CHIA SẺ
Câu 1: Em hiểu kho báu là gì?
a) Là nơi chứa rất nhiều của cải.
b) Là nơi rất bí mật.
c) Là nơi rất khó tìm.
Hướng dẫn trả lời:
Em hiểu kho báu là nơi chứa rất nhiều của cải. Rất khó để tìm thấy kho báu, thường sẽ có những sơ đồ, sự mách bảo của người khác để tìm được kho báu.
Câu 2: Kể tên một vài câu chuyện về kho báu mà em đã được đọc hoặc được nghe.
Mẫu: Cây khế, A-li Ba-ba và bốn mươi tên cướp,...
Hướng dẫn trả lời:
Kho báu, Truyện quả bầu, Cây khế,…
Câu 3: Theo em, vì sao sách cũng là kho báu? Kho báu ấy quý giá như thế nào?
a) Của cải ở kho báu ấy là gì?
b) Vì sao có thể nói của cải ở kho báu ấy là vô tận?
c) Của cải thu được từ kho báu ấy giúp con người những gì?
Hướng dẫn trả lời:
Theo em, sách cũng là kho báu vì:
+ Sách có rất nhiều tri thức, nhiều điều bổ ích mà chỉ nhờ đọc sách ta mới hiểu được, biết được.
+ Mỗi quyển sách là một lĩnh vực, một câu chuyện đơn vị khác nhau.
BÀI ĐỌC 1: NHỮNG THƯ VIỆN ĐẶC BIỆT
Câu 1: Những thư viện cổ nói lên điều gì về nền văn minh của loài người?
Hướng dẫn trả lời:
Qua những thư viện cổ, ta thấy nền văn minh của loài người đã có từ rất sớm (từ khoảng hơn 5 000 năm trước).
Câu 2: Người ta có thể đọc và xem những gì ở Thư viện Quốc hội Mỹ?
Hướng dẫn trả lời:
Ở Thư viện Quốc hội Mỹ, người ta có thể đọc và xem được các cuốn sách viết bằng 125 thứ tiếng, hơn 54 triệu bản thảo viết tay và hàng triệu bản đồ, bản nhạc, bản vẽ, phim,…
Câu 3: Thông tin và hình ảnh về thư viện thiếu nhi ở Thư viện Quốc gia Việt Nam nói lên điều gì?
Hướng dẫn trả lời:
Qua hông tin và hình ảnh về thư viện thiếu nhi ở Thư viện Quốc gia Việt Nam, ta thấy Việt Nam cũng có một thư viện đồ sồ, hoành tráng, nhằm đem lại những cơ hội, trải nghiệm và học tập cho các bạn thiếu nhi toàn diện.
Câu 4: Qua bài đọc, em thấy các tài liệu và hoạt động thư viện hiện nay đã phát triển như thế nào so với những thư viện đầu tiên?
Hướng dẫn trả lời:
So với những thư viện đầu tiên được hình thành, thư viện hiện nay được thiết kế hiện đại, phục vụ nhiều nhu cầu của người tới thư viện: không gian đọc, không gian bày trí sách, ánh sáng, kiến trúc,… trở nên tốt hơn, phục vụ cho con người tối ưu hơn. Đặc biệt còn là thư viện dành riêng cho thiếu nhi chúng em.
Câu 5: Em mong muốn điều gì ở thư viện trường em?
Hướng dẫn trả lời:
Em mong muốn thư viện trường em có thật nhiều truyện tranh, nhiều sách về khoa học. Em rất thích tìm hiểu những điều thú vị này.
TỰ ĐỌC SÁCH BÁO
Câu 1: Tìm đọc thêm ở nhà:
– 2 câu chuyện (hoặc 1 câu chuyện, 1 bài thơ) về sách và thư viện, về những người ham đọc sách, biết vận dụng những điều bổ ích học được trong sách vào cuộc sống.
– 1 bài văn (hoặc bài báo) miêu tả hoặc cung cấp thông tin về cây cối.
Hướng dẫn trả lời:
Một người ham đọc sách
Đan-tê là một nhà thơ lớn của nước Ý. Ông còn nổi tiếng là người ham đọc sách. Không đủ tiền mua sách, ông làm quen với người bán hàng để mượn sách về nhà xem.
Một hôm, người chủ quán sách không muốn cho Đan-tê mượn cuốn sách mới. Ông liền đứng tại quầy hàng để đọc, bất chấp mọi tiếng ồn ào xung quanh.
Khi ông đặt cuốn sách vừa đọc xong xuống để trả người chủ quán thì trời đã sẩm tối. Người chủ quán liền hỏi:
- Kẻ ra người vào ồn ào như vậy mà ông cũng đọc được hết cuốn sách à?
Đan-tê ngơ ngác đáp:
- Có người ra vào ồn ào ư? Tôi chỉ thấy người trong sách đi lại nói chuyện với nhau thôi!
(Theo Cuộc sống và sự nghiệp)
Câu 2: Viết vào phiếu đọc sách:
– Tên bài đọc và một số nội dung chính của bài đọc (sự việc, nhân vật, hình ảnh, câu văn em thích).
– Cảm nghĩ của em về một trong những nội dung trên.
Hướng dẫn trả lời:
Em ghi vào phiếu đọc sách
- Tên bài đọc: Một người ham đọc sách.
- Một số nội dung chính của bài đọc:
+ Nhân vật: Đan – tê; người chủ quán bán sách.
+ Sự việc: Đan – tê không có tiền mua sách nên làm quen với một người bán sách để mượn sách mới về đọc. Đan – tê không còn được cho mượn sách về nên ông đứng đọc tại cửa hàng tới khi trời tối mới về.
+ Câu văn em thích: “– Có người ra vào ồn ào ư? Tôi chỉ thấy người trong sách đi lại nói chuyện với nhau thôi.”
- Cảm nghĩ của em: Đan – tê là người ham đọc sách, không màng tới những thứ xung quanh mà chuyên tâm với niềm say mê đọc sách của mình. Em cần thiết phải học tập thói quen đọc sách và rèn luyện sự tập trung như vậy.
VIẾT: LUYỆN TẬP TẢ CÂY CỐI
Dựa vào kết quả quan sát ở Bài 3, tìm ý và lập dàn ý cho bài văn tả một cây hoa (hoặc cây ăn quả, cây bóng mát, cây lương thực, cây cảnh) mà em yêu thích.
Hướng dẫn trả lời:
1. Mở bài:
Giới thiệu đối tượng miêu tả.
Gợi ý: Trong rất nhiều loài hoa, em thích nhất là hoa hồng bởi nó vừa có màu sắc quyến rũ lại vừa có hương thơm ngào ngạt say đắm lòng người.
2. Thân bài:
- Nguồn gốc:
Một người bạn của bố mẹ em trong một lần đến thăm nhà đã gửi tặng một chậu hoa hồng rất đẹp.
Từ đó đến nay, ngày nào em cũng dành thời gian chăm sóc cho nó và cảm thấy rất hạnh phúc khi được nhìn ngắm những bông hoa hồng thắm rực rỡ bung nở trong nắng vàng.
- Miêu tả chi tiết:
Thân cây nhỏ, khẳng khiu màu xanh thẫm.
Khắp thân và các cành có những chiếc gai nhọn nhô lên như một tấm áo bảo vệ cho nàng công chúa Hoa Hồng kiều diễm khoác trên mình bộ váy mềm mại, đằm thắm.
Lá hoa hồng nhỏ với những chiếc răng cưa xung quanh viền, bề mặt lá lại có những đường gân hình xương cá.
Em thích nhất là nhìn ngắm hoa hồng vào buổi sáng. Khi những tia nắng vàng tươi chưa chạy nhảy khắp không gian đánh thức vạn vật, sương long lanh vẫn khẽ đọng trên những cành hoa, kẽ lá, những hạt sương trong veo, lấp lánh đọng trên cánh hoa hồng trông hệt như những hạt cườm mà mẹ thiên nhiên đã khéo dệt lên bộ váy kiêu sa của Hoa Hồng.
Mỗi buổi sáng khi thức dậy, được ngắm nhìn hoa hồng, cảm nhận được hương hoa thơm nhè nhẹ lan tỏa trong không gian, em cảm thấy vô cùng vui sướng và hạnh phúc.
- Cách chăm sóc:
Mỗi ngày em đều chăm chỉ tưới nước cho cây hai lần, lúc sáng sớm và chiều muộn để cây luôn được xanh tốt.
Mẹ đã từng dạy em cách bón phân cho cây, nhờ thế mà cây lớn nhanh hơn hẳn, lá xanh nhiều hơn hẳn, hoa thì cũng chăm bung nở khoe sắc hơn.
Thỉnh thoảng, em cùng mẹ dành thời gian bắt sâu để nó không làm hại đến cây, giúp cây lớn khỏe hơn.
3. Kết bài:
Bày tỏ ngắn gọn tình cảm, cảm xúc dành cho đối tượng:
Em rất yêu cây hoa hồng trồng phía trước nhà em, lúc nào cũng tự nhủ phải chăm sóc cây thật cẩn thận để cây luôn xanh tươi, hoa luôn rực rỡ.
NÓI VÀ NGHE: KỂ CHUYỆN CÔ BÉ HAM ĐỌC SÁCH
Câu 1: Nghe và kể lại câu chuyện
Đoạn 1 Ma-ri ham đọc sách như thế nào?
Đoạn 2 • Vì sao Ma-ri không nghe thấy anh chị gọi?
• Các anh chị đã nghĩ ra trò nghịch ngợm gì?
Đoạn 3 • Vì sao suốt hai giờ, ba chiếc ghế không đổ?
• Khi ghế đổ, thái độ của Ma-ri thế nào?
Đoạn 4 Về sau, Ma-ri trở thành một người như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Đoạn 1: Ma-ri ham đọc sách đến nỗi cứ tan học xong, cô trốn biệt vào một góc phòng khách và say sưa đọc.
Đoạn 2:
• Ma-ri mải đọc sách không nghe thấy anh chị gọi.
• Anh chị đã bày trò, xếp ba chiếc ghế nhỏ thành một hình tam giác bao quanh Ma-ri. Nếu cô cử động thì ba chiếc ghế sẽ đổ.
Đoạn 3:
• Suốt hai giờ, ba chiếc ghế không đổ vì cô bất động chăm chú đọc sách.
• Khi ghế đổ, Ma-ri cười rồi cầm sách sang phòng khác đọc tiếp.
Đoạn 4: Về sau, Ma-ri trở thành nhà bác học Ma-ri Quy-ri nổi tiếng.
Câu 2: Trao đổi về câu chuyện
a) Những chi tiết nào cho thấy Ma-ri Quy-ri từ nhỏ rất ham đọc sách?
b) Theo em, sự ham mê đọc sách đã góp phần vào thành công của nhà bác học Ma ri Quy-ri như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
a) Những chi tiết cho thấy Ma-ri Quy-ri từ nhỏ rất ham đọc sách:
+ Hằng ngày, cứ tan học là cô trốn biệt vào một góc phòng khách, say sưa đọc.
+ Mải mê đọc sách đến mức không nghe thấy anh chị gọi đi chơi.
+ Ham đọc đến mức anh chị bày trò nghịch ngợm với mình mà không biết.
+ Ở yên đọc sách trong suốt 2 tiếng đồng hồ.
+ Khi ghế đổ, chỉ cười rồi lại sang nơi khác đọc sách tiếp.
b) Theo em, sự ham mê đọc sách đã góp phần vào thành công của nhà bác học Ma-ri Quy-ri:
+ Giúp cô có được nhiều kiến thức, hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực.
+ Giúp cô có khả năng tập trung, rèn đức tính chăm chỉ, cẩn thận với chữ nghĩa.