Yên Đổ nhẹ nhàng mà sâu sắc, một ông Tú Vị Hoàng sắc sảo và dữ dội. Chính vì thế, tên tuổi và tác phẩm của Nguyễn Khuyến và Tú Xương đã được lưu truyền từ xưa cho đến nay và sẽ còn vang danh mãi đến mai sau. Bởi vì “văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”.
Nguyễn Khuyến (1835 11909), Trần Tế Xương (1870 – 1907) là hai nhà thơ trào phúng nổi tiếng của đất Hà Nam, Nam Định. Tuy chênh lệch khá nhiều về tuổi tác, về đường công danh nhưng hai ông có một số điểm gần gũi trong cách nhìn nhận và đánh giá thời cuộc và cả hai đã dùng tiếng cười châm biếm, trào lộng trong thơ ca để phơi bày bản chất nhố nhăng, suy đồi của cái xã hội thực dân, phong kiến dở Tây dở ta thuở ấy.
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp đã bình định xong Đông Dương về mặt quân sự và bắt đầu triển khai kế hoạch bình định trên các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, văn hoá… Trường học được mở ở khắp nơi để dạy tiếng Pháp và đào tạo ra thế hệ quan lại bản xứ tay sai thân Pháp. Sự bành trướng nhanh chóng của nền giáo dục thực dân đã đẩy lùi nền giáo dục truyền thống dựa trên nền tảng đạo Nho có từ lâu đời ở nước ta. Nho học tàn dần, phần lớn tầng lớp trí thức vội vã “Quẳng bút lông đi giắt bút chì” để mong nhận được chức thầy thông, thầy phán trong các công sở của chính quyền bảo hộ, đặng hưởng cuộc sống “Sáng rượu sâm banh, tối sữa bò”, khác xa với cuộc sống lầm than của cả dân tộc dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp.
Là một bậc đại khoa đã từng làm quan hơn mười năm trong triều đình nhà Nguyễn với nhiều chức vụ khác nhau, Nguyễn Khuyến hiểu sâu sắc tình thế nước nhà lúc bấy giờ. Từ vua tới quan chỉ là những con rối trong tay chính quyền thực dân, hoàn toàn chịu sự chi phối và điều khiển của chúng. Xót xa và thấm thía nỗi nhục quốc thể, nhà thơ đã mượn lời than thở của vợ người hát chèo để nói lên thực trạng đau lòng ấy:
Vua chèo còn chẳng ra gì,
Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề.
(Lời vợ người hát chèo)
Theo bước chân của đạo quân xâm lược phương Tây, yếu tố tư bản chủ nghĩa cũng tràn vào nước ta, làm thay đổi diện mạo của xã hội phong kiến đã định hình hàng ngàn năm. Nền tảng tư tưởng, nền tảng đạo đức truyền thống lung lay dữ dội. Nhiều giá trị cơ bản bị đảo lộn, đồng tiền được tôn lên vị trí thống soái, chi phối toàn bộ cuộc sống của con người. Chính vì thế mới có những cảnh cười ra nước mắt trong hội Tây do thực dân Pháp tổ chức mà người bản xứ tham gia các trò chơi tỏ ra vui vẻ đến vô tâm trước nỗi nhục nô lệ:
Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo,
Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,
Thằng bé lom khom nghé hát chèo.
Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ cho vui thế,
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!
(Hội Tây)
Tiếng cười của Nguyễn Khuyến là tiếng cười của lương tâm, của ý thức liêm sỉ nên thâm thuý và thấm đượm nước mắt. Không chỉ cười những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống đương thời, nhà thơ còn dám nhìn sâu vào bên trong con người mình để tự trào:
Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang,
Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thầu canh đã chạy làng.
Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm mồi chén mãi tít cung thang.
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhị
Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!
(Tự trào)
Đúng là chân dung của một con người dở dang mọi nhẽ, công chẳng thành mà danh chẳng toại, thật đáng buồn, đáng chán. Ngẫm người rồi ngẫm đến ta, nhiểu lúc cụ Tam Nguyên Yên Đổ cũng chế giễu mình bằng nụ cười nhếch mép đầy xót xa, cay đắng. Cụ ngầm so sánh những bậc đại khoa có tiếng tăm giống như mình nhưng cũng đành xuôi tay bất lực trước thời thế đảo điên thì chẳng khác gì mấy ông phỗng đá vô hồn.
Nhà thơ Trần Tế xương nhìn đời với đôi mắt bất bình của kẻ sinh bất phùng thời nên đâu đâu cũng thấy những cảnh chướng tai gai mắt:
Nhà kia lỗi đạo con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.
Vì tiền mà các cô gái tơ sẵn sàng chấp nhận thân phận làm vợ bé các thầy ký, thầy phán để rồi phải lãnh chịu kết cục thảm thương:
Cô Kí sao mà đã chết ngay?
Ô hay, Trời chẳng nể ông Tây.
Gái tơ đi lấy làm hai họ,
Năm mới vừa sang được một ngày.
Hàng phố điếu bằng câu đối đỏ,
Ông chồng thương đến cái xe tay.
Gớm thay cho các cô con gái,
Mà vẫn đua nhau lấy các thầy!
(Mồng ba Tết viếng cô Kí)
Vì tiền nên mới diễn ra những cảnh huống lố bịch, nhố nhăng khiến nhà thơ Tú Xương tức giận phải bật lên tiếng chửi phũ phàng:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu,
Trăm nghìn vạn mớ để vào đậu.
Phen này ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu.
Lẳng lặng, mà nghe nó chúc sang,
Đứa thời bán tước đứa mua quan,
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa chùi vừa rao cũng đắt hàng.
(Năm mới chúc nhau)
Hiện tượng bỏ tiền ra để mua quan bán tước, mua chuộc, hối lộ hòng kiếm lấy một chức vị hay một mảnh bằng nào đó đã trở nên khá phổ biến trong cái xã hội bát nháo, kỉ cương rối loạn. Học giỏi như Tú xương nhưng cứ trượt hoài vì Tám khoa không khỏi phạm trường quy, trong khi đó một số tên công tử con nhà giàu ham chơi học dốt thì lại đỗ. Bất bình, nhà thơ văng tục:
Cử nhân cậu ấm Kỉ,
Tú tài con Đô Mĩ.
Thi thế mà cũng thi,
Ối khỉ ơi là khỉ!
Còn cái loại đậu lạy, quan xin thì nhan nhản khắp nơi. Điềm tĩnh, chín chắn như Nguyễn Khuyến mà cũng phải chua chát nhận xét về đám người này qua bài thơ Tiến sĩ giấy:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi!
Sống trong cái xã hội bị ma lực đồng tiền chi phối và khuynh đảo ghê gớm như vậy thì những người luôn đề cao phẩm giá như Nguyễn Khuyến, Tú Xương chỉ có cách duy nhất là giữ gìn khí tiết trong sạch, xa lánh cõi đời thật giả, vàng thau lẫn lộn. Đêm giao thừa, nghe tiếng pháo nổ mừng năm mới của những kẻ lắm của nhiều tiền, thi sĩ nghèo Tú Xương suy ngẫm rồi cám cảnh thốt lên hai câu thơ châm biếm sâu cay:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo,
Nhân tình trắng thế lại bôi vôi.
Tiếng cười trào lộng ở đây không vang lên hả hê, khoái trá mà chứa đựng một nỗi đau, nỗi hận và day dứt khôn nguôi. Sự nhố nhăng không chỉ hiện diện ở ngoài đời mà nó còn lan tràn cả vào chốn tôn nghiêm của cửa Khổng sân Trinh, biến các khoa thi Hán học thành chợ trời nhốn nháo. Tú Xương cười nhạo cảnh: Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt, Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng và cũng khóc thầm trước quang cảnh lố lăng của một kì thi Hương ở Nam Định vào giai đoạn Nho giáo đã suy tàn:
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Cờ cắm rợp trời quan sứ đến,
Vảy lê quét đất mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!
(Vịnh khoa thi Hương)
Rõ ràng cùng là tiếng cười trào lộng đả kích, phê phán những hiện tượng xấu xa, tiêu cực trong xã hội thực dân phong kiến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nhưng đặc điểm tiếng cười của Nguyễn Khuyến khác với Tú xương. Tiếng cười Nguyễn Khuyến nhẹ nhàng, thâm thuý; còn tiếng cười Tú Xương mạnh như những làn roi quất thẳng vào mặt cái xã hội điêu trá ấy. Chừng nào cái ác, cái xấu còn tồn tại thì tiếng cười đầy ý nghĩa của hai nhà thơ nổi tiếng trên vẫn còn nguyên giá trị.