Giải chi tiết Ngữ văn 11 CTST mới bài 1 Chiều xuân

Giải bài 1 Chiều xuân sách ngữ văn chân trời sáng tạo. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

SAU KHI ĐỌC

Câu 1: Bức tranh " chiều xuân" qua ngòi bút của thi sĩ Anh Thơ hiện lên có gì đặc biệt? Hãy chỉ ra một số hình ảnh, chi tiết tiêu biểu làm nên nét riêng của bức tranh đồng quê ấy.

Hướng dẫn trả lời:

Bức tranh “chiều xuân” qua ngòi bút Anh Thơ hiện lên tĩnh lặng, nhẹ nhàng, êm đềm, thơ mộng nưng phảng phất nỗi buồn. Qua từng khổ thơ chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:

- Khổ 1: Bức tranh quê vào mùa xuân tĩnh lặng, êm đềm, thơ mộng, buồn phảng phất dịu dàng tromg cơn mưa xuân dịu êm với các hình cảnh: con đò biếng lười, dòng sông trôi, quán tranh im lìm, hoa xoan tím rụng.

- Khổ 2: Bức tranh sinh động nhẹ nhàng: đàn trâu gặm cỏ, những cánh bướm rập rờn. Đoạn thơ có sự tươi mát, thơ mộng, đầy ảo giác qua sự phát hiện mới mẻ và đầy kì thú của nhà thơ.

- Khổ 3: cảnh êm đềm, nhẹ nhàng. Đặc biệt đoạn thơ có sự xuất hiện của con người làm cho không gian hoạt động hơn, cảnh bớt vắng vẻ. Ở khổ 3 này Anh Thơ đã sử dụng thủ pháp dùng cái động để nói cái tĩnh. Bài thơ có được cái ấm áp của cảnh đời thường: cánh đồng lúa xanh, lũ cò con chốc chốc bay, giật mình cô gái yếm thắm

 

=> Ba khổ thơ khắc họa cảnh chiều xuân nơi đồng quê xứ Bắc đẹp nên thơ, thi vị, phảng phất cái buồn dìu dịu.

Câu 2: Vần và nhịp của bài thơ có tác dụng gì trong việc thể hiện vẻ đẹp đặc trưng của bức tranh chiều xuân ở thôn quê?

Hướng dẫn trả lời:

  • Bài thơ sử dụng vần lưng, gieo vần giãn cách, và Nhịp thơ 3/5 chậm rãi, khoan thai với những hình ảnh quen thuộc trong ca dao và thơ ca cổ điển Việt Nam vẫn là bến nước, con sông, con đò, quán nước nhưng có lẽ không phải bên sông có đông người lên xuống mà là một bến vắng, con đò cũng không phải là con đò nối nhịp cầu hai cảng mà là con đò biếng lười, hờ hững để mặt dòng sông trôi xuôi và quán tranh im lìm, vắng lặng trong một chiều mưa xuân. Anh thơ đã chọn thể thơ 8 chữ, gieo vần giãn cách, mỗi khổ có 4 câu, bài thơ như là một bức tranh quê êm đềm, thư thái như tâm hồn người phụ nữ.

Câu 3: Trong nhịp hối hả của cuộc sống hiện đại, bức tranh quê trong bài thơ đem đến cho bạn suy nghĩ gì?

Hướng dẫn trả lời:

  • Trong nhịp hối hả của cuộc sống hiện đại, bức tranh quê trong bài thơ đem đến cho em suy nghĩ về vẻ đẹp chiều xuân bình dị, đơn sơ mộc mạc của làng quê Bắc Bộ. So với việc sống hối hả, bận rộn thì việc sống cuộc sống giản dị lại là xa xỉ.

PHẦN THAM KHẢO MỞ RỘNG 

 

Câu 1. Em hãy nêu giá trị nội dung, nghệ thuật của bài Chiều xuân

Hướng dẫn trả lời:

Giá trị nội dung

  • Vẻ đẹp chiều xuân bình dị, đơn sơ mộc mạc của làng quê Bắc Bộ.
  • Tình yêu làng quê, đất nước sâu sắc và thiết tha.

Giá trị nghệ thuật

 

  • Từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm, sử dụng nhiều từ láy.
  • Thủ pháp lấy cái động để nói cái tĩnh.

Câu 2. Em hãy nêu nội dung chính của văn bản Chiều xuân

Hướng dẫn trả lời:

  • Ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân xứ Bắc, vẻ đẹp tĩnh lặng của cảnh chiều xuân, không khí và nhịp sống thôn dã trong trẻo, yên bình, gần gũi, qua đó bày tỏ tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả.

Câu 3. Nêu tác giả, tác phẩm, bố cục của văn bản Chiều xuân

Hướng dẫn trả lời:

1. Tác giả

- Tiểu sử:

  • Anh Thơ (1921 – 2005), tên khai sinh là Vương Kiều Ân, bút hiệu Tuyết Anh. .
  • Quê: tỉnh Hải Dương, trong một gia đình viên chức nhỏ, xuất thân Nho học.
  • Nhà thơ chưa học hết bậc tiểu học nhưng chịu khó đọc sách ham văn chương.
  • Sống trong không khí gia đình buồn tẻ nặng nề nề nếp phong kiến, bà tìm đến thơ ca tự giải thoát và khẳng định mình như nhiều thanh niên thời đó.
  • Tháng Tám 1945 hăng hái tham gia cách mạng kháng chiến và xây dựng đất nước bằng thơ ca, là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam

- Sự nghiệp sáng tác

  • Các tác phẩm chính: Bức tranh quê (thơ – 1941), Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ – 1957), Từ bến sông Thương (hồi kí – 1986),…
  • Thơ thiên về tả cảnh bình dị quen thuộc: bờ tre, con đò, bến sống, với những nét vẽ chân thực, tinh tế thấm đượm một chút tình quê đằm thắm pha chút bâng khuâng buồn của thơ mới.

2. Tác phẩm

- Xuất xứ: Được rút từ tập Bức tranh quê, tập thơ đầu tay của Anh Thơ in năm 1941.

- Thể thơ: Thơ tám chữ.

- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm.

- Bố cục: 3 phần

  • Khổ 1: Bức tranh chiều xuân trên bên vắng.
  • Khổ 2: Bức tranh chiều xuân trên đường đê.
  • Khổ 3: Bức tranh chiều xuân trên cánh đồng.

Câu 4. Phân tích tác phẩm Chiều xuân.

Hướng dẫn trả lời:

Anh Thơ là một nữ thi sĩ nổi tiếng của văn học Việt Nam, bà để lại cho đời nhiều tác phẩm hay và có giá trị, có thể kể tới Theo cánh chim câu, Đảo ngọc hay Hương Xuân,.... Thơ bà mang thương nhớ cho người thưởng thức bởi sự nhẹ nhàng, sâu lắng và đậm dư vị của tình quê.

Đến với thơ Anh Thơ, ta bất chợt lắng lòng mình lại để cảm nhận vẻ đẹp của vạn vật, của quê hương từ những điều dung dị, đời thường. Bài thơ "Chiều xuân" trích trong tập thơ "Bức tranh quê" là một thi phẩm đầy yên bình và dịu ngọt vị quê nhà như thế:

"Mưa bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi"

Một chiều mùa xuân có chút gì đó đượm buồn, vẫn bình lặng yên ả thế thôi nhưng bầu không khí có phần thiếu tươi vui như bao mùa xuân trong thơ Xuân Diệu hay Nguyễn Bính. Làn mưa bụi bay bay "êm êm" trong cơn gió nhẹ, mưa cũng thân thương mà đầy dịu dàng, không quá nặng hạt cũng chẳng phải mang giông tố, mưa mơ màng êm ả đi qua bến vắng của dòng sông.

Và có lẽ mưa cũng đang dừng chân nơi bến đỗ để ngắm dòng sông thơ, nơi có con đò nằm "im lìm" lặng lẽ, sau một ngày dài làm việc, con đò dường như cũng mệt mỏi, đành cho phép bản thân "biếng lười" đôi chút, thả mình dưới dòng nước mênh mang, mặc kệ sông kia có bồng bềnh sóng nhỏ. Không gian có trời, có sông, cao rộng mà phảng phất buồn bởi chút trống trải, yên tĩnh lạ thường.

"Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"

Cảnh vật xa xa dần lại gần hơn, quán tranh những ngày sớm mai vốn đông vui thì khi ngày gần tàn lại đầy im ắng, tịch liêu, quán tranh đang "im lìm trong vắng lặng" gợi sự cô đơn, lặng lẽ, hiu hắt buồn. Đó phải chăng còn là hình ảnh người thi sĩ đang một mình thưởng thức cảnh quê hương giữa khung cảnh mênh mang.

Cánh hoa xoan tím rụng "tơi bời" theo làn gió xuân nhẹ nhàng, sắc tím nhạt màu của cánh hoa càng làm tăng thêm vẻ hoang hoải nơi cảnh vật. Chiều cuối ngày, thiên nhiên phải chăng đã mệt mỏi, muốn ngơi nghỉ, mà không còn rộn ràng, háo hức, sức sống tươi vui như những buổi sớm bình minh hay khi ngày trưa sống động.

Bức tranh xuân qua bốn câu thơ đầu có buồn nhưng không phải là cái buồn của bi lụy, hoang tàn mà là nét buồn lãng mạn, nên thơ, nét buồn thấm vào mưa, vào con đò, vào mái tranh hay cánh hoa đều mang cả sự mơ màng, thương mến.

"Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa"

Làng quê Việt Nam tự bao đời gắn với cánh đồng mênh mông rộng lớn, những triền đê xanh mát mỗi chiều về. Triền đê bước vào thơ Anh Thơ cũng đẹp đẽ đến nao lòng, những áng cỏ non " biếc" như đang thi nhau vươn mình đón nắng, mọc tràn cả bờ đê xanh mát, tươi non mơn mởn.

Đàn sáo đen cũng bị hấp dẫn bởi vẻ tươi non mà hạ cánh mình xuống mổ vu vơ. Sáo đen đang đi tìm mồi, đang kiếm ăn, đang lao động đấy thôi mà sao nghe nhẹ nhàng đến thế, chúng tựa như những đứa bé đang nghịch ngợm những ngọn cỏ non xanh dưới chân mình, vui vẻ kiếm tìm những con mồi nhỏ bé. Cảnh tượng thật bình yên và khoáng đạt biết bao!

Những chú bướm dang đôi cánh của mình bay "rập rờn" giữa khoảng trời yên bình, trong từng cơn gió thổi. Những đôi cánh mỏng manh ấy lượn lờ chào nghiêng thật mềm mại và duyên dáng.

Nơi triền đê là những chú trâu, chú bò "thong thả cúi ăn mưa", cuối chiều, khi những hạt mưa êm êm buông mình xuống mặt cỏ, trên những cây cỏ còn đọng lại những giọt mưa, trâu bò ăn cỏ mà tựa như đang thưởng thức những hạt mưa tinh túy của đất trời. Sự lắng đọng của cảnh trước được thay thế dần bằng những hoạt động của vật, bởi thế mà cảnh cũng tình hơn.

"Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa."

Đồng lúa quê hương xanh rờn được đắm mình trong những cơn mưa xuân, lúa lặng lẽ tận hưởng vị mát dịu của những hạt mưa trong lành mà ông trời ban tặng, ướt đẫm trên lá. Những cánh cò trắng trốn mình nơi những vạt lúa xanh, "chốc chốc" bay ra tận hưởng khí trời xuân tuyệt diệu.

Đẹp nhất là hình ảnh những người lao động thôn quê, cần mẫn cúi cuốc cào, chắc có lẽ "cô nàng yếm thắm" ấy đang tập trung với công việc của mình mà chợt cò bay ngang qua khiến nàng không khỏi giật mình. Thửa "ruộng sắp ra hoa" phải chăng chính là những thành quả lao động mà còn người sẽ nhận được sau những ngày vất vả cuốc cày chăm bón.

 

Còn điều gì đẹp hơn khi một bức tranh có cảnh, có người. Một bức tranh nghệ thuật chiều xuân đầy hài hoà và xinh đẹp của quê hương đất Việt, biểu tượng của hồn quê hương, hồn dân tộc. "Chiều xuân" của Anh Thơ là một bản nhạc đầy thương yêu và tự hào dành cho quê hương mà thi sĩ gửi đến cho chúng ta, bồi đắp và nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người những tình cảm đẹp đẽ cho cảnh vật bình dị của làng quê Việt.

Tìm kiếm google: Giải ngữ văn 11 bài 1, giải ngữ văn 11 sách chân trời sáng tạo bài 1, Giải bài 1 Chiều xuân, bài 1 Chiều xuân

Xem thêm các môn học

Soạn bài văn 11 CTST mới

NGỮ VĂN 11 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO TẬP 1

BÀI 1: THÔNG ĐIỆP TỪ THIÊN NHIÊN (TÙY BÚT, TẢN VĂN)

BÀI 2: HÀNH TRANG VÀO TƯƠNG LAI (VĂN BẢN NGHỊ LUẬN)

BÀI 3: KHÁT KHAO ĐOÀN TỤ (TRUYỆN THƠ)

BÀI 4: NÉT ĐẸP VĂN HÓA VÀ CẢNH QUAN (VĂN BẢN THÔNG TIN)

BÀI 5: BĂN KHOĂN TÌM LẼ SỐNG (BI KỊCH)

NGỮ VĂN 11 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO TẬP 2

BÀI 6: SỐNG VỚI BIỂN RỪNG BAO LA (TRUYỆN NGẮN)

BÀI 7: NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY (TRUYỆN THƠ NÔM VÀ NGUYỄN DU)

BÀI 8: CÁI TÔI - THẾ GIỚI ĐỘC ĐÁO (THƠ)

BÀI 9: NHỮNG CHÂN TRỜI KÍ ỨC (TRUYỆN - TRUYỆN KÍ)


Copyright @2024 - Designed by baivan.net