Câu hỏi: Trên thị trường một loại sản phẩm có thể do nhiều chủ thể sản xuất. Sản phẩm cùng loại có mẫu mã khác nhau, đến với người tiêu dùng bằng nhiều hình thức và có thể khác biệt về giá bán.
Em hãy nêu ví dụ về một hàng hóa được cung cấp bởi nhiều chủ thể sản xuất và cho biết sự khác biệt giữa các sản phẩm đó. Theo em, vì sao các chủ thể sản xuất luôn tạo ra sự khác biệt như vậy.
Hướng dẫn trả lời:
- Cả 2 hãng Coca-cola và Pepsi đều cung cấp một loại sản phẩm là nước ngọt có ga. Tuy nhiên, giữa chúng có nhiều sự khác biệt:
Khác biệt về hương vị:
Nước ngọt của hãng Pepsi có hương vị cam quýt. Khi người dùng thử ngụm đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận được độ ngọt cao hơn so với Coca-cola, nhưng độ ngọt của Pepsi có thể tan biến nhanh hơn.
Nước ngọt của hãng Coca-cola mang hương vị nho khô và vani. Khi thử ngụm đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy được vị ngọt dịu hơn so với Pepsi, nhưng độ ngọt này thường kéo dài lâu hơn.
Khác biệt về giá trị dinh dưỡng:
Sản phẩm của Pepsi có hàm lượng đường, ca-lo và cafein cao hơn và có sử dụng axit cân bằng độ chua.
Sản phẩm của Coca-Cola có hàm lượng muối natri cao hơn Pepsi và không sử dụng axit cân bằng độ chua.
Khác biệt về chiến lược kinh doanh:
Coca-Cola tập trung phát triển dưới góc độ cảm xúc và nhấn mạnh vào quá khứ của người tiêu dùng.
Pepsi hướng đến hình ảnh thương hiện đại, trẻ trung và năng động hơn.
- Các chủ thể sản xuất kinh doanh luôn tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm, nhằm xây dựng lợi thế cạnh tranh, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng đến sản phẩm của họ.
1. Khái niệm cạnh tranh
Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp (trang 6 sgk) và trả lời câu hỏi:
a. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát Việt Nam đã thực hiện những hoạt động gì để tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình?
b. Theo em, những hoạt động đó có phải là cạnh tranh không? Vì sao?
Hướng dẫn trả lời:
a. Các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát tại Việt Nam đã thực hiện một loạt hoạt động nhằm tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của họ:
Lựa chọn chiến lược đa dạng hoá sản phẩm
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Giảm chi phí sản xuất
Tạo ra sự khác biệt về sản phẩm
Tạo ra các loại nước giải khát có nguồn gốc từ thiên nhiên như nước cam, chanh, nho, nha đam,...
b. Những hoạt động trên của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát Việt Nam chính là biểu hiện của cạnh tranh. Vì chúng đều hướng tới các mục tiêu: giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa; khác biệt hóa sản phẩm để thu hút người tiêu dùng từ đó đạt được lợi ích kinh tế cao nhất.
2. Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh.
Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp (trang 7 sgk) và trả lời câu hỏi:
a. Em hãy cho biết những chủ thể sản xuất kinh doanh được nhắc đến trong các trường hợp trên. Các chủ thể đó có sự khác biệt gì với nhau?
b. Vì sao các chủ thể đó luôn phải nỗ lực chinh phục người tiêu dùng? Những yếu tố nào giúp sản phẩm thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng?
Hướng dẫn trả lời:
*Trường hợp 1:
- Những chủ thể được nhắc đến là: hộ gia đình; chủ trang trại; hợp tác xã; doanh nghiệp…
- Giữa các chủ thể có sự khác biệt về công nghệ sản xuất sản phẩm. Cụ thể:
Hộ gia đình sử dụng phương pháp thủ công truyền thống trong chế biến nông sản.
Các chủ trang trại; hợp tác xã; doanh nghiệp… thông qua công nghệ sản xuất hiện đại hơn để tạo ra sản phẩm.
=> Sự khác biệt về công nghệ sản xuất này góp phần tạo nên sự đa dạng về chủng loại, chất lượng, mẫu mã và giá cả sản phẩm.
* Trường hợp 2:
Những chủ thể được nhắc đến bao gồm: doanh nghiệp thời trang Việt Nam và doanh nghiệp thời trang nước ngoài.
Các chủ thể này có sự khác biệt về nguồn lực sản xuất như vốn, công nghệ, mức độ chuyên nghiệp…
b)
- Mục đích cuối cùng của các chủ thể sản xuất kinh doanh là tăng doanh thu và lợi nhuận thông qua việc bán ra nhiều sản phẩm. Vì vậy, họ luôn phải nỗ lực thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
- Một số yếu tố giúp sản phẩm thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng bao gồm giá cả, mẫu mã, chất lượng, tính năng, công dụng… của sản phẩm.
3. Vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế
Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp (trang 8 sgk) và trả lời câu hỏi:
a. Doanh nghiệp H đã làm gì để giành thắng lợi trong cạnh tranh? Điều này có tác dụng gì đối với sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp?
b. Cạnh tranh giữa những người cung cấp dịch vụ taxi đem lại lợi ích gì cho người tiêu dùng?
Hướng dẫn trả lời:
a. - Để giành lợi thế trong cạnh tranh, doanh nghiệp H đã thực hiện nâng cấp công nghệ của mình bằng cách đầu tư thiết bị máy móc hiện đại hơn, áp dụng dây chuyền sản xuất mới, tự động hoá một số giai đoạn trong sản xuất.
- Hiệu quả: nhờ cải thiện quy trình sản xuất, doanh nghiệp H đã rút ngắn được 1/3 thời gian sản xuất, giảm 50% lực lượng lao động vận hành, giảm chi phí nhân công 5 lần cho mỗi sản phẩm và nâng cao năng suất lao động gấp gần 5 lần so với công nghệ trước đây.
b. Sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ Taxi đã mang lại cho khách hàng nhiều lợi ích hơn, ví dụ như: khả năng tiếp cận với các dịch vụ taxi có chất lượng cao với mức giá hợp lý; nhận được thái độ phục vụ và hướng dẫn chi tiết hơn.
4. Cạnh tranh không lành mạnh.
Câu hỏi: Em hãy đọc trường hợp (trang 9 sgk) và trả lời câu hỏi:
a. Theo em, hành vi của doanh nghiệp B là thể hiện cạnh tranh như thế nào? Hành vi đó vi phạm điều gì trong nguyên tắc cạnh tranh? Việc cạnh tranh như vậy dẫn đến hậu quả gì?
b. Từ các trường hợp trên, em hiểu thế nào là cạnh tranh không lành mạnh?
c. Theo em các chủ thể sản xuất kinh doanh cần phải làm gì để ngăn ngừa, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh?
Hướng dẫn trả lời:
a. - Hành vi của doanh nghiệp B đã thể hiện tính cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp A, bằng cách tạo ra bao bì với tên, màu sắc và hoạ tiết tương đồng, gây nhầm lẫn với sản phẩm của doanh nghiệp A.
- Hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp B vi phạm các nguyên tắc về sự thiện chí, trung thực và các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh.
- Hành vi của doanh nghiệp B đã gây tổn thất hoặc có thể gây tổn thất tới quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp A.
b. Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh, gây tổn thất hoặc có thể gây tổn thất tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
c. Để ngăn ngừa, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp cần:
Tuân thủ các quy định kinh doanh của pháp luật và chính sách cạnh tranh.
Tăng cường quan tâm và khuyến khích đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tự xây dựng chiến lược cạnh tranh chuyên nghiệp và bền vững bao gồm việc xây dựng và quảng bá thương hiệu; phát triển những kênh phân phối và sản phẩm mới; tận dụng lợi thế cạnh tranh của riêng mình.
Câu 1: Em hãy cho biết các nhận định sau đây về cạnh tranh trong nền kinh tế là đúng hay sai. Vì sao?
a. Cạnh tranh là sự chia sẻ các nguồn lực giữa những người sản xuất kinh doanh,
b. Cạnh tranh luôn diễn ra giữa các chủ thể trong nền kinh tế thị trường.
c. Cạnh tranh là sự phối hợp giữa các chủ thể kinh tế trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
d. Cạnh tranh là sự ganh đua tìm kiếm cơ hội thuận lợi của các chủ thể trong hoạt động kinh tế để thu về lợi ích kinh tế cao nhất.
e. Mục đích cao nhất của cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế là nhằm phát huy năng lực sáng tạo của con người.
Hướng dẫn trả lời:
- Nhận định A. Không đồng tình, vì: cạnh tranh là quá trình ganh đua và đấu tranh giữa các chủ thể tham gia thị trường, với mục tiêu giành lợi thế trong sản xuất, mua bán, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh tế.
- Nhận định B. Đồng tình, vì: trong nền kinh tế thị trường, giữa các chủ thể tồn tại sự khác biệt về nguồn lực; điều kiện sản xuất, mua bán và tiêu dùng, bởi vậy, các chủ thể luôn phải ganh đua, đấu tranh với nhau để giành được lợi ích tối đa.
- Nhận định C. Không đồng tình, vì: cạnh tranh là quá trình ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể tham gia thị trường, nhằm tối ưu hóa lợi ích kinh t. Ví dụ:
Giữa các chủ thể sản xuất, cạnh tranh xảy ra để giành điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Người tiêu dùng cạnh tranh để mua được sản phẩm với giá cả và chất lượng tốt hơn.
Người sản xuất và người tiêu dùng thường xuyên cạnh tranh để tối ưu hóa lợi ích từ hoạt động trao đổi trên thị trường.
- Nhận định D. Đồng tình, vì: trong nền kinh tế thị trường, các chủ thể luôn có sự cạnh tranh để giành những cơ hội thuận lợi, nhằm thu về tối đa lợi ích kinh tế.
- Nhận định E. Không đồng tình, vì: mục tiêu cao nhất của cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế là thu về lợi ích kinh tế cho họ.
Câu 2: Em hãy chỉ ra những nhận định đúng về nguyên nhân cạnh tranh trong các câu sau và giải thích vì sao.
a. Cạnh tranh nảy sinh do sự tồn tại các chủ thể kinh tế với các hình thức sở hữu nguồn lực khác nhau, độc lập với nhau, tự do sản xuất, kinh doanh.
b. Cạnh tranh xuất hiện là do sự giành giật các điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của các chủ thể kinh tế để thu được lợi ích cao nhất cho mình.
c. Cạnh tranh xuất hiện là do sự phối hợp giữa các chủ thể kinh tế nhằm cùng thu được lợi ích trong hoạt động kinh tế.
d. Cạnh tranh diễn ra do điều kiện sản xuất và lợi ích của mỗi chủ thể kinh tế khác nhau.
Hướng dẫn trả lời:
- Những nhận định chính xác về nguyên nhân cạnh tranh là: A, B, D.
=> Giải thích:
- Cạnh tranh trên thị trường xuất phát từ việc các chủ thể kinh tế sở hữu nguồn lực khác nhau và tồn tại độc lập, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu.
- Vì các nguồn lực, điều kiện sản xuất, mua bán và tiêu dùng khác nhau các chủ thể kinh tế phải cạnh tranh để đạt được lợi ích tối đa cho họ.
Các chủ thể sản xuất phải tranh giành những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, nhằm thu được lợi nhuận cao nhất cho mình.
Người tiêu dùng cũng ganh đua để mua được hàng hóa với mức giá và chất lượng tốt nhất.
Người sản xuất và người tiêu dùng cũng thường xuyên cạnh tranh với nhau để đạt được lợi ích cao nhất từ hoạt động trao đổi trên thị trường.
Câu 3: Em hãy phân tích vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế qua những trường hợp dưới đây:
a. Các công ty sản xuất bánh mứt kẹo trong nước bán ra thị trường nhiều sản phẩm mới, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của các gia đình dịp Tết.
b. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử gia dụng nội địa tập trung đầu tư vào cải tiến kĩ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường trong nước.
c. Những năm gần đây, nhờ áp dụng quy trình sản xuất sạch và tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm...
d. Nhờ khai thác tốt lực lượng lao động thủ công có tay nghề giỏi, làng dệt lụa truyền thống tỉnh H vẫn duy trì được thi trường phục vụ khách du lịch trong vào ngoài nước.
Hướng dẫn trả lời:
- Trường hợp A. Cạnh tranh đóng vai trò tạo điều kiện cho người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, cũng như giá cả hợp lí. Nhờ vậy, nhu cầu của người tiêu dùng được đáp ứng một cách tốt hơn.
- Trường hợp B. Cạnh tranh đóng vai trò tạo động lực, xúc tiến sản xuất kinh doanh phát triển.
- Trường hợp C. Cạnh tranh giúp quảng bá và nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó thu hút được sự quan tâm của thị trường trong và ngoài nước.
- Trường hợp D. Cạnh tranh giúp sử dụng các nguồn lực kinh tế một cách linh hoạt, hiệu quả, góp phần đưa tỉnh H bảo tồn được làng dệt lụa truyền thống, duy trì thị trường phục vụ khách du lịch nội địa và nước ngoài.
Câu 4: Trong thời gian qua, việc kinh doanh của công ty H có dấu hiệu thua kém công ty K về doanh thu và lợi nhuận. Giám đốc công ty H đã tìm nhiều cách khắc phục. Ông đã cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách tìm mua nguyên vật liệu có chất lượng kém hơn, nguồn gốc không rõ ràng.
Em đồng tình hay không đồng tình với hành động của giám đốc công ty H trong tình huống này? Vì sao?
Hướng dẫn trả lời:
Em không đồng tình với hành động của giám đốc công ty H vì việc sử dụng các nguyên liệu không có nguồn gốc, xuất xứ… rõ ràng, mặc dù có thể giảm chi phí sản xuất trước mắt, nhưng sẽ để lại những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng, như:
Giảm chất lượng sản phẩm;
Đánh mất sự uy tín của doanh nghiệp;
Đặt nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người tiêu dùng;
Dẫn đến mất niềm tin của khách hàng vào sản phẩm của công ty…
Câu 1: Em và các bạn đóng vai người bán cùng một mặt hàng. Hãy thuyết phục để người mua lựa chọn sản phẩm của em. (Gợi ý: cân nhắc về mức giá, chất lượng sản phẩm, cách thức thanh toán, điều kiện giao hàng,...).
Hướng dẫn trả lời:
- Bạn A là khách hàng đến với cửa hàng với sự đắn đo và hoài nghi về chất lượng, công năng của sản phẩm.
- Em đã thuyết phục và giải thích với khách hàng bằng cách:
Tập trung lắng nghe ý kiến hoài nghi từ khách hàng về sản phẩm.
Thể hiện sự thông cảm và thái độ cầu thị với khách hàng.
Tìm hiểu nguyên nhân về sự đắn đo của khách hàng về sản phẩm và nỗ lực tìm cách giải quyết, từ đó rút kinh nghiệm để cải thiện dịch vụ sau này.
Tự tin, hiểu rõ về sản phẩm và sử dụng những ngôn từ, bằng chứng thuyết phục để giải quyết hoài nghi của khách hàng.
Không bộc lộ thái độ bực tức, thay vào đó, trình bày về chất lượng về mặt hàng và công nghệ được sử dụng một cách rõ ràng và logic.
Câu 2: Em hãy thiết kế sản phẩm để phê phán các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh và chia sẻ thông điệp với các bạn trong lớp.
Hướng dẫn trả lời:
Tham khảo tiểu phẩm: CUỘC HỘI NGỘ CỦA NHỮNG “HẠT NGỌC”
I. Mô tả tiểu phẩm
"Cuộc hội ngộ của những “hạt ngọc”" là một tiểu phẩm sân khấu ngắn, được biểu diễn trước các bạn học sinh trong lớp. Nó nhấn mạnh các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh và thông điệp về tầm quan trọng của đạo đức trong kinh doanh và cuộc sống.
II. Nội dung tiểu phẩm
Phần 1: Cuộc họp của các nhân vật
Trong một thị trấn nhỏ, có một cuộc họp diễn ra giữa các nhân vật chính.
- Nhân vật A: Đại diện cho một doanh nghiệp đạo đức, luôn tuân thủ đúng luật,…
- Nhân vật B: Đại diện cho một doanh nghiệp không đạo đức, thường vi phạm quy tắc và thể hiện lòng tham.
Cuộc họp này nhấn mạnh mối đối đầu giữa hai phương pháp tiếp cận kinh doanh.
Phần 2: Cuộc cạnh tranh
Tiếp theo, tiểu phẩm sẽ thể hiện cuộc cạnh tranh giữa hai doanh nghiệp.
- Nhân vật A: luôn duy trì đạo đức và tạo ra sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.
- Nhân vật B: bất chấp đạo đức, thực hiện các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm giảm giá đáng kể, sao chép sản phẩm của A, và thậm chí làm giả thông tin sản phẩm.
Phần 3: Kết quả cuộc cạnh tranh
Cuối cùng, tiểu phẩm sẽ thể hiện hậu quả của cuộc cạnh tranh.
- Nhân vật B có thể có lợi nhuận ngắn hạn cao hơn, nhưng bị phát hiện và lâm vào khó khăn pháp lý và tài chính.
- Nhân vật A, mặc dù ban đầu gặp khó khăn, nhưng vượt qua được nhờ sự uy tín và đạo đức, thu hút sự ủng hộ của khách hàng và cộng đồng.
=> Thông điệp chia sẻ:
Tiểu phẩm "Cuộc hội ngộ của những “hạt ngọc”" chia sẻ thông điệp rằng đạo đức và tầm nhìn xa hơn vượt trội hơn so với các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh chỉ hướng đến lợi ích trước mắt. Từ đó, kêu gọi các bạn trong lớp học luôn luôn giữ vững giá trị đạo đức trong mọi tình huống và không nên bao giờ đánh đổi đạo đức vì lợi ích ngắn hạn.