Giải Lịch sử 8 sách VNEN bài 19: Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1918

Giải chi tiết, cụ thể lịch sử 8 VNEN bài 19: Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1918. Tất cả bài tập được trình bày cẩn thận, chi tiết. Mời các em cùng tham khảo để học tốt môn học này.

A. Hoạt động khởi động

Quan sát các hình ảnh và cho biết hình ảnh đó liên quan đến sự kiện lịch sử nào. Nêu những hiểu biết của em về sự kiện lịch sử đó.

(ảnh trang 28 sgk)

Trả lời:

* Hình 1: Cụ Phan Bội Châu người đứng đầu lập ra Hội Duy Tân

   Hội Duy Tân là tên gọi một cuộc vận động cải cách ở miền Trung Việt Nam, do Phan Châu Trinh (1872 - 1926) phát động năm 1906 cho đến năm 1908 thì kết thúc sau khi bị thực dân Pháp đàn áp.

   Phong trào Duy Tân chủ trương bất bạo động, khôi phục đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, trong đó có kinh tế, giáo dục và văn hoá, với các hoạt động thực tiễn như là mở mang kinh tế, lập các nhà buôn lớn để tự lực, mở trường dạy học hiện đại: dạy quốc ngữ, bỏ lối học khoa bảng từ chương, thêm khoa học và ngoại ngữ cũng như hướng đến nền chính trị dân chủ.

* Hình 2: Bến cảng nhà Rồng là nơi người Thanh Niên ra đi tìm đường cứu nước

   Bến Nhà Rồng là địa danh đánh dấu sự kiện ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này được biết với tên gọi Hồ Chí Minh) đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp để có điều kiện sang châu Âu, mở đầu hành trình cách mạng của mình. Do đó, từ 1975, cụm di tích kiến trúc của thương cảng Nhà Rồng đã được Nhà nước Việt Nam xây dựng lại thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh, và ngày 5 tháng 6 được chọn là Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ở Việt Nam.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Tìm hiểu phong trào Đông Du (1905 - 1909)

Đọc thông tin, hãy:

- Cho biết dựa vào đâu Hội Duy Tân chủ trương bạo động vũ trang để dành độc lập. Nêu mục đích của hội. Em có suy nghĩ gì về chủ trương này.

- Trình bày nét chính về phong trào Đông Du

Trả lời:

Một số nhà yêu nước đón nhận con đường cứu nước dân chủ tư sản, một số người (trong đó có Phan Bội Châu) muốn dựa vào Nhật Bản. Bởi Nhật Bản là nước có cùng màu da, nền văn hoá, lại đi theo con đương tư bản Châu Âu, đã giàu lên mạnh mẽ và đánh thắng Nga nên có thể nhờ cậy.

=> Lập ra Hội Duy Tân (1904) do Phan Bội Châu đứng đầu.

+ Mục đích của Hội là lập ra một nước Việt Nam độc lập.

* Suy nghĩ của em về chủ trương này: Khi thực hiện chủ trương này, các nhà yêu nước đã nghĩ rằng Nhật Bản là nước có nhiều nét tương đồng với nước ta. Tuy nhiên, họ lại quên nghĩ rằng Nhật Bản là một nước đế quốc, về bản chất chẳng khác gì đế quốc Pháp, vì thế nếu ta dựa vào Nhật thì đó là một chủ trương sai lầm.

2. Tìm hiểu hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục (1907)

Đọc thông tin, hãy:

- Nêu những hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục.

- Cho biết ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục đến phong trào yêu nước chống Pháp ở nước ta

Trả lời:

* Những hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục là:

+ Tháng 3 - 1907, Lương Vãn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Vũ Hoành,… mở một trường học tại Hà Nội, lấy tên là Đông Kinh nghĩa thục.

+ Trường dạy các môn Địa lí, Lịch sử, Khoa học thường thức, tổ chức các buổi diễn thuyết, bình văn, xuất bản sách báo nhằm tuyên truyền tinh thần yêu nước, truyền bá nội dung học tập và nếp sống mới.

+ Phạm vi hoạt động: Lúc đầu ở nội thành Hà Nội, sau đó mở rộng ra Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh. Hims Yên, Hải Dương, Thái Bình,...

+ Lo ngại trước hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục, tháng 11 - 1907, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa trường, bắt giam Lương Văn Can, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành,…

*Ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục đến phong trào yêu nước chống Pháp ở nước ta:

+  Phong trào Đông Kinh nghĩa thục đã trực tiếp nâng cao tinh thần yêu nước của nhân dân, truyền bá một nền tư tưởng, học thuật mới, một nếp sống mới, tiến bộ. Tố cáo tội ác của thực dân Pháp, thức tỉnh đồng bào.

+ Phong trào cũng góp một phần vào phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, hỗ trợ phong trào Đông du, cuộc vận động Duy tân.

3. Tìm hiểu cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống Thuế ở Trung Kì (1908)

Đọc thông tin, hãy trình bày những nét chính cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống Thuế ở Trung Kì (1908)

Trả lời:

* Cuộc vận động Duy tân:

+ Địa bàn hoạt động: Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định

+ Người lãnh đạo:  Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng...

+ Hoạt động chính:  Mở trường dạy học theo lối mới, hô hào chấn hưng thực nghiệp, phổ biến cái mới, vận động và làm theo cái mới, cái tiến bộ.

* Phong trào chống thuế ở Trung Kì( 1908)

+ Nguyên nhân: Do chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, nông dân vô cùng khốn khổ về các thứ thuế và ảnh hưởng của cuộc vận động Duy tân.

+ Diễn biến: Phong trào nổ ra rầm rộ ở Quảng Nam sau đó lan ra Quảng Ngãi và mố số tỉnh Trung Kì.

+ Kết quả: Phong trào đã bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, Phan Châu Trinh bị bắt và đảy ra Côn Đảo.

4. Khám phá chính sách của thực dân Pháp ở Đông Dương trong thời chiến

Đọc thông tin, hãy nêu những thay đổi trong các chính sách về kinh tế, xã hội của Pháp ở Việt Nam trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất và giải thích vì sao có sự thay đổi đó.

Trả lời:

* Những thay đổi trong các chính sách về kinh tế, xã hội của Pháp ở Việt Nam trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất:

- Về kinh tế: Bắt nông dân Việt Nam phải chuyển sang trồng cây công nghiệp phục vụ chiến tranh như thầu dầu, đậu, lạc... thu hẹp diện tích trồng lúa

- Về xã hội: 

+ Bắt nông dân đi lính 

+ Bắt nhân dân mua công trái để chi phí cho chiến tranh

+ Sở dĩ có sự thay đổi đó là vì cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhằm phục vụ cho chiến tranh, thực dân Pháp đã ra sức vơ vét sức người, sức của ở Việt Nam khiến cho mâu thuẫn giai cấp và dân tộc thêm sâu sắc.

5. Tìm hiểu những hoạt động của Nguyễn Tất Thành sau khi ra đi tìm đường cứu nước.

Đọc thông tin kết hợp quan sát hình ảnh, hãy:

- Giải thích vì sao Nguyễn Tất Thành quyết định đi tìm con đường cứu nước.

- Trình bày trên lược đồ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành

- Cho biết hướng đi của Nguyễn Tất Thành có gì mới só với những nhà yêu nước chống Pháp trước đó

Trả lời:

* Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vì:

+ Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước nhà rơi vào tay thực dân Pháp, nên ông đã ý thức được lòng yêu nước từ khi còn bé.

+ Sau khi bị thực dân Pháp xâm lược, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh nổ ra và liên tiếp nhưng đều thất bại.

+ Nguyễn Tất Thành khâm phục các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh nhưng không tán thành với đường lối hoạt động của họ.

=>Giữa năm 1911, tại cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước trên tàu Đô Đốc La-tu-sơ Tơ –rê-vin.

* Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành:

+ Giữa năm 1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ở bến Nhà Rồng

+ Trong 6 năm làm việc trên tàu Đô Đốc La-tu-sơ Tơ –rê-vin, Người đã được đi qua nhiều nước ở Châu Phi, châu Mĩ, châu Âu.

+ Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở về Pháp để làm việc, học tập và rèn luyện tìm con đường cứu nước.

* Hướng đi của người có những điểm mới so với những nhà yêu nước chống Pháp trước đó là:

+ Người chọn cho mình con đường sang phương Tây, sang chính đất nước đang kìm hãm, đô hộ đất nước mình, nơi có nền kinh tế, khoa học - kĩ thuật phát triển, nơi có tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”

+ Đó là một con đường đúng đắn, sáng suốt. Nó không mang tính chủ quan hay cải lương mà nó mang tính chất thời đại, chỉ có đi sâu vào tìm hiểu chính kẻ thù của mình để tìm ra điểm yếu, đúng sai, tìm ra bản chất thì mới nhận diện kẻ thù một cách chính xác nhất.

+ Và ở đây, Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác Lê nin và cuộc cách mạng tháng Mười Nga, từ đó tìm ra con đường cứu nước - con đường cách mạng vô sản

C. Hoạt động luyện tập

Câu 1. Lập bảng thống kê các phong trào yêu nước chủ yếu đầu thế kỉ XX theo yêu cầu dưới đây:

Phong tràoMục đíchHình thức và nội dung hoạt động chủ yếu
   
   

Trả lời:

Phong trào

Mục đích

Hình thức và nội dung hoạt động chủ yếu

Phong trào Đông du (1905-1909)

Giành độc lập dân tộc, xây dựng xã hội tiến bộ

Bạo động vũ trang để giành độc lập. Cầu viện Nhật Bản

Đông Kinh nghĩa thục (1907)

Giành độc lập, xây dựng xã hội tiến bộ

Truyền bá tư tưởng mới, vận động chấn hưng đất nước

Cuộc vận động Duy Tân ở Trung Kì (1908)

Nâng cao ý thức tự cường để đi đến giành độc lập

Mở trường, diễn thuyết, tuyên truyền, đả phá phong tục lạc hậu, bỏ cái cũ, học theo cái mới, cổ động mở mang công thương nghiệp

Phong trào chống thuế ở Trung Kì (1908)

Chống đi phu, chống sưu thuế

Từ đấu tranh hòa bình, phong trào dần thiên về xu hướng bạo động

Câu 2. Nêu một số điểm giống nhau và khác nhau giữa các phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX với phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX (mục đích, lực lượng tham gia, hình thức đấu tranh)

Trả lời:

* Giống nhau: Đều là những phong trào yêu nước , chống Pháp để dành lại độc lập cho dân tộc với sự tham gia của đông đảo tầng lớp trong xã hội.

* Khác nhau:

Các nội dung chủ yếu

Phong trào yêu nước cuối thế kỉ XIX

Phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX

Mục đích

Đánh Pháp, giành độc lập dân tộc, xây dựng lại chế độ phong kiến

Đánh Pháp, giành độc lập dân tộc, kết hợp với cải cách xã hội, xây dựng chế độ quân chủ lập hiến và cộng hòa tư sản

Thành phần lãnh đạo

Văn thân, sĩ phu phong kiến yêu nước

Tầng lớp Nho học trẻ đang trên con đường tư sản hóa

Hình thức hoạt động

Vũ trang

Vũ trang, tuyên truyền giáo dục, vận động cải cách xã hội, kết hợp lực lượng bên trong và bên ngoài

Tổ chức

Theo lề lồi phong kiến

Biến đấu tranh giai cấp thành tổ chức chính trị sơ khai

Lực lượng tham gia

Đông nhưng hạn chế

Nhiều tầng lớp, giai cấp, thành phần xã hội

Câu 3. Trình bày đặc điểm nổi bật của phong trào yêu nước trong những năm 1914 – 1918

Trả lời:

* Đặc điểm nổi bật của phong trào yêu nước trong những năm 1914 - 1918:

+ Chủ trương đường lối: từ phạm trù phong kiến chuyển sang phạm trù tư sản (ở mức độ khuynh hướng).

+ Lực lượng tham gia: gồm đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vai trò của binh lính người Việt trong quân đội Pháp.

+ Hình thức hoạt động: Khởi nghĩa vũ trang, duy tân cải cách.

+ Địa bàn: diễn ra lẻ tẻ từ Bắc đến Nam.

+ Kết quả: đều lần lượt bị thất bại.

D-E. Hoạt động vận dụng - Tìm tòi mở rộng

Câu 1. Chủ trương đưa thanh niên sang Nhật Bản học tập, đào tạo cán bộ trong phong trào Đông Du để lại bài học gì cho việc đưa học sinh, cán bộ đi học tập ở nước ngoài hiện nay?

Trả lời:

Ngày nay, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Do đó, chính sách đưa học sinh, cán bộ đi học tập nước ngoài rất được chú trọng. Đó là chính sách để chúng ta học hỏi thêm những tiên tiến, công nghệ mới từ bên ngoài để về áp dụng phát triển đất nước.

Câu 2. Sưu tầm các tài liệu (bài viết, tranh ảnh...) về cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất thành

Trả lời:

     Năm 1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Người ở tạm tại trụ sở chi nhánh của công ty Liên Thành đặt tại Sài Gòn. Lần đầu tiên vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy cảnh ăn chơi xa hoa dành riêng cho người Pháp, còn người dân Việt Nam thì đa số vẫn lam lũ, làm đủ nghề nặng nhọc, kéo xe, bốc vác,…Người đi vào xóm thợ, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ học nghề ở Trường đào tạo thợ máy Á Đông ở Sài Gòn, Người cũng đến làm quen với các chủ hiệu giặt ủi ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên nhận giặt quần áo cho các thủy thủ trên tàu của Pháp để xin việc làm trên tàu, Người đang tìm cách thực hiện những chuyến đi xa.

     Năm 1911, bến cảng Sài Gòn đã có nhiều tàu biển của nước ngoài ra vào, có tàu của Pháp, Anh, Na Uy, Nhật, Đức…Chiếc tàu lớn của hãng Sácgiơ Rêuyni đậu gần cột cờ Thủ Ngữ, nỗi lên dòng chữ Amiran Latusơ Tơvêvin. Tàu này cập bến Sài Gòn ngày 17 – 5 – 1911, ngày 21 – 5 rời cảng Sài Gòn đi Hải Phòng đến ngày 2 – 6 – 1911 tàu trở lại Sài Gòn. Ngày 3 – 6 – 1911, một thủy thủ của tàu dẫn Nguyễn Tất Thành với tên mới là Văn Ba lên tàu gặp thuyền trưởng Maixen và được nhận vào làm phụ bếp trên tàu. Ngày 5 – 6 – 1911, tàu Amiran Latusơ Tơvêvin rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây mang theo một người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn là tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc lên đường sang Pháp.

     Năm 1912, Nguyễn Tất Thành rời Pháp đi vòng Châu Phi trên một chuyến tàu chở hàng. Mỗi lần tàu dừng chân lại bến cảng các nước, Người tranh thủ lên thăm thành phố cảng để ngắm nhìn phong cảnh và xem xét cuộc sống của người dân ở đó. Một lần tàu ghé Đeca (Dakar) thủ đô nước Xênêgan (Sénégal) ở phía tây Châu Phi, vào lúc đó sóng biển dữ dội, tàu vật lộn mãi với sóng gió vẫn không vào được bờ và cũng không thể thả ca nô xuống được. Bọn chủ tàu đứng trên bờ bắt người da đen bản xứ thay nhau nhảy xuống biển, bơi ra để liên lạc với tàu. Họ đã bị sóng biển cuốn trôi một cách tàn nhẫn. Nguyễn Tất Thành rất xúc động và khóc trước cách đối xử dã man của bọn thực dân da trắng đối với người dân thuộc địa. Nguyễn Tất Thành tiếp tục đi Máctiních (Martinique) (Trung Mỹ), Urugoay và Áchentina (Nam Mỹ), và dừng chân lại ở Mỹ vào cuối năm 1912. Tại đây, Nguyễn Tất Thành có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ, đọc bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của nước Mỹ.

     Khoảng giữa năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo con tàu rời Mỹ trở về Lơhavơ đi Anh. Những năm tháng sống ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích lũy được thêm những hiểu biết về chế độ chính trị của xã hội tư sản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa của một nước tư bản sớm phát triển, nhất là trang bị cho mình một kiến thức khá vững vàng về tiếng Anh – một công cụ quan trọng trong giao tiếp và đấu tranh chính trị. Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại nước Pháp và cư trú ở Paris, Nguyễn Tất Thành tham gia hoạt động trong phong trào công nhân và tham gia Đảng xã hội.

     Khi tham gia vào Đảng xã hội Nguyễn Tất Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã viết “Bản yêu sách 8 điểm” của nhân dân An Nam gửi nghị viện Pháp và các đoàn đại biểu dự Hội nghị Vécxây yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

     Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin về chế độ xã hội chủ nghĩa. Tại đây, Người tham gia Đại hội thứ I Quốc tế nông dân và được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân và được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thanh lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, đồng thởi mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Ngày 3/2/1930 tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.

     Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941 Nguyễn Ái Quốc về nước và chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn), một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Tường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), sát biên giới Việt – Trung làm nơi đứng chân đầu tiên xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ ngày 8 – 2 – 1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại hang này.

Tìm kiếm google:

Xem thêm các môn học

Giải VNEN lịch sử 8


Đia chỉ: Tòa nhà TH Office, 90 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại hỗ trợ: Fidutech - click vào đây
Chúng tôi trên Yotube
Cùng hệ thống: baivan.net - Kenhgiaovien.com - tech12h.com