Soạn văn 8 siêu ngắn bài: Chương trình địa phương (phần Văn)

Soạn văn 8 siêu ngắn bài: Chương trình địa phương (phần Văn) - sgk ngữ văn lớp 8 tập 2. Tất cả các câu hỏi trong bài học đều được soạn ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đầy đủ ý.

[toc:ul]

Bài tập 2: Hãy tìm hiểu vài khía cạnh của một trong những vấn đề trên ở quê hương em hoặc nơi em đang sinh sống (thôn, xã, huyện, tỉnh, phường, quận, thị xã, thành phố...)

Trả lời

Vấn đề 1: Rác thải

Rác thải là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Ở thành phố X, nơi tôi đang sống, rác thải là một vấn nạn. Chỉ cần dạo một vòng quanh thành phố, chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên vì lượng rác thải khổng lồ đang tồn tại ở thành phố này. Ta có thể thấy rác thải ở khắp mọi nơi. Rác thải sinh hoạt làm ngập cống, những con mương thoát nước khiến cho chúng biến thành những con mương chết, đen ngòm và bốc mùi hôi thối. Gần như khắp các con đường, buổi sáng sớm sẽ thấy những túi ni long rác đủ màu sắc được đặt lặng lẽ dưới gốc cây, bên vệ đường, dưới chân cột điện, mà cách đấy không xa lắm, chỉ phía bên kia đường là thùng rác công cộng. Những con đường đang xây dựng còn kinh khủng hơn. Những núi rác cao hàng mét, nào là rác thải xây dựng, cành cây khô, giường chiếu, tủ quạt, túi ni lông, chăn ga...đủ cả chễm chệ nằm trên đường, tràn ra gần đến giữa đường cản trở giao thông, cản trở tầm nhìn và chính nó trở thành nguyên nhân của không biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm. Đâu chỉ vậy, đi xa hơn một chút đến những vùng ngoại ô rộng rãi, những tưởng sẽ được hưởng một không khí trong lành, không bụi bặm nhưng không đâu, các bạn lầm rồi, xung quanh đấy chỉ có một mùi thum thủm của đồ ăn đang phân hủy, mùi hôi thối ô hợp của hàng tỉ thứ đồ dùng khác vây lấy bạn. Kinh khủng hơn, bên vệ đường là la liệt những chai, lọ, túi hóa chất không rõ nguồn gốc nằm chỏng chơ, chẳng biết của ai, không rõ để làm gì. Người ta cứ vô tư xả rác, vô tư vứt ra đường, vì đơn giản, đây không phải nhà mình!

Vậy, nguyên nhân gì đã dẫn tới vấn nạn này? Trước hết phải kể tới ý thức của mỗi cá nhân trong thành phố còn quá kém. Họ đang sống một lối sống ích kỷ, coi thường pháp luật, từ những điều nhỏ nhất. Không ai muốn đi xa hơn để vứt rác đúng nơi quy định. Không ai muốn phải trả tiền để những người có khả năng xử lí đống rác thải xây dựng, đống phế liệu thải ra từ nhà họ. Tiếp đó, phần trách nhiệm sẽ phải thuộc về những con người, cơ quan chức năng có thẩm quyền. Họ ở đâu? Họ đã làm gì? Họ đã xử lí những người vi phạm như thế nào? Chính bản thân họ cũng đang loay hoay không biết phải đem rác thải đi đâu, vì thành phố này đã quá chật hẹp. Khi quy hoạch, họ quên mất là dân số sẽ còn tăng, thậm chí tăng nhanh vượt cả những con số trong dự tính của họ.

Làm thế nào để giải quyết được vấn nạn này? Chúng ta cần phải nâng cao ý thức của chính bản thân mình lên trước, hãy sống vì mọi người, sống văn minh hơn, từ những điều nhỏ nhất. Các cơ quan chức năng và những người có thẩm quyền cần thực sự vào cuộc, tìm ra cách giải quyết: xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lí rác thải công nghiệp, xây dựng, yêu cầu người dân phân loại rác có thể tái chế...Nếu cần, thì phải nâng cao mức xử phạt hành chính với những hành vi đổ trộm phế thải ra đường.

Vấn đề 2: Tắc đường

Tắc đường đã và đang là một thực trạng gây nhức nhối với những người ở thành phố Hà Nội, thành phố mà tôi đang sống. Tắc đường diễn ra quen thuộc đến nỗi, người Hà Nội sẽ thấy lạ nếu đường phố bỗng chốc trở nên thông thoáng, rộng rãi. Tắc đường xảy ra nghiêm trọng nhất vào thời điểm sáng hoặc cuối giờ chiều, tức là khoảng từ 7h30 sáng và từ 4h30 chiều trở đi. Đó là thời gian mọi người bắt đầu đi làm và tan tầm trở về nhà. Người ta nói đó là giờ cao điểm. Trên các tuyến đường chính, người và xe tràn ngập, chật cứng. Tiếng còi xe inh ỏi, tiếng máy xe nổ ầm ầm, tiếng người ta chửi bới, la hét, tranh giành vang lên khắp nơi. Người tham gia giao thông chèn ép, lấn làn, chen nhau nhích từng mi li mét trong không khí đặc mùi dầu máy, khói bụi và xăng. Những hàng xe dài nối đuôi nhau chờ đợi. Những chiếc xe máy len lỏi, lạc lách để tìm kiếm “đường máu” trong đống hỗn độn phía trước.

Nguyên nhân của tình trạng tắc đường này là gì? Nguyên nhân đầu tiên là do lượng người đổ về thành phố Hà Nội trong những năm gần đây tăng quá nhanh trong khi diện tích của thành phố vẫn như thế. Điều này đồng nghĩa với việc, không gian sống và sinh hoạt của mọi người sẽ phải thu hẹp lại để đủ chỗ cho tất cả mọi người. Đường rộng trở nên nhỏ hẹp. Các ngã tư trở thành đầu mút của sự tắc nghẽn. Nguyễn nhân thứ hai là do ý thức của người dân còn quá kém. Họ liều mạng chen lấn, đi sang cả làn đường ngược chiều gây nên tình trạng tắc nghẽn cục bộ mà không cần biết mình đang ở đâu, chỉ cần biết tôi cần phải về nhà. Nguyên nhân cuối cùng là do tầm nhìn quy hoạch hạn hẹp. Nhìn khắp cả Hà Nội, ta sẽ thấy toàn nhà cửa, bê tông cốt thép nằm giữa đường lớn, một con đường có tới ba bốn trung tâm thương mại. Mảnh đất ấy lẽ ra chỉ đủ cho một khu nhưng bị chia năm xẻ bảy, cắt ngang cắt dọc, nhồi nhét cho đủ 4 dự án thì thôi. Như thế bảo sao không tắc? Bảo sao không xấu?

Chúng ta có thể giải quyết tình trạng tắc đường bằng cách khuyến khích nhân dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, với điều kiện tiên quyết là nó phải đảm bảo an toàn và thuận tiện đi lại. Thêm nữa, phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và bản thân mỗi người cũng cần tự ý thức được việc làm, hành động của mình.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Bài soạn văn lớp 8 siêu ngắn


Copyright @2024 - Designed by baivan.net