CH1. Chỉ ra câu thơ, câu văn có sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ trong các trường hợp sau:
a. Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
(Trần Tế Xương, Thương vợ)
b. Xóm làng xanh mát bóng cây.
Sông xa trắng cánh buồm bay lưng trời.
(Trần Đăng Khoa, Quê em)
c. Chị Dậu về đến đầu nhà đã nghe tiếng khóc khàn khàn của hai đứa trẻ. Sấp ngửa, chị chạy vào cổng, quẳng cả rổ mẹt, mẻ nón xuống sân, rồi vội vàng chị vào trong nhà.
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
Hướng dẫn trả lời:
a. Hai câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ (lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước)
b. Hai câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ (xanh mát bóng cây, trắng cánh buồm bay)
c. Câu văn thứ hai sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ (sấp ngửa, chị chạy vào cổng; vội vàng chị vào trong nhà)
CH2. Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
(Bà Huyện Thanh Quan, Qua Đèo Ngang)
a. Chỉ ra các câu thơ sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ trong đoạn thơ.
b. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong từng câu thơ.
Hướng dẫn trả lời:
a. Cả 4 câu thơ đều sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ
b. Tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ:
- Câu 1: nhấn mạnh tư thế, hình dáng nhỏ bé của con người, từ đó làm nổi bật lên khung cảnh hùng vĩ, hiểm trở của Đèo Ngang.
- Câu 2: nhấn mạnh số lượng ít ỏi và sự thưa thớt của những ngôi nhà; từ đó gợi không khí vắng vẻ, hoang sơ của núi rừng.
- Câu 3 và 4: thể hiện nỗi niềm hoài cổ – nhớ tiếc quá khứ vàng son đã trôi qua và tâm trạng hoài hương – nhớ gia đình, quê hương.
CH3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ trong các đoạn thơ sau:
a. Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.
(Nguyễn Đình Chiểu, Chạy giặc)
b. Con dê cát đỏ cỏ viền
Leng keng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò.
(Hoàng Tố Nguyên, Gò Me)
c. Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
(Tế Hanh, Quê hương)
Hướng dẫn trả lời:
a. Vị ngữ “bỏ nhà” và “mất ổ” được đảo lên đầu nhằm nhấn mạnh cảnh loạn li tang tóc của nhân dân ta khi thực dân Pháp tràn tới.
b. Đảo âm thanh leng keng của tiếng nhạc ngựa sống động kết hợp với âm thanh của tiếng sáo, tiếng chim tạo nên một Gò Me trù phú, vui tươi.
c. Tác giả đảo hàng loạt tính từ “ồn ào”, “tấp nập” gợi không khí đông vui, sôi động. Những người ở nhà tấp nập kéo nhau ra đón đoàn thuyền trở về.