Hướng dẫn giải chi tiết bài 28 Lipid bộ sách mới Khoa học tự nhiên 9 kết nối tri thức. Lời giải chi tiết, chuẩn xác, dễ hiểu sẽ giúp các em hoàn thành tốt các bài tập trong chương trình học. Baivan.net giải chi tiết tất cả các bài tập trong sgk. Hi vọng sẽ trở thành người bạn đồng hành cùng các em trong suốt quá trình học tập.
Câu hỏi: Dầu thực vật và mỡ động vật là loại lipid được sử dụng phổ biến hằng ngày để chế biến thực phẩm. Vai trò của chúng trong cơ thể sinh vật là gì? Tại sao tùy theo độ tuổi, cơ thể cần được cung cấp một lượng dầu và mỡ phù hợp? Lipid còn có những ứng dụng gì khác?
Bài làm chi tiết:
- Lipid đóng vai trò quan trọng trong cơ thể sinh vật, bao gồm việc cung cấp và lưu trữ năng lượng, cũng như là thành phần cấu tạo nên màng tế bào.
- Mỗi độ tuổi có nhu cầu lipid khác nhau, do đó lượng dầu và mỡ cần thiết trong chế độ ăn cũng cần được điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi về chức năng và yêu cầu dinh dưỡng theo thời gian và các giai đoạn phát triển của cơ thể.
- Ngoài ra, lipid còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như sản xuất xà phòng, chất dẻo và mỹ phẩm.
Câu hỏi 1: Đặc trưng tính chất vật lí của lipid là gì?
Bài làm chi tiết:
Tính chất vật lí đặc trưng của lipid là không tan trong nước, nhưng tan được trong một số dung môi hữu cơ như: xăng, dầu hỏa,…
Câu hỏi 2: Có những loại lipid điển hình nào và vai trò của mỗi loại ở sinh vật là gì?
Bài làm chi tiết:
Những loại lipid điển hình:
Chất béo: Đây là lipid phổ biến, chủ yếu tập trung trong dầu thực vật và mỡ động vật, đóng vai trò là nguồn dự trữ năng lượng chính cho cơ thể.
Sáp: Có mặt trên bề mặt của lá và thân cây, cũng như da và lông của động vật, sáp giúp chống lại sự thấm nước và bảo vệ chống lại các yếu tố môi trường bất lợi.
Hoạt động 1: Em hãy tìm hiểu và trình bày về cách làm xà phòng từ dầu ăn, mỡ thừa sau khi sử dụng.
Bài làm chi tiết:
1. Nguyên liệu
- 1 kg dầu ăn thừa đã lọc bỏ cặn, tạp chất. Bạn có thể sử dụng 70% dầu thừa, 30% dầu dừa nguyên chất.
- 200 gram NaOH
- 400 gram nước cất (có thể dùng nước tinh khiết, hay các loại nước chưng cất từ thảo mộc, hoặc nước đun cùng với các loại thảo mộc khác nhau).
- 5 mL tinh dầu sả, chanh, bạc hà tự nhiên (nếu có).
2. Quy trình làm xà phòng
- Bước 1: Đeo găng tay, kính mắt bảo hộ.
- Bước 2: Đong 200 gram NaOH vào ca đựng 400 gram nước cất đã chuẩn bị, quấy nhẹ.
Lưu ý: Đổ NaOH vào nước cất (không làm ngược lại) để đảm bảo an toàn.
- Bước 3: Khi nhiệt độ của hỗn hợp nước cất và NaOH về khoảng 40 - 45 độ C, đổ vào ca đựng 1 kg dầu đã chuẩn bị. Nhiệt độ của dầu tốt nhất trong khoảng 25 đến 35 độ C.
- Bước 4: Dùng phới (đũa thủy tinh) quấy đều, từ nhẹ tới mạnh, liên tục cho tới khi hỗn hợp đặc lại và có độ kết dính.
Thông thường, quy trình này sẽ mất khoảng 45 phút tới 1 tiếng, nhưng nếu sử dụng máy xay cầm tay hoặc máy đánh trứng để trộn, khâu này sẽ rút ngắn lại chỉ trong 5 - 10 phút. Nếu dùng tinh dầu, bạn cho vào trộn đều với hỗn hợp.
- Bước 5: Đổ xà phòng vào khuôn, đậy kín hoặc lấy giấy nến bọc lại, để qua đêm cho bánh xà phòng cứng lại.
Hoạt động 2: Chúng ta biết rằng chất béo được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày, từ thực phẩm đến mĩ phẩm và cả dược phẩm. Em hãy tìm hiểu qua sách báo, internet, sau đó thảo luận nhóm và liệt kê ra 3 sản phẩm có chứa chất béo. Giải thích tại sao chất béo lại có trong thành phần các sản phẩm đó.
Bài làm chi tiết:
Ứng dụng của chất béo:
- Trong thực phẩm: Mỡ động vật và dầu thực vật được dùng rộng rãi trong các món ăn như thịt, sản phẩm đồ hộp, và bánh kẹo. Chất béo không chỉ cung cấp năng lượng mà còn tăng thêm hương vị và độ ngậy cho thực phẩm.
- Trong mỹ phẩm: Các sản phẩm như kem dưỡng da, kem chống nắng và son môi thường chứa chất béo. Chất béo giúp dưỡng ẩm và bảo vệ da không bị mất nước, đồng thời làm mềm và mịn da.
- Trong dược phẩm: Chất béo được sử dụng trong một số loại thuốc như thuốc giảm cân và thuốc hạ cholesterol. Chúng giúp tăng cường khả năng hấp thu các hoạt chất trong thuốc, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.
Giải Khoa học tự nhiên 9 Kết nối, giải bài 28 Lipid Khoa học tự nhiên 9 kết nối tri thức, giải Khoa học tự nhiên 9 KNTT bài 28 Lipid